Pages

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Từ vụ ‘nuốt đất’ tại Vĩnh Phúc đến Viethaus ở Berlin! Phần 2

Phần 2: Những mảng tối trong ‘Ngôi nhà Việt’
Những giây phút chia sẻ, giao lưu bên hình ảnh quê nhà tại Đức. Ảnh viethaus-berlin.
Nguyễn Anh Quân (thuộc Tổng cục 2- tình báo quân đội ?), một nghi phạm trong vụ “lừa đảo” bất động sản tại Vĩnh Phúc đã có lệnh truy nã và cấm xuất cảnh, nhưng bỗng dưng lại có mặt tại Đức trong cương vị “chủ” mới của “Ngôi nhà Việt” - Viethaus. Tại đây, ông đã gặp một số quan chức Việt Nam và sau đó có thị thực sang Mỹ. Vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và các cơ quan khác trong vụ “tẩu thoát” ngoạn mục này như thế nào?
Một “Ngôi nhà Việt“ (Viethaus) tại Berlin là ước ao của nhiều người Vietnam đang sinh sống ở đây. Trước Viethaus hiện hữu đã có một vài người thử nghiệm mô hình nói trên dưới nhiều dạng khác nhau mà đa số dưới hình thức một trung tâm văn hóa, ẩm thực … dành chủ yếu cho người Việt và mong muốn phần nào quảng bá văn hóa Việt với bạn bè quốc tế.
Tính đến năm 2002 chưa có thử nghiệm nào thành công.Sasco
Trong một lần tham gia liên hoan bia quốc tế tại Berlin, hai đối tác tiềm năng là công ty dịch vụ cụm cảnh hàng không phía Nam (viết tắt SASCO), lúc đó còn thuộc Vietnam-Airlines, và công ty du lịch HMSky, một công ty của người Việt tại Berlin, đã đi đến thống nhất cùng nhau liên doanh xây dựng công ty cổ phần Ngôi Nhà Việt (Viethaus AG). Lúc đầu dự án đạt được sự đồng thuận rất cao không những chỉ từ phía các đối tác mà còn cả từ các cơ quan hữu trách. Đây là dự án đầu tiên có giấy phép của bộ Kế hoạch Đầu tư, cho phép một đơn vị kinh tế nhà nước SASCO đầu tư ra nước ngoài, hợp tác cùng một đơn vị tư nhân người Việt. Dự án nhanh chóng nhận được sự ủng hộ tối đa của Bộ ngoại giao Việt Nam thông qua Đại sứ quán VN tại Berlin.
Công tác lập dự án diễn ra thuận lợi, hai bên dự kiến cùng đầu tư khoảng 6 triệu euro cho dự án này (thời điểm cuối tính cả số nợ đã lên tới 12 triệu euro). Lúc đầu việc xây dựng cũng thật chóng vánh, người Việt Nam ở Berlin khấp khởi từng ngày chờ lễ khai trương.
Giai đoạn thi công phần sau, 2006-2007, gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu vốn. Tiến độ thi công bị kéo dài và một số hạng mục công trình không được nghiệm thu. Nhưng với quyết tâm của các phía, tháng 3 năm 2008, Ngôi nhà Mơ ước đã thành hình. Sự có mặt tại buổi lễ khai trương của một đoàn cán bộ cấp cao do Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu cũng phần nào nói lên tầm cỡ công trình. Vui lắm. Niềm tự hào của người Việt ở đây được đẩy lên đến đỉnh điểm và cũng được nhiều bạn bè Đức thông cảm.
Ngoài chức năng mang lại niềm vui và niềm tự hào thì Ngôi nhà Việt ở Berlin còn có chức năng kinh doanh, như trong dự án đã nêu rõ. Và thế là mọi việc không vui đã bắt đầu từ đây. Chỉ một thời gian ngắn đưa vào khai thác, mô hình Viethaus đã bộc lộ rất nhiều điều bất cập: tổ chức nhân sự, phương thức kinh doanh, mô hình quản lý tài chính… Có nhiều người nói rằng đấy là căn bệnh cố hữu của các đơn vị kinh tế nhà nước VN; người khác lại bảo do ông chủ, lúc đó là ông Nguyễn Xuân Hùng, tức Hùng râu, giám đốc HMSky, không thể chèo chống được vì phần không được toàn quyền quyết định, phần chưa có kinh nghiệm trong quản lý dự án lớn theo mô hình có sự tham gia của quốc doanh… Nội dung này chúng tôi sẽ có dịp quay lại trong phạm vi một bài viết chuyên biệt.

Bà Đoàn Thị Mai Hương, ngoài cùng phải cùng ĐS Nguyễn Hòa Bình ngoài cùng trái, ngày 15.11.2011. Nguồn Nguoiviet
Phải nói thêm một chút về đội ngũ những người “sinh ra“ Viethaus và các vị được chọn mặt gửi vàng để đặt vào vị trí điều khiển cỗ xe Viethaus. Như phần trên đã nêu, cha đẻ của Viethaus-Berlin là ông Nguyễn Quốc Danh, tổng giám đốc SASCO và ông Nguyễn Xuân Hùng, giám đốc HMSky. Có lẽ cũng giống như những đứa trẻ có hai ông bố, Viethaus ra đời với một số phận mà sự may mắn hay bất hạnh phụ thuộc vào không chỉ một người. Rồi bi kịch không dừng lại ở đây khi thực tế ông Danh có quá nhiều việc phải lo, đã giao lại Ngôi nhà thân yêu này cho phó giám đốc của mình, bà Đoàn Thị Mai Hương phụ trách. Tất nhiên mô hình hai người bố cùng đẻ, cùng nuôi con không phải là lý tưởng nhưng ít ra còn hơn việc thay một ông bố bằng một bà gì ghẻ? Để quản lý tài sản của mình, thông qua phần vốn góp, tất nhiên SASCO phải cử sang Berlin nhiều khuôn mặt sáng giá, cả về phẩm hạnh lẫn năng lực nghề nghiệp.
Trong số đó phải kể đến ông Kiệt, phó chủ tịch hội đồng quản trị phụ trách mảng kinh doanh. Có thể ông Kiệt là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng lại gặp những hạn chế khó khắc phục: không biết tiếngs Đức và chưa hiểu gì về phong tục, tập quán của người Đức! Nếu là một người thông minh, nhiệt tình, chịu học hỏi thì đây không phải là rào cản quá lớn để hoàn thành nhiệm vụ được giao; rất tiếc ông Kiệt không thuộc mẫu người như vậy. Người ngoài nhìn vào còn nghĩ theo cách khác. Chủ tịch HĐQT là người góp vốn bằng đồng tiền thật, có từ mồ hôi nước mắt của mình còn ông phó là công chức, làm công ăn lương. Ai là người dễ xúc động trước kết quả, hiệu quả kinh doanh của dự án hơn, khỏi phải nói mọi người cũng thấy! Thiện chí hợp tác, văn hóa tranh luận, thói quen học hỏi … vốn là những thứ xa xỉ mà người Việt, nhất là những người có chút trọng trách, ít quan tâm. Khó quá. Thói đời, những người thua thiệt về năng lực quản lý lại thường xuất sắc trong khả năng tụ tập số đông về phía mình, theo bản năng sinh tồn! Trong sự hợp tác liên doanh này người ta ít tìm thấy phép cộng mà nhan nhản là phép trừ, nói cách khác, cái tốt bị trừ dần còn cái xấu thì ngược lại.
Ngôi nhà Viethaus
Ngôi nhà Viethaus. Nguồn findix.com.
Chưa được chuẩn bị về mặt kiến thức, kinh nghiệm để đảm đương một vị trí quan trọng như chức CTHĐQT của một dự án lớn như Viethaus, ông Nguyễn Xuân Hùng cũng chỉ biết lấp lỗ hổng bằng cách thông thường: tăng cường độ lao động. Mệt mỏi, cáu kỉnh và thiếu tỉnh táo là những thứ luôn đồng hành với việc tăng cường độ lao động. Những điểm mạnh trời phú cho ông Nguyễn Xuân Hùng như khả năng giao tiếp rộng rãi trong cộng đồng, kể cả đối với người Đức; thông qua những hiểu biết văn hóa, nghệ thuật ông Hùng có thể tạo ra cho Ngôi nhà Việt một nét đặc trưng hấp dẫn mà không nhiều người có thể làm được…
Đáng tiếc, vì thiếu cộng sự có năng lực, ông Nguyễn Xuân Hùng chỉ có cơ hội phát huy “sở đoản“ của mình, đơn thương độc mã lún sâu vào công tác quản lý và kinh doanh.
Nhìn thấy những khó khăn của dự án Viethaus, ông Nguyễn Xuân Hùng cũng có nhiều trăn trở, tìm các hướng giải quyết. Điển hình là tháng 6 năm 2009, với sáng kiến và sự cố gắng hết mình, ông Hùng đã vận động, tổ chức được một hội nghị với sự tham gia của nhiều bộ, ban ngành của chính phủ bàn về một giải pháp cứu giúp Viethaus. Bộ KHĐT, Bộ công thương, Bộ ngoại giao, Phòng thương mại VN, Ngân hàng nhà nước, Văn phòng chính phủ… đã ngồi lại với nhau tại Hà Nội, thảo luận, tìm biện pháp giải cứu cho Viethaus. Kết quả được đề xuất là một sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước; Điều kiện là: SASCO đứng ra chịu trách nhiệm nhận và giải ngân khoản nợ này! SASCO đã không chấp nhận điều kiện được đưa ra. Mọi việc trở thành bế tắc.
Cái gì phải đến rồi cũng đã đến. Ý định giữa đường thay ngựa được hình thành trong suy nghĩ của lãnh đạo SASCO. Tháng 3 năm 2009 bà Đoàn Thị Mai Hương, phó giám đốc SASCO ký văn bản đơn phương chấm dứt vai trò CTHĐQT Viethaus của ông Nguyễn Xuân Hùng. Tất nhiên đây là một động thái vi phạm luật doanh nghiệp nên văn bản nói trên đã không được thực thi. Văn bản không có hiệu lực nhưng lòng người vẫn áp dụng. Mâu thuẫn gia tăng, tẩy chay, vô hiệu hóa, vận động chia rẽ… các bên tung tác theo cách mình nghĩ mà không đếm xỉa đến những thiệt hại Viethaus phải gánh chịu.
Nguyễn Xuân Hùng đang giới thiệu sản phẩm Việt Nam cho Quận trưởng Hanke và Tham tán Công sứ Bùi Mạnh Cường. (Ảnh: Văn Long)
Cũng cần nói thêm về vấn đề nhân sự của Viethaus. Ngay từ đầu đã thiếu một sự nhất quán trong chính sách ký hợp đồng, trả lương, bảo hiểm… cho người lao động. Nguyên nhân sâu xa một phần từ sự khác biệt về luật lao động của VN và CHLB Đức; thêm vào đó là khó khăn về tài chính của công ty. Theo con số được nhiều người biết đến, tới 90% người lao động tại Viethaus bị nợ lương hoặc chậm lương trên 5 tháng. Hậu quả dễ thấy là đội ngũ cán bộ có trình độ lần lượt bỏ đi nơi khác, lực lượng lao động giản đơn luôn sáo trộn, tâm lý làm việc không ổn định… Ông CTHĐQT Nguyễn Xuân Hùng là một ví dụ, tính đến thời điểm nghỉ việc, Viethaus còn nợ ông Hùng hơn 30 tháng lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Nực cười nhất là việc này lại đang phải nhờ đến tòa án Đức phân giải!
Sau lần định bãi miễn chức CTHĐQT của ông Nguyễn Xuân Hùng không thành, bà Đoàn Thị Mai Hương tính đến phương án chia tay với đối tác HMSky, cụ thể là vận động ông Hùng bán phần vốn góp cho đơn vị khác. Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Hùng không muốn bán cổ phần của mình, nên đã cố gắng tìm kiếm nhà đầu tư mới đồng ý góp thêm vốn nhằm cứu nguy cho Viethaus. Kết quả cũng có mấy doanh nghiệp tư nhân từ các nước đông Âu cũ muốn tham gia đầu tư vào dự án, tiếp tục thử vận may với SASCO trong Ngôi nhà Việt. SASCO không chấp nhận với lý do: không muốn có nhiều cổ đông nhỏ lẻ.
Tháng 3 năm 2010, SASCO triệu tập ông Hùng về VN gặp đối tác mới. Công ty Dịch vụ viễn thông hoàn cầu, viết tắt GTSC, được SASCO giới thiệu là một công ty làm kinh tế của tổng cục 2, sẵn sàng góp vốn, mua lại toàn bộ cổ phần của HMSky (49,5%) trong dự án Viethaus. Đại diện của GTSC, ông Nguyễn Anh Quân là người được SASCO tiến cử, muốn mua lại phần hùn của của ông Nguyễn Xuân Hùng. Lúc này ông Hùng vẫn không đồng ý bán và kiên trì ý định tìm thêm nguồn vốn bằng cách kêu gọi thêm nhà đầu tư mới.
SASCO ra tối hậu thư: nếu HMSky không bán toàn bộ cổ phần cho GTSC, SASCO sẽ rút khỏi cuộc chơi, đồng nghĩa với sự báo tử Viethaus.
Ở đời, lẽ phải hay thuộc về kẻ mạnh. Thuyết phục, gây sức ép! Cuối cùng tâm lý chán nản và sự ê chề đã đánh bại Hùng “râu“. Nỗi sợ “Viethaus chết“ đã choán hết tâm trí ông CTHĐQT; nó mạnh dần lên và đè bẹp sự tiếc nuối, tiếc một tác phẩm do mình gầy dựng. Ông Hùng chấp nhận đề nghị của SASCO. Sau một hồi “cò kè bớt một thêm hai“, tháng 6.2010 Hùng “râu“ đồng ý bán đứa con “mang nặng đẻ đau“ của mình cho GTSC.
Và thế là, sau một số cú lừa không thành công về địa ốc trong nước ông “sỹ quan cao cấp“ Nguyễn Anh Quân đã quyết định bỏ quân phục, quân hàm cùng xe biển đỏ lại trong nước, ra nước ngoài thử vận may. Với sự giúp đỡ hết mình của lãnh đạo SASCO, cú đằng vân đầu tiên của ông Quân đã diễn ra êm thấm, trên cả tuyệt vời.
Nói theo các cụ ngày xưa thì có lẽ Viethaus “nặng vía“ nên vụ mua bán này cũng không trót lọt. Còn như luận theo lối văn minh ngày này thì do cơ quan cảnh sát điều tra của công an Hà Nội và Vĩnh Phúc làm nhanh quá nên, mặc dù được sự ưu ái của SASCO, ông Nguyễn Anh Quân vẫn bị chậm một nước cờ.
Từ tháng 10.2011 ông Nguyễn Anh Quân đã thuộc vào diện cấm xuất cảnh để phục vụ điều tra nhưng không hiểu bằng cách nào ngày 05.12.2011 ông vẫn có mặt ở Viethaus, chủ trì bữa nhậu hoành tránh như đã kể ở đầu Phần 1 của bàiviế
Hối lộ
Ảnh minh họa. Nguồn interrnet
Sau khi có lệnh truy nã toàn quốc ông Quân vẫn đàng hoàng ở tại Viethaus? Trong thời gian này, theo những nhân viên Viethaus kể lại, bà Đoàn Thị Mai Hương cũng có mặt tại đây và nhiều lần “làm việc“ với ông Quân! Rồi, thú vị nhất là các nhân viên Viethaus nhận được chỉ thị của SASCO, từ bà Hương, không được thông báo về sự có mặt của Nguyễn Anh Quân tại đây cho người ngoài, đặc biệt là với Nguyễn Xuân Hùng? Sự lui tới của một số cán bộ Đại sứ quán VN trong thời gian này để gặp gỡ với Nguyễn Anh Quân cũng thuộc vào những thông tin không phổ biến?
Tin mới nhất: ông Quân đã nhận được Visa vào Mỹ và sẽ lên đường nay mai.
Những người ở lại tha hồ hỏi nhau: Ai đã tiếp tay cho Nguyễn Anh Quân tại Berlin trong cuộc trốn chạy ngoạn mục này? Lý do gì và thông qua ai, Đại sứ quán VN tại Berlin lại có quan hệ mật thiết với Nguyễn Anh Quân? Những câu hỏi này sẽ được làm sáng tỏ trong Phần 3 của bài viết này.
(còn nữa)
Hạnh Phú từ CHLB Đức

Không có nhận xét nào: