Pages

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

“Đàm” hay “đánh” ?


 Trương Nhân Tuấn
Chính phủ Hoa Kỳ ngày 3 tháng 8 vừa qua ra thông cáo báo chí về biển Đông, trong đó có đoạn đề cập đến khả năng giải quyết tranh chấp bằng một trọng tài hay bằng một định chế pháp lý quốc tế. Đây là lần đầu tiên ý kiến này được nhắc đến. Từ trước đến nay, lập trường của HK về tranh chấp giữa các nước là không ủng hộ bên nào nhưng khuyến nghị các bên giải quyết tranh chấp bằng đường lối hòa bình, không sử dụng vũ lực, trên căn bản tuyên bố DOC hay luật quốc tế trong đó có Luật quốc tế về Biển 1982. Ý kiến về « một trọng tài » của HK đưa ra trong bối cảnh tranh chấp Trung-Phi về chủ quyền bãi cạn Scarborough đang lâm vào bế tắt. Phía TQ ngày càng tăng áp lực, bằng răn đe quân sự và kinh tế, cho thấy cho thấy quyết tâm của nước này. Ý kiến này cũng đưa ra đúng vào lúc căng thẳng Việt-Trung lên đến tột độ do việc TQ cho đấu thầu các lô dầu khí trên thềm lục địa VN. Đồng lúc TQ cho thành lập thành phố Tam Sa, biến đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa của VN) thành một địa điểm quân sự quan trọng đầu tiên trên biển Đông. Nhiều tiếng nói từ VN cất lên yêu cầu « đánh » !

Tranh chấp các nước về chủ quyền các đảo HS và TS đã dây dưa kéo dài từ nhiều thập niên. Các phương cách được các bên áp dụng để giải quyết tranh chấp từ trước đến nay, như tuyên bố Ứng xử biển Đông (DOC), thuơng lượng song phương, đa phương… cho thấy đã thất bại. Biển Đông lần hồi trở thành một khu vực nóng, có thể trở thành đầu mối cho chiến tranh bùng nổ. Vì không bên nào nói đến cốt lõi của vấn đề, vấn đề của mọi vấn đề : chủ quyền các đảo. Đề nghị của Hoa Kỳ, với tư cách là một cường quốc đứng đầu thế giới, mặc dầu chậm trễ nhưng là phương pháp thực tế (và hữu hiệu) nhứt đễ gìn giữ hòa bình cho khu vực.
Thấy gì qua tuyên bố của chính phủ Hoa Kỳ ? Ta thấy, có thể đó là hành động nhằm ủng hộ nước đồng minh là Phi đang bị TQ chèn ép trên vấn đề bãi cạn Scarborough. Từ vài tháng nay, nhà nước Phi đang vận động để đưa vụ tranh chấp Scarborough ra một tòa án quốc tế. Như thế phía Phi đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến mới với TQ về pháp lý. Tuyên bố của HK giúp Phi gỡ một nước cờ bí. Phía TQ, nếu không chấp nhận đề nghị, chắc chắn sẽ bị đuối lý trước dư luận quốc tế. Họ không có lý do nào để khuớc từ. Họ khó có thể tiếp tục hành sử bá đạo đe dọa quân sự hay bóp chẹt kinh tế như hiện nay đối với Phi.
Nhưng về phía VN thì vấn đề phức tạp. Tuyên bố này có thể giúp cho VN gỡ thế cờ bí nhưng cũng có thể đưa VN vào thế bí. Nhà nước CSVN chưa bao giờ đề nghị giải quyết tranh chấp với TQ bằng một trọng tài quốc tế, (như Phi đối với TQ), mặc dầu áp lực mỗi ngày mỗi tăng của TQ. Những sự việc đã thấy hiện nay, như TQ cho đấu thầu khai thác trên thềm lục địa VN, cho nhiều đoàn hàng ngàn chiếc thuyền vào đánh bắt trên vùng biển của VN, bắt bớ ngư dân VN tịch thu tài sản… là áp lực mà TQ đặt lên VN, buộc lãnh đạo CSVN phải thực hiện các hứa hẹn mà hai bên đã ký kết trong quá khứ.
Thế tiến thoái lưỡng nan của VN đã rất rõ rệt. Nếu không đưa ra tòa án quốc tế thì rất có thể sẽ phải xung đột vũ trang với TQ. Nếu đưa ra tòa thì những bằng chứng chuyển nhượng đất đai, biển đảo mà đảng CSVN đã cam kết với TQ sẽ bị bạch hóa trước công chúng. Đây là một hình thức « tự sát chính trị ».
Nhưng lối thoát của dân tộc VN, muốn bảo toàn được lãnh thổ của cha ông để lại, là phải đưa vấn đề ra một trọng tài hay một tòa án quốc tế để phân giải. Tuyên bố của nhà nước HK cho thấy nước này sẽ ủng hộ VN, nếu VN nỗ lực thực hiện. Vấn đề là phía VN phải làm thế nào hóa giải các hứa hẹn của lãnh đạo CSVN đã thể hiện với TQ để có thể có một hy vọng thắng kiện. Mà muốn hóa giải các « hứa hẹn » này thì phải biết nội dung nó như thế nào, hiệu lực pháp lý của nó ra sao… Đây là công việc của các học giả.
Các học giả VN cho thấy khó mà có một lựa chọn nào khác, ngoài đảng CSVN. Nhưng người dân không thể hy sinh lần nữa. Vì những hứa hẹn ngu xuẩn của lãnh đạo CSVN. Nhất là những hứa hẹn này có thể hóa giải được. Với cái đầu nóng suy nghĩ để thấy rằng kinh tế VN hiện nay không đủ trả nợ cho các vũ khí vừa mua (chưa giao) của Nga (tàu ngầm và SU30). Nhiều người nóng lòng lên tiếng giục  « đánh » TQ. Nhưng lấy cái gì để đánh ? Không lẽ lấy máu của dân ?
Phải « đàm ». « Đàm » không phải là « hàng ». Đây là xu hướng của thời đại, là nếp nghĩ của con người văn minh. Đó là đề nghị của Hoa Kỳ đưa vấn đề ra một trọng tài, hay một tòa án quốc tế để phân giải. VN dám « ủng hộ » đề nghị này không ?
***************
Trong lúc Mỹ còn dè dặt trong các cam kết về quan hệ phòng thủ quân sự, và ASEAN chia rẽ nghiêm trọng trong cách thức ứng xử với hành động ngày càng xác quyết của Trung Quốc đối với các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, những tuần gần đây, Philippines đã thúc đẩy hiệp ước quân sự mới với các đồng minh ngoài khu vực là Australia và Nhật Bản như một kế hoạch phòng hờ.
Hôm 24/7, Thượng viện Philippines đã phê chuẩn Hiệp ước thăm viếng quân sự với Australia, vốn đã bị trì hoãn tại cơ quan lập pháp nước này khá lâu kể từ khi được kí 5 năm trước. Tuyên bố về hiệp ước mới này, nghị sĩ Edgardo Angara nói Philippines cần “hiệp ước phòng thủ mang tính bảo vệ với các bạn bè và đồng minh của mình”.
Ông cho rằng cùng với các hiệp ước khác từ Bắc chí Nam, từ Nhật Bản tới Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Brunei, Indonesia và Australia, hiệp ước sẽ giúp tạo được lá chắn phòng thủ cho Philippines.
Nghị sĩ Loren Legarda thì cho hay : “Chúng ta đã phải đối mặt với những mối nguy hiểm và đe dọa lớn không tồn tại cách đây 15 năm và Philippines ở vị trí trung tâm chiến lược của tất cả những thực tế đáng lo ngại ấy. Một trung tâm chiến lược không có điểm tựa thì không thể tiến hành cuộc chiến thắng lợi và lâu dài chống lại các mối đe dọa quốc tế và khu vực”

Quân đội Mỹ và Philippines tập trận bắn đạn thật.
Được kí năm 2007, và sau đó được Quốc hội Australia phê chuẩn, Hiệp ước từng bị treo tại Thượng viện Philippines do vấp phải phản đối của nhóm chủ nghĩa dân tộc nước này.
Hiệp ước Thăm viếng Quân sự không buộc một nước phải giúp đỡ nước kia trong trường hợp bị một nước thứ ba tấn công, mà bao gồm các vấn đề về thẩm quyền đối với quân đội Australia trong việc gửi quân đến đào tạo tại Philippines và ngược lại, cũng như việc hai nước có thể tiến hành và tăng cường các đợt đào tạo quân sự chung.
Hai nước đã có hoạt động hợp tác quốc phòng tích cực như tập trên chung trên biển và các chương trình đào tạo chống khủng bố, trên cơ sở thoả thuận sơ bộ về hợp tác an ninh và quốc phòng được kí năm 1995.
Philippines cũng đã nhận được sự trợ giúp quân sự từ Australia, bao gồm việc đào tạo các sỹ quan tại các trường quân sự Australia cũng như việc chuyển giao 28 chiếc xuồng cao tốc có trang bị súng máy hạng nặng, phục vụ cho các hoạt động quân sự cũng như cứu hộ.
“Australia đã hỗ trợ Philippines tăng cường năng lực an ninh biển với các sáng kiến như dự án Giám sát bờ biển phía Nam, Hoạt động đào tạo trên biển chung LUMBAS. Những sáng kiến này được trông đợi sẽ được mở rộng và phát triển thêm trên cơ sở của hiệp ước SOFA”, tuyên bố của Phủ Tổng thống Philippines cho hay.
Đầu tháng 7, Manila cũng kết thúc Hiệp ước quốc phòng với Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã gặp người đồng nhiệm Nhật Bản Satoshi Morimoto tại Tokyo đầu tháng 7 vừa qua để kí bản ghi nhớ về một Hiệp ước hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn.
Hiệp định có thời hạn 5 năm này tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi quân sự cấp cao, cấp làm việc và giữa các đơn vị quân đội hai nước, các cuộc trao đổi chính sách về an ninh và những mối quan tâm về quốc phòng, trao đổi về giáo dục và chia sẻ thông tin về hàng hải và khu vực. Hiệp định song phương này cũng bao gồm việc hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như điều khoản về xây dựng năng lực.
Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng đã thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda về nhu cầu tăng cường quan hệ giữa hai bên về bảo vệ bờ biển và hải quân.
“Chúng tôi – Nhật Bản chia sẻ với Philippines các giá trị cơ bản cũng như lợi ích chiến lược”, ông Noda nói trong cuộc họp báo. “Chúng tôi đã thống nhất tổ chức hội đàm thường xuyên giữa các lãnh đạo cao nhất và các bộ trưởng, tiến hành đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng, tăng cường hợp tác giữa lực lượng an ninh biển và lực lượng quốc phòng hai nước.”
Bản hiệp định quốc phòng cũng quy định Tokyo chấp thuận cung cấp cho Manila 12 tàu tuần tra cho Lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines.
Theo báo cáo, 10 tàu mới dài 40m, trang bị đầy đủ các thiết bị điện tử hiện đại theo chương trình ODA của Nhật Bản, trong khi hai tàu lớn khác đang được xem xét bàn giao cho Chính phủ Philippines theo một điều khoản không hoàn lại.
Các tàu mới này về hình thức không nằm trong các kế hoạch Manila tuyên bố là xây dựng một sức mạnh “phòng thủ tối thiểu đáng tin cậy” bởi chúng sẽ được bàn giao cho Lực lượng phòng vệ bờ biển. Tuy nhiên, động thái này cho thấy về vai trò tiềm năng lớn hơn của Lực lượng phòng vệ bờ biển trong việc ngăn chặn các tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Quân sự hóa
Tổng thống Aquino trước đó nhấn mạnh chính sách “trắng đối trắng, đen đối đen” khi nói về công tác bảo vệ biên giới biển. Ý ông muốn nói các tàu bảo vệ bờ biển sẽ là đơn vị đối phó với các tàu dân sự và tàu cá của Trung Quốc, chứ không phải là các tàu của hải quân.
Các hiệp định mới này có lẽ đã có tác dụng “động viên” các nhà hoạch định chính sách của Philippines. Tuần trước, Bộ Năng lượng Philippines công bố sẽ cho các công ty năng lượng đa quốc gia đấu thầu thăm dò dầu khí. Các lô dầu khí này được Manila cho hay nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ngoài khơi tỉnh Palawan của Philippines.
Tuy nhiên, những hiệp ước quân sự mới đã được các nhà lập pháp Philippines tranh cãi gay gắt. Nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago, cựu trưởng ban đối ngoại thượng viện phản đối việc phê chuẩn hiệp ước với Australia với những đoạn gây nghi vấn về cái mà bà mô tả là “các quy định mơ hồ” và những quy định này sẽ tạo ra vô số những khó chịu trong quan hệ song phương Philippine – Australia.”
Harry Roque, Giám đốc Viên nghiên cứu luật quốc tế thuộc ĐH Luật Philippines, không kỳ vọng nhiều vào tác dụng răn đe của hiệp định với Australia.
“Cũng giống như các nước ASEAN khác và thậm chí kể cả Mỹ, Australia có quá nhiều lợi ích ở Trung Quốc. Họ không thể để mình bị dính líu vào một cuộc xung đột không trực tiếp liên can đến họ và lại có thể gây tức giận cho đối tác thương mại lớn nhất của mình.”
Mặc dù phản đối sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Philippines, ông Roque thừa nhận, các điều khoản của SOFA dễ chấp nhận hơn Hiệp định thăm viếng quân sự (VFA) mà Philippines ký với Mỹ năm 1998. “Hiệp ước mới cho phép chính quyền Philippines được buộc tội những binh sĩ trong trường hợp cáo buộc không liên quan đến hoạt động của họ, không giống như Hiệp định với Mỹ.
Bất chấp những mối nghi ngại này, hiệp ước đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng với 17 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống. Việc thông qua dễ dàng phản ánh chính phủ đang chịu áp lực phài giải quyết tốt các tranh chấp nhức nhối trên biển với Trung Quốc.
Cách đây hai tuần, căng thẳng đe dọa bùng nổ khi một tàu chiến Trung Quốc bị mắc cạn tại biển Đông. Một tàu khu trục có trang bị tên lửa đã lâm nạn cách đảo Palawan của Philippines khoảng 60 hải lý và trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, nơi mà các tàu chiến của hải quân nước ngoài không được phép tuần tra.
Tuần trước, một đội hơn 20 tàu đánh cá Trung Quốc được hai tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc hộ tống bị phát hiện đến đánh bắt trộm san hô và hải sản trên vùng biển tranh chấp.
Chính phủ của Tổng thống Aquino cũng xem xét các hiệp đinh quốc phòng mới tương tự với Malaysia, Singapore và Brunei.
Dù các hiệp định này không nhất thiết có nghĩa là các nước ký kết sẽ hỗ trợ Philippines một khi xảy ra cuộc đọ súng với Trung Quốc, mà chỉ giúp Philippines xây dựng khả năng quân sự thông qua các cuộc tập trận chung, đào tạo, giáo dục và mua bán vũ khí.
Thu Hiền (theo atimes)

Không có nhận xét nào: