Pages

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Mừng Đảng, mừng … Đông!

Ba Sàm

Khẩu hiệu gì mà nghe nó … quai quái?! Lâu nay toàn là “Mừng Đảng, mừng Xuân” thôi, mỗi dịp Tết đến.

Khẩu hiệu giăng khắp nơi, không cần biết đâu ra, đảng có gì mới mà cứ “mừng” suốt vậy, sao lại đặt lên trên cả mùa Xuân. Quen mồm, quen tay, cứ làm.

À! Hóa ra ngày kỷ niệm thành lập (3/2/1930) gần như trúng ngay dịp Tết, đón Xuân. Thôi thì tiện thể, mừng cả luôn. Vui Tết thì có thế nào với đảng cũng phải vui thôi. Đảng lãnh đạo tuyệt đối, thì phải trên cả thiên nhiên, đất trời.

Rồi tự nhiên có người phát hiện gửi cho cái tranh cổ động quý hiếm “6.1.1930-6.1.1960 NÔNG DÂN CÓ ĐẢNG ĐỜI ĐỜI ẤM NO”.



Giật mình, “đảng” nào vậy? Vội kiếm tài liệu về ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vào trang Điện tử ĐCSVN tìm “lịch sử đảng”, ghi: Từ ngày 3 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc … “

Tìm tiếp, cuốn VIỆT NAM-Những sự kiện lịch sử (1919-1945), NXB Giáo dục, Viện Sử học, 2005, tr.177 cũng vẫn ghi “3 đến 7 tháng Hai 1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng cộng sản Việt Nam”.

Quay lại mạng, lục lọi đủ kiểu, đâu cũng chỉ thấy thông tin tương tự. Tức thật!

Nhưng … đây rồi, trên VOV News, bài Bác Hồ và quá trình thành lập Đảng: “Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930”. Và đây nữa: “Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng năm 1960, đã quyết nghị lấy ngày 3/2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”. Có điều, tại sao lại quyết định như vậy thì … bí mật?

Tìm nữa, thấy có bài Sự thành lập Đảng cộng sản Đông Dương, nhà nghiên cứu Trần Gia Phụng viết: “Kể từ ngày 6-1-1930, đảng CSVN chính thức thành lập. Tuy nhiên, sau nầy, tại Đại hội 3 đảng Lao Động (CSVN) tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, Bộ chính trị Trung ương đảng yêu cầu Đại hội thông qua quyết định thay đổi ngày thành lập đảng là 3-2-1930, vì ‘các đồng chí Liên Xô cho biết ngày đó mới đúng theo tài liệu lưu trữ của Liên Xô’”. Nhưng bài này lại dựa vào cuốn sách Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, NXB Tuổi xanh (có lẽ ở hải ngoại) của Nhà văn Vũ Thư Hiên, con trai ông Vũ Đình Huỳnh, từng là thư ký riêng của CT Hồ Chí Minh.

Thấy trên mạng có trích đăng một phần cuốn sách:

“Trong suốt 30 năm, hàng năm vẫn lấy ngày 6 tháng 1 để kỷ niệm thành lập đảng thì đùng một cái, đến đại hội 3 của ÐCSVN (1960), BCT TƯ đề nghị đại hội thông qua quyết định thay đổi lại ngày thành lập ÐCSVN là ngày 3.2.1930, lấy lý do “các đồng chí Liên Xô cho biết ngày đó mới đúng theo tài liệu lưu trữ của Liên Xô”. Tại đại hội, một đại biểu (Lê Minh) lên phản bác đề nghị thay đổi ngày thành lập đảng, thì Hồ Chí Minh ngồi trên chủ tịch đoàn gạt phăng, không cho thảo luận. Thế là đại hội thông qua việc thay đổi lại ngày sinh của ÐCSVN.”

Ghê chưa?! Nhưng … chưa chắc. Vì cha con hai ông này từng bị đảng bỏ tù, thì họ nói không lợi cho đảng mà tin là phiền. Thêm nữa, những năm 60′ thế kỷ trước, bên ta đang hùa theo Tàu, phê phán “chủ nghĩa xét lại” Liên Xô, dễ gì chấp nhận ngon lành ý kiến “các đồng chí Liên Xô” đến vậy? Mình tổ chức họp, người của mình, kéo dài cả tháng trời, chọn ra ngày nào là phải có cái ý nghĩa chứ. Ví dụ là ngày khai mạc, ngày bế mạc, hay ngày thông qua chính cương điều lệ chẳng hạn. Làm sao lại có chuyện phải dựa theo “tài liệu lưu trữ” của họ? Không lẽ non tháng trời chỉ cãi nhau như mổ bò, nên không được tính, đến ngày 3/2 mới OK được theo chỉ đạo của Liên Xô, nên tính ngày ấy à?

Bên hông Chùa Trấn Quốc, tối mùng 7 Tết Nhâm Thìn, 29-1-2012. Ảnh: BS

Thôi thì đành cứ khêu gợi ra đây, mong các chuyên gia ở cái Hội đồng vẫn bị những kẻ thối miệng bảo là “lú lẫn trung ương” tìm hiểu rồi công bố. Biết đâu cũng phần vì những cái không rõ ràng này mà làm cho “đảng ta” khó khăn như hôm nay, phải kêu gọi chỉnh đốn?

Khi coi ngày thành lập đảng là 6-1-1930, thì chắc chắn phải rơi vào mùa Đông. Mong các nhà khảo cổ gắng đào bới xem có phát hiện cái khẩu hiệu nào ngày ấy ghi là “Mừng Đảng, mừng Đông!” không.

Sẽ giải thích cho các đảng viên con cháu là ta đâu dễ vâng theo lời kẻ khác. Việc sửa ngày tháng chính là sáng kiến vĩ đại, sâu xa. Nhất cử … tam tứ tiện, trước mải lo kháng chiến không tính, rồi khi hòa bình mới chọn ra một ngày sinh mà theo tử vi thì sẽ rất “đẹp”, đảm bảo đảng sống dai “muôn năm”, lại vừa làm cho dân thêm tin yêu đảng, mỗi khi Tết đến Xuân về … Hề hề! … Tin là chính đảng đã đem tới mùa Xuân, xóa tan đêm Đông dài lạnh lẽo, như câu hát “Đảng đã cho ta một mùa Xuân đầy ước vọng …

BS

Không có nhận xét nào: