Pages

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Năm con rồng, Trung Quốc đi tìm một làn gió mới

Hồng Kông, Tết Dương lịch 1/1/2012
Reuters/Tyrone Siu
Thụy My

Nhật báo cộng sản L’Humanité trong bài điều tra mang tựa đề « Năm con rồng, Trung Quốc đi tìm một làn gió mới » đã nhận xét, được trông cậy sẽ góp phần vào việc tái thúc đẩy nền kinh tế thế giới, Bắc Kinh vẫn rất thận trọng.
Tăng trưởng chậm lại, cộng với ảnh hưởng của khủng hoảng ở Hoa Kỳ và châu Âu, liệu Trung Quốc sẽ phải hạ cánh bất ngờ hay sẽ là đòn bẩy trong một đường hướng phát triển mới ?
Bài báo mở đầu bằng hình ảnh, với pháo hoa rực rỡ và tiếng pháo nổ tưng bừng, Trung Quốc sẽ bước vào năm con rồng vào ngày 23 tháng Giêng tới, với nhiều phụ nữ bụng bầu vì cố sinh một đứa con tuổi Thìn vốn được nhiều người ao ước. Nhưng các dấu hiệu vui tươi này không giấu được nỗi lo ngại, trước viễn cảnh không sáng sủa lắm của nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới.
Bắc Kinh đang phải cân nhắc các ưu điểm và khuyết điểm của chính mình. Đại hội Đảng CSTQ về vấn đề kinh tế và tiền tệ tổ chức hồi giữa tháng 12 đã nhìn nhận một cách bi quan là « môi trường thế giới hiện vô cùng tệ hại và phức tạp ».

Dấu hiệu đầu tiên là tỉ lệ tăng trưởng đã chững lại, đứng ở mức 9% trong năm 2011, hậu quả của tình trạng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu bị sụt giảm. Tổng sản phẩm nội địa chỉ tăng nhẹ, điều này không đáng ngại lắm nếu nhanh chóng được nhu cầu tiêu thụ trong nước kích thích. Nhưng bên cạnh đó còn có các vấn đề xã hội, những ưu tiên mới cần được đặt ra như cuộc đấu tranh chống bất công xã hội, tình trạng bất bình đẳng giữa các địa phương. Chính quyền cần có các biện pháp chống tham nhũng và nạn lạm dụng quyền lực, đầu tư cho các tỉnh nằm sâu trong nội địa, cũng như xây dựng một nền kinh tế thân thiện với môi trường.
Thị trường nội địa Trung Quốc hiện chưa thể thay chân được xuất khẩu để trở thành đầu tàu cho tăng trưởng, cho dù tiền lương tại các công ty lớn đã tăng lên ở mức độ 15 đến 20%/năm. Tỉ trọng của tiêu thụ nội địa chỉ mới có 39% tổng sản phẩm quốc nội, không hơn mức của năm 2009 bao nhiêu. Ngược với châu Âu, tỉ lệ đầu tư tại Trung Quốc cao hơn tỉ lệ tiêu thụ, và đất nước này vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Theo một nhà nghiên cứu, thì vài năm nữa Trung Quốc sẽ phải trở thành một nước nhập khẩu lớn.
Tìm ra người tiêu thụ ở đâu ? Bắc Kinh trông cậy vào kế hoạch đô thị hóa khổng lồ, vì nhu cầu tiêu dùng ở các thành phố lớn hơn rất nhiều so với nông thôn. Nếu cách đây khoảng ba mươi năm, tỉ lệ dân thành thị mới chiếm khoảng 18%, thì năm 2010 đã lên đến 49,7%, và đến năm 2030 có thể lên 70%.
Môt trong những mục tiêu của kế hoạch năm năm mới đây còn là giảm bớt bất công xã hội, vốn là nguyên nhân của nhiều cuộc nổi dậy, mà Quảng Đông là điển hình. Một nhà văn Trung Quốc giấu tên nhận xét, thành quả của phát triển kinh tế đã bị lu mờ bởi quá nhiều bất bình đẳng, tham nhũng, kiểm duyệt, che giấu những gì đang diễn ra ở giới lãnh đạo thượng tầng. Sự phẫn nộ của người dân Ô Khảm, được phổ biến rộng rãi qua các mạng xã hội, cho thấy nhận định trong một bài xã luận của một tờ báo lớn ở Quảng Đông vẫn luôn thời sự. Tờ báo này cho là « Cùng với quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc phải đối phó với một sự chuyển đổi lớn, vì nhân dân ngày càng đòi hỏi thêm nhiều quyền công dân và chính trị ».
Tham vọng vũ trụ của Bắc Kinh
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến việc « Bắc Kinh tái khẳng định tham vọng trên vũ trụ ». Trung Quốc luôn nêu cao ý định thám hiểm Mặt Trăng, và xây dựng một trạm không gian. Nhưng trước mắt Bắc Kinh tập trung cho việc cải thiện các hỏa tiễn và vệ tinh.
Từ khi trở thành quốc gia thứ ba đưa người vào không gian vào năm 2003, Trung Quốc tự cho là đã gia nhập được vào hàng ngũ các cường quốc không gian. Hiện nay Bắc Kinh đang chú trọng cho việc ứng dụng các thành tựu của khoa học vũ trụ vào việc phát triển kinh tế.
Các hỏa tiễn Trường Chinh, rất cần thiết để không bị lệ thuộc, ngày càng có khả năng đưa vào không gian các vệ tinh có trọng lượng cao hơn, được sản xuất theo nhiều model khác nhau cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Các vệ tinh của Trung Quốc cũng có nhiều tiến bộ, từ vệ tinh viễn thông cho các nước khác, đến hệ thống 35 vệ tinh phục vụ cho hệ thống định vị Bắc Đẩu của chính Trung Quốc trong tương lai. Một hệ thống quan sát trái đất thường trực 24/24 có thể phân biệt được các vật có kích thước từ 1 đến 20 m là tham vọng của Bắc Kinh hiện chưa bị các đối thủ chú ý đến nhiều.
Thám hiểm Mặt Trăng, xây dựng trạm không gian Thiên Cung 1 vào năm 2020 là những mục tiêu đã được vạch ra từ lâu. Còn đi xa hơn, đến tận Hỏa tinh ? Hiện chương trình này đang do quân đội đảm nhiệm, nhưng trước trọng trách khó khăn này, Trung Quốc sẽ phải ve vãn Hoa Kỳ và châu Âu.
Biên giới Bắc Triều Tiên – Trung Quốc không thực sự khép kín
Nhìn sang nước láng giềng cộng sản Triều Tiên, La Croix cho biết : « Đường biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn có nhiều khoảng hở ». Việc tuần tra của quân đội đã được tăng cường từ sau khi có ba người Bắc Triều Tiên bị bắn chết ở biên giới Trung Quốc. Nhưng theo tờ báo, thì đường biên mà phương Tây cứ ngỡ là khép kín, thật ra là nơi lưu chuyển hàng hóa, thậm chí buôn người.
Tuyến biên giới này nằm dọc theo hai con sông Áp Lục và Đồ Môn, chạy dài gần một ngàn cây số, trên thực tế không phải là "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Đặc biệt là từ khi nạn đói năm 1995 tại Bắc Triều Tiên làm cho trên một triệu người chết, và một lượng lớn người dân bỏ đi khỏi nước. Họ chỉ có thể đến được một nước duy nhất mà thôi, đó là Trung Quốc ở ngay bên cạnh. Có rất nhiều điểm thông quan chính thức như Sineuiju, Musan, Onseong, chưa kể vào mùa đông mặt sông đóng băng, có thể đi bộ qua được.
Theo La Croix, ba người Bắc Triều Tiên bị bắn chết ở gần Hyesan mới đây chưa chắc là có ý định vượt biên thực sự, vì động cơ chủ yếu của người Bắc Triều Tiên khi sang bên kia biên giới là nhằm tìm kiếm thực phẩm, thuốc men và quần áo. Nhiều mạng lưới buôn lậu đã được hình thành từ trận đói kinh hoàng năm 1995, với sự đồng lõa của lực lượng biên phòng của cả hai bên, gồm quân đội, công an, hải quan, nhờ bỏ túi tiền hối lộ.
Theo các tổ chức phi chính phủ, có khoảng 100.000 đến 200.000 người Bắc Triều Tiên là tị nạn thực sự. Sang đến Trung Quốc, họ phải sống lén lút, và trở thành mồi ngon cho bọn buôn người. Còn chính quyền địa phương Trung Quốc thì xem họ như một lực lượng lao động rẻ tiền, và khi không còn cần đến nữa thì tống họ trở lại Bắc Triều Tiên.
Một năm khó khăn đang chờ đợi châu Á
Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Le Figaro nhận định « Châu Á chuẩn bị cho một năm khó khăn ». Trung Quốc loan báo một kế hoạch tái thúc đẩy tiêu dùng, còn Singapore trước đe dọa của suy thoái, đã cắt giảm phân nửa tiền lương của các nhà lãnh đạo. Thị trường chứng khoán Hongkong thì đã bị mất giá đến 20% trong năm qua.
Sau khi điểm qua tình hình tại một số nền kinh tế lớn của châu lục, Le Figaro cho rằng châu Á nay không còn là bến bờ của thịnh vượng. Bằng chứng là các ngân hàng lớn trên thế giới như Nomura và Goldman Sachs đã chuẩn bị cắt giảm lương bổng và số lượng nhân viên trong khu vực này.
Thời sự trong nước : Tựa chính báo Pháp
Các nhật báo lớn ở Paris hôm nay đặt trọng tâm vào thời sự nước Pháp. Trước hết trong lãnh vực năng lượng, Le Monde quan tâm đến việc « Chính phủ và tập đoàn điện lực Pháp EDF cam kết tăng cường an toàn nguyên tử ». Cuộc tranh cãi lâu nay về vai trò của năng lượng hạt nhân, nay lại mang tính thời sự với bản báo cáo của Cơ quan An toàn Nguyên tử, cho biết cần phải đầu tư rất lớn để bảo đảm độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân Pháp.
Về tài chánh, nhật báo cộng sản L’Humanité chỉ trích biện pháp do Tổng thống Sarkozy đưa ra : « Thuế trị giá gia tăng vì lợi ích xã hội : Có đến 64% người Pháp phản đối ». Còn tờ báo cánh hữu Le Figaro thì đả kích chương trình tranh cử của ứng viên đảng Xã hội François Hollande : « Sau hưu bổng đến thuế khóa, kế hoạch của Hollande quá mơ hồ ». Nhìn sang thị trường chứng khoán, nhật báo kinh tế Les Echos tỏ ra lạc quan với việc « Cổ tức của các công ty hàng đầu Pháp vẫn trụ vững trước khủng hoảng ».
Trên lãnh vực khoa học xã hội, nhật báo cánh tả Libération vinh danh nhà xã hội học Pierre Bourdieu, mà mười năm sau khi ông qua đời, các tác phẩm đã trở thành kinh điển trên thế giới, trong khi người Pháp lại chưa ý thức đầy đủ tầm vóc của ông. Tờ báo chạy tựa trang nhất : « Bourdieu vẫn luôn hợp thời». Tờ báo công giáo La Croix quan tâm đến « Ly dị cấp tốc : Nguồn gốc xung đột », trước tình trạng cứ hai cặp vợ chồng ly dị theo thủ tục được đơn giản hóa, thì lại có một cặp sau đó tiếp tục quay lại để kiện cáo.

Không có nhận xét nào: