Người mua kẻ bán ngay trên miệng cống rãnh. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt) |
Ngoại trừ một số số chợ tự phát ở khu vực trung tâm thành phố có đa số dân cư khá giả, hầu hết các chợ tự phát đều lôi thôi nhếch nhác lộn xộn; nhiều chợ tự phát ở sát cạnh bãi chứa-đổ rác, cống rãnh, kênh rạch.
Ngành chức năng về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y Tế thành phố gần như bỏ trắng các chợ tự phát; cán bộ viên chức của ngành bảo rằng, kiểm tra để cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, vô hình trung thừa nhận các chợ tự phát của người dân họp chợ không xin phép chính quyền là hợp pháp hay sao?!
Ở khu vực đường Tôn Thất Thuyết, quận 4; đa số dân cư tại đây thuộc giới lao động. Lần nào tới, chúng tôi cũng thấy bên nhà lối xóm nhiều thanh niên tụ tập ăn nhậu cả buổi. Họ thường mua hàng chục cái đầu cổ gà đầu cổ vịt với giá rất rẻ, về hầm rục làm đồ nhậu.
Các bợm nhậu cho biết: “Ở cái chợ dài dọc hai bên đường Tôn Thất Thuyết này làm gì có thịt tươi cá tươi mà mua. Thịt ôi ế mới mua được giá rẻ; ướp tẩm gia vị rồi hầm rục, ăn cũng thơm ngon đâu khác thịt tươi!”
Cũng trên đường Tôn Thất Thuyết, ngoài chợ tự phát này, còn một chợ nhỏ có từ nhiều năm là chợ bến đò Long Kiểng. Chúng tôi thấy các mặt hàng bán tại chợ bến đò Long Kiểng, nhiều nhất là hàng thực phẩm tươi sống, chất lượng cũng không khác chợ tự phát ở hai bên lề đường Tôn Thất Thuyết; chỉ khác là chợ bến đò Long Kiểng được nhà nước cấp giấy phép chính thức hoạt động.
Trên 90% số chợ chính thức được nhà nước cấp giấy phép hoạt động tại Sài Gòn là chợ nhỏ và lẻ, như chợ bến đò Long Kiểng. Nhưng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, theo thực tế bà con tiểu thương thì chỉ có khoảng 3% hộ kinh doanh được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cán bộ viên chức của ngành đã nêu lý do: đa số chợ nhỏ và lẻ ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng; đặc biệt là hệ thống thoát nước ách tắc, gây lầy lội. Viện dẫn lý do như vậy để không chu toàn nhiệm vụ, ngành chức năng về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ nhỏ và lẻ tại Sài Gòn đã quá thờ ơ đối với đời sống sức khỏe của dân; chẳng khác nào họ lãnh lương để “ngồi chơi xơi nước”!
Sài Gòn còn có trên 45 ngàn cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, và hàng ngàn bếp ăn tập thể; đa số không hề biết tới tờ giấy chứng nhận “vệ sinh an toàn thực phẩm.” Chỉ sau các vụ việc ngộ độc thực phẩm hàng loạt, ngành chức năng lúc ấy đi kiểm tra; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mới được đặt ra.
Qua đợt giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố được trực tiếp truyền hình trên đài truyền hình thành phố vừa qua, có đại diện Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn và Sở Công Thương thành phố tham dự, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại Sài Gòn đã “báo động đỏ.” Ðáng nói nhất, về hàng thực phẩm rau củ quả, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên 1,500 tấn rau củ quả các loại tiêu thụ mỗi ngày. Ngoài 30% rau củ quả được xem là rau củ quả sạch do thành phố cung cấp, 70% còn lại từ các tỉnh và nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc đưa vào Sài Gòn.
Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn chỉ kiểm tra tại 3 chợ đầu mối của thành phố, là chợ Bình Ðiền ở quận 8, chợ Tân Xuân ở huyện Hóc Môn, và chợ Tam Bình ở quận Thủ Ðức. Việc kiểm tra của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn lại chỉ được thực hiện trên các loại rau ăn lá. Như vậy về hàng củ quả trái cây, nhất là trái cây của Trung Quốc, hoàn toàn không được kiểm tra. Ðại diện Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, Sở Công Thương, và cả đại diện Sở Y Tế đều cho rằng rất khó kiểm tra, vì không ai biết trong các loại trái cây Trung Quốc có loại hóa chất nào gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Họ từng đưa mẫu tới các phòng thử nghiệm để kiểm tra, nhưng bị ở đấy từ chối không xét nghiệm!
Hàng rau, cá, thịt tại chợ tự phát trên đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt) |
Về hàng thịt tươi sống, việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cũng lơ là, bất chợt. Ðáng nói là những chuyến xe vận chuyển lậu hàng tươi sống từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào Sài Gòn mỗi ngày, việc kiểm tra được xem là bất khả thi; khi phát hiện thịt heo chết heo bệnh thì đã muộn.
Hàng tấn thịt tươi sống đã được tiêu thụ mỗi ngày tại Sài Gòn, trong đó có thịt heo chết heo bệnh chiếm số lượng không nhỏ. Nhưng nhiều nhà hàng quán ăn từ lớn nhỏ tới bình dân của Sài Gòn cũng không ngần ngại để chế biến thực phẩm, khi đã có các loại hóa chất của Trung Quốc bán đầy tại chợ Kim Biên. Với những hóa chất Trung Quốc, thịt heo chết cũng săn tươi; và khi chế biến thức ăn, họ ướp gia vị, nấu nướng lên, vẫn thơm ngon như hàng tươi sống đích thực.
Du khách nước ngoài dễ nhận ra Sài Gòn là thành phố chợ; nhưng không biết họ có hay không cái tâm lý của người Việt Nam chúng ta: bị bệnh hay chết cũng có số - Trời kêu ai nấy dạ... quan tâm làm gì tới chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhức đầu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét