Pages

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Kiểm duyệt Trung Quốc đau đầu vì một bức ảnh của 'đệ nhất phu nhân'


Ảnh chụp trang web China Digital Times (Hoa Kỳ) ngày
30/03/2013 có ảnh phu nhân Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình vào năm 1989. Bức ảnh này đã bị
 kiểm duyệt Trung Quốc tìm xóa.   
DR
Trọng Nghĩa
Chuyện khó tin nhưng có thật : Vào lúc dư luận Trung Quốc đang hân hoan trước sự kiện bà Bành Lệ Viên, phu nhân chủ tịch Tập Cận Bình nổi lên thành một nhân vật được quốc tế khen ngợi là « khả ái », guồng máy kiểm duyệt nước này trong những ngày qua đã nỗ lực tìm cách xóa bỏ một bức hình của bà thời trẻ. Lý do rất đơn giản : Bức hình này được chụp lúc bà Bành Lệ Viên đang hát cho đơn vị quân đội vừa thực hiện xong chiến dịch đàn áp đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Một bản tin của hãng tin Mỹ AP, đánh đi từ Bắc Kinh vào hôm qua, 30/03/2013 đã xác nhận rằng, chỉ ít lâu sau khi được công bố trên mạng Vi bác (tức là mạng Twitter Trung Quốc), bức ảnh đó đã lập tức bị các cán bộ kiểm duyệt truy lùng và xóa bỏ trên mạng internet tại Trung Quốc, trước khi bức ảnh tạo ra những cuộc tranh luận. Tài khoản của người tung ra bức ảnh đã bị đóng ngay lập tức.
Trên bức ảnh, được lưu truyền trên mạng ngoài lãnh thổ Trung Quốc, người ta thấy đệ nhất phu nhân Trung Quốc khi ấy còn trẻ, trong bộ quân phục màu xanh, tóc được buộc lại kiểu đuôi ngựa, đứng hát trước các bộ đội đầu đội mũ sắt, tay mang súng trường, ngồi thành hàng dài ngay trên quảng trường Thiên An Môn.
Theo báo mạng China Digital Times, trụ sở ở Hoa Kỳ, khi tung ra bức ảnh này, nhân vật tên @HKfighter ghi chú như sau : « Sau vụ thảm sát Thiên An Môn, Bành Lệ Viên hát để động viên những người lính. Tạp chí Open Magazine đã công bố bức ảnh này. ».
Theo một phóng viên Trung Quốc, bức ảnh đó có thật, chụp từ bìa sau của một tạp chí quân đội được phát hành năm 1989. Nhà báo này công nhận rằng cách đây vài năm, ông đã từng dùng điện thoại di động chụp lại bức ảnh khi nó được công bố một cách ngẫu nhiên trên tiểu blog của ông. Tuy nhiên sau đó ông đã xóa bức ảnh đi, không ngờ rằng nó lại tái xuất giang hồ vào lúc này.
Warren Sun, một chuyên gia về lịch sử quân sự tại Đại học Úc Monash đã không chút nghi ngờ về tính xác thực của bức ảnh. Trích dẫn một báo cáo khoa học năm 1992, ông cho biết là sau vụ đàn áp Thiên An Môn, Bành Lệ Viên đã trình diễn một bài hát để chào mừng những người lính được đưa về Bắc Kinh để thực hiện thiết quân luật.
Bình thường ra bức ảnh này không có gì đáng nói. Tuy nhiên, nhân chuyến công du nước ngoài đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, guồng máy tuyên truyền của chế độ Bắc Kinh đã tung toàn lực xây dựng cho tân lãnh đạo của họ một hình ảnh mới, mà con chủ bài chính là bà Bành Lệ Viên, được nêu bật thành một đệ nhất phu nhân khả ái, có cá tính, biết chưng diện, trái hẳn với hình ảnh thông thường của phu nhân các lãnh đạo trước đây, ăn mặc xuề xòa và luôn luôn núp bóng phu quân.
Bức ảnh bà Bành Lệ Viên tại Thiên An Môn do vậy đã bị kiểm duyệt thẳng tay vì trái ngược hẳn với hình ảnh về bà mà Bắc Kinh bắt đầu xây dựng thành công trong suốt vòng công du Nga và châu Phi của nhân vật số một Trung Quốc, thành công đến mức mà có nhà báo đã không ngần ngại đặt đệ nhất phu nhân Trung Quốc ngang hàng với Michele Obama tại Mỹ, hay Carla Bruni Sakorzy tại Pháp.
Theo các nhà phân tích, hình ảnh của bà Bành Lệ Viên trên quảng trường Thiên An Môn đã làm sống lại ký ức về một tầng lớp lãnh đạo sẵn sàng đàn áp đẫm máu phong trào đòi tự do và dân chủ, như vào năm 1989 ngay tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh, điều mà chế độ hiện không muốn nhắc lại.
Một chuyên gia chính trị học tại trường đại học Hồng Kông, tuy nhiên cho rằng bức ảnh này chỉ gây ra nhiều ảnh hưởng ở ngoài nước hơn là trong nước.
Lý do là vì rất nhiều thanh niên Trung Quốc ngày nay không hề biết là trong hai ngày 03-04/06/1989, quân đội của họ đã tàn sát những người đòi dân chủ tại Thiên An Môn, sát hại hàng trăm, thậm chí có thể là hàng ngàn người.
Một số người khác biết chuyện thì có thể nghĩ rằng lúc ấy, trong tư cách là văn công quân đội, bà Bành Lệ Viên không thể làm gì khác hơn là tuân lệnh.

Không có nhận xét nào: