Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Việt Nam gấp rút cải cách kinh tế xã hội





AFP PHOTO
Hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Sài Gòn,
 ảnh chụp trước đây.

Tập trung kiềm chế lạm phát

Bảy nhóm giải pháp lớn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành ngày 3/1. Chi tiết về các giải pháp này được báo chí Việt Nam đưa tin, trong đó giải pháp thứ nhất nói rằng, Việt Nam tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng linh họat; chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước và khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.
Những chỉ đạo điều hành ở cấp chính phủ như thế có điều chỉnh gì, sau 1 năm thực hiện nghị quyết 11 với 1 loạt giải pháp để cứu vãn nền kinh tế trong giai đoạn hiểm nguy. Trả lời Nam Nguyên, ông Bùi Kiến Thành Việt Kiều Mỹ, chuyên gia kinh tế cao cấp hiện sống và làm việc ở Việt Nam nhận định:


Chặt chẽ và linh hoạt là phải làm sao đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, tức là làm sao để cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp cận được tín dụng với lãi suất hợp lý.
Ô. Bùi Kiến Thành
“Những biện pháp đưa ra năm rồi đã không đạt được mục đích mong muốn và điều chỉnh lớn nhất cần phải làm là về chính sách tiền tệ được cho là chặt chẽ và linh hoạt chứ không phải là thắt chặt nữa. Nhưng theo tôi chặt chẽ và linh hoạt là phải làm sao đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, tức là làm sao để cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp cận được tín dụng với lãi suất hợp lý thì hết năm 2011 chưa làm được thì năm nay phải làm vì nền kinh tế không thể phát triển được, một nền kinh tế với lãi suất vay 20%-30% thì không ai làm ăn gì được. Vì vậy một tỷ lệ rất lớn doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn mà nếu không giải quyết được thì cứ chùm chăn mãi hay sao, tình trạng không hoạt động dẫn tới mất ổn định nền kinh tế, mất ổn định vĩ mô chứ không chỉ bản thân doanh nghiệp. Tình hình ấy không thể tiếp tục cần được điều chỉnh một cách thận trọng.”
Hồi tháng Hai năm ngoái Việt Nam ban hành Nghị Quyết 11 với 6 nhóm giải pháp về kinh tế tài chính xã hội, trong đó có việc thắt chặt tín dụng và giảm bội chi ngân sách. Biện pháp này được thực hiện cho mục đích chặn đà tăng vật giá. Hồi tháng 12 năm ngoái các chuyên gia Ngân hàng Thế giới và Quĩ Tiền tệ Quốc tế khuyến cáo rằng, nếu chính phủ Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm thì có thể làm suy yếu những gì đã đạt được nhằm hướng tới ổn định nền kinh tế.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Bùi Kiến Thành phát biểu:

Do-la---VND-250.jpg
Tiền đồng Việt Nam và tiền đô la Mỹ, ảnh chụp hôm 22/08/2011. RFA PHOTO.
“Người ta biết hay không biết tình hình Việt Nam, chúng ta phải xem xét nhưng áp dụng một cách máy móc những bài học áp dụng cho những nền kinh tế phát triển như Mỹ hay những nền kinh tế khác thì không thể dùng ở Việt Nam được. Việt Nam không phải là một nền kinh tế thị trường, về vấn đề tiền tệ ở Việt Nam không phải là một thị trường tiền tệ có nhiều tín dụng tiêu dùng như ở các nước khác, để áp dụng một chính sách tiền tệ mà có thể giảm tiêu dùng xuống bằng lãi suất cao ví dụ như vậy. Ở Việt Nam không có chuyện ấy, 90% tín dụng cho doanh nghiệp còn 10% là tín dụng tiêu dùng. Trong khi bên Mỹ 80% là tín dụng tiêu dùng 20% là tín dụng cho doanh nghiệp. Như vậy không thể nào áp dụng một chính sách tiền tệ giống như bên Mỹ được. Việt Nam phải có những sáng kiến khác phải có sự nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam như thế nào chứ không thể học theo các vị đại trí thức của các nền kinh tế phát triển không ăn thua dính dáng gì tới Việt Nam cả.”


Tái cấu trúc đầu tư công

Giải pháp thứ hai theo nghị quyết chính phủ thì năm 2012 này được tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh.
Vấn đề đặt ra là những mấu chốt để thay đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam phải khởi sự từ đâu. Chúng tôi nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế cấp cao Phạm Chi Lan, nguyên thành viên ban tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ và được bà trả lời:
Phải thúc đẩy mạnh cải cách hành chính, vì thủ tục hiện nay quá rườm rà. Nếu cứ theo thủ tục trình tự như hiện nay thì sẽ rất khó có thể làm tái cấu trúc được.
Bà Phạm Chi Lan
“ Vừa rồi Hội nghị Trung ương 03 cũng đưa ra vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và tập trung vào ba trọng tâm, một là tái cấu trúc đầu tư nói chung và đặc biệt khu vực đầu tư công. Thứ hai là tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp đặt trọng tâm là khu vực doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước. Thứ ba là tái cấu trúc khu vực tài chính đặt trọng tâm là các ngân hàng thương mại. Tôi nghĩ đấy chính là những trọng tâm cần thiết nhất để thay đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nói thay đổi mô hình tăng trưởng nhưng thực chất phải làm là thay đổi cấu trúc cả ba khu vực này.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, bà Phạm Chi Lan nhận định rằng sự chọn lựa như thế là đúng nhưng chưa đủ. Nghị quyết vừa rồi cũng đề cập đến việc thay đổi cả thể chế. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh:
“Bởi vì thể chế kinh tế bao gồm những luật lệ hoặc chính sách hiện hành thì có rất nhiều cái vẫn ủng hộ cho khu vực công cho doanh nghiệp nhà nước và chưa có đủ cơ chế để kiểm soát tốt các ngân hàng thương mại nên phải thay đổi sửa đổi một số điều trong các luật hiện hành. Thứ hai nữa là cũng phải thúc đẩy mạnh cải cách hành chính, vì thủ tục hiện nay quá rườm rà. Nếu cứ theo thủ tục trình tự như hiện nay thì sẽ rất khó có thể làm tái cấu trúc được.

Hang-hoa-dienmay-may-lanh-Nguyen-Kim-250.jpg
Hàng điện tử gia dụng nhập khẩu bán tại Siêu thị điện máy Nguyễn Kim chi nhánh Hà Nội, hôm 01/11/2011. RFA PHOTO.
Tôi nghĩ đấy là những điều quan trọng nhất. Nhưng có lẽ bao trùm lên tất cả thì đã có nhiều người nói đến là phải thay đổi tư duy về phát triển kinh tế đặc biệt là vai trò giữa Nhà nước và thị trường, theo hướng làm sao để giảm bớt sự tham gia của Nhà nước nhất là trong các khu vực kinh doanh, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào các doanh nghiệp. Nhà nước tập trung làm việc của Nhà nước thôi còn để thị trường làm, có như vậy mới bớt được đầu tư công, mới bớt được các doanh nghiệp Nhà nước, mới bớt được các hoạt động của ngân hàng chủ yếu lại phục vụ đầu tư công và cho doanh nghiệp Nhà nước.”


Tăng cường quốc phòng

Chúng tôi vừa trình bày ý kiến chuyên gia về hai nhóm giải pháp ưu tiên nhất trong tổng số 7 nhóm giải pháp để phát triển kinh tế xã hội Việt Nam năm 2012. Năm nhóm giải pháp còn lại mà chúng tôi đọc được trên Tuổi Trẻ Online và Vietnam Plus, cho thấy liên quan tới vấn đề nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ. Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Phần còn lại liên quan bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, hiệu quả quản lý Nhà nước, chống tham nhũng lãng phí và sau cùng là tăng cường quốc phòng, an ninh.
Nếu như buổi sáng 3/1 chính phủ ban hành nghị quyết phát triển kinh tế xã hội 2012, thì buổi chiều cùng ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị ngành công thương tổ chức tại Hà Nội. Theo tường thuật của Tuổi Trẻ Online, phát biểu tại hội nghị người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã có những nhìn nhận gây ngạc nhiên cho công luận khi ông bày tỏ sự thất vọng vỡ mộng với nhiều ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, sắt thép hay xi măng mà Việt Nam đã phát triển từ 20 năm qua.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định về những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Công nghiệp ô tô Việt Nam đâu có công nghiệp gì chỉ đi mua những bộphận về lắp ráp, lợi dụng chính sách thuế mà bán trên thị trường này thôi.
Ô. Bùi Kiến Thành
“Sự nhận định đó là hoàn toàn chính xác, ví dụ công nghiệp ô tô Việt Nam đâu có công nghiệp gì chỉ đi mua những bộ phận về lắp ráp, lợi dụng chính sách thuế mà bán trên thị trường này thôi, đó không phải là một công nghiệp ô tô. Hay những công nghiệp khác ví dụ như sắt thép, Việt Nam làm gì có sắt thép…mấy ông mua phôi thép về rồi cán từng tấm ra hay thép xây dựng cũng chỉ là chế biến những cái mua về thôi. Làm như thế chỉ làm tăng giá cả lên, những việc gì không phải là ưu thế đối với thế giới thì chúng ta không nên làm, nên làm những gì có ưu thế nhưng lại chưa thực hiện chính sách như vậy. Nước ngoài vào Việt Nam làm sắt thép rất nhiều, người ta lợi dụng giá điện rẻ nhất khu vực của Việt Nam để cán sắt thép, như thế không phù hợp về kinh tế cần xem xét lại.”
Một trong những chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến việc áp dụng cơ chế thị trường đối với ngành xăng dầu và điện. Theo nguyên văn lời ông nói được Tuổi Trẻ Online trích thuật thì “xăng dầu dứt khoát theo cơ chế thị trường” còn giá điện sẽ tiến tới cơ chế thị trường theo nguyên tắc “giá điện không được bán thấp hơn giá thành hợp lý vì giá điện rẻ thế ai cũng nhập công nghệ thấp.” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “không ai không đồng ý cơ chế thị trường, vấn đề là phải công khai, minh bạch giá cả, giá thành cho dân.”
Có lẽ để mọi chuyển biến được thực hiện theo hướng tốt cho nền kinh tế Việt Nam, thì sự công khai minh bạch như lời người đứng đầu chính phủ đề cập riêng cho ngành điện, nên trở thành một quốc sách trong mọi lãnh vực.

Không có nhận xét nào: