Pages

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Trung Quốc Và Nỗi Lo Trăm Tuổi

http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/01/roc.png?w=211
Thành Chung – Việt Báo Xuân Nhâm Thìn (Dainamax)

Trung Quốc Tái Kiến Lịch Sử

Chúng ta đều biết người dân Trung Hoa mê sử. Văn hóa Trung Hoa còn coi lịch sử là tấm gương. Riêng lãnh đạo Trung Quốc ngày nay lại sợ… ngó vào gương…. Họ thấy gì trong đó?

Tờ lịch trăm năm trước. Ba lãnh tụ, năm lá cờ: Tôn Dật Tiên giữa hai “lãnh chúa cách mạng” Hoàng Hưng và Viên Thế Khải. Năm lá cờ gồm có hai lá “Tỉnh điền” ở hai góc, biểu tượng của việc phân chia ruộng đất; ở giữa là lá quốc kỳ ngũ sắc của Dân Quốc lúc ban đầu; bên trái là cờ thập bát tinh của cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, bên phải là cờ “Thanh thiên Bạch nhật Mãn địa hồng” của Tôn Dật Tiên, nay là quốc kỳ của Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan. Hình trên lịch là những chiến công của cuộc khởi nghĩa.

Ngày 10 Tháng 10 năm 1911, cuộc “Cách mạng Tân Hợi” bùng nổ với vụ khởi nghĩa Vũ Xương ở tỉnh Hồ Nam. Những biến cố dồn dập sau đó dẫn đến một chuyển động có thể gọi là lịch sử.

Cách đây đúng 100 năm, mùng một Tháng Giêng năm 1912, Tôn Dật Tiên đến Nam Kinh tuyên bố thành lập nền cộng hòa, sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc – Republic of China. Ngày 12 Tháng Hai năm đó, Hoàng đế Tuyên Thống Phổ Nghi đành thoái vị và 268 năm lãnh đạo của nhà Mãn Thanh tại Trung Quốc thực tế chấm dứt.

Nghĩa là từ khi Tần Thủy Hoàng Đế sáng lập nhà Tần vào năm 221 trước Công nguyên, chế độ quân chủ chuyên chế của Trung Quốc tồn tại được 2132 năm. Sau đó, kể từ 1912 thì người dân đã “làm chủ đất nước Trung Hoa”. Đúng là một biến cố lịch sử.

Nhưng sau đó lại là trăm năm hoạn nạn của một cường quốc xưa nay vẫn tự xưng là trung tâm thế giới. Xin quý độc giả vui lòng tìm lại, Giai phẩm Xuân Tân Mão của Việt Báo năm ngoái đã có bài viết của cùng tác giả về 100 năm đó: “100 Năm Nước Tầu – Điểm Giờ Bể Bóng“, ở trang 20.

Tháng 10 năm 2011, lãnh đạo Bắc Kinh cho tổ chức rầm rộ những sinh hoạt kỷ niệm trăm năm của cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 và còn cho dựng chân dung vĩ đại của Tôn Trung Sơn tại Quảng trường Thiên An Môn. Họ cho thần dân ăn mừng biến cố cách mạng là sự kết thúc của chế độ quân chủ, khởi đi từ Tần Thủy Hoàng, thần tượng của Mao Trạch Đông.
Thế rồi Bắc Kinh nghĩ lại!

http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/01/sunyatsen.png?w=188


Tôn Trung Sơn chân co chân duỗi trong bộ Âu phục – Ảnh của nhà sách Tam Dân

Vở nhạc kịch ngợi ca cuộc đời và sự nghiệp của Tôn Trung Sơn, vị Tổng thống đầu tiên của Trung Quốc, bỗng dưng bị hủy. Lý cớ được thông báo là vì hậu cần, tiếp vận. Cũng lạ. Ly kỳ hơn vậy, cuộc hội thảo do các học giả Nhật Bản chuẩn bị từ nhiều tháng trước về “Cách mạng Tân Hợi” cũng bị cấm, mà không cho biết lý cớ.

Lý do thì chúng ta có thể rất dễ đoán ra, nếu chịu khó nhìn vào trăm năm lịch sử đó. Dù là ngày Xuân, bài viết này vẫn xin tổng kết cái chuyện trăm năm của họ….

***

http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/01/longliveroc.png?w=300

Dân Quốc Cộng Hoà Vạn Tuế – Viên Thế Khải và Tôn Dật Tiên

Trăm năm qua, Trung Quốc thật ra có hai “Cách Mạng Tháng Mười”.

Một là Cách mạng Cộng hoà năm 1911 và sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc. Hai là Cách mạng Cộng sản và sự ra đời của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc ngày mùng một tháng 10 năm 1949. Cả hai cuộc cách mạng đều không là điểm son của dân chủ!

Ban đầu, nhà cách mạng Tôn Trung Sơn (Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên, v.v…) chưa muốn lập Quốc hội và chỉ làm Tổng thống vài tháng là bị cướp mất quyền hành, xứ sở lâm nội loạn triền miên với vai trò của các sứ quân lãnh chúa. Trong cảnh hỗn loạn ấy duy nhất có một yếu tố xứng danh cách mạng là trào lưu tự do tư tưởng và khuynh hướng lập hội lập đảng để canh tân xã hội.

Khi nói đến sự nghiệp cách mạng Tôn Trung Sơn, Thiên triều đỏ tại Bắc Kinh ngày nay giải thích và giải quyết thế nào về trào lưu tự do tư tưởng đó của xã hội Trung Quốc cách đây một thế kỷ? Giải thích thế nào về chế độ kiểm duyệt thông tin và đàn áp dân chủ hiện vẫn áp dụng?

Đã vậy, khi nói đến nỗ lực quốc tế vận của Tôn Trung Sơn, Bắc Kinh còn kẹt lớn.

Tôn Văn là một người thí thức, theo Công giáo, có hậu cứ vận động từ hải ngoại là… Hoa Kỳ. Và nhiều lần tìm nguồn yểm trợ tại Nhật Bản, một quốc gia phú cường, tiến bộ và tự do hơn Trung Quốc gấp bội. Nhật Bản còn đại thắng trong cuộc chiến Hoa-Nhật năm 1894-1895, góp phần đáng kể cho sự sụp đổ của nhà Đại Thanh.

Chính vì vậy mà Tháng 10 năm 2011, các học giả Nhật mới sốt sắng tổ chức cuộc hội thảo về Các mạng Tân Hợi và bị Bắc Kinh kịp thời hạ màn! Trong hoàn cảnh của 2012, nhắc đến Tôn Trung Sơn là lòi ra vai trò cách mạng hoặc diễn biến thiếu hoà bình của Hoa Kỳ và Nhật Bản….

Mà nào lý do chỉ có vậy!

 
http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/01/chinesehistory.png?w=200

Lịch sử bằng tranh của Trung Quốc, dưới nét họa của Frank Dorn, nghệ sĩ và họa sĩ Hoa Kỳ sau này là Chuẩn tướng trong ban tham mưu của Đại tướng Joseph Stilwell thời Đệ nhị Thế chiến. Tấm hý họa có chi tiết về cậu bé hoàng đế Phổ Nghi và những lầm than của “Cách mạng”.

Sự sụp đổ của nhà Mãn Thanh là niềm tự hào chính đáng của Hán tộc. Khi Mãn tộc tiêu diệt nhà Đại Minh năm 1644 thì đấy là nỗi nhục khó rửa cho người Hán. Vì vậy, “Phản Thanh – Phục Minh” là khẩu hiệu đã huy động nhiều thế hệ ái quốc. Và một chủ trương cách mạng của Tôn Trung Sơn là tinh thần dân tộc, để đánh đuổi nhà Mãn Thanh. Chính đáng lắm.

Nhưng cũng là dị tộc Mãn Thanh xấu xa tồi bại ấy đã bành trướng lãnh thổ, cho Thiên triều đỏ ngày nay ở Bắc Kinh có thể viện lẽ chính danh từ đời Thanh mà đòi thống trị Tân Cương và Tây Tạng, hai khu vực tự trị đang có vấn đề toé máu với dân Hồi giáo và Tây Tạng!

Chế độ Cộng sản Trung Quốc mà kế thừa di sản Đế quốc của ngoại tộc Mãn Thanh sao?

Huống hồ, kẻ kế thừa di sản Tôn Trung Sơn lại là Tưởng Trung Chính!

Sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc được Mao Trạch Đông thành lập ở Hoa lục năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Văn được Tưởng Giới Thạch đem qua Đài Loan. Đảo quốc mang tiếng là lãnh thổ ngàn đời của Trung Hoa lại gợi nhớ đến những tranh chấp về chủ quyền từ đời Thanh. Mà hậu thân của cái gọi là ngụy quyền Trung Hoa Dân Quốc lại xây dựng được một nền kinh tế tiên tiến với một chế độ chính trị thật sự dân chủ.

Công lao chuyển hoá đó tại Đài Loan thuộc về Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch. Và lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Trung Hoa trực tiếp đi bầu ra lãnh đạo thật – một Tổng thống – là tại Đài Loan vào Tháng Ba năm 1996. Bất chấp hỏa tiễn của Trung Quốc bay qua đầu!

Và “tam dân chủ nghĩa” vẫn là khẩu hiệu hấp dẫn vì là khát vọng của người dân Trung Quốc. Khát vọng chưa được vẹn toàn tại Hoa lục, 100 năm sau.

Khi nhìn vào cuộc cách mạng thứ nhì, Cách mạng Cộng sản năm 1949, lãnh đạo Bắc Kinh phải cố tẩy xóa ba chục năm đầu – của Mao Trạch Đông. Và tô hồng ba chục năm sau, từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, cách nay đúng 33 năm.

http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/01/greatleapforward.png?w=300

Tranh cổ động của “Bước nhảy vọt vĩ đại” Đại Dược Tiến: “Dĩ cương vi cương”, lấy sắt làm lưới, toàn diện tiến lên! Kết quả là mấy chục triệu người chết đói

Ba chục năm đầu là thời hoang tưởng chết người, một chuỗi dài chiến dịch như “Đại dược tiến”, “Bách hoa tề phóng” hay “Đại văn cách” khiến Trung Quốc có sự ổn định của bãi tha ma, trên xương máu của mấy chục triệu nạn nhân. Ba chục năm sau mới là bước nhảy vọt vĩ đại nhờ Đặng Tiểu Bình, khiến Trung Quốc hy vọng tái xuất hiện như một cường quốc đáng nể trọng.

Đấy là hoàn cảnh khiến Bắc Kinh phải phủ khăn hồng trên tấm gương lịch sử của trăm năm cũ….

***

http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/01/maochiang.png?w=297

Hoà giải 1945: Tưởng Giới Trạch giữa Mao Trạch Đông và Patrick J. Hurley, nhà ngoại giao… Hoa Kỳ!

Thật ra, sau khi hạ màn Cách mạng Tân Hợi vì quá nhiều lý do nhạy cảm với lịch sử ở sau lưng, Thiên triều đỏ lại lo sợ một vụ cách mạng khác ở trước mắt.

Mùng ba Tháng Chạp năm 2011, Chu Vĩnh Khang tuyên bố là phải cải tiến chế độ quản lý xã hội để nâng cao khả năng ứng phó của các tỉnh với những thay đổi kinh tế. Tin vặt này có gì mà đáng nói vào buổi đầu Xuân?

Chu Vĩnh Khang là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Cầm đầu “ban Chính pháp”, họ Chu là trùm cớm của chế độ và có quyền hạn trên cả hai bộ trong Quốc vụ viện là Công an bộ (Nội vụ) và Quốc gia An toàn bộ (An ninh, Tình báo và Phản gián).

Khi một lãnh tụ có thẩm quyền như vậy mà công khai cảnh báo rằng phải phát huy sáng tạo trong quản lý – kiểm soát xã hội để đối phó với tác dụng tiêu cực của kinh tế thị trường, chúng ta đoán là Thiên triều thấy bất an.

Kinh tế thị trường là cái gì đó đã giúp Đặng Tiểu Bình và hậu duệ kéo được mấy trăm triệu dân ra khỏi nạn cơ hoang – chết đói – thời Mao và đưa Trung Quốc lên hàng đại cường kinh tế chỉ thua có Hoa Kỳ. Nhưng ba chục năm sau bước nhảy vọt vĩ đại ấy, cũng kinh tế thị trường lại đe dọa quyền lực của đảng với biến động xã hội ngày càng nhiều và càng bạo động khiến Chu Vĩnh Khang phải báo động.

Năm Tân Mão vừa qua là cao điểm, có lẽ là cực điểm, của thế lực Trung Quốc trước những hoạn nạn kéo dài từ nhiều năm nay của ba khối kinh tế đáng nể nhất địa cầu là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản.

Cái thế của Trung Quốc là nền kinh tế đông dân nhất, có đà tăng trưởng cao nhất trong mấy thập niên, có khối dự trữ ngoại tệ hơn 3.200 tỷ Mỹ kim, số một của thiên hạ. Cái lực của Trung Quốc là một bộ máy ngoại giao, tuyên truyền và quân sự có khả năng chi phối quyết định của thế giới. Từ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đến các tổ chức hay diễn đàn quốc tế, từ khủng hoảng tại Trung Đông như Iran hay Syria, đến Trung Á như Pakistan hay A Phú Hãn, cho tới an ninh ngoài Đông hải – của Trung Quốc lẫn các lân bang từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á – tiếng nói của Bắc Kinh là một thế lực đáng kể.

Đấy là điều chưa từng có từ trăm năm nay, từ hai trăm năm nay, hoặc từ mấy ngàn năm nay.

Nhưng vì sao trên đỉnh cao của thời “Quang diện Trung Hoa”, Thiên triều đỏ lại xanh mặt?

***
Vì kinh tế Trung Quốc có thể hạ cánh trong năm Nhâm Thìn này. Nhiều phần là hạ cánh thiếu an toàn, nặng nề, hoặc tan tành.

Đà tăng trưởng có thể sụt dưới cái ngưỡng tử sinh là 8% một năm. Với lãnh đạo Bắc Kinh, sản xuất mà không tăng quá 8% là động loạn xã hội bùng nổ. Trong khi kinh tế trôi vào đà suy sụp ấy, một chuỗi bong bóng đầu cơ có thể bể và trong khi cả nước lo sợ lạm phát, một sắc thuế bất công nhất vì đánh vào túi tiền của những người nghèo khốn nhất, và nạn cường hào ác bá cướp đất của dân lại là khẩu hiệu huy động biểu tình có tác dụng nhất.

Trong khi ấy, cả ngàn xí nghiệp loại vừa và nhỏ của tư nhân đã rụng như sung, phá sản hàng loạt và dẫn đến những vụ xù nợ khổng lồ ở khắp mọi nơi, cũng bi thảm như chuyện có người tự sát để thoát nợ.

Suốt năm Tân Mão, người dân đã biểu tình và đặt bom các công thự của đảng và nhà nước để phản đối nạn đất đai bị cướp vì tiến trình đô thị hóa của chế độ. Trong cảnh bất ổn chung, mũi nhọn của bạo động lại là thành tích của các tổ chức Hồi giáo đòi độc lập ở Tân Cương. Khi tăng ni Tây Tạng lại xuống đường và tự thiêu từ vùng đất lưu tán ở Tứ Xuyên về tới Đặc khu Tự trị Hành chánh Tây Tạng, chuyện hợp tan ngàn đời của Trung Quốc lại trở thành thời sự….

Nhìn vào ruột gan chế độ, người ta còn phát giác ra chuyện kinh hoàng: từng tỉnh của Trung Quốc là những nước Hy Lạp!

Quốc gia Âu Châu này bị nguy cơ vỡ nợ vì vay quá sức trả, các tỉnh của Trung Quốc cũng vậy. Theo đúng chủ trương kích thích kinh tế của đảng từ cuối năm 2008, doanh nghiệp nhà nước ở các tỉnh đã đầu tư rất mạnh – nhân đó các đảng viên cán bộ cướp đất mà bồi thường không thoả đáng – và thổi lên bong bóng đầu cơ.

Khi được yêu cầu hạn chế, các tỉnh hết vọc tay vào công quỹ bèn lập ra công ty đầu tư địa phương để vay tiền các ngân hàng nhà nước ở địa phương và tích lũy một núi nợ khổng lồ. Các ngân hàng có thể sẽ sụp đổ dưới núi nợ đó, chẳng khác gì vụ khủng hoảng Âu Châu.

Đó là chuyện năm Thìn nếu người ta để ý đến việc lãnh đạo Bắc Kinh đã vừa cho phép thành phố Thâm Quyến – sau Thượng Hải, Quảng Đông và Chiết Giang – được phát hành trái phiếu để huy động tiền trả nợ.

Chuyện thứ ba còn đáng xanh mặt hơn: trong năm Thìn này, đảng sẽ phải tổ chức Đại hội khoá 18, để đưa một thế hệ mới lên lãnh đạo sau thế hệ thứ tư là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Dù chưa về hưu, Tổng lý Quốc vụ viện là Ôn Gia Bảo đã dám nói thật về lẽ “bốn không” của kinh tế Trung Quốc: không cân đối, không công bằng, không phối hợp và không bền vững. Cuối Tháng 11 năm ngoái, Hồ Cẩm Đào cũng chẳng nói khác. Vì vậy, đảng sẽ phải chuyển hướng qua Kế hoạch Năm năm sắp tới, nếu không là sẽ gặp loạn.

Nhưng, chính là vào lúc chuyển hướng ngặt nghèo này, các lãnh tụ lại lâm trận chuyển tiếp lãnh đạo, với chín người mới sẽ vào Bộ Chính trị, bảy người trong Thường vụ, và 70% Ủy viên Trung ương đảng phải thay thế.

Trong năm Nhâm Thìn này, trận đấu nội bộ ấy càng khiến cho việc chuyển hướng cực kỳ sinh tử thêm khó khăn. Nhiều phần sẽ là không kịp! Một trăm năm sau, có khi ta sẽ thấy mặt trời chảy nước.

Nhiều phần sẽ là chảy máu khi Trung Quốc tái kiến lịch sử!
_________________________________________________________________

(Bài viết này của Thành Chung xuất hiện trên Việt Báo Xuân Nhâm Thìn 2012. Đọc kỹ thì dường như Thành Chung là… cả một Thùng Chanh! NXN)

Không có nhận xét nào: