Pages

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Đại sứ Philipines tại Bangkok: Tranh chấp lãnh hải là vấn đề đa phương

Thanh Trúc, phóng viên RFA

DSCF0069-305.jpg
Đại sứ Philippines tại Bangkok, bà Garcia
RFA photo
Tại  buổi hội thảo ở Bangkok thứ Sáu tuần trước về chủ đề An Ninh Châu Á Thái Bình Duong Trong Thập Niên Tới, đồng tổ chức bởi Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á Thái Bình Dương, Viện Nghiên Cứu An Ninh Và Quốc Tế  Thái Lan, đại học Burapha và đại học Chulalongkorn của Thái Lan, đại sứ Philipines tại Bangkok là  bà Jocelyn Batoon Garcia tuyên bố bà có nhiệm vụ minh định lập trường hoà bình và thiện chí giải quyết của Philippines khi đưa vụ tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ra trước Toà Án Trọng Tài.
Sau buổi hội thảo, đại sứ Jocelyn Garcia, cũng là đại diện Philippines  trong Uỷ Ban Liên Hiệp Quốc Về Kinh Tế Và Phát Triển Xã Hội  Châu Á UNESCAP, trả lời Thanh Trúc lý do Manila muốn đưa vụ tranh cãi trên biển Tây Philippines, mà Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa, ra trước công luận quốc tế:

Trong mười bảy năm qua Phililippines đã nhiều lần cố gắng thương lượng với Trung Quốc. Năm 2002, ASEAN trong tư cách một tập thể các quốc gia, đã cùng Trung Quốc ký DOC Bản Tuyên Bố Về Cách Hành Xử Trên Biển Nam Trung Hoa, được coi như bước chuẩn bị cho những vòng thảo luận sau này hầu tiến tới COC tức Qui Định Hành Xử trên biển Nam Trung Hoa.
Và Bản Qui Định Cách hành Xử vùng biển tranh chấp là đề tài thương thảo từ bấy nay nhưng mãi mười năm qua cũng vẫn chưa thành hình được.

Đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Thanh Trúc: Thưa bà đại sứ, phải chăng bà đang muốn để cập tới quan điểm song phương hoặc đa phương, vốn không thể dung hòa  với Trung Quốc, trong vấn  đề tranh chấp lãnh hải trên vùng biển Tây Phlippines,  mà phần Việt Nam gọi là biển Đông, và trở ngại đó  khiến Philippines  quyết định mang nội vụ ra trước Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc?
Đại sứ Garcia: Xin thưa là tôi không thể nói giùm nước bạn, nhưng cái nhìn của chúng tôi là không chỉ riêng Philippines mà có năm quốc gia cùng can dự vào vụ tranh chấp này. Chính vì thế vụ việc không phải và không còn là vấn đề song phương nữa mà đây là một vấn đề đa phương.
Năm 2011, tổng thống Phi lúc bấy giờ, bà Aquino, và chủ tịch nước Trung Quốc lúc ấy, ông Hồ Cẩm Đào, đã từng đạt sự đồng thuận là Trung Quốc và Philippines  cần phân biệt rạch ròi những vấn đề gây tranh cãi hầu giải quyết riêng rẽ các vấn đề đó trong lúc vẫn xúc tiến và vẫn cộng tác với nhau về những chuyện không nằm trong vòng tranh cãi.
Tổng quan về kinh tế thì  Philippines và Trung Quốc không có mâu thuẩn không có trở ngại, giao thương hai nước vẫn tiến triển và hai bên vẫn mong muốn duy trì hiện trạng tôt đẹp đó đó trong lúc cố gắng thu xếp và thương thảo để giải quyết vấn để tranh cãi trên biển Tây Philippnes còn gọi là  biển Nam Trung Hoa .
But I want to be very clear that the arbitration that we want ...
Thiết tưởng tôi cần trình bày rõ rằng Tòa Án Trọng Tài mà Philippines đang nhắm tới không qui kết vào những điểm mà Trung Quốc bày tỏ sự dè chừng khi ký vào UNCLOS Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển. Khi ký vào Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển một quốc gia có thể bày tỏ sự quan ngại hay dè dặt, trong trường hợp này Trung Quốc  đã bày tỏ sự nghi ngại của mình. Philippines hoàn toàn không thắc mắc trước sự dè chừng hay nghi ngại của Trung Quốc.
Thanh Trúc: Vậy xin bà đại sứ cho biết Philippines trông đợi gì ở Tòa Án Trọng Tài đang được đề cập tới ở đây?
Đại sứ Garcia: Những điều Philippines đòi hỏi ở đây là định nghĩa thế nào gọi là bãi đá (bãi cạn) và thế nào gọi  là đảo. Liệu một bãi đá có bao gồm một vùng đặc quyền kinh tế không, và liệu một hòn đảo không nằm trong một quần đảo thì có bao gồm một đặc khu kinh tế không. Đá là gì mà đảo là gì trong trường hợp này.
Và một khi đạt tới định nghĩa đó rồi thì mới có thể thấy rõ Trung Quốc có vi phạm chủ quyền của Philippines hay không. Đây là cốt lõi của vấn đề mà Philippines đòi hỏi nơi Tòa Án Trọng Tài.
Đó cũng là lý do các vị chánh án của ITLOS Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển, dù Trung Quốc đồng ý hay không đồng ý, đã chấp thuận thụ lý hồ sơ xin phân xử của Philippines vì nhận thấy những điều Philippines yêu cầu không nằm trong bất cứ điểm nào phía Trung Quốc từng tỏ ra quan ngại.
Thực ra những điều này cũng không có gì mới, chỉ là ít khi được nhắc đến. Còn nếu đi sâu vào chi tiết có lẽ tôi phải nói nhiều hơn  như tôi đã trình bày trước cử tọa lúc nãy. Thế nhưng mọi quan điểm chính của Philippines được tóm gọn như vậy.

Tiếp tục giao thương với Trung Quốc

Thanh Trúc: Thưa bà đại sứ Garcia, giả sử Trung Quốc vẫn bất chấp và vẫn lập lại những hành động khá là quá khích của họ tại bãi cạn Scarobrough thuộc vùng biển Tây Philippines thì sao, chẳng lẽ điều này không ảnh hưởng chút nào đến bang giao cũng như tương quan kinh tế Trung Quốc Philippines mà bà cho là vẫn diễn tiến tốt đẹp và không gặp trở ngại ?
Đại sứ Garcia: Xin nhớ trong bài thuyết trình vừa nãy tôi đã khẳng định Philippines luôn mong muốn tiến tới  Bản Qui Định Hành Xử trên vùng biển tranh chấp với Trung Quốc, và vì Philippines vẫn muốn duy trì sự hoà hiếu với Trung Quốc thì còn con đường hòa dịu nào hơn là đưa vụ việc ra trước Toà Án Trọng Tài?
Philippines, trong mọi trường hợp, không chủ trương quá khích mà chỉ muốn giải quyết tranh cãi một cách rốt ráo sau mười bảy năm gần như bế tắc. Mặt khác, Manila vẫn tiếp tục giao thương và cộng tác kinh tế là hai lãnh vực không có tranh cãi như trước nay đối với Bắc Kinh.
Thanh Trúc: Nếu được hỏi Philippines  vẫn cần đến Trung Quốc trong mức độ nào thì câu trả lời của bà đại sứ là?
Đại sứ Garcia: Trung Quốc rất quan trọng đối với Philippines, hai quốc gia là lân bang tốt của nhau. Cứ xem như Thái Lan và Kampuchia chẳng hạn, đâu phải vì đưa vấn đề tranh chấp đền cổ Preah Vihear ra trước Tòa Án Quốc Tế mà hai nước thôi không là láng giềng tốt  của nhau nữa.
Philippines luôn hy vọng sớm hay muộn khu vực phải phát huy được  bản Qui Định Hành Xử , chẳng những có lợi cho Philippines mà còn cần  cho Trung Quốc, cho ASEAN cũng như cho vấn đề tranh chấp trên vùng biển Tây Philippines mà Trung Quốc vẫn khẳng định thuộc  biển Nam Trung Hoa.
Philippines hy vọng một giải phap hòa bình và minh bạch trong vấn đề tranh chấp, và như tôi đã nhấn mạnh trước đó, Trung Quốc là một nước bạn quan trọng, một đối tác quan trọng trong khu vực. Một khi hiểu rõ và chấp nhận tầm quan trọng của Trung Quốc trong khu vực thì sự cần thiết và cấp bách là phải tháo gỡ mọi mâu thuẫn mọi dị biệt với quốc gia láng giềng này. Vấn đề nào gây nghi ngại dè dặt thì giải quyết trong góc độ song phương, lãnh vực nào không tạo tranh cãi thì cứ thế mà tăng cường mà phát triển trên quan điểm đa phương.
Đất nước chúng tôi có thể hợp tác trong nhiều lãnh vực, cũng như từng hợp tác tích cực trong những lãnh vực mà có điểm dị biệt hay bất đồng. Đó là con đường hòa bình  mà Philippines theo đuổi.
Thanh Trúc: Một lần nữa xin cảm ơn bà đại sứ Jocelyn Batoon Garcia.

Không có nhận xét nào: