Pages

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

ĐỌC LẠI LỊCH SỬ – ĐI CÙNG LỊCH SỬ

Theo:

Đào Như - Hôm nay 16-1-2012, khi tôi viết những dòng này, chỉ còn có 3 ngày nữa chúng ta sẽ đối mặt với ngày lịch sử: Ngày 19-1-1974, ngày mà Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của ta. Trong trận chiến này, Trung Quốc đã phải kinh ngạc khi đương đầu với sư kháng cự, đánh trả ác liệt và kiên cường của các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng vì tương quan lực lượng bất lợi, cuối cùng các chiến sĩ Hải Quân của Việt Nam Cộng Hòa đã không bảo vệ được Hoàng Sa, mặc dầu đã chấp nhận sự mất mát to lớn với 74 chiến sỹ hải quân ta đã hy sinh, trong đó có Hạm trưởng Hộ Tống Hạm HQ10, Trung Tá Ngụy Văn Thà. Nhiều chiến sỹ hải quân khác của ta bị địch bắt làm tù binh và sau đó địch trao trả số an hem tù binh này lại cho Việt Nam Cộng Hòa, thông qua tổ chức Chữ Thập Đỏ của Anh ở HongKong.

Hy vọng, với hoài niệm về trận chiến Hoàng Sa, với việc vực dậy ký ức về sự chiến đấu kiên cường của các Chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ tổ quốc, một lần nữa làm cháy lên những ngọn đuốc, soi sáng lại lịch sử, sẽ khơi động dòng lịch sử. Đồng bào cả nước và các đảng viên đảng cộng sản Việt Nam có cơ hội đọc lại lịch sử, có cái nhìn nhất quán hơn, công bằng hơn đối với dòng lịch sử chân chính của dân tộc, đối với Chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Như chúng ta đã biết, chỉ vì sự sai lầm của ý thức hệ: Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa-VNDCCH- chưa bao giờ công nhận Việt Nam Cộng Hòa-VNCH-là một quốc gia, một chính thể. Do đó trong suốt 40 năm qua chính phủ Cách Mạng, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, vẫn chưa vinh danh các chiến sĩ Hải Quân của VNCH đã bỏ mình vì tổ quốc, dù chỉ một lần. Trong khi đó ước nguyện về việc vinh danh này trở thành yêu cầu đòi hỏi ngày càng nhiều của đồng bào ta, trong nước cũng như hải ngoại. Trong một thời gian dài vấn đề hành xử chủ quyền Hoàng Sa thuộc Chính phủ VNCH trong giai đọan trước năm 1975 gần như một đề tài cấm kỵ. Do đó không trách gì nhiều mảng lịch sử của tổ quốc trước 75 đã bị khuất lấp. Lịch sử của quần đảo Hoàng Sa cũng không được ai nhắc tới, do đó cũng không một ai biết tới. Nếu chỉ học theo sách giáo khoa lịch sử chính thống hiện hành ở trong nước, thế hệ trẻ ở trong nước bây giờ ít ai biết Hoàng Sa đã từng được Chính phủ VNCH quản lý như thế nào. Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo như thế nào? Và những chiến sĩ Hải Quân Viet Nam Cộng Hòa đã chiến đấu kiên cường, anh dũng ra sao để bảo vệ mảnh đất của tổ quốc như thế nào? ”.
Mãi đến ngày 20 tháng 7-2011, để biện hộ cho ‘Công Hàm’ của Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng-báo Đại Đoàn Kết ở trong nước-một trong những cơ quan ngôn luận của ĐCSVN-lên tiếng công nhận: Vào thời điểm 1958 Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa-VNCH-đã liên tiếp thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này. Nhân dịp này báo Đại Đoàn Kết nhắc lại việc chiến đấu dũng cảm kiên cường của hải quân VNCH chống trả quân xâm lược Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Báo ĐĐK đưa ra quan điểm của mình một cách vô cùng chính đáng: Phủ nhận giá trị của Công Hàm-1958 của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng vì vào thời điểm đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa-VNDCCH- không có nghĩa vụ và hành sử trên quần đảo Hoàng Sa. Do đó báo ĐĐK có đầy đủ cơ sở pháp lý để lên án cách diễn giản của Trung Quốc về “bức công hàm 1958” là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Gần đây hơn, hôm 25-11-2011 trong phiên chất vấn của các Đại biểu Quốc Hội tại Hà Nội, để trả lời những câu hỏi dồn dập của các Đại Biểu Quốc Hội về khả năng và chiến lược của chính phủ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo nhất là tại Biển Đông. Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng Việt Nam hiện tại, nắm lấy cơ hội, ông lên tiếng tố cáo trước Quốc Hội: Năm 1974 Trung Quốc dùng võ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của ”Chính quyền Sàigòn” và Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa-VNCH-đã lên tiếng phản đối sự xâm lăng Trung Quốc và đề nghị LHQ can thiệp…Như thế lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ sử liệu và pháp lý để khẳng định điều này. Nhân cơ hội này, Thủ tướng Dũng khơi dậy ký ức về Trường Sa: Năm 1975 chúng ta tiếp quản 5 đảo tại quần đảo Trường Sa: Đó là đảo Trường Sa, đảo Song tử, đảo Sinh tồn, đảo Nam yết và đảo Sơn ca. Tất cả 5 đảo này đểu do quân đội của chính quyền VNCH đang quản lý và ta đến tiếp quản… Việt Nam chúng ta cũng là quốc gia duy nhất trong các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường sa, có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo mà chúng ta đang đóng giữ với số 21 hộ, 80 khẩu trong đó có 6 khẩu đã sinh ra và lớn lên trên những đảo này….
Qua“sự kiện 25-11-11”chúng ta có thể nói sau bao nhiêu năm tháng chờ đợi Chính Phủ “nhìn lại lịch sử”, đây lần đầu tiên ước vọng của đồng bào cả nước được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp ứng, tuy không công khai đình đám, nhưng trước các vị Đại biểu, trước Quốc Hội, thế cũng là khá trọn vẹn, khá công bình với lịch sử.
Dù sao động thái của Thủ tướng Dũng, trong chủ tâm vực dậy ký ức về cuộc chiến Hoàng Sa và sư bảo vệ phát triển ở quần đảo Trường Sa của VNCH phải được hiểu như là sự đòi hỏi công bằng của lịch sử. Chúng ta đòi hỏi chính phủ trong nước và Thủ tướng Dũng, cần phải có những bước đi cụ thể hơn nữa, tích cực hơn vì có quá nhiều mảng lớn của lịch sử của cả hai miền đất nước, miền Bắc cũng như miền Nam, vẫn còn bị che khuất chưa được ánh của công bằng lịch sử soi rọi đến. Đồng thời những ý thức hệ phi dân tộc, những tư duy lạc hậu, những quan điểm, những lý thuyết theo lối mòn cũ xưa, hẹp hòi, một chiều của thời phong kiến, của thời chuyên chính vô sản, của thời đấu tranh giai cấp, cần phải được đẩy vào bóng tối của lịch sử, cần phải được chôn vùi vĩnh viễn trong nghĩa trang quá khứ. Chúng tôi phải nhận chân rằng đây là một quá trình lột xác đau đớn cho những ai chưa từng đổi mới tư tưởng, chưa từng đọc lại lịch sử, chưa từng vượt lên chính mình, để có những bước đi đúng hướng, theo chân lịch sử, hòa mình với thời đại, với tinh thần đoàn kết dân tộc./.
Đào Như
Oak park 16-1-2012
thetrongdao2000@yahoo.com

Không có nhận xét nào: