Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Ðảng, tên đày tớ phản phúc!

Ngày 5 tháng 1, 2012 ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, gia đình ông Ðoàn Văn Vươn bị dồn vào đường cùng, đã chống lại việc cưỡng chế đất đai vô lý, bắn bị thương 4 công an và 2 bộ đội. Ðể trả thù, chính quyền đã phá sập ngôi nhà của anh dù nằm ngoài khu đất tranh chấp, nhưng phó chủ tịch thành phố Hải Phòng Ðỗ Trung Thoại trong một cuộc họp báo đã tráo trở nói rằng, “Việc phá nhà ông Vươn là do ‘nhân dân’ bất bình không đồng tình với việc làm của ông Vươn!”
Thật tội nghiệp cho “nhân dân”. Nhân dân là cái bóng ma mà chế độ Cộng Sản luôn luôn nhân danh để lấy lòng dân đen cả nước, nhưng cũng là một thứ bóng ma để đem ra hù dọa mọi người, vì cái gì nhân dân làm, cái đó là chính nghĩa. Nhà nước và đảng làm, xong cứ đổ tội cho nhân dân là xong chuyện. Chuyện lớn như Tết Mậu Thân ở Huế thì cũng chính nhân dân nổi dậy mà chôn sống 6,000 người, chuyện nhỏ như phá nhà, hôi của của ông Ðoàn Văn Vượn thì cũng do nhân dân “bức xúc” mà làm! Chính quyền, công an, bộ đội luôn luôn công minh, chính đại, có bàn tay sạch sẽ, không hề bẩn mà cũng chẳng bao giờ dính máu.

Một danh từ khác để đổ tội cho “nhân dân” là danh từ “quần chúng tự phát”. Tại giáo xứ Mỹ Lộc nhà cầm quyền bố trí hàng trăm công an, an ninh, dân phòng mặc thường phục tấn công, đánh đập đồng bào ở đây rất dã man, làm mười một người phải vào bệnh viện, nhưng lại đổ cho đó là “quần chúng tự phát,” nghĩa là chính phủ hoàn toàn không chịu trách nhiệm những điều gì do “nhân dân” làm. Gần đây nhà nguyện Con Cuông ở Vinh bị đặt bom, lại có hai người đi xe máy tới nhà thờ lúc 2 giờ sáng, quăng bom tự chế vào nhà thờ. Ðó cũng là “quần chúng tự phát!”
“Ðảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là khẩu hiệu mà người dân dưới chế độ Cộng Sản đã thuộc nằm lòng. Thậm chí chúng còn giương cao biểu ngữ: “Ðảng là người đày tớ của nhân dân!” Và vì dân ngu, được ôm cái bằng khoán cũng như cái bản tuyên dương được làm chủ, nhưng như trong một công ty, ban lãnh đạo quyết định, chỉ đạo hết mọi chuyện, nhà nước là anh thủ kho ôm hết tài sản, còn nhân dân là anh chàng hữu danh vô thực, có tiếng mà không có miếng. Nếu công ty thua lỗ, ban lãnh đạo cấu kết với thủ kho chia nhau tẩu tán tài sản đi nữa, thì anh nhân dân làm chủ cũng chẳng có miếng nào. Dưới chế độ Cộng Sản, đất nước như một nhà máy, đảng là ban giám đốc, chính phủ là ban quản lý, có tài sản, nhà cao cửa lớn, xe đời mới, còn công nhân là những người làm thuê với đồng lương rẻ mạt, ở nhà ổ chuột, còng lưng đi xe đạp. Nhân danh nhân dân là nghề của Cộng Sản. Cái gì cũng của nhân dân, từ bộ đội nhân dân, công an nhân dân, bệnh viện nhân dân… chỉ trừ những nơi có hơi xôi thịt là của nhà nước như ngân hàng, cục dự trữ và ủy ban chứng khoán…
Tản Ðà trong bài cảm đề tiểu thuyết “Tờ chúc thư” đã có câu rằng:
“Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan.”
Dân ngu vì dưới chế độ chẳng ra gì, có khôn ngoan, bị đối xử bất công cũng chẳng biết kiện tụng, cậy nhờ vào ai như câu chuyện của Ngu Công sau đây:
Tề Hoàn công đi săn, đuổi theo con hươu. Hươu sợ quá chạy vào một cái hang. Thấy một ông lão gần đấy, bèn hỏi:
- “Hang này tên gọi là gì?”
- “Bẩm, đấy là hang Ngu Công”.
- “Tại sao lại có cái tên lạ thế? Ta xem ngươi đâu phải là kẻ ngu!”
- “Thưa, tại tôi đây mới có cái tên ấy. Nguyên tôi có một con bò cái đẻ được một con bê. Khi bê lớn, tôi đem ra chợ bán và mua một con ngựa con đem về nuôi chung với con bò cái, chờ lớn để kéo xe. Một hôm có tên du côn đến nói: ‘Vô lý! Bò làm sao đẻ ra ngựa được!’ rồi y bắt ngựa của tôi mang đi. Tôi bị ép chế, nhưng sợ họ gây chuyện, đành chịu mất, chớ biết kêu vào ai bây giờ! Từ đó mọi người cho tôi là ‘ngu’ và gọi cái hang gần chỗ tôi ở là hang Ngu Công.
Buổi thiết triều hôm sau, Tề Hoàn công thuật lại chuyện này cho quan Tướng quốc là Quản Trọng nghe, Quản Trọng bèn tâu:
- Nếu được một đấng minh quân như vua Nghiêu, được một tể tướng như Cao Dao thì làm gì mà có kẻ dám ngỗ ngược chiếm đoạt ngang nhiên như thế được. Ngu Công mất ngựa, nhưng biết rõ hình pháp nước ta không ra gì, chẳng ai phân xử cho phân minh, đành chịu cắn răng mà làm kẻ ngu. Xin bệ hạ kịp thời chỉnh đốn các chính sách, hình luật lại.”
Bắt chước lời Quản Trọng, chúng ta cũng có thể nói: Những người như dân oan bị cướp đất cướp nhà, đành chịu thiệt vì pháp luật bất nghiêm, giềng mối (*) lỏng lẻo, không ai phân xử vì cường quyền bạo ngược, phủ bênh huyện, huyện binh phủ cũng được gọi là dân ngu. Nông dân bị xã ấp chèn ép, dùng công an, bộ đội khống chế như trường hợp Ðoàn Văn Vươn, mà không biết dùng súng đạn chống lại, đành chịu thiệt một bề, thì cũng gọi là dân ngu. Dân càng ngu thì chính phủ càng lộng quyền, áp chế. Dân ngu vì không biết tin cậy vào ai. Chính phủ, tòa án, Quốc Hội cũng một phường.
Qua cuộc thảo luận tại Quốc Hội VN vừa qua về luật biểu tình, dân biểu Hoàng Hữu Phước, khẳng định là “khi nào trình độ dân trí cao hơn thì mới có thể ban hành luật biểu tình”. Có nghĩa là dân còn ngu, đâu cần đến luật lệ. Có luật còn chẳng làm gì, huống chi không luật, cứ việc tùy tiện mà đối xử với dân ngu là xong. Mạnh Tử chủ trương “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Cộng Sản Việt Nam lại chủ trương “đảng vi quý, xã tắc thứ chi, dân vi khinh”. Hai vế đầu thì chúng ta đã thấy “thà mất nước còn hơn mất đảng,” vế cuối “dân vi khinh” thì chúng ta đã thấy rõ, cảnh cướp nhà cướp đất làn cho nhân dân cơm đùm gạo bới từ Hậu Giang, miền Trung ra đến Hà Nội gặp “ông chính phủ” để kêu oan với lời gọi thống thiết: “Hỡi ông chính phủ, về cứu lấy nhân dân!”
Không khinh dân sao dân bị bợp tai đá đít, bị lôi đi như con chó, bị đạp vào mặt, bị đánh chết vô tội vạ, nói chung là bị tước đoạt hết quyền làm người. Phóng viên RFA đã ghi nhận lời một người trong nước, ông Lê Duy Bắc: “Bây giờ nhà cầm quyền họ thích đâm, thích chém, thích giết ai thì họ giết. Người dân trong tay không tấc sắt thì làm gì được.”
Ðúng! Ðảng là người đày tớ của nhân dân! Nhưng nhân dân hiện nay đang gặp phải tên đày tớ phản phúc!
(*) Trong cuốn “Quản Tử” tương truyền là tác phẩm của Quản Trọng (mất năm 645 BC) có nói đến “quốc hữu tứ duy”, nghĩa là nước có bốn giềng mối: lễ-nghĩa-liêm-sỉ; một giềng mối đứt thì nghiêng, hai giềng mối đứt thì nguy, ba giềng mối đứt thì đổ, bốn giềng mối đứt thì mất.

Không có nhận xét nào: