Pages

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Thủ tướng sẽ quyết định thế nào về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam?

'Anh cả' Petro Vietnam chỉ muốn 'chết chùm'

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (tên giao dịch quốc tế Petro Vietnam thường được gọi tắt là PVN) vừa lên tiếng phản đối Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội.

Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (thường được gọi tắt là  PTT) đệ trình. Theo đó, PTT sẽ xây dựng tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định một nhà máy lọc dầu, trị giá khoảng 27 tỉ USD, công suất dự trù 660 ngàn thùng/ngày, tương đương 30 triệu tấn dầu thô/năm, qui mô gấp năm lần Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Trong khi chính quyền tỉnh Bình Định ủng hộ Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội và đề nghị chính phủ Việt Nam chấp thuận việc đưa thêm Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội vào quy hoạch Khu kinh tế Nhơn Hội, cấp giấy phép đầu tư cho dự án này thì PVN lại phản đối quyết liệt.

Theo PVN, dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội không có trong “Quy hoạch ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2025”. Vị trí của Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, rất gần Vũng Rô, Vân Phong, Dung Quất vốn là những nơi đã được quy hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu.

Một góc Khu Kinh tế Nhơn Hội – nơi PTT muốn xây dựng nhà máy lọc dầu, trị giá 27 tỉ USD. (Hình: VOV)
Điểm đáng chú ý là khi phản bác Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, PVN còn nhấn mạnh thêm rằng, “muốn xây dựng và sản xuất kinh doanh có hiệu quả, dự án lọc dầu sẽ cần sự hỗ trợ, ưu đãi lớn từ Chính phủ về thuế, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi ngoại tệ”, trong khi Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội lại chưa đánh giá đầy đủ những yếu tố quan trọng đó.

PVN khẳng định, nếu cấp giấy phép cho PTT xây dựng nhà máy lọc dầu tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ… thừa xăng dầu và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đã bỏ ra đầu tư cho các nhà máy lọc dầu ở Dung Quất, Nghi Sơn (vẫn đang trong quá trình xây dựng). Do đó, PVN đã gửi văn bản yêu cầu Bộ Công Thương bác Dự án Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội.

Hiện nay, tại Việt Nam, PVN độc quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động tìm kiếm, khai thác, vận chuyển - chế biến - phân phối sản phẩm dầu khí, cung cấp tất cả những dịch vụ (thương mại, tài chính, bảo hiểm) trong lĩnh vực dầu khí. PVN hiện đang được xem như một Vinashin khác của Việt Nam (Vinashin là tên thường dùng của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Việt Nam từng giao cho Vinashin số tài sản khoảng 90 ngàn tỷ đồng và sau 14 năm họat động, Vinashin tạo ra khoản lỗ gần… 90 ngàn tỷ đồng).

Hồi đầu tháng này, Thanh tra của chính phủ CSVN mới công bố kết luận thanh tra PVN. Theo đó, chỉ trong bốn năm (từ 2006-2010), PVN đã có hàng loạt sai phạm tài chính, gây thiệt hại lên tới 18 ngàn tỉ đồng hay khoảng $860 triệu USD. Trước nữa, trong nhiều giai đoạn khác nhau từ 1996 đến giữa thập niên 2000, PVN cũng đã từng có hàng loạt sai phạm tài chính, gây ra các khoản thiệt hại cũng ở mức hàng chục ngàn tỉ đồng. PVN hiện đang được xem là thủ phạm của sự hỗn loạn về giá xăng dầu, môt trong những tác nhân khiến chi phí tăng vọt, hàng trăm ngàn doanh nghiệp mất khả năng cạnh, phá sản, hàng chục triệu người thất nghiệp.
 
PVN chỉ là một trong 13 tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ độc quyền kinh doanh trong những lĩnh vực quan trọng, chi phối toàn bộ hoạt động kinh tế Việt Nam. Ngoài 13 tập đoàn kinh tế nhà nước, Việt Nam còn có 96 tổng công ty nhà nước.

Những tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước thường được ví von là các “anh cả”, là đặc trưng của “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Các “anh cả” nắm giữ khoảng 75% tài sản cố định của quốc gia, 60% tổng tín dụng ngân hàng và tổng vốn vay nước ngoài nhưng chỉ tạo ra khoảng 40% tổng sản phẩm trong nước.

Các “anh cả” cũng là những địa chỉ tạo ra hàng loạt khoản thua lỗ lên tới hàng trăm ngàn tỉ và bị các chuyên gia kinh tế cả trong lẫn ngoài Việt Nam cùng xem là một trong những nguyên nhân chính, khiến kinh tế suy thoái đến mức khó còn khả năng gượng dậy. Tuy nhiên, trước thực trạng này, hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN, vẫn tuyên bố, bất kể thế nào, cũng phải để các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giữ vai trò “trụ cột”.
 
Vào lúc này, theo báo chí Việt Nam, Bộ Công Thương vừa mới thực hiện một động tác mang tính “dĩ hòa vi qúy”.

Một mặt, đề nghị Thủ tướng CSVN cho phép PTT đầu tư, xây dựng nhà máy lọc dầu ở Khu kinh tế Nhơn Hội.Mặt khác, đề nghị Thủ tướng Việt Nam không cho Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội hưởng những ưu đãi như các Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đang xây dựng) của PVN và buộc PTT phải xuất khẩu toàn bộ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội.

Chưa rõ ông Thủ tướng CSVN sẽ quyết định thế nào. Liệu ông có muốn Việt Nam thừa xăng dầu để tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, ổn định kinh tế, đời sống hay sẽ giúp PVN tiếp tục giữ vai trò “anh cả”?

(Người Việt) 

Không có nhận xét nào: