Trụ sở hành chánh của chính quyền Ðà Nẵng ngổn ngang xây dựng. (Hình: Báo Tuổi Trẻ) |
Trước đó, vấn đề này đã được thảo luận tại cuộc họp ngày 23 tháng 12, 2011 và các thành viên hội đồng nhân dân thành phố Ðà Nẵng đã đồng ý thông qua quyết định dừng thu nhận cư dân mới. Theo quyết định này, công dân Việt Nam từ các vùng khác đến chưa làm chủ sở hữu một căn nhà nào thì sẽ “không được ghi danh trở thành người thường trú tại Ðà Nẵng”.
Nguyên nhân khiến thành phố Ðà Nẵng thực hiện chính sách “bế môn tỏa cảng” này, theo bà Lương Nguyệt Thu, trưởng ban pháp chế hội đồng nhân dân thành phố là vì “thành phố này đã quá đông đúc và quản lý không xuể người nhập cư”.
Theo bà Thu, người dân từ nơi khác đến trú ngụ tại địa phận Ðà Nẵng lên tới 114,290 người, tính đến cuối năm 2011, chiếm 11.5% dân số thành phố. Bà Thu cũng nại lý do phải từ chối việc thu nạp thêm công dân mới là vì số người từ nơi khác đến trở thành tội phạm chiếm 24.9%.
Hơn nữa theo ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư thành ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân thành phố Ðà Nẵng thì “cần phải chọn lọc để chỉ tiếp nhận những công dân có trình độ, có tay nghề chứ không thể để người thất nghiệp tràn đến Ðà Nẵng gây phức tạp vô vàn cho việc quản lý xã hội”.
Cuối cùng thì báo Tuổi Trẻ trích lời của ông Văn Hữu Chiến, chủ tịch chính quyền thành phố Ðà Nẵng nói rằng “tình hình nhập cư tại đây ồ ạt không thua Bình Dương và Sài Gòn đã đặt ra nhiều áp lực đối với chính quyền”.
Chính vì vậy, ngày 3 tháng 1 vừa qua, ông Văn Hữu Chiến gửi văn bản đến công an thành phố Ðà Nẵng yêu cầu ngừng giải quyết việc ghi danh thường trú của công dân, bất chấp sự phản đối của dư luận.
Trước đó, ngày 24 tháng 12, ông phó chủ nhiệm ủy ban pháp luật Quốc Hội Việt Nam Ðặng Ðình Luyến cho rằng quyết định ngừng ghi danh thường trú tại thành phố Ðà Nẵng là trái luật. Ông Luyến nêu ví dụ cho thấy Hà Nội và Sài Gòn “quá tải về hạ tầng, giao thông hơn nhiều so với Ðà Nẵng nhưng không thể vì thế mà đặt ra những rào cản trái với luật Cư Trú.” Ông này cũng nói rằng mặc dù cấm hoặc hạn chế nhưng người nhập cư vẫn bám trụ để làm việc tại Ðà Nẵng thì sẽ dẫn đến tình thế phức tạp hơn nhiều cho việc điều hành đô thị.
Theo luật Cư trú của nhà nước Việt Nam, công dân có chỗ ở hợp pháp, tạm trú liên tiếp tại một địa phương từ một năm trở lên và được chủ nhà đồng ý sẽ được ghi danh thường trú.
Có thể nói việc đặt ra “hộ khẩu thường trú” là để ban phát cho người dân một số quyền lợi trong thời bao cấp sau năm 1975. Kể từ đó đến nay, thủ tục này tiếp tục được duy trì không khác biện pháp “ngăn sông cấm chợ” khiến người dân gặp nhiều cản ngại khi đi lại, làm việc, sinh sống tại nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam.
“Bu” theo việc làm là tình trạng kinh tế-xã hội tất yếu tại các vùng mới phát triển. Dư luận cho rằng việc ngăn chận di dân bằng biện pháp hành chánh cực đoan của thành phố Ðà Nẵng cuối cùng chỉ tạo nên tình trạng rối rắm trong thủ tục giấy tờ, hạ thấp mức sống của người dân.”
Việc cấm người thường trú của thành phố Ðà Nẵng cũng vi phạm điều 68 của bản Hiến pháp CSVN khi viết: “Công dân có quyền đi lại và cư trú ở trong nước...”
Ðà Nẵng hiện là thành phố đông dân thứ 5 của Việt Nam, sau Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng và Cần Thơ; có 8 quận huyện với dân số khoảng 890,000 người.
Ðà Nẵng cũng là một trong những trung tâm giáo dục lớn nhất miền Trung và tây nguyên với 13 trường đại học, 18 trường cao đẳng và khoảng 250 trường trung học. (T.N.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét