Lê Đức Tiết
Theo: VnExpress
Theo: VnExpress
“Vụ Tiên Lãng phải chăng là lời cảnh báo về những con sóng ngầm trong lòng dân đã xuất hiện, nếu như vụ việc không được nhanh chóng giải quyết thấu tình đạt lý”, luật sư Lê Đức Tiết viết trong nhật ký về chuyến giám sát tại Hải Phòng.
Sau chuyến giám sát vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng (Hải Phòng), luật sư Lê Đức Tiết Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật – Ủy ban trung ương MTTQ đã có bài viết gửi VnExpress.
Vụ cưỡng chế thu hồi đất xảy ra hôm 5/1/2011 tại xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân địa phương và nhiều vùng khác trong cả nước. Đã cận kề Tết, mặc dù vậy, Thường trực UBTW MTTQ vẫn cử Đoàn giám sát về tận địa phương để thăm hỏi dân, giúp ổn định tình hình và tìm hiểu ngọn nguồn, bản chất sự việc. Qua khảo sát bước đầu, thấy bộc lộ hai cách nhìn nhận sự việc hoàn toàn đối lập nhau gay gắt giữa cán bộ Đảng, chính quyền, cán bộ mặt trận xã, huyện, của cán bộ chính quyền tỉnh với nhân dân dịa phương.
Về mục đích thu hồi đất: Chủ tịch UBND huyện, chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, Trưởng ban dân vận huyện ủy, chủ tịch UBND xã khẳng định mục đích thu hồi đất để xây dựng sân bay Tiên Lãng. Giám đốc Công an thành phố Hải phòng thì trả lời báo chí rằng phải thu hồi đất trước để sau này khi xây dựng sân bay, nhà nước không phải đền bù cho anh Vươn nhiều tỷ đồng nữa. Bí thư Đảng ủy đảng bộ xã khẳng định thu hồi đất để tiến hành lấn biển lần 2, lập khu dân cư mới (xã Vinh Quang). Chánh văn phòng UBND huyện thì trả lời phỏng vấn báo chí với lời lẽ cộc lốc: “Cứ thu hồi trước đã. Còn giao đất cho ai sẽ tính sau”.
Người dân thì nói: Việc cưỡng chế thu hồi đầm tôm của nhà anh Đoàn Văn Vươn chưa xong đã có người vào tiếp quản rồi. Đất chưa thu hồi nhưng đã được chia lô để bán rồi. Cả khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ dân đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi để chia cho những người có chức có quyền.
Ngôi nhà bị phá của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Về đánh giá nhân thân và hành vi của Đoàn Văn Vươn, người bị cưỡng chế: Trưởng ban dân vận Huyện ủy nhận xét rằng Đoàn Văn Vươn là người ngông cuồng, mất hết nhân tính. Trong quá trình khai thác nguồn lợi, Vươn chưa đóng góp gì nhiều cho xã. Bí thư Đảng ủy xã còn nói rằng anh Vươn là dân “ngụ cư”, không có hộ khẩu tại địa phương nên xã không có nhiệm vụ.
Người dân nói: “Trước đây, vào mùa mưa bão, nhân dân sống trong nỗi lo sợ nơm nớp. Khi có tin bão đến, cả làng, cả xóm dắt díu nhau đi tránh bão. Từ khi có con đập dài gần hai cây số do bố con anh Vươn đắp lên thì cảnh khổ ấy không còn nữa. Đầm tôm hình thành. Dân trong xã có thêm công ăn việc làm. Anh Vươn là người có học, có bằng kỹ sư lâm nghiệp nên đã làm được việc mà trước đây đoàn thanh niên xung phong không làm được. Anh Vươn không phải là người địa phương. Nhưng cả làng biết ơn anh ấy. Con đập, rừng cây chắn sóng, đầm tôm không phải từ trên trời rơi xuống. Bố con anh Vươn đã đánh bạc với trời đất hàng chục năm. Con nhỏ, cháu nhỏ của anh đã bị chết đuối trong đầm. Anh Vươn đang nợ nần nhiều tỷ đồng. Mới thu hoạch được chút đỉnh thì chính quyền thu hồi. Thật thương cho số phận của gia đình anh ấy”.
Về lệnh cưỡng chế của chính quyền: Chủ tịch huyện, Chủ tịch UBMT huyện, Trưởng ban dân vận Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch xã cho rằng Vươn là kẻ phạm tội, đã dùng vũ khí chống lại người thi hành công vụ nên phải được xử lý thật nghiêm để răn đe. Lãnh đạo Công an thành phố cho rằng việc huy động công an, lực lượng biên phòng, lực lượng quân sự huyện để trấn áp sự chống đối là một kế hoạch hợp đồng tác chiến hay, hoàn hảo. Ông Phó chủ tịch thành phố khẳng định việc phá nhà anh Vươn là do dân vào phá vì họ quá bất bình với hành vi của những người dùng vũ lực chống lại chính quyền.
Khi tiếp xúc, các đại diện của chính quyền, đảng và mặt trận xã đã trấn an với Đoàn giám sát rằng: “Quý vị yên tâm. Tình hình đã trở lại yên tĩnh”. Quả thật, thoáng nhìn bên ngoài thì thấy không nhộn nhịp, tất bật như thành phố nhưng không khí tết miền quê cũng đã đến với mọi người. Nhưng khi vào nhà thăm hỏi, nói chuyện thì thấy thái độ bất bình, không tán thành của người dân đối với chính quyền rất rõ, thậm chí với những lời lẽ khá gay gắt.
Họ nói: “Chính quyền huy động máy ủi vào phá nhà anh Vươn, nhưng Phó chủ tịch thành phố khẳng định là dân phá. Chính quyền đã làm sai còn đổ vạ cho dân”. Phải chăng đây là lời cảnh báo về những con sóng ngầm của những cơn bão tố trong lòng dân đã xuất hiện, nếu như vụ việc không được nhanh chóng giải quyết một cách thấu tình đạt lý.
Luật sư Tiết (tóc bạc) trò chuyện với bà Thương, bà Hiền (vợ và em dâu ông Đoàn Văn Vươn) trong chuyến giám sát. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Đã 28, 29 tết, Đoàn không thể kéo dài thêm thời gian tìm hiểu. Trên đường trở về, tôi miên man suy nghĩ tại sao cùng một sự việc mà có hai cách nhận xét, đánh giá khác nhau như nước với lửa đến vậy. Việc phân tích đúng sai các chủ trương, quyết định và hành vi của vụ việc này không có gì khó lắm. Điều làm tôi suy nghĩ nhiều nhất là nguyên nhân do đâu mà phát sinh những cách đánh giá mâu thuẫn giữa những người cầm cân nẩy mực với người dân chịu sự quản lý?
Sống có pháp luật và hành động theo pháp luật là nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Trong vụ việc này các cơ quan hành pháp và tư pháp ở địa phương đã không tuân theo nguyên tắc này nên đã có những quyết định hành chính, bản án không có cơ sở pháp lý làm căn cứ.
Nguyễn Trãi đã viết trong bài Bình Ngô đại cáo rằng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Nếu các cấp chính quyền địa phương Tiên Lãng ngẫm nghĩ sâu sắc câu nói của Nguyễn Trãi đã viết cách đây 500 năm thì họ sẽ không đưa ra những cách làm cho lòng dân không yên, họ không điều động lực lượng vũ trang để cưỡng chế dân như vậy. Đẩy dân đến bước đường cùng để họ dùng vũ lực chống lại chính quyền là một thất bại của công tác dân vận. Không thể đỗ lỗi cho dân, không thể biện minh bằng bất cứ lý do gì.
Sự phân biệt dân ngụ cư với dân chính cư đã bị cách mạng chôn vùi cùng với chế độ phong kiến thực dân cách đây hơn 65 năm. Nay, qua lời phát biểu của Bí thư xã Vinh Quang, tư tưởng và hành vi vi phạm nhân quyền này đã hồi sinh trở lại không những dưới dạng là ý thức mà còn kèm theo cả hành vi cụ thể nữa. Thật khó thay cho công cuộc đấu tranh gạt bỏ những quan điểm, hành vi đã lỗi thời.
Còn có khá nhiều cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau giữa chính quyền và người dân đối với vụ việc. Nhưng những điểm trên đây là những điểm chính. Việc đánh giá đúng sai và cách xử lý cụ thể đối với những ai có hành vi sai trái đều thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng. Với cương vị là “Người đại diện cho dân thực hiện giám sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan, viên chức và công dân”, Mặt trận tổ quốc sẽ ủng hộ những việc làm đúng và sẽ phản biện lại những quyết định không đúng pháp luật, nếu có”.
Luật sư Lê Đức Tiết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét