Pages

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Chỉnh đốn đảng để tránh ‘sụp đổ’?

Giáo sư Ngô Vĩnh LongQuốc Phương

BBC Tiếng Việt

“Nếu thực tình chỉnh đốn từ trên xuống dưới thì tôi nghĩ đây là vấn đề không những tốt cho đảng thôi mà tốt cho đất nước là bởi vì không ai muốn sụp đổ mà cũng không ai muốn có những rắc rối nguy hại cho đời sống của dân thường” – Giáo sư Ngô Vĩnh Long
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia am hiểu tình hình nội bộ của Việt Nam, cho BBC hay hội nghị trung ương đảng lần thứ tư, khóa XI vừa bế mạc đã lựa chọn chủ đề “chỉnh đốn đảng” dưới áp lực trong nước và tác động của biến động quốc tế năm qua.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, cho rằng nếu đảng không thực sự sửa đổi thì “đất nước càng ngày càng lụn bại đi” và có thể dẫn tới “sụp đổ.”

“Nếu đảng thực sự ý thức được điều này, thì đó là điều tốt không những cho đảng mà còn cho tương lai của đất nước nữa,” học giả chuyên về các vấn đề Đông Nam Á nói với BBC hôm 01/01/2012.
Về việc liệu có áp lực nào buộc đảng phải tuyên bố chỉnh đốn nội bộ hay không, ông Long nhận định:
“Đây là sức ép của không biết bao nhiêu người chính ngay trong đảng vì họ không muốn đảng này bị suy yếu đi. Và ngoài sức ép trong đảng, còn có sức ép trong xã hội, sức ép của nhiều tầng lớp trong đất nước.
“Và còn có các sức ép trên thế giới, từ Miến Điện, đến Ả-rập, đến Nga v.v. Và người ta thấy trào lưu đổi mới bằng cách dân chủ hóa là cái phải làm chứ không thể để nước đến chân mới nhảy được… Tôi nghĩ người ta nhìn vấn đề trong nước, rồi trên thế giới và thấy rằng đến lúc phải thay đổi thôi.”
Năm 2001, trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã phát động một cuộc vận động quy mô “xây dựng và chỉnh đốn đảng” dưới thời cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Trước câu hỏi vì sao lần này đảng lại cần thêm một cuộc chỉnh đốn đảng nữa, Giáo sư Long cho hay:
“Cuộc (hội nghị) vừa rồi nói là chỉnh đảng, nhưng thực chất ra, từ trước tới nay, bao nhiêu cuộc chỉnh đảng từ những năm 1950 đến gần đây, chỉ là các phe phái đánh nhau.
“Không phải là chỉnh đốn một cách đàng hoàng. Mà trong khi đó thì một số người càng ngày nắm quyền càng nhiều, cho nên vấn đề chuyên quyền ở Việt Nam càng ngày càng lớn.”
“Nếu thực tình chỉnh đốn từ trên xuống dưới thì tôi nghĩ đây là vấn đề không những tốt cho đảng thôi mà tốt cho đất nước là bởi vì không ai muốn sụp đổ mà cũng không ai muốn có những rắc rối nguy hại cho đời sống của dân thường”
Giáo sư Ngô Vĩnh Long
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng ‘chuyên quyền’ gắn chặt với các vấn đề ‘phát triển kinh tế’ thì chuyên quyền sẽ càng lớn thêm vì “bao nhiêu lợi ích vào tay một nhóm người nhỏ.”
“Và lần này, nếu thực tình chỉnh đốn từ trên xuống dưới thì tôi nghĩ đây là vấn đề không những tốt cho đảng mà tốt cho đất nước là bởi vì không ai muốn sụp đổ, mà cũng không ai muốn có những rắc rối nguy hại cho đời sống của dân thường.”
‘Làm thật hay nói suông?’
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng đảng lần này không thể chỉ nói suông, nếu thực sự muốn giữ tính chính danh và tránh suy sụp.
Giáo sư Long cho rằng để cho một cuộc “chỉnh đảng” thực sự hiệu quả, cần phải có “dân chủ hóa” ngay trong đảng và ông cũng cảnh báo về hậu quả có thể có của việc chỉnh đốn bất thành.
“Mọi người trong đảng phải có tiếng nói thì mới được. Còn nếu chỉ có một vài người muốn, thì nó chỉ chia phe, chia phái thôi… Nếu những người lãnh tụ của đảng nghĩ rằng vấn đề chỉnh đốn đảng là vấn đề sống còn không những của đảng mà còn của đất nước, thì phải có dân chủ hóa thực sự.
“Nếu không thì tôi nghĩ rằng sẽ chẳng đi đến đâu… Bởi vì không nói (chỉnh đốn đảng) thì thôi, nhưng đã nói mà không làm đến nơi đến chốn, thì đảng sẽ mất tính chính danh, đã yếu lắm rồi mới tính đến chỉnh đáng, mà nay lại nói mà không làm thì sẽ lại càng khó khăn.”
Tuy nhiên, ông Ngô Vĩnh Long cũng lưu ý rằng lộ trình dân chủ hóa đất nước của Việt Nam, đặc biệt liên quan tới phương án mở rộng đa đảng, đa nguyên như một số ý kiến trong nước từng đặt ra, có thể không hẳn khả thi trong tình hình hiện nay.
“Ở trong nước, vấn đề đa đảng, tôi nghĩ bây giờ có cho lập đảng cũng khó mà lập được. Thành ra từ từ thôi.
“Trước hết, nên dân chủ hóa trong đảng. Rồi xem các nhóm lợi ích, hay nhóm này nhóm kia đối đãi với nhau như thế nào. Rồi từ đó mở ra cho những người khác, một là tham gia trong các nhóm khác nhau đó, hai là họ có thể lập ra các tổ chức có lợi cho dân chúng.”
“Trước hết, nên dân chủ hóa trong đảng. Rồi xem các nhóm lợi ích, hay nhóm này nhóm kia đối đãi với nhau như thế nào. Rồi từ đó mở ra cho những người khác, một là tham gia trong các nhóm khác nhau đó, hai là họ có thể lập ra các tổ chức có lợi cho dân chúng”
Giáo sư Ngô Vĩnh Long
Ông cho rằng không cần thiết phải thành lập ngay các “tổ chức đảng” nhưng nếu có thể, nên cho “tổ chức ngay những nhóm xã hội” – thực chất của xã hội công dân: “Đấy là sự mở đầu cho cuộc dân chủ hóa đất nước mà tôi tin là sẽ làm cho đất nước càng ngày càng mạnh thêm.”
Giáo sư Long cũng nhắc đến khả năng có một thay đổi, điều chỉnh về nhân sự cấp cao của đảng, vốn có thể xảy ra vào dịp Đại hội giữa kỳ của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới đây. Ông nói: “Sau này Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng sẽ gộp lại thành một vị trí. Còn Đảng thì riêng rẽ. Có lẽ đây là lúc họ nghĩ phải tách rời Đảng khỏi nhà nước.”
Hội nghị toàn thể lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, được nhóm họp từ ngày 26-31/12/2011 ở Hà Nội, vừa ra nghị quyết trong đó đặt ra ba việc cấp bách phải xử lý.
Ba việc này bao gồm “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ và đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình hội nhập quốc tế, nhất là các cán bộ ở cấp trung ương; và làm rõ thẩm quyền của người đứng đầu các cấp ủy đảng đến đâu và mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền.”

Không có nhận xét nào: