Pages

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Rò hóa chất ở Tổ hợp bauxite Tân Rai: Tôi không ngạc nhiên – Bôxít Tân Rai tràn hóa chất ra môi trường: Sự cố nhỏ, thiệt hại lớn!

Rò hóa chất ở Tổ hợp bauxite Tân Rai: Tôi không ngạc nhiên
clip_image003
Sau sự cố, đoàn kiểm tra của Sở TNMT Lâm Đồng đã tới Tổ hợp bauxite Tân Rai và phát hiện, vỏ bao đựng hóa chất bị vứt ngay ngoài trời. Gặp mưa một lượng hóa chất còn sót lại đã theo dòng nước chảy ra môi trường.Ảnh Khắc Lịch
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Vinacomin không ngạc nhiên về sự cố vừa xảy ra tại Tổ hợp bauxite Tân Rai. Dù sự cố rò hóa chất là xút, ông vẫn khuyến nghị, nên chuyển sang thải bùn đỏ bằng công nghệ “khô”.
Chỉ ngạc nhiên về cách ứng xử
Sự cố rò rỉ hóa chất ra môi trường của Tổ hợp bauxite Tân Rai được phát hiện là do bể chứa hư hỏng. Ông bình luận như thế nào về sự cố này?


Tôi không ngạc nhiên về sự cố, vì những sự cố như thế này hoặc lớn hơn nữa đã được các nhà khoa học cảnh báo cách đây 2-3 năm. Điều tôi ngạc nhiên là cách ứng xử của những người có trách nhiệm của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Vinacomin.
Theo dõi trên báo chí, tôi thấy dường như họ rất coi thường vấn đề an toàn hóa học. Alumina là một dự án hóa chất nhiều hơn là một dự án khai khoáng. Trong khi đó, các cán bộ quản lý và điều hành dự án của Vinacomin chỉ có một số kiến thức thực tế về khai khoáng.

Các chuyên gia đã từng cảnh báo, đối với những dự án trọng điểm, lại ở vị trí quan trọng như các tổ hợp bauxite Tây Nguyên, việc dự trù tình huống và xử lý những tình huống bất ngờ rất quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về việc dự trù và xử lý sự cố vừa rồi ở Tổ hợp bauxite Tân Rai?
Tôi nghĩ cần đối chiếu ngay với Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xem ĐMT đó đã được lập với chất lượng như thế nào, những người có “thẩm quyền” đã phê duyệt nó ra sao.
Tôi vẫn nhớ trên các phương tiện truyền thông, một thành viên Vinacomin nói rằng sẽ dùng toán xác suất để quản lý các sự cố của các dự án bauxite. Dư luận chỉ thấy rằng, dự án đã bị chậm tiến độ hàng năm trời, chưa kịp hoàn công mà hóa chất độc hại đã bị rò rỉ.
Mới tháng trước, có thông tin hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai tiếp tục bị chậm tiến độ do mưa kéo dài ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Tại sao một công trình xây dựng lại chịu ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều như vậy, thưa ông?
Chậm tiến độ do mưa ở Tây Nguyên là chuyện bình thường. Nhưng, không bình thường là ở chỗ chọn thời điểm thi công vào mùa mưa ở Tây Nguyên. Một dự án có hàng ngìn hạng mục công trình lớn nhỏ, có thể và cần phải bố trí lịch thi công phù hợp với thời tiết. Chậm tiến độ là do trình độ quản lý dự án của chúng ta chưa cao.
Thực tế càng chứng minh cần thải bùn đỏ bằng công nghệ “khô”
Gần đây, dư luận lên tiếng về các dự án thủy điện của nhà thầu Trung Quốc bị chậm tiến độ. Ông có lo lắng cho các dự án bauxite ở Tây Nguyên không?

Tôi may mắn đã được làm việc rất nhiều với các nhà thầu Trung Quốc. Tôi thấy chẳng có gì đáng “lo” về nhà thầu cả. Chậm tiến độ trước hết lỗi là của chủ đầu tư. Chất lượng công trình hay trình độ công nhân kỹ thuật của nhà thầu có thấp chủ yếu cũng do các ban quản lý dự án của phía VN.
Nếu trình độ chuyên môn kỹ thuật của cán bộ các Ban quản lý dự án thấp thì sẽ dễ bị các nhà thầu qua mặt. Với tôi, cái đáng lo nhất là sau khi bàn giao công trình thì Vinacomin sẽ “xoay” như thế nào với đội ngũ như hiện nay để vận hành dự án này.
Sự cố vừa rồi dù không liên quan tới bùn đỏ nhưng cũng khiến người ta một lần nữa nhắc tới công nghệ thải khô. Ý kiến của ông như thế nào ạ?
Ngay từ đầu chúng tôi đã khuyến nghị rất rõ ràng là phải sử dụng công nghệ “khô” để thải bùn đỏ. Thực tế càng chứng minh điều đó là quan trọng và cần thiết. Kể cả đến bây giờ tôi vẫn khuyên Vinacomin nên chuyển sang thải bùn đỏ bằng công nghệ “khô” vì cũng chưa muộn và chẳng có gì tốn kém cả.
Đang thống kê thiệt hại để yêu cầu bồi thường
Ngày 23/9, UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết đang xem xét thống kê mức độ thiệt hại trong vụ rò rỉ hóa chất xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua tại Dự án tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng để yêu cầu đơn vị này bồi thường thiệt hại cho người dân.
Ông Trần Dương Lễ – phó Giám đốc Ban quản lý Dự án tổ hợp Bauxite – nhôm Lâm Đồng cũng cho biết sẽ cùng với các cơ quan chức năng của địa phương xác định mức độ thiệt hại của người dân. Nếu đúng như báo cáo nhanh của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Lâm, Ban quản lý Dự án tổ hợp Bauxite nhôm Lâm Đồng sẽ sẵn sàng bồi thường thỏa đáng.
Hiện vẫn chưa có con số chính thức thống kê mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của sự cố rò rỉ hóa chất này.
Khắc Lịch
Hoàng Hạnh (thực hiện)
Nguồn: bee.net.vn
====================================================

Bôxít Tân Rai tràn hóa chất ra môi trường: Sự cố nhỏ, thiệt hại lớn!

clip_image001
Bể pha trộn xút của công trình bôxít Tân Rai có nhiều vị trí bị hư hỏng nặng.
Sự cố hóa chất tràn ra môi trường bên ngoài tại công trình bôxít Tân Rai được xác định là do nơi để các bao chứa hóa chất không được che chắn kỹ, nên nước mưa tạt vào làm hóa chất tan chảy và trôi theo dòng nước qua cống ngầm, thoát ra ngoài khu dân cư.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Mặc dù đây được xem là sự cố nhỏ và đang được ngành chức năng tích cực xử lý, khắc phục nhưng thực chất đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong vùng dự án. Theo báo cáo kết luận số 7, ngày 8.9.2011 của Sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng, sau khi nhận được thông tin về sự cố môi trường xung quanh nhà máy alumin, sở này đã khẩn trương thành lập đoàn thanh tra. Kết quả cho thấy, mẫu nước thử nghiệm tại cống nước thải của nhà máy tổ hợp bôxít nhôm Tân Rai có độ pH bằng 10,53, vượt quá quy định cho phép; nhiệt độ trong nước tại cống thải của công trường bôxít Tân Rai lên đến 31,20C.
Nguyên nhân được xác định do nơi để các bao chứa xút (lỏng và rắn) tại khu vực tập kết nguyên liệu đã không được che chắn kỹ, các bao bì chứa xút, sau khi pha trộn không được thu gom, xử lý, vứt bừa ra môi trường bên ngoài. Lượng xút còn dính trong bao theo nước mưa thẩm thấu vào đất và một phần trôi theo dòng nước chảy vào mương thoát nước chung của khu vực nhà máy, sau đó chảy ra môi trường bên ngoài. Mặt khác, tại thời điểm kiểm tra, bể pha trộn xút của công trình bôxít Tân Rai có một số vị trí bị hư hỏng, gạch bao tường bị sạt lở, đáy nền bị ăn mòn, tạo ra nhiều khe hở, không có biển báo nguy hiểm nơi kho chứa xút và bể pha trộn. Những hành vi này đã vi phạm khoản 3, điều 8, nghị định 117 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo Ban quản lý dự án tổ hợp bôxít nhôm Lâm Đồng, đây chỉ là sự cố đáng tiếc và đơn vị đã tích cực khắc phục xong lâu rồi. Ông Nguyễn Đình Trí, Trưởng phòng tổ chức hành chính, Ban quản lý dự án tổ hợp bôxít nhôm Lâm Đồng, khẳng định: “Đã khắc phục xong lâu rồi, không có vấn đề gì nữa. Không hiểu vì sao sáng nay (22.9) lại có bài báo đăng tin vấn đề này. Tuy nhiên, lãnh đạo của Ban sẽ xem xét lại, nếu có gì, sẽ thông tin sau”.
Theo thống kê bước đầu của UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), có khoảng trên 200ha càphê, trà và ao nuôi cá của người dân nằm giáp ranh với công trình bôxít Tân Rai nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường này, tuy nhiên đến nay, vẫn chưa xác định cụ thể mức độ thiệt hại do sự cố này gây ra. Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm xác nhận, đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được bất kỳ đơn phản ánh nào từ phía người dân, cũng như các doanh nghiệp đóng trên địa bàn về mức độ thiệt hại, đồng thời khẳng định đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực này đều bình thường.
Cư dân địa phương còn lo lắng
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, hiện người dân ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm – khu vực dân cư nằm liền kề với công trình bôxít Tân Rai vẫn tỏ ra lo lắng, chưa dám sử dụng nguồn nước giếng để phục vụ sinh hoạt. Ông Nguyễn Quang Minh, ở khu 6A, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, nói: “Người dân chúng tôi thấy vụ ô nhiễm này rất nghiêm trọng, bà con đang rất lo lắng, nhất là ô nhiễm môi trường về lâu dài. Hiện Nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động nhưng hồ chứa bùn đỏ mới chỉ làm được một phần nhỏ thì nguy hại không biết còn đến mức độ nào nữa”.
clip_image002
Hoá chất dùng để pha trộn để tràn lan tiếp xúc trực tiếp với mặt đất.
Không chỉ có nỗi lo về ô nhiễm môi trường nước. Tiếng ồn từ động cơ của Nhà máy alumin Tân Rai trong quá trình thực hiện chạy thử, cũng đang trở thành mối lo ngại lớn của người dân trong khu vực. Anh Vũ Ngọc Long, ở khu 6, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, nói: “Nhà tôi nằm cách Nhà máy 1km nhưng nói chuyện với nhau thì phải hét vào tai mới nghe được. Còn ở khu vực gần đó, bà con nói chuyện chẳng nghe được gì luôn”.
Rõ ràng, tuy Nhà máy bôxít Tân Rai chưa chính thức đi vào vận hành khai thác nhưng thực tế cho thấy đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng, hiện nồng độ pH đo được tại cống thoát nước của Nhà máy alumin Tân Rai vẫn còn ở mức cao.
Liên quan đến sự cố để một lượng hóa chất đáng kể chảy ra ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ngày 15.9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Ban quản lý dự án tổ hợp bôxít nhôm Lâm Đồng thực hiện nghiêm túc các nội dung, như: tổ chức khắc phục sự cố sạt lở gạch và đáp nền tại bể pha trộn xút; thu gom tất cả các bao bì, rác thải nguy hại để xử lý đúng theo quy định; nghiêm cấm để các hóa chất độc hại rơi vãi, thẩm thấu xuống đất hoặc trôi theo nước ra khu vực xung quanh dự án.
Tỉnh cũng đề nghị Ban quản lý dự án phải thường xuyên giám sát kiểm tra, đo đạc, phân tích các thông số chỉ tiêu hóa, lý về môi trường từ các nguồn nước trong khu vực dự án trước khi xả thải ra môi trường xung quanh. Nếu các thông số kiểm tra vượt các tiêu chuẩn cho phép, đơn vị phải báo cáo ngay về UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và môi trường cùng các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý, khắc phục. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng lập thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Ban quản lý dự án tổ hợp bôxít nhôm Lâm Đồng theo quy định của pháp luật.
Đề nghị xử phạt Ban Quản lý dự án tổ hợp bôxít – nhôm Lâm Đồng
Đó là kết luận sau thanh tra của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lâm Đồng đối với sai phạm của ban quản lý dự án tổ hợp bôxít – nhôm Lâm Đồng. Theo đó, Ban quản lý này đã không quản lý chặt chẽ làm một lượng hóa chất (xút rắn) trôi theo nước mưa làm ảnh hưởng đến môi trường. Hành vi nêu trên vi phạm khoản 3, điều 8 Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (mức phạt từ 40 – 70 triệu đồng). Mới đây, ban quản lý dự án đã có báo cáo đồng ý với kết quả thanh tra và cam kết khắc phục hậu quả như: ngưng việc pha xút rắn, gom bao bì đựng xút bảo quản trong kho, yêu cầu nhà thầu hoàn thiện hệ thống trạm xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt, khám bệnh cho công nhân pha xút… Trước đó, ngày 23.8, trong Báo cáo gửi Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Bảo Lâm cho biết, tại hồ nước dùng nuôi cá và tưới cây ở khu 6, thị trấn Lộc Thắng, độ pH đo được là 12,6. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá nuôi và cây trồng bị chết ở địa phương. Hiện chưa có số thống kê thiệt hại và UBND huyện Bảo Lâm đang xem xét yêu cầu Ban quản lý dự án bồi thường cho người dân. Được biết, công trình bôxít Tân Rai do nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) thi công.
Theo T.Nhã
Theo Quang Hà
Sài Gòn Tiếp thị
Nguồn: dantri.com.vn

Không có nhận xét nào: