Pages

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Việt Nam cần cải cách cơ cấu sâu hơn

Jonathan Pincus

Chính sách tiền tệ chặt chẽ mà Việt Nam đề xuất vào năm 2011 cho thấy những vết nứt sâu đậm trong nền kinh tế chính trị quốc gia. Những rạn nứt này xuất hiện vì kinh tế đã bị lũng đoạn bởi hai lĩnh vực hầu như là tự quản.

Lĩnh vực đầu tiên là ngành xuất khẩu đầy năng động và cạnh tranh, chuyên sản xuất các mặt hàng thiên về gia công và nông sản. Lĩnh vực thứ hai là khu vực được bảo kê, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước hoặc liên quan đến nhà nước, vốn tồn tại chủ yếu nhờ dựa trên cơ sở tín dụng dễ dãi và quyền ưu tiên sử dụng đất.

Vì thế quyết định thắt chặt tín dụng vào năm 2011, được đưa ra vì giá tiêu dùng tăng cao trong năm 2011, làm lộ rõ tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp thuộc nhóm thứ hai, và sự liên quan sâu đậm của chúng trong những thương vụ đầu cơ. Trong khi đó lĩnh vực cạnh tranh vẫn tiến bước đi đầu.

Tăng trưởng tín dụng đã tăng nhanh trong nhiều năm tại Việt Nam, nhưng việc cho vay đã vượt ngoài vòng kiểm soát trong hai giai đoạn khác nhau bắt đầu từ năm 2007. Làn sóng cho vay đầu tiên nảy sinh bởi việc nguồn vốn vào tăng nhanh. Lạm phát tăng lên cùng với giá vốn, và chính quyền bắt buộc phải đưa ra chính sách kích hoạt tiền tệ để bù đắp cho việc giảm bớt nhu cầu xuất khẩu. Việc này làm nảy sinh cơn bùng nổ tín dụng thứ hai dài hơn trong đó một lần nữa làm cho giá cả tăng lên. Chính sách kích cầu được duy trì quá lâu, nhưng chính quyền cuối cùng cũng đã thắt chặt chính sách tài chính và tiền tệ để chế ngự nạn lạm phát và giảm áp lực lên tiền đồng Việt Nam.

Những làn sóng lạm phát liên tục từ việc cho vay đã dẫn đến hiện tượng khuếch trương khác thường trong bảng cân đối tài sản của các tập đoàn trong lĩnh vực phi cạnh tranh. Đa phần quỹ tín dụng này được rót vào những thương vụ đầu cơ. Giá trị của những tài sản này bị tụt giảm khi nguồn tín dụng cạn kiệt, hậu quả là hàng nghìn công ty trong nước bị phá sản.

Ước đoán nợ xấu nằm trong khoảng từ 10 đến 25 phần trăm tổng thu nhập cả nước, trong đó khoảng 40 phần trăm thuộc về các ngân hành kinh doanh nhà nước. Phần còn lại nằm trong số các ngân hàng kinh doanh cổ phần. Phần lớn những nợ xấu này được thế chấp bởi đất đai và những đầu tư bất động sản, và phần còn lại bởi những tài sản khác trong lĩnh vực phi cạnh tranh. Việc thanh lý những tài sản này sẽ không dễ dàng. Các giám đốc của các doanh nghiệp nhà nước nào bán tài sản với giá thấp hơn giá mua vào có thể bị cáo buộc về tội “phá hoại tài sản nhà nước”, một tội danh có thể bị tù giam hoặc trong trường hợp nặng nhất, xử tử hình. Các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tịch thu tài sản dưới luật lệ hiện tại và tỉ lệ lấy lại vốn trung bình chỉ được 15 phần trăm tổng giá trị gói nợ. Những ngân hàng mạnh đang hy vọng sẽ vượt qua được những khó khăn của mình. Nhưng một khi chúng bị bắt buộc phải gánh chịu những tài sản này, tỉ lệ tăng trưởng trong việc cho vay sẽ chậm lại và chính các công ty sẽ bị thiếu vốn trầm trọng.

Tình hình còn phức tạp thêm vì sự mối quan hệ liên đới của sở hữu cổ phần, nợ nần và việc quản lý công ty. Để đạt được tiêu chuẩn vốn tối thiểu, các nhà băng đã bán cổ phần cho những nhà băng và các công ty tài chính khác mà bản thân chúng tự huy động vốn hoặc được đầu tư vốn từ nợ ngân hàng. Các doanh nghiệp nhà nước cũng đã mua các ngân hàng cổ phần, và sau đó vay lại từ chính những ngân hàng ấy (một việc phi pháp).

Chính quyền đã nhận diện đúng việc cải cách cơ chế của hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công như là những điều kiện tiên quyết nhằm khởi động lại tình trạng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Trong cả ba thành phần, các nhà thảo chính sách đã cho thấy họ thiên về quá trình thay đổi từ từ và thử nghiệm hơn là thay đổi mạnh mẽ vì lý do căng thẳng chính trị trong vài năm qua. Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tổ chức việc hợp nhất và mua lại những ngân hàng cổ phần yếu kém và một số giám đốc các ngân hàng nhà nước đã bị cách chức, nhưng họ không muốn có những cải cách sâu đậm hơn. Việc thực hành cải cách các doanh nghiệp nhà nước vẫn nhỏ nhặt và không đồng đều. Vài doanh nghiệp nhà nước đã bị bán đi, và các giám đốc doanh nghiệp nhà nước vẫn có đủ quyền lực để chống lại các biện pháp tái cơ cấu mạnh mẽ hơn.

Chính quyền muốn thiết lập môt công ty quản lý tài sản, qua đó sẽ mua lại các gói nợ xấu trực tiếp từ các ngân hàng hoặc môi giới việc bán các nợ xấu cho công chúng. Việc này chỉ giúp chuyển khó khăn từ các ngân hàng sang bảng cân đối tài sản của nhà nước, vốn là một hành động đầy liều lĩnh. Nhưng việc thiết lập một công ty quản lý tài sản sẽ có lợi đối với các công ty nhà nước đang thiếu vốn và cũng có thể giúp giải quyết khó khăn trong việc đấu giá tài sản nhà nước.

Bất chấp tình trạng u tối trong nước, năm 2012 nền kinh tế cũng đã đạt được tỉ lệ tăng trưởng thường niên đáng ngưỡng mộ ở mức 5%, và lĩnh vực kinh tế cạnh tranh vẫn tiếp tục phát triển.

Kiều hối và đầu tư nước ngoài trực tiếp vẫn tăng mạnh, bảo đảm cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đủ nguồn ngoại hối nhằm giữ ổn định tiền tệ trong giai đoạn trung.

Viễn cảnh chắc chắn trong năm 2013 là tỉ lệ tăng trưởng chậm nhưng có tăng. Việc cho vay sẽ khởi động khi các ngân hàng cổ phần mạnh hơn chỉnh đốn được bảng cân đối tài sản của mình. Nền kinh tế cạnh tranh sẽ tiến về phía trước, tạo công ăn việc làm và nguồn ngoại hối. chính quyền sẽ thiết kế những giải pháp cho các lình vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Liệu chính quyền có thể tăng tốc quá trình phục hồi bằng cách đưa ra những chính sách cải cách cơ câu sâu đậm hơn? Theo một góc nhìn kinh tế hạn hẹp, câu trả lời là có. Các gói vay không hiệu quả và những giá cả tài sản phi thực tế đang kìm chân tăng trưởng. Một kế hoạch mạnh mẽ nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ tạo ra một guồng máy tài chính mạnh mẽ hơn, tạo chỗ đứng tốt hơn cho việc tăng trưởng tài chính với phong cách lâu dài. Việc áp đặt những tiêu chuẩn kê khai và quản lý công ty cao hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước, cho phép chúng được quyền bán tài sản theo giá thị trường cũng giúp được việc này. Điều quan trọng hơn là việc bãi bỏ những hình thức bảo kê thì cần thiết để bắt buộc các công ty nhà nước tạo ra giá trị hơn là đục khoét thị trường trong nước. Nhưng các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước vẫn có đủ ảnh hưởng để chống đối việc cải cách, cho đến khi nào tình trạng này thay đổi, bàn thảo về thay đổi cơ cấu cũng chỉ đến thế mà thôi.

Diên Vỹ chuyển ngữ

07.04.2013


NguồnVietnam’s need for deeper structural reform - EastAsiaForum (Diễn đàn Đông Á)

Không có nhận xét nào: