Pages

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Bắc Hàn là gì? Kim Chánh Vân là ai?


 
 Gần đây có cái chết của Kim chánh Nhất (Kim Jong Il) và sự lên ngai vàng của Kim chánh Vân (Kim Jong Un), người ta nói nhiều về Bắc Hàn. Nhân đây tôi xin nói sơ về nước này và tiểu sử của Kim chánh Vân, cũng như đồng thời trả lời những câu hỏi mà một số nhà báo đặt ra như:
1) Liệu với Kim chánh Vân, Bắc Hàn sẽ đi theo chính sách mở cửa?
 
2) Bắc Hàn là một nước có lực lượng nguyên tử, với số quân, tính theo số lượng, là 2 triệu người, đứng vào hàng thứ 4 trên thế giới, có đe dọa những nước chung quanh và nền hòa bình thế giới, nhất là ở châu Á không?
 
3) Trong tương lai gần, có sự thống nhất 2 nước Nam và Bắc Hàn hay không?

4) Liệu có Cách mạng kiểu Ả rập như Cách mạng Hoa lài ở Bắc Hàn hay không?
 
Chúng ta cùng nhau đi vào từng vấn đề một.
 
Bắc Hàn là quốc gia thế nào?
 
Bắc Hàn là một quốc gia, với diện tích là 120 540km2, phía đông và phía tây là biển, với 2 495 km đường biển, phía bắc giáp với Nga và Trung cộng. Biên giới với Nga là 19km, với Trung cộng là 1416km, phía nam giáp với Nam Hàn với 238km biên giới. Thủ đô là Bình Nhưỡng (Pyongyang). Trong khi đó diện tích của Nam Hàn là 99 260km2, thủ đô là Hán Thành (Séoul). Dân số Bắc Hàn là 23 909 800 người, của Nam Hàn là 48 758 000 người.
 
Tổng sản luợng của Bắc Hàn là 13,66 tỷ $, của Nam Hàn là 835,90 tỷ $. Sản lượng tính theo đầu người của Bắc Hàn là 571$ ; trong khi đó của Nam Hàn là 17 144$, gấp 30 lần Bắc Hàn.
 
Bắc Hàn hiện nay đang bị nạn đói đe dọa, vào năm 1995, nạn đói đã giết gần 2 triệu người; gần 40% trẻ em Bắc Hàn bị thiếu dinh dưỡng, gần một nửa những bà mẹ mang thai sau khi sanh đều thiếu sữa cho con bú. Trong khi đó Nam Hàn là cường quốc kinh tế thứ nhì, nếu tính theo khả năng và hạ tầng cơ sở kinh tế, chỉ sau có Nhật, ở Á châu và là cường quốc kinh tế thứ 15 trên thế giới. Mặc dầu đứng về tổng sản lượng, thì Nam Hàn thua Trung cộng, nhưng đứng về hạ tầng, khả năng và tiềm năng kinh tế, thì Nam Hàn hơn hẳn Trung cộng. Kinh tế và giáo dục Nam Hàn có thể cạnh tranh với những đại cường quốc trên thế giới.
 
Kim chánh Vân là ai?
 
Ở đây tôi không đi vào chi tiết, vì đã có nhiều nhà báo nói về cuộc đời ông này, từ phần bí hiểm, thâm cung bí sử tới phần được đưa ra ánh sáng.
 
Ông là con thứ 3, con út của nhà độc tài Kim chánh Nhật, và là cháu của nhà độc tài Kim nhật Thành, người lập ra chế độ cộng sản và Cộng hòa nhân dân Bắc Hàn. Hồi niên thiếu, ông đã đi du học ở Thụy sĩ. Ông biết nói tiếng Anh, tiếng Pháp, thích chơi Basket ball.
 
Từ chỗ này, có người nghĩ rằng với ông, thì nước Bắc Hàn có cơ cởi mở hơn, nhất là với sự kiện bà cô và ông dượng của ông, hiện nay là 2 người có thể nói là nhiếp chính. Ông dượng là người chủ trương chính sách kinh tế cởi mở trước đây, sau bị thất sủng, nay trở lại chính quyền.
 
Tuy nhiên để có một câu trả lời dứt khoát về câu hỏi này cũng thật khó khăn. Theo những nhà quan sát tình hình Bắc Hàn gần đây thì họ công nhận có đôi chút cởi mở, nhất là buôn bán nhiều với Trung cộng ở vùng biên giới 2 nước. Hơn thế nữa cách đây 7 tháng, vào tháng 5 năm 2 011, Kim chánh Nhật cùng Kim chánh Vân viếng thăm Trung quốc, có bức hình chụp Hồ cẩm Đào với Kim chánh Vân. Điều này chứng tỏ sự lên ngôi của Kim chánh Vân đ ược sự đồng ý của Trung cộng và có sự sửa soạn trước, cũng như sự kiện, theo những nguồn tin đáng tin cậy, thì ông Chánh Vân này đã sửa "Sắc đẹp" 6 lần, làm sao để cho khuôn mặt giống như ông nội là Kim Nhật Thành.

Tuy nhiên ở thời đại toàn cầu hóa bất cứ một nước độc tài khép kín nào vì sự sống còn cũng phải có sự mở cửa. Nhưng mở cửa đến mức độ đe dọa sự sống còn của chế độ, có hại đến đặc quyền, đặc lợi của giới lãnh đạo, thì họ lại khép kín lại. Điều này đúng với Trung cộng, đúng với Việt Nam và đúng với cả Bắc Hàn. Đúng như lời nói của Đặng tiểu Bình: "Chúng ta khép kín thì chúng ta bị ngộp nhưng chúng ta mở cửa thì bị muỗi từ bên ngoài vào đốt chúng ta. Không khéo chúng ta bị nhiễm sốt rét mà chết. Điều quan trọng là làm thế nào để không bị ngộp cũng như không bị nhiễm sốt rét."
 
Câu hỏi kế tiếp là với sức mạnh nguyên tử, với quân đội đứng vào hàng thứ 4, trên thế giới, theo về lượng, Bắc Hàn có đe dọa các nước chung quanh không?

Câu trả lời là có. Nhưng đến mức độ nào?
 
Chắc chắn là Bắc Hàn đe dọa Nam Hàn, như chúng ta đã thấy những vụ Bắc Hàn bắn vào tàu Nam Hàn, oanh tạc một khu quân sự Nam Hàn gần đây; và hơn thế nữa bắn hỏa tiễn bay qua Nhật Bản. Tuy nhiên sự đe dọa này cũng chỉ có giới hạn, vì giới lãnh đạo Bắc Hàn cũng biết rất rõ rằng, nếu đi quá giới hạn, thì không cần những cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chỉ cần lực lượng quân sự của Nam Hàn, mặc dầu thua về số lượng, nhưng hơn hẳn về phẩm chất, trong một thời gian rất ngắn, có thể tiêu diệt tất cả những căn cứ quân sự quan trọng, trong đó có cả căn cứ nguyên tử của Bắc Hàn.
 
Một câu hỏi nữa, đó là liệu có sự thống nhất 2 nước Hàn hay không.
 
Về thật lâu dài thì người ta không rõ; nhưng về ngắn hạn và trung hạn, thì gần chắc chắn như không. Vì nước liên quan trực tiếp đó là Nam Hàn, mà nước này không muốn. Tại sao?
 
Qua kinh nghiệm thống nhất của 2 nước Đức, Nam Hàn thấy Tây đức quá tốn kém, cho tới bây giờ đã bỏ ra hàng 2 000 tỷ $, thế mà vẫn chưa giải quyết được hết những khó khăn bên Đông Đức. Với giá này, Nam Hàn không muốn trả, nếu trả thì chỉ làm chậm lại sự phát triển đang tốt đẹp của kinh tế Nam Hàn.
 
Còn những nước cường quốc như Trung Cộng và Mỹ thì sao?
 
Trung cộng muốn có sự hiện hữu của Bắc Hàn, mặc dầu đôi khi cũng có những sự khó khăn, rắc rối. Nhưng Trung Cộng muốn dùng Bắc Hàn như một con "Chó dữ", nhằm chứng tỏ ra mình là một cường quốc, để đe dọa những nước chung quanh. Hoa kỳ cũng tương kế tựu kế, là dùng Bắc Hàn để dọa những đồng minh, để ký những hiệp ước quân sự và bán võ khí, theo kiểu "Các anh không thân thiện với tôi, không mua võ khí của tôi, thì con chó Bắc Hàn nó sẽ cắn các anh!"
 
Ở điểm này tôi xin mở một dấu ngoặc, để nói về Cộng sản Việt Nam. Nhiều người cho rằng Hoa kỳ cần đến cộng sản Việt Nam, vì Việt Nam có một địa lý chiến lược tốt, quay ra bể Đông, vì Việt Nam là một móc xích trong chiến lược bao vây Trung Cộng. Điều này chỉ đúng một phần. Phần còn lại không đúng. Đó là ngày hôm nay, với chiến tranh hiện đại, những căn cứ quân sự trên đất liền không còn quá quan trọng. Thêm vào đó, Hoa Kỳ ở Á châu đã có quá đủ căn cứ quân sự. Nếu cộng sản Việt Nam dễ dàng theo Hoa Kỳ, Hoa kỳ không phải trả một giá quá mắc, thì họ sẵn sàng mở 2 cánh tay chấp nhận Việt Nam. Đây là chính sách ve vãn. Nhưng nếu họ phải trả một giá đắt, thì họ không cần. Hơn thế nữa Hoa Kỳ không có một tý gì tin tưởng ở giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Theo lời nói của Đặng tiểu Bình: "Cộng sản Việt Nam là phường ăn cháo, đái bát." Tuy nhiên nếu cộng sản Việt Nam không theo Hoa Kỳ, là một đệ nhất cường quốc, không lẽ Hoa Kỳ khoanh tay ngồi nhìn, không có đối sách?
 
Dạ thưa, họ có đối sách, không phải là một, nhưng nhiều đối sách. Chúng ta lấy một thí dụ, như khi đổ bộ vào Irak, Thổ Nhĩ Kỳ là một nước trong khối Bắc Đại tây Dương, là một đồng minh thân thiết và đã từ lâu của Hoa kỳ, thế mà Thổ nhĩ kỳ tìm cách làm khó dễ, Hoa Kỳ đã đổ bộ từ Koweit thay vì mất thì giờ thương thuyết.
 
Đối với Việt Nam, đối sách của Hoa kỳ hiện tại là dùng Việt Nam như Bắc Hàn, dùng cộng sản Việt Nam, dùng những sự o ép, sự chiếm đất, lấn biển của Trung Cộng đối với Việt Nam, để dọa những nước Đông Nam Á nhằm dễ dàng lập liên minh và ký những hiệp ước quân sự thân thiện. Hơn thế nữa, hiện nay để giải quyết vấn đề khó khăn kinh tế, Hoa kỳ cần phải xuất cảng nhiều, mà trong đó xuất cảng võ khí quân sự giữ một vai trò không nhỏ. Hoa kỳ cần những nước đồng minh của mình mua hàng hóa, võ khí của mình nhiều hơn. Trong khi đó khả năng kinh tế, mua bán của cộng sản Việt Nam rất nhỏ so với những nước Đông Nam Á khác.
 
Câu hỏi cuối cùng, đó là: "Liệu có một cuộc cách mạng Hoa lài, kiểu Ả rập, ở Bắc Hàn hay không?"
 
Câu trả lời cũng gần như không, vì một số lý do sau đây:
 
Lý do quốc tế, những nước quốc tế giúp đỡ để có cuộc cách mạng này, thì chúng ta thấy gần như không có. Nước liên quan mật thiết là Nam Hàn, như vừa nói ở trên, chính Nam Hàn chưa muốn có sự sụp đổ chế độ Bắc Hàn, vì để đảm đang sự thống nhất này quá hao tốn. Hoa Kỳ và Trung cộng thì muốn dùng Bắc Hàn để thủ lợi riêng. Thêm vào đó Trung cộng càng không muốn vì nếu Bắc Hàn sụp đổ, Hàn quốc thống nhất, thì căn cứ quân sự của Mỹ trở nên gần Trung Cộng hơn. Trung cộng muốn sự hiện hữu của Bắc Hàn như một quốc gia đệm. Đấy là chưa nói đến việc Trung cộng tiên đoán, nếu Bắc Hàn sụp đổ, thì có cả triệu dân Bắc Hàn sang Trung cộng xin tỵ nạn. Hiện nay chỉ có gần 200 ngàn, đã là một gánh nặng rồi.
 
Lý do quốc nội là chế độ Bắc Hàn là một chế độ quá độc tài, ác ôn, côn đồ, kiểm sóat gắt gao mọi cơ quan giáo dục, thông tin, hệ thống internet không được phát triển như ở những nước Ả rập; lực lượng đối lập hầu như không có, có rất ít những nhà và tổ chức đối kháng. Thêm vào đó, Bắc Hàn lại bị lâm vào nạn đói triền miên, dân chỉ nghĩ đến miếng ăn. Đây là sự lầm lẫn của một số nhà tư tưởng cách mạng, cho rằng hễ dân đói, thì họ sẽ nổi dậy. Không phải vậy. Những dân tộc nổi dậy chính là những dân tộc không phải quá đói, và có một trình độ hiểu biết khá cao, xã hội dân sự được phát triển. Chúng ta cứ nghiên cứu 2 xã hội Tunisie và Ai cập vừa qua thì rõ.
 
Tóm lại, Bắc Hàn hiện nay như một "quốc gia cùi hủi" ; nhưng vẫn có những nước cần đến nó là Trung cộng và Hoa Kỳ. Những nước khác, nhất là nước chung quanh và nước "Anh Em" với nó như Nam Hàn, thì chỉ mong muốn thế nào để mùi hôi thối cùi hủi đỡ bốc tỏa ra nhiều và ra xa. Rồi đợi thời gian. Chứ về ngắn hạn và trung hạn, thì gần như không có giải pháp.(1)

Paris ngày 02/01/2012

Không có nhận xét nào: