Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Việt Nam: Một con hổ châu Á mới?

Marco Brew & Richard DobbsForeign Policy
Diên Vỹ X-Cafe chuyển ngữ

“Việt Nam có rất nhiều sức mạnh tiềm ẩn — một lực lượng lao động trẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và sự ổn định chính trị. Nếu nó hành động dứt khoát để đối diện những nguy cơ ngắn hạn và theo đuổi một lịch trình tăng trưởng dẫn đầu bởi sản lượng, nó có thể có được một thời kỳ tăng trưởng và thịnh vượng thứ hai.”
Rõ ràng đã có nhiều đổi thay ở Đông nam Á kể từ sau cuộc chiến Việt Nam. Việt Nam đã tự chuyển hoá trong 25 năm qua. Năm 2007, Việt Nam đã trở thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nó đã trở thành một nơi thu hút đầu tư nước ngoài và đang chuyển hoá nhanh chóng từ một nền kinh tế nông nghiệp trở thành một nền kinh tế chú trọng vào sản xuất và dịch vụ giá trị cao. Nhưng nếu Việt Nam muốn giữ tỉ lệ tăng trưởng nổi bật của mình lâu dài, nó cần phải thúc đẩy lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ vào những năm tới.

Dưới đây là 10 tóm tắt từ báo cáo của Học viện McKinsey Global “Giữ nhịp tăng trưởng bền vững tại Việt Nam: Thách thức về năng suất” có thể khiến bạn ngạc nhiên.
1. Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng hơn bất kỳ nền kinh tế nào tại châu Á ngoại trừ Trung Quốc
Việt Nam, một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá, hiện đã trở thành một trong những câu chuyện thành công về kinh tế tại Châu Á trong vòng một phần tư thế kỷ qua. Kể từ khi Đảng Cộng sản bắt đầu quá trình cải cách với tên gọi “Đổi mới” vào năm 1986, quốc gia này đã tháo bỏ những rào cản đối với thương mại và hướng đi của nguồn vốn, mở rộng kinh tế hơn cho lĩnh vực tư nhân. Trong giai đoạn này, nền kinh tế đã phát triển nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Á ngoại trừ Trung Quốc, với tỉ lệ tăng trưởng GDP bình quân vào mức 5,3% mỗi năm. Mức tăng trưởng này đã tiếp tục bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á ở thập niên 1990 cũng như cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu gần đây (nền kinh tế đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm từ 2005-2010) — một kỷ lục mạnh mẽ hơn nhiều nền kinh tế khác ở châu Á có được.
2. Việt Nam đang bước ra khỏi ruộng đồng
Kinh tế Việt Nam không còn quanh quẩn với nông nghiệp. Trên thực tế, đóng góp của nông nghiệp vào GDP quốc gia đã bị cắt giảm phân nửa từ 40% xuống còn 20% chỉ trong vòng 15 năm, một chuyển đổi nhanh chóng hơn nhiều so với những nền kinh tế châu Á khác. Một chuyển biến tương tự phải mất đến 29 năm ở Trung Quốc và 41 năm ở Ấn Độ.
Trong vòng 10 năm qua, phần lượng việc làm nông nghiệp toàn quốc đã giảm 13%, trong khi phần lượng việc làm công nghiệp tăng 9,6% và dịch vụ tăng 3,4%. Sự chuyển đổi lao động từ kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ đã đóng góp mạnh mẽ vào quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam vì sự khác biệt về năng suất giữa các lĩnh vực này. Kết quả là, đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP đã giải 6,7% trong khi đóng góp công nghiệp tăng 7,2% trong vòng 10 năm qua.
3. Nhưng Việt Nam vẫn là nhà xuất khẩu tiêu, hạt điều, gạo và cà phê hàng đầu thế giới
Việt Nam là nhà xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu của thế giới với 116.000 tấn vào năm 2010 và cũng đã đi đầu thế giới trong xuất khẩu hạt điều trong suốt 4 năm liền. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới sau Thái Lan và chỉ sau Brazil trong việc xuất khẩu cà phê với sản lượng tăng gần gấp ba chỉ trong vòng bốn năm. Việt Nam đứng thứ năm thế giới về sản xuất trà và thứ sáu về xuất khẩu thuỷ sản như cá da trơn, mực, tôm và cá ngừ.
4. Việt Nam không phải là “Trung Quốc+1”

Giá lao động ngày càng tăng ở Trung Quốc đã thúc đẩy một số chủ xí nghiệp chuyển khâu sản xuất sang Việt Nam, vốn đang có nguồn lao động giả rẻ dồi dào. Xu hướng này đã thúc đẩy thêm những thảo luận giữa các Tổng giám đốc về việc Việt Nam đang trở thành điểm tựa lớn sắp tới cho việc sản xuất hàng hoá xuất khẩu ở châu Á — một phiên bản nhỏ hơn của Trung Quốc, hay Trung Quốc+1.
Nhưng Việt Nam thì rất khác biệt với Trung Quốc trong hai khía cạnh. Trước hết, nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi động lực tiêu thụ cá nhân nhiều hơn Trung Quốc. Mức tiêu thụ bởi mỗi gia đình chiếm đến 65% GDP của Việt Nam — một tỉ lệ cao bất thường tại châu Á. Ngược lại, tại Trung Quốc, mức tiêu thụ chỉ chiếm có 36% GDP.
Thứ hai, trong khi sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi việc sản xuất hàng hoá xuất khẩu và mức độ đầu tư vốn cao bất thường, nền kinh tế Việt Nam thì cân bằng hơn nhiều giữa sản xuất và dịch vụ, với mỗi lĩnh vực chiếm khoảng 40% GDP. Tăng trưởng của Việt Nam có nền tảng rộng hơn với những lợi thế cạnh tranh trên khắp khu vực kinh tế. Trong 5 năm qua, sản lượng công nghiệp (bao gồm cả xây dựng, sản xuất, khai thác mỏ và cung cấp điện nước) và lĩnh vực dịch vụ đã tăng trưởng ở mức 8% hàng năm.
5. Việt Nam là nơi hấp dẫn đầu tư nước ngoài
Việt Nam nằm trong danh sách những thị trường đang lên hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những thăm dò bởi bộ thương mại và đầu tư Anh Quốc và Cơ quan Kinh tế đã đều xếp hạng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất trong những thị trường đang lên đối với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chỉ sau bốn nước trong khối BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài trực tiếp có đăng chỉ đổ vào Việt Nam đã tăng từ 3,2 tỉ Mỹ kim vào năm 2003 lên đến 71,7 tỉ Mỹ kim vào năm 2008 trước khi bị giảm xuống 21,5 tỉ trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu 2009.
Ở lĩnh vực này, một lần nữa Việt Nam cũng khác với Trung Quốc. Gần 60% Đầu tư nước ngoài trực tiếp ở Trung Quốc được đổ vào lĩnh vực sản xuất thủ công, so với chỉ 20% tại Việt Nam. Tại Việt Nam, đa phần lượng đầu tư còn lại được chú trọng vào khai thác mỏ, dầu và khí đốt (40%) và bất động sản (15-20%), phản ánh sức tăng trưởng nhanh chóng của ngành kỹ nghệ du lịch tại Việt Nam. Con số du khách ngoại quốc đến Việt Nam đã tăng 1 phần 3 từ năm 2005.
6. Cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam tiến bộ hơn Philippines hoặc Thái Lan
Việt Nam đã bắt đầu có những đầu tư quan trọng vào cơ sở hạ tầng. Nhiều du khách đến Việt Nam vẫn xem hệ thống đường xá của quốc gia này thì rất đơn giản. Nhưng, với giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay của mình, Việt Nam đang bổ sung cơ sở hạ tầng đường bộ với một tốc độ cao. Mật độ đường bộ đã đạt đến 0,78 ki lô mét trong mỗi ki lô mét vuông vào năm 2009, vốn cao hơn mật độ đường bộ tại Philippines hoặc Thái Lan, những nơi vốn phát triển hơn Việt Nam. Cũng trong cùng năm, mạng lưới điện đã phủ hơn 96% diện tích quốc gia. Những bến cảng hàng hoá như Dung Quất và Cái Mép và những sân bay tại Đà Nẵng và Cần Thơ đã tăng cường kết nối với toàn thế giới.
7. Giới trẻ Việt Nam đang nối mạng
Dân số Việt Nam trẻ, có trình độ cao và ngày càng nối mạng nhiều. Thuê bao di động tại Việt Nam tăng gần 70% mỗi năm từ 2000 – 2010 so với ít hơn 10% mỗi năm tại Hoa Kỳ trong cùng thập niên. Đến cuối năm 2010, Việt Nam có 170 triệu người thuê bao điện thoại, trong đó có 154 triệu người dùng di động.
Tầng xuất xâm nhập mạng của Việt Nam ở mức 31%, ít hơn nhiều so với những nước châu Á khác như Malaysia (55%) và Đài Loan (72%). Nhưng điều này đang thay đổi nhanh chóng. Thuê bao đường truyền mạng băng rộng tại Việt Nam tăng từ 0,5 triệu vào năm 2006 lên đến khoảng 3,8 triệu vào năm 2010, cùng năm khi thuê bao di động tốc độ 3G đạt 7,7 triệu. Một khi cơ sở hạ tầng viễn thông đuổi kịp, tầng số sử dụng di động và mạng chắc chắn sẽ bùng nổ. Đã có đnế 94% người sử dụng mạng truy cập tin tức trực tuyến. Hơn 40% người dùng truy cập mạng mỗi ngày.
8. Việt Nam đang trở thành địa điểm tốt nhất để chuyển dịch vụ và sản xuất ra nước ngoài
Việt Nam đã mướn hơn 100 nghìn người trong lĩnh vực thuê mướn và phục vụ bên ngoài, đến nay đã có được thu nhập hơn 1,5 tỉ Mỹ kim mỗi năm. Một số tập đoàn đa quốc gia đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam, bao gồm Hewlett-Packard, IBM và Panasonic. Trên thực tế, quốc gia này đang có tiềm năng trở thành một trong 10 địa điểm lý tưởng nhất của lĩnh vực này nhờ thành phần sinh viên vừa ra trường tương đối trẻ (các trường đại học đưa 257 nghìn thanh niên tham gia vào lực lượng lao động mỗi năm) và lương tương đối thấp. Một lập trình viên tại Việt Nam có thể được thuê với giá rẻ hơn 60% giá thuê tại Trung Quốc, trong khi những nhân viên xử lý dữ liệu và đánh máy ghi âm tại Việt Nam chỉ tốn 50% giá lương so với tại Trung Quốc.
Dịch vụ và sản xuất bên ngoài tại Việt Nam có thể tạo ra thu nhập hàng năm vào khoảng 6 – 8 tỉ Mỹ kim, đa số có mục đích xuất khẩu — nếu có đủ nhu cầu và Việt Nam có thể bảo đảm đáp ứng được nhu cầu này. Lĩnh vực có thể trở thành một guồng máy tạo công việc tại các khu đô thị, mướn thêm khoảng 600 nghìn đến 700 nghìn người vào năm 2020 và đóng góp từ 3% đến 5% vào mức tăng trưởng GDP.
9. Các ngân hàng tại Việt Nam đang cho vay với tốc độ nhanh hơn so với tại Trung Quốc, Ấn Độ hoặc các nước khối ASEAN
Tổng số nợ ngân hàng tồn đọng ở Việt Nam trong vòng mười năm qua đã tăng 33% vào năm nay — một tỉ lệ tăng mạnh hơn so với ở Trung Quốc, Ấn Độ hoặc ở bất kỳ quốc gia thành viên khác trong khối ASEAN. Đến cuối năm 2010, trị giá các nợ tồn đọng đã đạt đến khoảng 120% của GDP, so với 22% vào năm 2000. Mặc dù điều này có thể là dấu hiệu của một tính năng động mới trong nền kinh tế Việt Nam, được bôi trơn bởi việc mở rộng hệ thống ngân hàng, vẫn còn tồn đọng nỗi lo rằng một sự đi lên liên quan đến nợ xấu có thể dẫn đến sự căng thẳng kinh tế trầm trợng tại Việt Nam (như nó đã xuất hiện ở những nơi khác) và bắt buộc chính phủ phải can thiệp vào lĩnh vực tài chính để bảo vệ người cho vay, hệ thống ngân hàng và cuối cùng là người đóng thuế.
10. Lợi thế dân số của Việt Nam đang yếu đi
Từ 2005 đến 2010, lực lượng lao động trẻ Việt Nam nhanh chóng tăng lên và rời khỏi lnh vực nông nghiệp đã góp tăng nhân đôi tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam. Một phần ba còn lại đến từ hiệu quả sản xuất. Nhưng giờ đây hai động cơ thúc đẩy tăng trưởng đang yếu dần. Dữ liệu chính thức dự đoán rằng lực lượng lao động sẽ sút giảm vào khoảng 0,6% mỗi năm trong thập niên tới, so với mức tăng 2,8% hàng năm từ 2000 đến 2010. Và dường như việc chuyển dịch từ đồng ruộng sang nhà máy khó có thể tiếp tục ở tốc độ mà chúng ta từng chứng kiến trước đây.
Việc năng cao hiệu quả sản xuất vì thế phải cần bù đắp sự thiếu hụt này nếu Việt Nam muốn giữ nguyên tỉ lệ tăng trưởng lịch sử này. Đúng hơn là tỉ lệ tăng trưởng về thành quả lao động trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cần phải tăng hơn 50% từ 4,1% lên 6,4% mỗi năm để nền kinh tế bắt kịp mục tiêu tăng trưởng hàng năm ở mức 7 – 8% của chính phủ vào năm 2020. Nếu việc tăng trưởng sản lượng này không đạt được, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chắc chắn sẽ suy giảm từ 4,5 – 5% mỗi năm. Ở nhịp độ này, GDP của Việt Nam vào năm 2020 sẽ thấp hơn 30% nếu nó vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 7% mỗi năm.
* * *
Việt Nam có rất nhiều sức mạnh tiềm ẩn — một lực lượng lao động trẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và sự ổn định chính trị. Nếu nó hành động dứt khoát để đối diện những nguy cơ ngắn hạn và theo đuổi một lịch trình tăng trưởng dẫn đầu bởi sản lượng, nó có thể có được một thời kỳ tăng trưởng và thịnh vượng thứ hai.

Không có nhận xét nào: