Pages

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Châu Âu cấm mua dầu Iran

Một mỏ dầu của Iran
Iran sẽ phải tìm đến các khách hàng châu Á
 sau khi các nước châu Âu không mua dầu
của nước này nữa
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu EU đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ cấm nhập khẩu dầu thô từ Iran để gây áp lực lên chương trình hạt nhân của quốc gia này.
Động thái này sẽ được chính thức thông báo tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao EU vào cuối tháng Giêng năm 2012.

Hoa Kỳ, vốn cũng vừa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhằn vào Iran, đã hoan nghênh động thái này của EU.
Iran đã bác bỏ lời đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt mới và phủ nhận cáo buộc của phương tây rằng họ đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân.

Iran cũng bác bỏ mối liên hệ giữa việc đồng tiền của nước này xuống mức thấp kỷ lục với các biện pháp trừng phạt mới đây của Mỹ nhằm vào các ngân hàng của nước họ.
Giá dầu trên thị trường quốc tế đã tăng khi tin cấm vận dầu mỏ Iran của EU được công bố.
“Chúng tôi sẽ có một hội nghị các bộ trưởng ngoại giao [EU] vào ngày 30 tháng Giêng và nhân dịp này tôi hy vọng chúng tôi có thể đưa ra quyết định về việc cấm vận xăng dầu mua từ Iran,” Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppé nói.
“Chúng tôi phải trấn an một số đối tác châu Âu của chúng tôi vốn tiêu thu dầu của Iran. Chúng tôi phải đưa ra các giải pháp thay thế cho họ,” ông nói.
Hôm thứ Ba ngày 3/12, Pháp đã kêu gọi áp đặt ‘các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn’ lên Iran.
Tuy nhiên, ngay cả khi lệnh cấm vận được thông qua vào cuối tháng này, cũng phải mất vài tháng trước khi nó có hiệu lực.
“Đây là những bước đi mà chúng tôi muốn thấy không chỉ từ phía các đồng minh và đối tác thân cận của chúng tôi ở những nơi như châu Âu mà còn từ các quốc gia khác trên thế giới,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland phát biểu.

‘Thắt chặt thòng lọng’

“Chúng tôi tin rằng điều này tương ứng với việc thắt chặt thòng lọng lên Iran về mặt kinh tế,” bà nói.
Hơn một nửa thu nhập của Chính phủ Iran là từ xuất khẩu dầu thô, phóng viên BBC James Reynolds cho biết.
Nếu châu Âu quả thật ngừng nhập khẩu, Iran sẽ phải tìm kiếm khách hàng từ các nước châu Á để bù đắp và những nước châu Á sẽ đòi được giảm giá, phóng viên Reynolds nói.
Liên minh châu Âu hiện tiêu thụ khoảng 17% lượng dầu xuất khẩu của Iran.
Trong khi đó, lâu nay Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm vận đơn phương đối với Iran vốn cấm tất cả mọi hình thức mua bán với Iran.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ, Canada và Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran sau khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố bản báo cáo cho biết Iran đã tiến hành các vụ thử nghiệm có liên quan đến ‘việc phát triển một thiết bị hạt nhân’.
Tuần trước Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành luật cấm các công ty nước ngoài có giao dịch với ngân hàng trung ương Iran liên hệ với hệ thống tài chính Mỹ.
Tuy nhiên, Iran không bị đưa ra Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc do gặp phải sự chống đối từ phía Nga và Trung Quốc.
Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua bốn vòng cấm vận chống Iran do nước này từ chối chấm dứt hoạt động làm giàu uranium.
Uranium làm giàu ở mức độ cao có thể được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Các lệnh cấm vận này bao gồm cấm cung cấp vũ khí hạng nặng cũng như các công nghệ có liên quan đến hạt nhân cho Iran, phong tỏa xuất khẩu vũ khí của nước này và đóng băng tài sản của các nhân vật và công ty chủ chốt của chế độ.
Iran mới đây đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận hải quân ở Vịnh Ba Tư và đã bắn thử một vài quả tên lửa.
Các cuộc tập trận này diễn ra gần eo biển Hormuz, nơi có đường mà 20% lượng dầu giao dịch trên thế giới phải đi qua.

Không có nhận xét nào: