Tranh chấp giữa Iran và các quốc gia phương Tây đang leo thang sau khi Tehran cảnh báo sẽ ngừng bán dầu cho "một số nước."
Cảnh báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Liên hiệp châu Âu (EU) đồng ý dừng nhập khẩu dầu của Iran từ ngày 1/7 tới.
Mỹ và EU đang cố gắng nhắm mục tiêu vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran như một phần của biện pháp trừng phạt chống lại nước này.
"Không lâu nữa, chúng tôi sẽ ngưng xuất khẩu dầu sang một số nước", ông Qasemi được hãng thông tấn nhà nước IRNA trích thuật nói.
EU đã nhất trí ngừng tất cả nhập khẩu dầu từ Iran từ ngày 23/1.
Tuy nhiên, lệnh cấm vận được dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/7 để các nước thành viên có đủ thời gian tìm kiếm các nguồn dầu khác.
'Sử dụng chiến thuật'
Các nhà phân tích nói nếu Iran ngừng bán dầu cho một số quốc gia EU mà chỉ báo trước trong thời gian ngắn, điều này có thể gây khó dễ cho các nước bị ảnh hưởng.
Họ nói Tehran sử dụng chiến thuật này trong một nỗ lực để giảm bớt áp lực đối với chính mình.
"Iran đang cố gắng đặt điều kiện cho các cuộc đàm phán", ông Ker Chung Yang của công ty Phillip Futures nói.
Ông Ker lưu ý rằng bất chấp các lời lẽ được đưa ra, đe dọa của Iran sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào.
"Họ cũng có tiền lệ không thực hiện bất kỳ biện pháp cực đoan nào mà họ từng đưa ra để đe dọa."
Quốc hội Iran đã đình hoãn một cuộc tranh luận về dự luật cấm xuất khẩu dầu tới Liên hiệp châu Âu.
"Dầu của Iran có thị trường riêng của mình, thậm chí nếu chúng tôi cắt giảm xuất khẩu sang châu Âu."
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Rostam Qasemi
Mỹ và EU đã cố gắng hạn chế việc nhập khẩu dầu nhằm buộc Iran đồng ý ngừng lại chương trình hạt nhân của mình.
EU hiện đang mua khoảng 20% lượng xuất khẩu dầu của Iran. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dầu mỏ của Iran cho biết cắt giảm xuất khẩu tới khu vực này sẽ không làm tổn thương Tehran.
"Dầu của Iran có thị trường riêng của mình, thậm chí nếu chúng tôi cắt giảm xuất khẩu sang châu Âu," ông Qasemi nói.
Các thị trường lớn nhất đối với hàng hoá xuất khẩu của Iran là châu Á, với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là các khách hàng lớn nhất.
Mỹ đã cố gắng thuyết phục các quốc gia này đứng về một bên với Mỹ, nhưng cho đến nay Nhật Bản là quốc gia duy nhất công khai lên tiếng ủng hộ.
Ấn Độ tuyên bố rằng sẽ không tìm cách cắt giảm nguồn cung cấp dầu cho nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc, khách mua dầu lớn nhất của Iran, cũng không có khả năng cắt giảm nguồn cung, do nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét