Pages

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Miến Điện kỷ niệm ngày sinh viên nổi dậy



Bà Aung San Suu Kyi phát biểu ngày 26/8/1988
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu trong cuộc biểu tình phản đối ngày 26/8/1988 tại Rangoon
Lần đầu tiên chính phủ Miến Điện cho phép người dân công khai xuống đường kỷ niệm 24 ngày nổ ra các cuộc biểu tình đòi dân chủ.

Đó là ngày nổ ra cuộc nổi dậy bị quân đội Miến Điện đàn áp đẫm máu.
Các cựu tù nhân chính trị hòa cùng đám đông hàng trăm người tại các thành phố Rangoon, Mandalay và một số nơi khác, đánh dấu ngày 8/8/1988.
Cho đến gần đây người dân Miến Điện không dám công khai làm kỷ niệm vì sợ bị bắt.

Một ngày trước đó, Tổng thống Thein Sein gửi hai thành viên chính phủ đến thông báo cho ban tổ chức rằng chính quyền đồng ý cho họ tổ chức tuần hành.
Hai đại diện chính quyền cũng trao 1 triệu đồng kyat (1.200 đôla) giúp tổ chức, theo lời Ko Ko Gyi, một lãnh đạo sự kiện 1988 và đã ở tù nhiều năm.
“Đây là bước hướng đến cải cách,” ông nói với hãng tin AP qua điện thoại.
Một buổi lễ kỷ niệm diễn ra ở Rangoon ngày 8/8/2012
Người phát ngôn Tổng thống, Nay Zin Latt, nói chính phủ thừa nhận đây là “sự kiện lịch sử” và tổng thống muốn chứng tỏ thiện chí hòa giải.
“Tổng thống luôn nói về hòa giải dân tộc,” ông nói. “Hành động này có thể giúp xây dựng sự thông cảm tốt hơn.”
Ngày 8/8/1988 chứng kiến cuộc biểu tình của sinh viên ở Rangoon, khi ấy là thủ đô.
Cuộc nổi dậy sau đó lan ra khắp nước, thu hút khoảng một triệu người.
Nhiều ngàn người bị giết trước khi cuộc nổi dậy bị dập tắt một tháng sau.
Các nhóm nhân quyền nói chính phủ còn giam giữ một số lượng không rõ các tù nhân chính trị, mặc dù những người nổi tiếng nhất, như bà Aung San Suu Kyi, đã được tự do.
Tháng trước, chính quyền tạm giữ thời gian ngắn hơn 20 người trước ngày đánh dấu 50 năm sự kiện quân đội đàn áp sinh viên tháng Bảy 1962.
Mặc dù tất cả được thả sau một ngày, bạn bè họ nói nó chứng tỏ chính phủ Miến Điện vẫn độc đoán bất chấp những cải cách gần đây.

Không có nhận xét nào: