Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Trùm Kiên đã kiếm tiền kiểu “mỡ nó rán nó” thế nào?


Thông tin về việc cơ quan CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (C46), Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên về hành vi "kinh doanh trái phép” cho thấy, dù không có chức năng kinh doanh tài chính, nhưng 3 Cty do "bầu” Kiên làm chủ tịch HĐQT vẫn tiến hành hoạt động đầu tư tài chính; lập phương án kinh doanh khống, tài khoản khống với mục đích tạo thanh thế ảo để vay ngân hàng nhiều trăm tỉ đồng.

Hành trình vi phạm pháp luật

Hành vi phạm pháp của "bầu” Kiên được bắt nguồn từ việc: "Căn cứ vào đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại 3 Cty: Cty cổ phần đầu tư thương mại B&B; Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Cty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội” (theo thông báo đầu tiên gửi đi sau khi khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên của C46 - Bộ Công an). Cả 3 Cty này đều do ông Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT.

Ban đầu, ông Kiên thành lập Cty cổ phần đầu tư thương mại B&B được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh ngày 8-12-2008, trụ sở tại số 63 Lương Sử C, Hà Nội với số vốn điều lệ đăng ký lên đến 1.500 tỉ đồng, vợ ông Kiên là bà Đặng Ngọc Lan làm giám đốc. Cty này có chức năng kinh doanh xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi để xe.

Sau đó ông Kiên thành lập thêm hai pháp nhân khác là Cty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội đều có trụ sở ở 57B Phan Chu Trinh, Hà Nội và đều do ông Nguyễn Đức Kiên làm người đại diện theo pháp luật. Trong đó, Cty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội có vốn điều lệ 500 tỉ đồng, ông Kiên góp 99% tổng số vốn; doanh nghiệp này có chức năng kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống; xây dựng kinh doanh sân golf; xây dựng giao thông, cầu đường dân dụng công nghiệp. Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, ông Kiên góp 30% tổng số vốn. Cty này có chức năng kinh doanh bất động sản, xây dựng cho thuê nhà ở, môi giới, đấu giá bất động sản; trang sức, chế tác...

Đáng chú ý, cả ba DN trên đều không có chức năng kinh doanh lĩnh vực tài chính ngân hàng. Kể cả việc 3 DN của ông Kiên đều có chức năng kinh doanh bất động sản và xây dựng dân dụng... nhưng dường như chưa hề có công trình giao thông, xây dựng hay dự án bất động sản nào mà DN này đang thực hiện. Quá trình hoạt động, ông Kiên đã "biến báo” bằng cách lập hồ sơ khống, lập phương án kinh doanh khống vay ngân hàng nhiều trăm tỉ đồng. Rồi lại "mỡ nó rán nó” là dùng tiền vay ngân hàng để đầu tư tài chính mua cổ phiếu, xong lại dùng chính cổ phiếu đó để thế chấp vay ngân hàng. Ngoài ra, ông Kiên cũng bị cáo buộc lợi dụng 3 Cty này lập phương án kinh doanh khống, nâng khống giá trị tài khoản, với mục đích tạo thanh thế ảo về tiềm lực tài chính..., sau đó thu tiền về dưới hình thức phát hành cổ phiếu.

Thanh khoản của ACB trong ngày 23-8 đã dần dần ổn định và dự báo sẽ tốt hơn

"Giải mã” hành vi kinh doanh trái phép

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tiền tệ ngân hàng phân tích: Theo những thông tin gần đây, trường hợp vi phạm của ông Kiên bị phanh phui là do ông Kiên đã dùng tiền của ngân hàng – công cụ tài chính không phải của mình - để mua chính cổ phiếu của ngân hàng. Đây là hành vi giao dịch bị cấm đoán. Trường hợp của ông Kiên cho thấy đang dần hé lộ những hành vi thao túng ngân hàng mà rõ ràng luật pháp không cho phép. Thủ đoạn của ông Kiên dùng là một trong những phương thức được gọi là sở hữu chéo, hay nói cách khác là trao đổi chéo giữa các ngân hàng với nhau. Chẳng hạn, ngân hàng A mua cổ phiếu của ngân hàng B, do đó phải đẩy một lượng tiền vào ngân hàng B và ngược lại. Cứ như thế, một hai lần trao đổi chéo chỉ giữa hai ngân hàng với nhau thôi, nhưng chỉ một đồng vốn cũng có thể thổi phồng lên thành 4,5 đồng – tạo thành vốn chủ sở hữu ảo.

Thực tế, những hành vi này bị NHNN cấm tuyệt đối song cấm nhưng lại không giám sát chặt chẽ nên dẫn đến những hậu quả tất yếu.

Ở nước Mỹ, một cá nhân hay một tổ chức khi mua bất cứ một loại cổ phiếu nào, sẽ có một cơ quan chuyên điều tra xem xét về số vốn mà cá nhân hay tổ chức đó dùng để mua cổ phiếu. Nếu như vốn mà họ bỏ ra là tài sản riêng của cá nhân thì được chấp nhận, còn nếu vốn đó là vốn vay của ngân hàng hoặc vay ở bất kỳ một tổ chức nào thì sẽ hoàn toàn bị cấm.

Hiện tại ở nước ta, chưa có một cơ quan nào điều tra về nguồn vốn của cá nhân hay tổ chức khi đầu tư cổ phiếu đã "tiếp tay” để các nhà đầu tư tự tạo những khoản vốn đồ sộ mà không phải là tiền của mình. Trường hợp của ông Kiên có thể là tiếng chuông cảnh tỉnh cho sự an toàn của các ngân hàng, dù không phải là sớm nhưng cũng chưa đến mức quá muộn.

Nhìn nhận lại tất cả ông Nguyễn Trọng Tài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng nói: ông Kiên đang dùng vốn đòn bẩy để thao túng ngân hàng. Những giao dịch tài chính đang bị che khuất khiến cho việc mua bán cổ phiếu lòng vòng. Nguy hiểm hơn là các giao dịch ảo cứ zic- zắc với bàn tay hậu thuẫn phía sau đã biến thành hành vi lũng đoạn thị trường tài chính thật.

Hiện nay, câu chuyện sở hữu chéo làm đau đầu quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM. Nhiều chuyên gia nói rằng, việc sở hữu chéo nhìn nhận như một mạng nhện. "Trong thời gian tiến hành quá trình tái cơ cấu ngân hàng không bóc tách kịp thời các vấn đề sở hữu chéo, các khoản đầu tư của ngân hàng thì nguy hiểm còn tăng lên bội phần” - ông Nguyễn Trọng Tài nhấn mạnh.
 
Ngày hôm qua, 23-8, đã có một số tờ báo mạng đăng tải thông tin Tổng giám đốc ngân hàng ACB Lý Xuân Hải bị bắt tạm giam 4 tháng về hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Trước sự "đeo bám” của dư luận và báo giới, đầu giờ chiều qua, lãnh đạo ngân hàng ACB đã có những trao đổi thông tin với báo giới, nhằm bác bỏ thông tin về việc vị Tổng giám đốc 47 tuổi này có 15 năm công tác tại Ngân hàng ACB chưa bị bắt mà chỉ bị "câu lưu” tại cơ quan công an để phục vụ quá trình điều tra.

Nguồn: ĐĐK 

Không có nhận xét nào: