Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Hội nghị về Syria vắng Nga và Trung Quốc


Tại hội nghị quốc tế khai mạc hôm nay 24/2 ở Tunis về Syria nhưng vắng mặt Nga và Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông William Hague gọi chính quyền của ông Assad là 'tội phạm'.
Theo phóng viên BBC Jonathan Marcus có mặt tại hội nghị ở thủ đô Tunisia, nước hơn một năm trước đã thoát khỏi chế độ độc tài gia đình trị Zine Ben Ali, Ngoại trưởng Anh đã cảnh báo Syria "đang trượt dần vào hỗn loạn và cảnh đẫm máu".Nưng ông Hague cũng nói chính thể của Tổng thống Syria, ông Bashar al-Assad "sẽ đi vào lịch sử như một thể chế tội phạm".
Ông nói Anh Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác để ghi lại bằng chứng về các vụ tội phạm để một ngày nào đó, "những kẻ chịu trách nhiệm sẽ phải bị đưa ra công lý".
Tăng sức ép
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Hague nói Anh Quốc cũng ủng hộ kế hoạch hòa bình của Liên đoàn Ả Rập nhằm tăng sức ép kinh tế và ngoại giao lên chính quyền Syria.
Ngoài ra, ông Hague nói trong tương lai, có thể Anh Quốc sẽ coi Hội đồng Quốc gia Syria, nhóm đối lập chính của người Syria chống chế độ Assad, là "đại diện hợp pháp của nhân dân Syria".
Một số nhóm đối lập Syria đã yêu cầu quốc tế lập vùng cấm bay để ngăn cản quân đội Syria bắn phá các vùng họ cho là thuộc phía chống đối.
Sự vắng mặt ở hội nghị về Syria của hai đại cường thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga và Trung Quốc được chú ý đến.
Trước ngày hội nghị khai mạc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi cho báo chí hay nước này sẽ không gửi đại diện đến dự họp.
Bắc Kinh, theo các hãng thông tấn nước ngoài, từ lâu nay nêu quan điểm "không can thiệp vào tình hình nội bộ các nước khác", đã bị phê phán khi phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về khủng hoảng tại Syria.
Sau đó, Trung Quốc đã bào chữa cho quan điểm của mình với tuyên bố nước này "sẵn sàng đóng vai trò xây dựng để cùng mọi bên liên quan giúp cho một giải pháp hòa bình" trước cuộc khủng hoảng.

Người Syria biểu tình trước cơ quan ngoại giao Mỹ ở Amman đòi lập vùng cấm bay ở Syria
Hồi trung tuần tháng 2, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố sau cuộc đàm phán với các lãnh đạo Liên minh châu Âu tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc “sẽ không che chắn cho bất kỳ phe phái nào” trong xung đột ở Syria.
Tuy thế, theo AFP hôm 25/2, một số báo chí dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc đã có bài tuần này cảnh báo rằng "sự ủng hộ của Phương Tây cho phe nổi dậy Syria sẽ chỉ thúc đẩy một cuộc nội chiến".
Hiện châu Âu đã áp dụng lệnh cấm vận vũ khí với Syria.
Nhưng Nga vẫn là nước đồng minh của Syria và cũng là bạn hàng bán nhiều vũ khí cho chế độ của ông Assad.
Tuy các lãnh đạo cao nhất của Nga không chính thức phản đối Phương Tây, trong chính giới Nga hiện có thái độ không hài lòng với các nước Eu và Hoa Kỳ về chuyện Syria.
Hôm nay, ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Viện Duma nói rằng "cả chế độ Assad và Phương Tây đều phải chịu traách nhiệm cho cuộc rối loạn tại Homs".
Theo ông Pushkov, phe đối lập Syria "nhận được tín hiệu từ Phương Tây rằng cứ chiến đấu đi rồi sẽ được ủng hộ".

Thành phố Homs ở Syria bị pháo và xe tăng bắn phá dữ dội
Vì thế, theo ông, Phương Tây và Thế giới Ả Rập cũng có phần trách nhiệm về tình hình nội loạn ở Syria.
Còn đại diện cho nước chủ nhà đăng khai hội nghị quốc tế, Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki nói ông phản đối can thiệp quân sự vào Syria.
Tuy thế, Tunisia ủng hộ cho giải pháp Liên đoàn Ả Rập nêu ra là cử quân gìn giữ hoà bình vào Syria.
Cho tới nay, Liên đoàn Ả Rập chỉ cử quan sát viên vào Syria nhưng các chuyến thăm của họ không làm biến đổi tình hình giao tranh đẫm máu ở nước này.
Theo các tổ chức quan sát về nhân quyền, hơn 7600 người, đa số là dân thường, đã bị giết trong các đợt quân đội Syria dùng pháo và xe tăng tấn công những khu vực thuộc phe đối kháng chiếm giữ.
Cuộc pháo kích vào Homs hôm đầu tuần đã giết chết hai nhà báo Phương Tây, bà Marie Colvin, người Mỹ và ông Remi Ochlik, người Pháp.
Tin về cái chết của họ cùng đợt bắn phá làm bị thương một số nhà báo khác đã đánh động dư luận truyền thông Phương Tây.

Không có nhận xét nào: