Pages

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

TQ băn khoăn về nguồn dầu Iran

Iran tập trận tại eo biển Hormuz
Trung Quốc cũng lo ngại Iran chặn eo biển Hormuz
Trong lúc Phương Tây tăng sức ép lên Iran, Trung Quốc rơi vào cảnh khó xử.
Vì là bạn hàng lớn nhất và khách hàng mua dầu thô nhiều nhất của Tehran, (20% lượng xuất khẩu của Iran), sự hợp tác của Bắc Kinh đóng vai trò trọng yếu nếu Phương Tây muốn thành công trong kế sách ngăn Iran làm giàu uranium.

Thế nhưng cũng chưa rõ gì rõ ràng là Trung Quốc sẽ chấp nhận chuyện đó.
Khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, ông Timothy Geithner thăm Bắc Kinh đầu tháng 1 này để hối thúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyện Iran, nước chủ nhà đã lịch sự nói không.

Tuy vậy, vì tầm quan trọng của mối bang giao với Phương Tây, nhất là với Mỹ, Trung Quốc không thể hoàn toàn bỏ qua sức ép đó để cứ tiếp tục làm ăn với Iran như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Để hiểu cách Trung Quốc bảo vệ quyền lợi của họ trong hoàn cảnh khó khăn và nhiều rủi ro thế này, chúng ta cần xem trước hết điều gì là động lực cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc với Iran.
An ninh năng lượng
Điều hiển nhiên nhất là lợi ích kinh tế.
Iran đang đứng hàng thứ ba trong số nước cung cấp dầu thô cho Trung Quốc, bằng khoảng 500 nghìn thùng mỗi ngày và vì thế, Tehran đóng vai trò sống còn trên bàn cờ an ninh năng lượng của Trung Quốc.
Mất đi nguồn dầu từ Trung Quốc sẽ ngay lập tức gây cơn sốc về cung cứng cho Trung Quốc, trừ khi các nước sản xuất dầu khác, như Ả Rập Saudi, nhảy vào bù ngay lại được khoản thiếu hụt.
Hơn nữa, các công ty dầu của Trung Quốc đã ký những hợp đồng hàng tỷ đô la để khai thác năng lượng và lọc dầu với các đối tác Iran.
Trung Quốc sẽ mất những hợp đồng béo bở này nếu tham gia cấm vận Iran cùng Phương Tây.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner thăm Trung Quốc vì vấn đề Iran
Về nguyên tắc, Bắc Kinh cũng luôn chống lại lệnh cấm vận nói chung. Còn trong trường hợp của Iran, Trung Quốc chắc cũng sẽ chấp nhận làm theo một khi cấm vận về dầu được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua. Nhưng vì đây là sáng kiến do Hoa Kỳ và các nước châu Âu nêu ra, Trung Quốc coi đó là hành động thiếu chính danh quốc tế.
Dù thế nào thì vụ Hoa Kỳ nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran cũng lại khiến Bắc Kinh cho là một ví dụ tiếp theo của tiêu chuẩn nước đôi mà Hoa Kỳ đem ra áp dụng – Hoa Kỳ vừa nhắm mắt để Israel có vũ khí nguyên tử nhưng đe dọa dùng vũ lực để chống lại chương trình của Iran – và vì thế, Trung Quốc vẫn đi con đường ‘trung dung chi đạo’, không ngả về phía nào.
Sự ủng hộ có nhiều nấc
Trung Quốc công nhận quyền của Iran được làm giàu uranium chừng nào vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Trung Quốc ủng hộ cấm vận nhằm vào Iran chỉ như cách buộc Iran xác tín các cam kết thi hành luật quốc tế mà thôi.
Các lợi ích kinh tế và bản năng không ưa cấm vận khiến Trung Quốc nghi ngờ về đề nghị cấm vận dần thô nhắm vào Iran.
Nhưng Trung Quốc cũng phải xem xét cái giá phải trả một khi họ làm bực lòng những bạn hàng lớn nhất.
Giao thương với Washington chắc chắn là chuyện quan trọng hơn cho quyền lợi quốc gia của Trung Quốc hơn là quan hệ với Iran.
Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì, chỉ sau EU cho hàng hóa Trung Quốc.
Nước Mỹ cũng có đầy phương tiện khiến Trung Quốc khó khăn một khi Washington có lý do để tin rằng Trung Quốc cố ý phá cố gắng của Mỹ buộc Iran ngưng chương trình hạt nhân.
Đường dây Saudi
Tình hình chưa hết phức tạp cho Trung Quốc vì nước này cũng phải tính đến sự đối đầu sâu nặng của Ả Rập Saudi trước chương trình hạt nhân của Iran. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc chăm sóc quan hệ với Ả Rập Saudi, quốc gia cung ứng dầu hàng đầu cho Trung Quốc.
Hồi giữa tháng 1 này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thăm Ả Rập Saudi để tăng cường quan hệ.
Quốc gia này quan trọng hơn Iran nhiều nếu nhìn từ góc độ an ninh năng lượng với Trung Quốc.
Và vì thế, Trung Quốc không dám làm Ả Rập Saudi khó chịu chỉ vì Iran.
"Tình hình chưa hết phức tạp cho Trung Quốc vì nước này cũng phải tính đến sự đối đầu sâu nặng của Ả Rập Saudi trước chương trình hạt nhân của Iran. "
Cuối cùng, những nhân vật mang đầu óc thực tiễn ở Bắc Kinh hiểu rằng ngay tại Israel cũng có những sức ép ngày càng tăng để nước này tấn công phòng ngừa phá các cơ sở hạt nhân của Iran, chấp nhận các lệnh trừng phạt mà thực tế sẽ làm Iran đau đớn có thể là cách duy nhất để xua đi kịch bản tồi nhất: một cuộc chiến tại vùng Vịnh Ba Tư làm ngăn luồng dầu qua eo biển Hormuz và dẫn tới cơn khát dầu toàn cầu.
Cách đi ‘trung dung chi đạo’ mà Bắc Kinh có thể sẽ theo, dù không mấy mặn mà, là cách bảo vệ quyền lợi riêng trên nhiều mặt trận.
Để trách không hoàn toàn biến Iran từ bạn thành thù, Trung Quốc sẽ vẫn chính thức phản đối lệnh cấm vận dầu với Iran.
Nhưng nếu các nước nhập dầu khác như Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ cấm vận, Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu giảm lượng dầu nhập từ Iran với nhiều cách lý giải khác nhau, và như thế cũng để tỏ ra không phải là nước phá đám với kế hoạch của Phương Tây.
Cùng lúc, Trung Quốc sẽ cố gắng có lời cam kết mạnh mẽ từ Ả Rập Saudi về nguồn cung ứng dầu bù vào lượng nhập khẩu mất đi từ Iran.
Các tính toán này có thể không làm Trung Quốc tránh được cảnh phải nhìn một cuộc xung đột quân sự có hậu quả tai hại ở vùng Vịnh nếu Israel mất kiên nhẫn và vẫn tấn công Iran dù Hoa Kỳ phản đối.
Nhưng trong cuộc chơi nguyên tử đầy bất trắc và kịch tính Trung Quốc cũng chẳng còn lá bài nào khác.
Bài viết cho BBC thể hiện quan điểm của giáo sư Bùi Mẫn Hân (Pei Minxin) từ trường Claremont McKenna, California, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: