Chính quyền địa phương của Trung Quốc tuyên bố sẽ 'không chậm trễ dù một ngày' trong việc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố Tam Sa.
Tân Hoa xã ngày 6/3 dẫn lời ông Tiêu Kiệt, thị trưởng thành phố Tam Sa, nói chính quyền địa phương tại đây sẽ "làm tốt hơn việc bảo vệ chủ quyền quốc gia".
'Toàn vẹn lãnh thổ'Cam kết của ông Tiêu được đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì vào cùng ngày 6/3 cho rằng quyết định của chính phủ nước này trong việc thiết lập thành phố Tam Sa vào năm ngoái là một hành động quan trọng trong bối cảnh tình hình trong nước và nước ngoài.
"Cùng với cả nước, người dân tỉnh Hải Nam đã và đang đóng góp cho công cuộc gìn giữ an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia," Tân Hoa xã dẫn lời ông Dương.
"Tôi tin rằng việc thiết lập thành phố Nam Sa sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh Hải Nam."
Ông Tiêu Kiệt cho biết các nhóm chuyên gia đã được tổ chức, quy định và các điều luật địa phương cũng đã được thông qua nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng thành phố này.
Trụ sở Tam Sa ở trên đảo Vĩnh Hưng, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa mà phía Việt Nam nói thuộc sở hữu của họ với tên gọi Phú Lâm.
‘Thành phố Tam Sa’ được Quốc vụ viện Trung Quốc chính thức thành lập vào ngày 24/7 năm ngoái trên đảo Vĩnh Hưng/Phú Lâm để cai quản toàn bộ các quần đảo và vùng biển có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng trên Biển Đông.
Theo đó, phạm vi quản lý của Tam Sa bao trùm ba quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và Trung Sa.
Việc xây dựng thành phố này bị phía Việt Nam lên án là "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam."
Tuy nhiên, cho đến nay, phía Việt Nam vẫn chưa có giải pháp nào cho vấn đề xung đột chủ quyền tại Biển Đông, ngoài việc trao các công hàm phản đối.
Trong khi đó, hồi 22/1, Philipines, một nước cũng đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc tại khu vực này đã mang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông ra cho tòa quốc tế phân xử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét