Pages

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Tôi rất tin lần này Ngài làm thật, thưa Thủ Tướng!

Theo blog Quê Choa

Vụ Tiên lãng đã phơi bày hết những sự thật, những bức xúc của người dân trước việc làm phi pháp, vô nhân đạo, trái hẳn bản chất của Đảng đã nêu trong Cương lĩnh của một số kẻ nhân danh Đảng trong đội ngũ lãnh đạo huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng…
Vụ việc này, báo chí đề cập đến nhiều, và không thể không nói, báo “lề phải”, báo “lề trái” đều thống nhất một quan điểm, đây là vụ điển hình của đám “quan lại” nhũng nhiễu, hà hiếp dân, bất chấp luật pháp, bất chấp sự phẫn nộ của dư luận…
Cũng cần nhấn mạnh, đây là vụ án mà báo chí nước ngoài liên tục đề cập, đều nhìn vào xem các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ sẽ giải quyết như thế nào? Nếu nói đây là Đảng của Dân tộc, Nhà Nước của dân…
Tôi được biết, thông qua báo chí, ông Nguyễn Tấn Dũng, với cương vị Thủ Tướng, lãnh đạo chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết vụ này.
Tin này gieo vào trong tôi, một người dân, sự hy vọng, dẫu rằng sự hy vọng này mới manh nha.
Vì sao tôi nói như thế?
Đã có lần ông Nguyễn Tấn Dũng nói trước Quốc Hội, đại ý: Tôi học tập thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong mấy năm lãnh đạo chính phủ, chưa kỷ luật ai! Điều này có nghĩa, vai trò Thủ Tướng của ông, chưa phát huy hết tác dụng giữ kỷ cương đất nước, giữ cho toàn xã hội từ người dân thường đến lãnh đạo cấp cao thực thi luật pháp, đẩy xã hội đến chỗ nhiễu nhương, nhiều vụ án gây nên sự bất bình trong suy nghĩ của từng người dân như vụ án mua dâm liên quan đến các quan chức tỉnh Hà Giang, hay như vụ Vinashin… báo chí đã nêu, nhưng với ông, cương vị Thủ tướng, giải quyết những vụ này không đến nơi.
Chính điều này làm giảm uy tín của ông.

Lần này, không giống với những lần trước, ông trực tiếp làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng để giải quyết rốt ráo sự vụ.
Nếu tôi nhớ không lầm, đây là lần đầu tiên Thủ Tướng trực tiếp chỉ đạo, xem xét một vụ án có liên quan đến đất đai, nỗi bức xúc của người dân, và những việc làm của những người lãnh đạo huyện Tiên Lãng đẩy người dân đến thế chẳng đừng, buộc phải đứng lên, thay biểu tình, khiếu kiện là nổ súng chống lại.
Tôi tin rằng, những thông tin về vụ việc Tiên Lãng báo chí đã nêu, trắng đen đã rõ. Đặc biệt những đề xuất tích cực của các vị trong MTTQ, luật sư, tri thức có uy tín, những tướng lĩnh về hưu, nhất là ý kiến của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về cách giải quyết sự việc này đã có trên bàn làm việc của Thủ Tướng, ông sẽ có những ý kiến chỉ đạo, giải quyết đúng, thượng tôn luật pháp, hợp lòng dân, khôi phục uy tín của Đảng.
Lúc này không thể có kiểu giải quyết nước đôi, xuê xoa, hoặc nói “… Học tập Thủ tướng Phạm văn Đồng, tôi không kỷ luật ai!”.
Nếu như thế tình thế đất nước rất nguy hiểm! Chắc ông đã nhìn thấy.
Vì thế, tôi tin lần này ông sẽ làm thật, loại ra khỏi chính quyền những kẻ làm hại dân, phá Nhà nước, phá Đảng, đúng vai trò của một người lãnh đạo chính phủ. Thưa Thủ tướng!
Tác giả gửi QC

Đông A – Quân cờ chuyển động


Vụ việc ở Tiên Lãng có thể nói là một vụ việc nổi bật hàng đầu hiện nay trong đời sống xã hội chính trị của người Việt. Có rất nhiều ý kiến, quan điểm về vụ việc này. Tôi quan sát vụ việc này theo chiều khác với dư luận hiện nay: cục diện chính trị có dịch chuyển gì không. Ngay ở khía cạnh này vấn đề cũng đã rất rộng và cũng đã thật khó phân tích và nhận định. Tôi thu hẹp phạm vi hơn: sự dịch chuyển của các quân cờ trên bàn cờ chính trị.
Trong chính trị luôn xảy ra những tình huống bất ngờ, không tiên liệu được trước. Nắm bắt thời cơ và vận dụng nó luôn là một bài toán chính trị cuốn hút. Vụ việc ở Tiên Lãng có thể coi là một tình thế chính trị xã hội bất ngờ. Vậy có hay không chuyện chớp thời cơ để dịch chuyển thế cân bằng chính trị?
Hài Phòng có thể coi là đất bản địa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đã nhiều khóa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại biểu Quốc hội ở đây, và được bầu với số phiếu rất cao. Số phiếu trúng cử cao chưa chắc đã phản ánh đúng sự tín nhiệm của dân chúng, nhưng số phiếu trúng cử cao luôn phản ánh một tình thế chính trị bản địa, đất cánh hẩu. Ngày 5-1, khi vụ việc ở Tiên Lãng xảy ra, chúng ta thấy phản ứng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần lượt như sau: trước tiên, ngày 11-1 là công điện về tăng cường bảo vệ lực lượng công an trong khi hành nhiệm vụ, và sau đấy, trong tuần ngày 16-1 là thông báo yêu cầu TP Hải Phòng báo cáo sự việc. Sau đó là một quãng thời gian dài, trùng với dịp nghỉ Tết, không thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có động thái gì tiếp. Vừa mới đây, khi ông Nguyễn Minh Thuyết phát biểu: “Và tại sao trong toàn bộ sự việc không hề thấy bóng dáng các đại diện của nhân dân ở đâu. Ngoài đại diện của Hội nghề cá, thì các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng và huyện Tiên Lãng đang ở đâu?”, rõ ràng là một công kích trực chỉ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, văn phòng Thủ tướng có ngay động thái phản ứng với tuyên bố Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ triệu tập cuộc họp để giải quyết vấn đề này. Có thể coi đây là một sự dịch chuyển các quân cờ. Từ khi vụ việc ở Tiên Lãng xảy ra đã có 3 nhân vật cao cấp xuống Hải Phòng: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Tổ chức Tô Huy Rứa và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Tuy các cuộc viếng thăm này mang danh nghĩa chúc Tết, nhưng đằng sau đấy không thể đơn thuần cho rằng chúng chỉ mang tính chất viếng thăm hiếu hỷ. Tình thế rõ ràng bất lợi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: một mặt dư luận xã hội rất mạnh yêu cầu xử lý quan chức Hải Phòng, không chỉ ở cấp huyện xã mà còn cả ở cấp thành phố, mặt khác đất bản địa nếu không bảo toàn được thì có nguy cơ thua ở tương lai. Vì vậy, tôi cho rằng kết quả sẽ là cấp thành phố Hải Phòng không ai rụng một sợi lông chân nào, có chăng chỉ có cấp huyện xã. Nếu cấp thành phố có sự thay đổi thì sẽ có một sự dịch chuyển về thế cân bằng chính trị. Nếu tất cả các cấp không ai bị suy suyển gì thì điều đó chứng tỏ thế lực của Thủ tướng rất mạnh. Sự thể thực tế sẽ thế nào chi bằng cứ lặng lẽ quan sát là hơn.

Không có nhận xét nào: