Pages

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Nhìn thẳng vào sự thật nhưng phải hành động thật

 
“Nhân dịp Tết sắp đến tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, trong đó có nhiều đảng viên lâu năm, kể cả nhiều đồng chí đã từng giữ các cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Qua trao đổi thấy mọi người đều mong đợi chí ít là một số hành động thật cụ thể, thiết thực chứ không chỉ lặp lại những điều đã từng nói trong vô số nghị quyết đã có. Nói tóm lại là hành động, hành động và hành động!”
Tự “đánh” vào đầu mình là chuyện khó nhất. Về tâm lý chẳng ai muốn làm, nếu bắt buộc phải làm thì cũng “giơ cao đánh khẽ” thôi! Như vậy đòi hỏi “giải phẫu”, cắt bỏ những sai sót của bản thân đâu có dễ nhưng cần phải làm, làm một cách thật sự nếu muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng để củng cố niềm tin của dân, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng- nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết như vậy khi nói về những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Hội nghị TƯ 4, khoá XI.

Ảnh: HÀ THANH
Thưa ông, Hội nghị TƯ 4 vừa nhất trí ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, ông đánh giá thế nào về việc này?
- Tôi đã có dịp chia sẻ suy nghĩ theo yêu cầu của báo Quân đội nhân dân do đó thực tình không muốn nói lại. Tuy nhiên tôi cũng xin bổ sung “dăm điều ba sợi” với Đại Đoàn Kết.
Trước hết cần phải khẳng định rằng, trong suốt chiều dài lịch sử của cách mạng nước ta, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên nhiều kỳ tích vẻ vang. Nhờ vậy và nhờ ở tấm gương của nhiều chiến sỹ cách mạng ngẩng cao đầu ra pháp trường, một lòng kiên trung trong lao tù, xả thân nơi chiến trường… vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì dân tộc nên Đảng được nhân dân tin yêu. Ngay bây giờ, khi mọi người đang “lăn tăn” nhiều chuyện, biết bao đảng viên vẫn tiếp tục canh giữ nơi biên giới, hải đảo; miệt mài trên ruộng đồng, đổ mồ hôi nơi hầm lò, vắt óc trong phòng thí nghiệm, nơi giảng đường… Họ là những người đảng viên chân chính, đáng tôn vinh chứ? Nói như vậy có vẻ “cũ” quá nhưng đó là sự thật!
Nhưng tiếc rằng, bên cạnh đó có một sự thật khác là không ít (tức là nhiều) đảng viên, kể cả những người thuộc lớp “quyền cao, chức trọng” lại sa vào vũng bùn của chủ nghĩa tư lợi dưới nhiều hình thức, làm giảm sút lòng tin của dân đối với Đảng. Điều này thật đáng buồn và đáng lo, vì vậy việc Hội nghị TƯ 4 bàn một số vấn đề cấp bách để ngăn chặn là đúng thôi. Nhân đây tôi muốn chia sẻ một điều. Hôm qua có ông bạn đáng kính của tôi có nói với tôi rằng, ngày nay ở nước ngoài người ta định nghĩa “chủ nghĩa cá nhân” có khác trước. Trước đây người ta định nghĩa chủ nghĩa cá nhân là ích kỷ, chỉ lo cho mình, nay người ta cho rằng, dù sao cá nhân là thực thể tạo động lực cho phát triển, do đó không nên đả phá chủ nghĩa cá nhân mà chỉ nên chỉ trích bệnh ích kỷ, tư lợi, điều này cũng đáng suy nghĩ.
Thực ra không phải bây giờ Đảng ta mới chăm lo tới việc giữ vững phẩm chất đảng viên. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, là một Đảng Đảng cầm quyền, Bác Hồ đã lo tới chuyện này. Chỉ 15 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, trong bức thư “gửi các đồng chí tỉnh nhà” Bác đã nêu nhiệm vụ “đề phòng hủ hóa”, lên mặt làm quan cách mạng, “dĩ công vi tư”, phải lập tức sửa đổi ngay. Và trước lúc ra đi, Bác vẫn trăn trở nói: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Như vậy Bác đã tiên liệu trước từ rất sớm.
Trong giai đoạn đổi mới, Đại hội của Đảng ta nào cũng báo động về tình trạng tha hóa trong đội ngũ đảng viên, kèm theo đó là không biết bao nhiêu nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị. Chỉ tiếc rằng các nghị quyết của Đảng về vấn đề này đi vào cuộc sống chưa thật hiệu quả, nên tình hình ngày càng xấu thêm.
Thưa, ông vừa nói tới chuyện các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng đi vào cuộc sống chưa thật hiệu quả, vậy theo ông, nguyên nhân là do đâu?
- Nguyên do thì có nhiều, chắc nghị quyết sẽ nêu rõ, song theo thiển ý của tôi có mấy chuyện.
Thứ nhất, là chưa thật thấm nhuần những lời cảnh báo của Bác Hồ, từ đó ít chú trọng tới việc xây dựng Đảng, nhất là thực thi các cơ chế để phòng ngừa. Ví dụ có quy định về những việc đảng viên không được làm nhưng xem ra nhiều người không thực hiện nhưng rất ít người bị kỷ luật vì vi phạm. Thứ hai, là việc làm không đi đôi với lời nói mà dân dã gọi là “dzậy mà không phải dzậy”. Ví dụ hiện nay đang lùm xùm câu chuyện các cán bộ có tí chức, tí quyền ở Sóc Trăng đánh bạc lên tới hàng 5-7 tỷ, họ đều có công ty sân sau hết và điều đó vi phạm cả Pháp lệnh về công chức, ai cũng biết nhưng chẳng ai làm gì, họ vẫn lên lương lên chức, vào cấp ủy như thường! Thứ ba, là cán bộ lãnh đạo không gương mẫu, chỉ đòi hỏi cấp dưới, còn bản thân thì ở “ngoài vòng”. Ví dụ qua phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa thấy rõ lãnh đạo làm gì để đảng viên, làng nước theo sau. Tệ hơn nữa là việc xử lý thường “dưới nặng trên nhẹ”, thậm chí trên không việc gì. Thứ tư, là dân chủ trong Đảng chưa thật sự được phát huy, đồng thời cũng chưa có cơ chế để quần chúng, nhân dân giám sát đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo.
Ông chờ đợi nhất điều gì ở Nghị quyết TƯ 4, thưa ông?
- Hiện nay Nghị quyết chưa được công bố, ta hãy chờ. Nhân dịp Tết sắp đến tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, trong đó có nhiều đảng viên lâu năm, kể cả nhiều đồng chí đã từng giữ các cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Qua trao đổi thấy mọi người đều mong đợi chí ít là một số hành động thật cụ thể, thiết thực chứ không chỉ lặp lại những điều đã từng nói trong vô số nghị quyết đã có. Nói tóm lại là hành động, hành động và hành động!
Để có được những hành động như vậy thì đương nhiên phải có dũng khí nhìn thẳng vào sự thật cho dù cay đắng tới đâu đi nữa, giống như Bác Hồ đã công khai nhận khuyết điểm trước dân sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất, chấn chỉnh tổ chức trong những năm 50 thế kỷ trước. Khi nêu ra sai lầm thì nên chú trọng tới những cái sai chủ quan là chính. Có lẽ chẳng nên đổ cho kinh tế thị trường, hội nhập, có chăng lỗi của ta là không nhận rõ những mặt trái của chúng để ngăn ngừa bởi có những nước kinh tế thị trường, hội nhập sâu hơn ta nhiều nhưng họ vẫn duy trì được xã hội trong sạch. Singapore là một ví dụ điển hình. Họ nghiêm minh, thấy tâm tư của dân không thuận đối với Đảng Nhân dân, họ tự “ghè” vào túi tiền của lãnh đạo, quyết định cắt giảm lương của lãnh đạo, từ Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng trở xuống!
Còn ta cần làm gì thì trước mắt, chí ít trong năm nay, nếu Bộ Chính trị, Trung ương chọn ra đôi ba việc thật đích đáng để làm tới nơi tới chốn, từ đó củng cố uy tín của Đảng, đáp ứng kỳ vọng, lấy lại niềm tin của dân thì thật tốt.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Vậy, một vài việc có thể làm ngay ấy, theo ý kiến riêng của ông là gì?
- Tôi nghĩ Bộ Chính trị và Trung ương có đủ thông thái và quyết tâm chọn trúng những việc cần làm, bản thân tôi chỉ xin bày tỏ vài kỳ vọng thôi.
Lần này tôi kỳ vọng sự chuyển động sẽ bắt đầu từ cấp cao nhất, mở một đợt sinh hoạt chính trị (tôi không muốn dùng từ “chỉnh huấn” hay “chính phong” vì những từ này có thể gợi lại một số tâm tư không thuận lắm) để nhìn lại những việc dư luận đảng viên, nhân dân râm ran xì xào với tinh thần thực sự cầu thị vì lợi ích của Đảng nhằm làm rõ sai đúng đối với từng cá nhân. Làm được như vậy sẽ là một động lực thúc đầy các cấp ủy rồi đến đảng viên noi theo. Nói cách khác là lần này nên làm từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên.
Như trên tôi đã chia sẻ, “ghè” vào chân mình, tát vào má mình là chuyện khó nhất vì làm như vậy bản thân bị đau, quyền lợi bị đụng chạm. Nếu không tự làm nổi thì chấp nhận để người khác “ghè” hộ, “tát” hộ vậy. Nói thế thôi chứ chuyện này cũng chẳng dễ gì vì lẽ thường tát trẻ con thì dễ chứ tát người trên mấy ai dám và người bị “tát” cũng dễ khùng lên lắm. Do vậy cần có lòng dũng cảm của bản thân từng người và cơ chế bảo vệ cho người có dũng khí.
Bên cạnh đó cần sớm có những cơ chế rất cụ thể về công tác cán bộ và thực thi vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị. Riêng về cơ chế cán bộ thì nhiều vấn đề đã được nung nấu, thậm chí đã có chủ trương từ lâu song vẫn chưa đưa vào cuộc sống. Ví dụ cơ chế dân chủ trong Đảng chẳng hạn, đã có quyết định về chất vấn ở Trung ương nhưng hình như chưa thực hiện được trong khi Quốc hội đã làm từ lâu và truyền hình cho cả nước, cả thế giới biết. Hay quy chế trách nhiệm cá nhân, chuyện có lên, có xuống, từ chức… cũng cần được quy định cụ thể. Thấy người ta chỉ nói lỡ vài câu mà xin từ chức bộ trưởng, trong khi ở mình có những sai phạm tầy đình mà chẳng ai hay hấn gì lại thấy buồn. Chẳng lẽ nước ta không còn người hay sao? Chẳng lẽ vì nể nang người này người nọ hay vì lý do riêng tư nào đó mà chấp nhận để dân mất lòng tin chăng?
Cái cần đổi mới nhất là tinh thần dân chủ. Dân chủ trong Đảng, dân chủ trong xã hội. Dân chủ ở đây là trên cơ sở thượng tôn pháp luật chứ không phải làm bừa, ai muốn làm gì thì làm. Cái chính là pháp luật, quy chế, quy định theo tinh thần dân chủ.
Nhiều cái cuộc sống đã đặt ra, mình đã nhận thức được nhưng vì lẽ này, lẽ khác cứ lấn cấn mãi không làm để rồi tự đẩy mình vào thế bị động. Chẳng nói đâu xa, ngay chức năng phản biện của MTTQ đã nói tới trong Luật Mặt trận rồi nhưng đến giờ cũng chưa cụ thể hoá được; luật về hội cũng chưa ra đời tuy ở nước ta đã có hàng trăm hội rồi; rồi luật biểu tình cũng mãi chưa được soạn thảo trong khi thực tế đã nảy sinh. Nói tóm lại, cần phải làm ngay, thực hiện ngay trong năm 2012 này một số việc, hoặc chí ít là một việc thôi. Phải làm ngay để dân tin là Đảng có quyết tâm thực.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Hoàng Mai (thực hiện)

Không có nhận xét nào: