Pages

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Cướp đất mất doanh nhân


Đọc những bài tường thuật về vụ xử Đoàn Văn Vươn, chúng ta thấy rõ hơn về con người này. Ông tỏ ra là một người thông minh, đã sắp sẵn những ý kiến hợp lý, để nói năng rành mạch khi ra tòa. Ông có đủ can đảm và nghị lực để sống hơn năm trời trong tù giam mà vẫn không sợ hãi, vẫn giữ nguyên đức bình tĩnh, tự biện minh cho các hành động của mình trước một tòa án đang đe dọa mình bằng một bản án “giết người.”

Đúng là một người có đủ khả năng đối phó với cả “guồng máy cưỡng chế.” Nước Việt Nam vẫn còn sau một ngàn năm Bắc thuộc, chắc là nhờ những người nông dân như Đoàn Văn Vươn, vừa khôn ngoan lại vừa can đảm, không khiếp sợ trước cường quyền.

Nhưng cũng có thể nhìn Đoàn Văn Vươn để thấy một hình ảnh khác nữa: Đoàn Văn Vươn có rất nhiều ưu điểm cần thiết cho một nhà kinh doanh thành công, ở bất cứ quốc gia nào. Với những chi tiết rất ít ỏi được biết về con người và hành trạng của ông, chúng ta vẫn hình dung được đây là một người có đủ khả năng đó. Các nhà doanh nhân (entrepreneurs) là đầu máy đẩy cho kinh tế phát triển, điều này ai cũng phải công nhận. Họ phải cần cù chịu khó, phải có đủ bộ óc suy nghĩ, tính toán, lại phải biết tìm và khai thác những cơ hội mới. Họ cần kiên nhẫn, làm việc mà không cần hưởng thụ ngay, tiết kiệm, lo dành dụm cho tương lai.

Lịch sử những di dân sang Mỹ cho thấy cảnh phồn thịnh của nước này là do các doanh nhân xây dựng nên. Phần lớn họ đều xuất thân nghèo nàn như các nông dân Việt Nam. Như gia đình Borgenicht mà Malcolm Gladwell kể trong cuốn The Outliners (Những tay xuất chúng). Gia đình Louis Borgenicht từ Ba Lan di cư sang New York năm 1889. Mở đầu, ông ta đi bán cá, bán trên lề đường, vì có thể nhận cá, bán xong mới trả tiền, một tuần kiếm được 8 đô la, đủ trả tiền thuê nhà. Sau đó, ông đi bán khăn, khăn trải bàn, trải gường, đẩy cái xe bán dạo ngoài đường, mời khách mua bằng tiếng Đức vì ông chưa biết tiếng Anh. Tiếp theo, lại thử bán chuối, bán bít tất; và khi bà vợ đẻ đứa con thứ hai thì ông khám phá ra bán quần áo may sẵn có thể khá hơn. Chỉ ở nước Mỹ lúc đó người ta mới bán quần áo may sẵn, không phải mỗi bà nội trợ tự may quần áo cho chồng con mình như các nhà nghèo bên Âu Châu. Sau một thời gian đi “nghiên cứu thị trường” Louis thấy có một thứ không ai bán khi quan sát một nhóm em bé gái chơi với nhau, một em mặc cái khăn thêu chùm bên ngoài, đeo trước váy đầm, thắt nút sau lưng, gọi là apron. Món này chưa thấy ai bán. Thế là Louis đi mua vải về, bà vợ có cái máy khâu cũ đã mua từ khi mới di cư, họ bắt đầu làm việc, chồng cắt, vợ may. Khi bà vợ đi ngủ lúc nửa đêm, Louis thức dậy làm tiếp. Sáng hôm sau, bà vợ thức dậy bắt đầu đục khuyết và đơm khuy. Lúc 10 giờ sáng, Louis ôm 40 cái chùm váy ra đường, đi rao hàng trên các phố, Chiều hôm đó, cả 40 cái apron may theo ba kích thước lớn nhỏ đã bán hết. Họ khám phá ra một thị trường mới, khai thác thị trường nho nhỏ đó, rồi cứ thế phát triển. Tiết kiệm, cần cù, mở mắt ra trông, cuối cùng những di dân như gia đình Borgenicht đã biến New York thành một trung tâm nghề dệt, may, và chính họ thành các triệu phú; bây giờ con cháu họ là tỷ phú.

Bây giờ đến lượt các di dân người Việt Nam, người Ấn Độ, người Trung Hoa. Tôi mới nghe kể chuyện một gia đình người Việt đã thành công trong vòng vài chục năm ở Texas. Lúc mới sang Mỹ theo đường HO, trong tay họ chỉ có mấy trăm đô la làm vốn, vừa đi làm vừa dành dụm. Nghe nói ở tiểu bang khác chế độ xã hội dễ dãi hơn, họ bèn lái chiếc xe kéo cả gia đình di cư lần nữa. Nhưng không may, được mấy năm chính tiểu bang mới này đổi luật lệ, việc trợ cấp khó khăn hơn. Thế là cả gia đình lại lái xe trở về Texas, nơi có nhiều người quen hơn. Chúng tôi không kể tên gia đình này vì không được phép. Điều không may, có khi lại biến thành may mắn. Một cơ hội bất ngờ, khi gia đình này biết có người bán một cửa hàng, với giá chỉ có 20,000 đô la. Không có đủ tiền, họ cũng không thể đi vay ngân hàng vì xưa nay chưa từng vay ngân hàng bao giờ, khó chứng minh khả năng làm ra tiền trả nợ. Thế là họ phải đi hỏi vay bà con, bạn bè, thu góp từ nhiều nơi khắp nước Mỹ, để mua được cái cửa hàng. Làm việc, chịu cực nhọc, không tiêu xài, lo dành dụm, cuối cùng cửa hàng sống được rồi lớn dần, họ còn gửi được một đứa con trai vào MIT, một trường đại học lớn bậc nhất. Nhưng bây giờ người kỹ sư tốt nghiệp MIT đó cũng không đi kiếm việc làm ở các xí nghiệp, mà quay về giúp bố mẹ kinh doanh. Một người đủ thông minh để Đại học MIT cấp học bổng, thì cũng đủ sức tổ chức và điều hành việc kinh doanh gia đình. Các cơ sở làm ăn của họ nay trị giá hàng trăm triệu.

Những doanh nhân tự lập thành công đều có những đức tính cần cù, chịu cực nhọc, hy sinh ngày hôm nay để xây dựng ngày mai. Những người trong gia đình Đoàn Văn Vươn tỏ ra có hầu hết các đức tính đó.

Từ hơn một năm nay, qua báo chí chúng ta chỉ biết Đoàn Văn Vươn như một biểu tượng của những người dân đã bị lừa dối và đang bị âm mưu cướp hết thành quả. Gia đình ông được chính quyền khuyến khích khai phá đất ven biển, biến những vùng đất vô dụng thành các cơ sở sản xuất sinh lời. Sau vài chục năm đổ mồ hôi, máu và nước mắt, họ biến mấy chục mẫu đất hoang thành một thứ “phương tiện sản xuất,” một thứ “vốn” (tư bản) đủ sinh lợi nuôi sống một đại gia đình và còn có thể phát triển thêm. Họ chứng tỏ có được đức tính cần thiết đầu tiên của một doanh nhân: Cần cù chịu khó và biết tiết kiệm. Nước Việt Nam có bao nhiêu nông dân cần cù, chịu cực khổ hôm nay để ngày mai con cháu khá hơn? Con số phải tới mấy chục triệu người.

Nhưng nếu chỉ cần cù chịu khó thì cũng chưa đủ. Khi Đoàn Văn Vươn ra trước tòa, qua những lời đối đáp của ông chúng ta còn thấy hình ảnh một con người đủ óc thông minh để suy nghĩ và tính toán, đủ đảm lược để đối phó với bộ máy bạo lực chính trị và pháp chế. Nếu Đoàn Văn Vươn được sử dụng bộ óc của ông để tính toán việc kinh doanh, chúng ta có thể tin rằng ông sẽ không thua kém những người lớn trong thương trường. Khi nghe bà Phạm Thị Báu, em dâu ông (cũng bị ra tòa) trả lời phóng viên đài BBC, chúng ta thấy bà cũng là một người rất thông minh và biết trình bày ý kiến một cách rõ ràng, mạch lạc chặt chẽ. Nếu sinh ra là con gái một ông thủ tướng, hay một ông ủy viên bộ Chính trị thì chắc bà Phạm Thị Báu thừa sức điều khiển các công ty hay ngân hàng do các ông bố làm to xếp đặt cho!

Nếu như gia đình Đoàn Văn Vươn sống ở một nước tự do thì họ có thể trở thành những nhà kinh doanh thành công. Yếu tố nào giúp các di dân ở Mỹ thành công? Họ có nhiều cơ hội để khai thác. Nhưng quan trọng nhất là họ có “cơ hội đồng đều.” Một người nào chịu khó làm việc thì sẽ được hưởng những thành quả của công việc mình làm. Người giỏi và may mắn hơn thì thành công hơn; nhưng ai cũng có cơ hội. Và khi họ bắt đầu thành công thì không có một ông cán bộ nào đến gõ cửa đòi họ phải trao lại cho nhà nước quản lý!
Chế độ nhà nước quản lý đất đai đã giết chết bao nhiêu cơ hội của những người có khả năng trở thành doanh nhân thành công, giúp cho kinh tế phát triển. Phải chấm dứt tình trạng đó.

Trong bài trước, mục này đã trình bày tai hại của chính sách không cho người Việt Nam làm chủ mảnh đất mà họ canh tác, hay họ xây nhà. Nó làm hao phí hàng tỷ đô la tiền vốn không được khai thác, sử dụng. Trong một bài sau, chúng tôi sẽ trình bày thêm các tai hại khác do chính sách phản kinh tế này tạo ra: Nó phá hoại, giảm bớt tác dụng của thị trường trong việc gia tăng năng suất cho cả nền kinh tế. Tất cả chỉ vì chế độ độc quyền chính trị và độc quyền kinh tế của một băng đảng tham lam và hoàn toàn bất lực.

Ngô Nhân Dụng

(Diễn Đàn Thế Kỷ)

Không có nhận xét nào: