Đào Tuấn - Có vẻ ngày 15-4 tới đây, bên cạnh những người không đội mũ bảo hiểm, những người đội mũ, nhưng không “đạt chuẩn” cũng sẽ bị đè nghiến ra phạt.
Đây là lời khẳng định của một quan chức ngành giao thông, bất chấp thông tư liên tịch liên quan đến chuyện cái mũ bị dư luận phản ứng dữ dội từ tháng 3 năm ngoái.
Báo chí, dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nêu 3 con số: 90% người dân hiện đang đội mũ bảo hiểm. Nhưng số đội mũ “đạt chuẩn” chỉ 20%. Tất nhiên, ông Hiệp không quên nêu ra lý do có vẻ “vì dân”: Trong số các ca tai nạn do chấn thương sọ não thì có đến 80% là do dùng mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Nhưng chính những người đội mũ, và đang đứng trước nguy cơ phạt, lại nhìn nhận những con số theo một cách thức logic hơn: 90% người dân đang đội mũ bảo hiểm cho thấy một điều hiển nhiên: Thị trường mũ đã bão hòa, mà cái mũ bảo hiểm là loại có thể dùng nhiều năm chứ không phải là thứ có thể tan trong mưa, trong khi các DN vẫn có nhu cầu sản xuất. 80% số mũ “không đạt chuẩn” nếu xóa bỏ, sẽ giải quyết cả triệu chiếc mũ đang tồn trong những cái kho nào đó, của một ai đó.
Không có cách gì bán mũ tốt hơn là loại bỏ “hàng rởm” ra khỏi thị trường. Và không có cách loại bỏ nào tốt hơn là đè dân ra phạt.
Ba hôm trước, dư luận lên cơn “thèm chửi bậy” khi Hiệp hội bất động sản TP HCM (Horea) kiến nghị: Đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng. Chủ tịch Horea Lê Hoàng Châu đã kịp “đếm cua” rằng: Ước tính mỗi năm trung bình 2,5 triệu ngàn tỷ đồng gửi tiết kiệm. Nếu tính trung bình với lãi suất 10%/năm thì tiền lãi thu được ước khoảng 250.000 tỉ đồng. Nếu trước đây lãi tiền gửi ở mức 19%/năm thì con số đó có lên gần 500.000 tỉ đồng/năm. Ông thậm chí còn khẳng định “Nếu như vậy chúng ta không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là vô lý”.
Ông Lê Hoàng Châu thậm chí không thèm che dấu khi thẳng toẹt “Mục đích của đề xuất, cuối cùng là để chuyển dòng tiền này đi vào sản xuất, kinh doanh, giúp nền kinh tế đang sa sút được phục hồi”.
Trong tư duy quản lý, phạt bao giờ cũng là dễ nhất, là phương pháp ít phải động não nhất.
Và trong khi bí nguồn tiền, dân gian gọi là “bí cháo”, thì cái cách phổ biến nhất là người ta nhòm ngó sang nồi cháo, sang ví tiền người dân.
Chỉ có điều phạt gì thì phạt, chuẩn gì thì chuẩn, cũng không thể phạt với một quy định không đạt chuẩn bị nhân dân la ó, phản ứng quyết liệt, trước những chiếc tem CR mà ngay cả những chuyên gia khoa học hình sự hay một cán bộ quản lý thị trường thâm niên cũng không thể phân biệt được bằng mắt thường. Và lý gì thì lý, nhòm ngó gì thì nhòm ngó, không thể có chuyện đánh thuế lên mồ hôi nước mắt, lên “nồi cháo” của dân, để có tiền cứu nồi cơm một nhóm lợi ích nào đó, các DN bất động sản TP HCM đang “bắt chuồn chuồn” chẳng hạn.
Có lẽ, ông Chủ tịch Horea cần một chiếc tem kiểm định để những đề xuất nhân danh nhân dân được chính người dân kiểm định. Còn những người nghĩ ra cái quy định phạt mũ không “đạt chuẩn”, rất nên kiếm một cái mũ để ổn định lại thứ bên trong cái đội mũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét