Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những tuyên bố đầu tiên về vụ bắt giữ ‘ông trùm ngân hàng’ Nguyễn Đức Kiên giữa bối cảnh các thị trường tài chính và chứng khoán xuất hiện dấu hiệu hỗn loạn.
Trước đó, vào đêm thứ Hai ngày 20/8, ông Kiên, vốn từng là phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Á châu (ACB), đã bị tống đạt lệnh bắt tại nhà riêng ở Hà Nội.
Tuy nhiên thông tin này sau đó đã bị gỡ bỏ và báo chí trong nước đưa tin rằng ông Hải chỉ bị thẩm tra và ‘đang hợp tác tích cực với cơ quan điều tra’.Vào sáng ngày thứ Ba ngày 21/8, thị trường tài chính Việt Nam một lần nữa xôn xao trước thông tin đăng tải trên một số trang mạng rằng Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải cũng bị bắt giữ.
‘Không dính đến ACB’
Trong thông cáo được Thông tấn xã Việt Nam dẫn, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo họ bắt giữ ông Kiên để tạm giam thực hiện điều tra về tội ‘kinh doanh trái phép’ theo điều 159 Bộ Luật hình sự.
Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết họ cũng ra quyết định khởi tố đối với ông Kiên.
Theo thông cáo này thì công an tiến hành điều tra ông Kiên vì có ‘đơn thư khiếu nại tố cáo vi phạm pháp luật’ đối với ông này.
Theo đó, ông Kiên bị tố cáo có vi phạm trong phạm vi ba công ty do ông làm chủ tịch Hội đồng quản trị là Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Do đó, Bộ Công an khẳng định rằng việc bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên không có liên quan gì đến hoạt động của ông này tại Ngân hàng Á châu.
“Ông Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu ACB,” thông cáo của Bộ Công an cho biết.
Thông cáo cũng cho biết quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Kiên là hoạt động bình thường của cơ quan điều tra Bộ Công an.
Đáng chú ý ngoài việc dẫn thông cáo trấn an trên của Bộ Công an vào trưa ngày 21/8, trước đó hãng thông tấn chính thức trực thuộc chính phủ Việt Nam này không hề đưa tin về vụ việc bắt giữ ông Kiên vốn đang làm chấn động nền kinh tế trong nước.
Cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng phát đi thông cáo với nội dung gần tương tự với Bộ Công an với nội dung chủ yếu là ông Kiên ‘không tham gia quản lý điều hành’ tại ACB.
Vụ bắt giữ Nguyễn Đức Kiên diễn ra ngay trước khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có phiên điều trần trước Quốc hội về nợ xấu và tái cơ cầu hệ thống ngân hàng Việt Nam hôm thứ Ba ngày 21/8.
“Bước đầu điều tra sai phạm chỉ liên quan đến ba công ty do ông Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch Hội đồng quản trị,” Ngân hàng Nhà nước nêu rõ trên trang mạng của mình.
Ngân hàng Nhà nước cũng trấn an khách hàng gửi tiền ACB ‘hoàn toàn yên tâm’ và trong trường hợp cần thiết họ sẽ ‘sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản’ cho ACB.
Ngân hàng ACB là ngân hàng đứng đầu khu vực ngoài quốc doanh của Việt Nam vốn số vốn điều lệ gần 9.400 tỷ động, theo trang mạng của ngân hàng này.
Thống đốc lên tiếng
Tại nghị trường, các vị đại biểu Quốc hội đã tung những phát pháo đầu tiên về vụ bắt giữ ông Kiên đến Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong phiền điều trần sáng nay.
Đại biểu Đỗ Văn Đương của thành phố Hồ Chí Minh được VnExpress dẫn lời chất vấn ông Bình có nắm được các sai phạm của ông Kiên hay không và sẽ xử lý như thế nào.
Tuy nhiên, người chủ trì phiên điều trần là phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu ông Bình miễn trả lời về các sai phạm của ông Kiên vì Viện kiểm sát sẽ trả lời bằng văn bản, theo tường thuật của báo mạng VnExpress.
Thay vào đó, bà Ngân yêu cầu ông Bình giải trình ‘các vấn đề liên quan’.
Nội dung trả lời của ông Bình vẫn là trấn an thị trường về ACB và lặp lại thông cáo của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Bình cũng thừa nhận rằng Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB mà ông Kiên từng là phó chủ tịch không phù hợp với quy định của pháp luật.
"Thống đốc đã nói Nguyễn Đức Kiên bị bắt không liên quan đến ngân hàng ACB, vì vậy người gửi tiền tại ACB yên tâm,” VnExpress dẫn lời bà Ngân tại Quốc hội.
Trong lúc này, đại diện ngân hàng ACB cũng đã phát biểu trên báo chí trong nước để trấn an dư luận về hoạt động của ACB sau vụ bắt giữ ông Kiên.
Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc ngân hàng ACB nói với báo Tuổi Trẻ rằng vụ bắt giữ ông Kiên là ‘việc cá nhân’ của ông này.
Ông Toại cũng cho biết ông Kiên không còn là cổ đông lớn của ACB và bản thân Hội đồng sáng lập của ngân hàng này mà ông Kiên là thành viên đã bị Ngân hàng Nhà nước ra quyết định yêu cầu hủy.
Ông Huỳnh Quang Tuấn, phó tổng giám đốc ACB cũng nói với Tuổi Trẻ là cổ phần của ông Kiên ở ngân hàng này ‘chỉ dưới 5%’.
Mất 1,8 tỷ đôla
Bất chấp những tuyên bố trấn an của chính quyền, thị trường chứng khoán Việt Nam hôm 21/8 đã phản ứng hết sức mạnh mẽ trước việc ông Kiên bị bắt.
Cả hai sàn giao dịch Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều giảm gần hết biên độ sau khi chứng kiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong cơn hoảng loạn.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số VN-Index của sàn thành phố Hồ Chí Minh lao dốc đến 4,67% trong khi chỉ số HNX-Index trên sàn Hà Nội mất 5,24% số điểm.
Với mức giảm này, theo tính toán của các chuyên gia chứng khoán, thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất tổng cộng 35.600 tỷ đồng, tương đương gần 1,8 tỷ đôla Mỹ, gộp cả hai sàn.
Cũng theo tính toán của chuyên gia chứng khoán, vốn hóa trên toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vào khoảng 36 tỷ Mỹ kim.
Không chỉ những mã cổ phiếu các ngân hàng mà ông Kiên nắm cổ phần như ACB và EIB bị bán tháo mà đà tháo chạy cũng lan ra trên khắp thị trường. Tổng cộng có 380 mã chứng khoán ‘đỏ sàn’ trên cả hai thị trường giao dịch ở Việt Nam, trong đó có hầu hết các mã chứng khoán chủ lực của thị trường.
Mã cổ phiếu ACB trên sàn Hà Nội chạm đáy trong phiên giao dịch hôm nay xuống còn 24.100 đồng. Tính chung toàn bộ số cổ phiếu ACB mất hơn 1.680 tỷ đồng giá trị.
Các mã chứng khoán của các ngành ngân hàng, khai khoáng, bất động sản và xây dựng bị tác động mạnh nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét