Pages

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Một sự kiện, hai cuộc đời



Nhóm Hành Khất (Danlambao) – Bao năm qua rồi, quá khứ đau thương tưởng chừng đã phai mờ phần nhiều trong tâm trí người Việt, khi những lớp thế hệ trước lần lượt ra đi trong âm thầm, và những thế hệ tiếp nối phải buông chảy theo cuộc sống, vật lộn với mảnh bằng, công việc, và gia đình. Những đau thương đó được cổ xúy: “Hãy nên quên đi quá khứ, bắt tay xây dựng lại, và đoàn kết dân tộc trên mọi phương trời lại, vì chúng ta là những người Việt Nam. Hãy nên vì nước Việt Nam.” 
Vâng, chúng ta là những người Việt Nam, dù là thế nào đi nữa, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, dù đang sống nơi nào đó, hoặc được trưởng thành từ nơi nào đó không phải là nước Việt Nam. Và dù những người nuôi dưỡng mình lớn khôn, cũng không phải là người Việt, mà còn có thể là những “kẻ cựu thù và mãi mãi là kẻ thù của dân tộc.” 
Ôi! cao đẹp thay tình dân tộc nồng nàn và quá ư “bao dung” của nó đến tưởng chừng như trên thế giới nầy, duy nhất chỉ có dân tộc Việt Nam của chúng ta mới có được đức tính đó.
Vâng, phải nói là trên thế giới nầy chỉ có một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa mới có “đức tính dân tộc” đó. Có nghĩa là chỉ có Xã hội Chủ nghĩa mới tạo được thiên đường để phát sinh ra cái “đức tính” mà trần gian nầy không bao giờ có.
Điều đó có thể được chứng minh một cách rõ ràng hơn qua những bằng chứng thật sự, và thậm chí là những nhân chứng sống hôm nay. Để khẳng định là “Thiên Đường” của Xã hội Chủ nghĩa là có THẬT, hoàn toàn có thật đến nỗi người ta thậm chí có thể rờ mó, hít ngửi, hay dậm đạp mà không có tôn giáo nào –từ nhỏ đến lớn– trên thế giới, trong hàng mấy ngàn năm nay, có thể chứng minh về thiên đường của họ một cách hùng hồn hơn thế được. Và đây là câu chuyện 100% là sự thật về “một sự kiện, nhưng hai cuộc đời” mà qua đó sẽ cho tự mỗi người trong chúng ta cái nhìn rất THẬT nào đó.
a- Một cuộc đời: 
Câu chuyện kể rằng: “…
Ông bà Mitchell, ở thị trấn Solon Springs thuộc tiểu bang Wisconsin, Hoa Kỳ, vô cùng vui mừng với sự có mặt của bé gái Kimberly trong trang trại của họ. Cuộc sống êm đềm và tràn đầy hạnh phúc nuôi lớn cô bé đang vươn theo ước vọng về tương lai qua những trường lớp từ thuở ấu thời đến hướng đi cho cuộc đời mình mà vị Trung sĩ Không quân giải ngũ James Mitchell luôn theo từng bước với cô ta.
Một khoảng thời gian trước khi ông Mitchell qua đời vào năm 1991, ông đã mở chiếc hộp quá khứ mà ông ta đã mang theo về nước từ một xứ sở xa xôi Việt Nam từ dạo đó. Từ một thời điểm được ghi vào lịch sử mà cô Kimberly đã từng học qua: cuộc Tổng tấn công Mùa lễ Phục sinh 1972, mà cô ta vẫn thường cảm thấy hãnh diện khi biết bố mình, ông Mitchell, từng có mặt trong trận chiến ác liệt đó. Nhưng có một sự kiện mà sách vở nhà trường không ghi chép là chính cô ta, Kimberly Mitchell, cũng là một nhân vật từng xuất hiện trong thời điểm đó, đang đóng vai là một cô bé vừa non 6 tháng, loay ngoay cố trườn mình tìm sữa mẹ trên cái xác bất động. Một hiện trường như một đoạn phim được dàn dựng trước, với những xác người từ đứa bé nhỏ nhất –như con bé Mitchell 6 tháng tuổi lúc bấy giờ– đến những người già yếu đuối, đàn ông, và phụ nữ. Xen lẫn đây đó là xác của những binh lính trong quân phục của miền Nam Việt Nam. Tất cả được phơi bày trên những vũng máu, tựa như cảnh mà người ta thường thấy trong những cuốn phim chiến tranh, dọc bên và ngay trên mặt lộ của một tuyến đường công cộng, liên tỉnh –Quốc lộ 1– mà sau nầy nó được ghi trong lịch sử với cái tên: “Đại lộ Kinh hoàng.”
Thật là bất ngờ, lẫn đau thương đầy lồng ngực khi cô Mitchell được cho biết rằng trong đoạn phim lịch sử đó, người mẹ ruột của cô đã bị thiệt mạng, và tan biến mất như khi người ta dọn dẹp phim trường sau khi quay xong. Hiện tại dường như người ta muốn xóa đi tất cả vết tích nào còn lại, bằng cách chồng chất lên bằng lớp nhựa đen khác, chôn vùi những mảnh xương nào đó chưa kịp tan rã trong mớ đất bùn hai bên đường.
Quá khứ cần phải chết tiệt đi để cho cái hiện tại “mới” khoe khoang! Nhưng không, không thể nào nhu thế đối với cô Mitchell và cô ta muốn đi tìm nó, bằng bất cứ giá nào, một khi người cha nuôi của cô ta, James Mitchell, đã mở ra chiếc hộp quá khứ. Dù không biết nên phải bắt đầu từ đâu, trong khi nó quá mơ hồ và hoàn toàn xa lạ với quá khứ thời thơ ấu của cô ta nơi có những con bò, mùi thơm phô-mai, và đồng cỏ tự do mở rộng, và khi mà ông James cũng không mong muốn cô con gái cưng của gia đình xem lại đoạn phim bi kịch đó đến nỗi chính ông cũng muốn quên đi và không bao giờ đưa chân trở lại, riêng cô Mitchell vẫn ôm ấp trong lòng hoài bão đó.
Mặc dù đạt được nhiều thành công lớn lao (1) trong phục vụ như là Trung úy Chỉ huy cho Hải quân Hoa Kỳ, và sau đó, nắm giữ chức vụ tại Ngũ Giác Đài như là Phó Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ Quân nhân và Gia đình, cô Mitchell đã tìm được một mảnh kiếng quá khứ của mình qua sơ Mary vốn là người tiếp nhận bé gái 6 tháng tuổi, Trần Thị Ngọc Bích, từ một Thiếu úy trẻ thuộc Thủy quân Lục chiến của chính quyền miền Nam Việt Nam, tên là Trần Khắc Báo –theo như hồ sơ của Sơ Mary còn lưu lại– sau chuyến trở lại Việt Nam lần đầu trong đời của cô ta vào khoảng giữa năm 2011. (2)
Từ trái qua phải: Sơ Mary, cựu Trung úy Kimberly Mitchell, Sơ Vincent, ở Đà Nẵng
Sổ thông hành của bé gái Kimberly Mitchell 6 tháng tuổi, 
cùng đi với Trung sĩ Không quân James Mitchell trở về Mỹ
Tuy nhiên, cô Kimberly khó có thể nào mường tượng được trong vai một bé gái 6 tháng tuổi được cứu sống như thế nào trên “Đại lộ Kinh hoàng 1972″ đó. May thay, định mệnh chưa kết thúc đối với vị cựu Thiếu úy Trần Khắc Báo, sau khi Lữ đoàn 2 TQLC bị thất thủ vào tháng 3/1975, và ông ta phải trải qua những ngày đối mặt tử thần trong 6 năm trời ở những trại cải tạo của Cộng sản Việt Nam. Đến 13 năm sau (1994), ông mới có dịp đi định cư ở thành phố Albuqueque thuộc tiểu bang New Mexico của Mỹ, lúc bấy giờ cô Kimberly đã là 22 tuổi còn đang theo học lấy bằng cử nhân 4 năm của ngành Kỹ thuật Hải Dương mà cô ta đã sẽ tốt nghiệp vào năm 1966. Và mãi đến 19 năm sau kể từ lúc bước chân lên đất Mỹ, vị cựu Thiếu úy mới có cơ hội bất ngờ tìm gặp được bé gái do chính ông ta đặt tên: Trần Thị Ngọc Bích, tức Kimberly Mitchell. Cuộc hội ngộ kỳ thú nầy được diễn ra tại thị trấn Albuqueque thuộc tiểu bang New Mexico, trước 7 đài truyền hình Mỹ cùng nới những phóng viên báo chí từ Washington DC và nhiều nơi khác.(3)
Cuộc hội ngộ kỳ thú giữa cựu Thiếu úy Trần Khắc Báo và bé gái Trần thị Ngọc Bích, tức cựu Trung úy Kimberly Mitchell, là người mang khăn quàng lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa xưa kia. Trên tay vị Thiếu úy là “cái nôi” nón lá cho bé gái lượm được bởi một quân nhân VNCH khác trao lại.
Và câu chuyện được kể lại với nhiều chi tiết, đặc biệt là chuyện về người quân nhân VNCH vô danh nào đó dù sắp kiệt sức, nhưng cũng cố gắng lê lết mang đứa bé gái 6 tháng tuổi đến giao lại cho vị Thiếu úy Trần Khắc Báo vì không còn đủ sức làm gì hơn. Nhưng người quân nhân đó đã tan biến hay vẫn còn sống ở một nơi góc khuất nào đó trên mảnh đất đau thương chưa bao giờ lành vết, là điều mà cả vị cựu Thiếu úy VNCH và cựu Trung úy Hoa Kỳ muốn biết. Họ hứa sẽ trở lại (4) Việt Nam hầu mong tìm ra vài người thân còn sót lại, và người chiến sĩ tầm thường đó trong quân đội miền Nam nhưng lúc nào cũng tâm niệm: Tổ quốc, Danh dự, Trách nhiệm.
…”
b- Một cuộc đời khác: 
Câu chuyện kể rằng: “…
Cũng trong thời điểm 1972, cũng là Quốc lộ 1 nối dài, trước sức mạnh của lực lượng Cộng quân xâm chiếm làng Trảng Bàng, thuộc tỉnh Tây Ninh, và tiếp theo là những hầm hố, ụ chốt được giăng đầy khu chợ chính, cả những con đường vào làng. Lực lượng binh lính VNCH khó lòng lấy lại và phải mất nhiều ngày bị cầm chân ở đó, trong khi chiến cuộc bùng nổ khắp mọi nơi, rất cần đến sự có mặt của họ, nếu họ không dùng đến sức mạnh Không quân.
Hầu hết người dân làng được tập trong Thánh Thất Cao Đài và được sử dụng như những bức bình phong bởi Cộng quân –đó cũng là cách mà họ thường hay sử dụng trong những trận chiến ven đô, mà hình ảnh “Đại lộ Kinh hoàng” với đứa bé 6 tháng tuổi, Kimberly Mitchell, là một chứng minh– trước sức phản công của Sư đoàn 25 Bộ binh VNCH. Khi lực lượng Không quân tung ra đòn phản công mạnh mẽ hầu phá vỡ những ụ chốt quanh làng trước khi bộ binh ra sức tấn công. Cộng quân xua một số người dân –là những người lớn tuổi, và trẻ nít không thể cầm súng hay tải đạn cho họ trong chiến cuộc đang diễn ra– chạy ra ngoài trong khi cuộc giao tranh đang nóng bỏng với mục đích chận đứng việc dội những quả bom phát quang napalm đáng kinh sợ đối với họ.
Và cuối cùng là bức ảnh “Cô bé Napalm” được thổi phồng, tạo lợi thế hơn cho những phong trào phản chiến ở Mỹ và nhất là lợi ích tuyên truyền đó tạo thêm ưu thế cho cuộc xâm lược miền Nam trong việc đẩy Mỹ ra ngoài trò chơi chiến tranh của Bắc Cộng nhằm thôn tính miền Nam Việt Nam sau nầy. Đó chính là chiêu bài “tội ác Mỹ-Ngụy.”
Trớ trêu thay, bức ảnh đó lại do chính người nhiếp ảnh đang phục vụ trong quân đội VNCH, tên là Huỳnh Công Út, với danh xưng “Nick Út” khi đang làm việc cho báo chí Mỹ đặt chi nhánh ở Sài Gòn.
“Nick Út” trong bộ quân phục của VNCH đang chuẩn bị 
tháp tùng cùng toán quân lính của miền Nam Việt Nam để… săn ảnh
Đứa bé gái khoảng 9 tuổi trong bức hình đó, chính là Phan Thị Kim Phúc, thuộc gia đình nông thôn, là người sau nầy được Thủ tướng Phạm Văn Đồng của nước VNDCCH Xã hội Chủ “ưu ái” xem là một người bạn, và đứng ra đỡ đầu (5) qua đặc ân là cô ta được du học bên Cuba vào năm 1986, lúc bấy giờ khoảng 23 tuổi. Đây cũng là năm mà Nick Út, sau khi chạy bỏ Cộng sản vào năm 1975 để định cư ở thành phố Los Angeles, sang Cuba (6) gặp lại “người xưa”, mà giờ đã trưởng thành là một thiếu nữ mặn mà. Mãi đến 6 năm sau, cô Kim Phúc mới lập gia đình.
“Người xưa” bây giờ là một thiếu nữ 23 tuổi, duyên dáng 
trong bức hình thân… ái cùng “chú” Nick Út, lúc bấy giờ mới khoảng 33 tuổi
Sau những tháng hưởng tuần trăng mật bên Liên Xô, tất cả đều do nhà nước VNDCCH đài thọ như là thêm một đặc ân mà khó có thể có đối với người thứ hai. Cuối cùng họ xin tị nạn “chính trị” ở Canada. Và bà Kim Phúc ngẫu nhiên biến thành một “Sứ giả cho Hòa bình” rao giảng khắp thế giới, từ trường tiểu học đến đại học. Nick Út trong vai trò “người ân nhân” nên thường hay xuất hiện với bà Kim Phúc trong mỗi dịp đó đây hơn là người chồng gần như là “hậu trường” thầm lặng của bà ta.
Đó là bức hình mà Nick Út luôn luôn tự hào là nó “mang lại hòa bình cho đất nước.” (7) Với cái tên mới, mà theo lời ông ta là nó luôn luôn mang lại nhiều may mắn đến nỗi phải thốt lên:
“Cuối năm 1969, trong một kỳ nghỉ ở Hồng Kông, tôi đã nhường suất của mình cho Huet, ai dè đó là chuyến bay định mệnh, máy bay bị nổ ngay khi chưa ra khỏi không phận VN. Tôi đã lấy cái nickname – “bé nhỏ” đó làm tên của mình từ khi ấy để kỷ niệm về người bạn. Và đó là một cái “nick” rất hên với sự nghiệp của tôi.” 
Mà quên bấy sự kiện chiếc trực thăng (không phải là máy bay) bị nổ là vào năm 1971 (không phải là 1969) gần biên giới Lào, khiến nhà cựu phóng viên Herri Huet, bậc đàn anh của Nick Út, với một số ký giả khác trên chuyến bay cùng vị Tướng Hoàng Xuân Lãm bị tử nạn.
…”
c- Nhận xét: 
Qua sự những việc trên cho thấy rằng đó là một sự kiện xảy ra trong cuộc Tổng tấn công Mùa Lễ Phục Sinh 1972, cũng trên Quốc lộ 1 nối dài mang tên lịch sử là “Đại lộ Kinh hoàng” do cuộc xâm lược của Bắc cộng và phá quấy của Việt cộng, gây ra những cảnh đau thương mà tiêu biểu là hai cuộc đời hoàn toàn tương phản trong đối trọng của 4 nhân vật trên. Họ cũng chính là những người Việt Nam. Nhưng sự chọn lựa hướng đi hoàn toàn trái ngược vì tham vọng, u mê, và nhất là lợi ích cá nhân.
Cũng là hai người mặc áo quân phục gần như nhau, cũng là hai người phải gánh chịu khốn khổ bằng tinh thần hay thể chất, vì một cuộc chiến phải có của Cộng sản, nhưng họ có cái nhìn bên kia vẫn là đối nghịch.
Quá khứ dường như không bao giờ chịu nằm yên, khi những oan ức còn tồn tại, những dối trá còn che đậy, và đau thương vẫn hiện diện trong cái gọi là “hòa bình” của Nick Út. Thật ra, quá khứ đã biến thành hiện tại để bắt đầu lại cái bắt đầu chưa trọn vẹn. Và nó chỉ nằm yên khi sự THẬT được khẳng định một cách rõ ràng trong lương tâm của con người. Nó chính là bóng ma dĩ vãng sẽ ám ảnh mãi những ai cố tình chôn nó đi một khi tội ác đã thực hiện nhưng cứ đổ vấy cho kẻ khác để tự tôn vinh mình là “Sứ giả,” là ánh sáng “Hòa bình.”
_______________________
Chú thích, tham khảo:
1. Sự nghiệp của Trung úy Kimberly Mitchell “Kimberly M. Mitchell
2. Điều đó được cho thấy trong bài viết “LCDR Kimberly Mitchell: From Vietnem to the Pentagon” (24/06/2011) by Tracee Tolentino & photojournalist Harry Baker, FOX 21 News. Cô Mitchell đã trở lại Việt Nam vào khoảng giữa năm 2011, và có mặt tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội.
3. “Nữ Trung Tá Gốc Việt Gặp Lại Người Cứu Mạng Sau 41 Năm” của Thanh Phong trên VienDongdaily (04/04/2013)
4. “Kim Mitchell meets man, Tran Khac Bao who saved her life 40 years ago” (2/04/ 2013) của đài Wusa9, có cả đoạn phát hình (video).
5. “Phan Thi Kim Phuc” trên en. wikipedia, phần “Adult Life” (nhưng trong bản tiếng Việt không nhắc đến đoạn đó).
6. “Nick Út trải lòng sau 40 năm bức hình Em bé Napalm” (5/4/2012) trên dantri, theo Phượng Hoàng của VTCNews.
7. “Nick Út từ chiến tranh đến hòa bình” của Hoài Hương trên Baomoi.

Không có nhận xét nào: