Pages

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

'Không cho ghi hình CSGT là trái luật'


Ông Lê Hồng Sơn cho rằng công văn của Cục CSGT đường bộ, đường sắt có dấu hiệu trái luật
Cục Kiểm tra Văn bản (KTVB) Quy phạm Pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có báo cáo ban đầu về công văn của Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt trong đó có nội dung quy định không cho phép ghi hình CSGT khi không được phép, báo trong nước đưa tin.
Cục KTVB nhận xét công văn 1042 do Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, ký ban hành có "nhiều dấu hiệu trái luật".

Ông cũng nói thời gian tới còn phải chờ Bộ Công an sẽ “đối thoại” và có “biện pháp xử lý” như thế nào.
Trả lời BBC ngày 22/8, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, xác nhận về báo cáo của Cục KTVB, đồng thời cho biết việc xử lý văn bản này chỉ mới ở “bước đầu”.

“Biện pháp tốt nhất là người ta tự xử l‎ý, tự hủy nội dung trái đó,” ông nhận xét.
Trong cùng ngày 22/8, ông Sơn được tờ Người Lao Động dẫn lời nói văn bản của Cục CSGT nêu hai nhóm hành vi “có lời nói đe dọa, lăng mạ”, “hành vi chống đối cảnh sát giao thông” với hành vi “quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ” là "thể hiện sự thiếu thận trọng" khi kết nối các nhóm hành vi có bản chất, mức độ khác nhau.
Việc này, theo ông Sơn, có thể hiểu rằng bất kỳ người nào muốn ghi hình hoạt động của CSGT đều buộc phải “được phép đồng ý” của CSGT đang làm nhiệm vụ, và CSGT có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác định “đúng là nhà báo” hay không.
Ông Sơn cho rằng đoạn nội dung nhắc đến việc ghi hình CSGT của văn bản này không đúng với quyền của nhà báo và người dân vì pháp luật hiện hành chỉ quy định những trường hợp bí mật nhà nước như an ninh quốc phòng mà có quy định hạn chế thì mới không được ghi hình.
Đại diện Cục KTVB cũng nói nội dung văn bản của Cục CSGT đường sắt, đường bộ quy định những điều năm ngoài quyền hạn của CSGT:
“Cán bộ, chiến sĩ CSGT cũng không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không được quyền truy xét về giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo”.
Ông Sơn cho biết việc xử lý văn bản này trước hết thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, nếu Bộ Công an không xử lý thì Bộ Tư pháp sẽ "thực hiện trách nhiệm kiểm tra, xử lý theo quy định của Chính phủ."

"Không có ý gì khác"

"Biện pháp tốt nhất là người ta tự xử l‎ý, tự hủy nội dung trái đó"
Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản được nói là của Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt, trong đó có điều khoản quy định 'về cách xử lý việc giả danh nhà báo ghi hình CSGT' đã gây nhiều phản ứng trái chiều những ngày qua.
Báo trong nước ngày 21/8 dẫn văn bản được nói do Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt thuộc Bộ Công an ký, gửi đến CSGT các tỉnh, thành phố trung ương hồi tháng Tư, trong đó có đoạn:
"Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng ... quay phim chụp ảnh hoạt động thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ."
"Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Những chi tiết này đã bị chỉ trích trên các diễn đàn mạng vì bị cho là ngăn cản việc ghi hình các trường hợp sai phạm của CSGT, đồng thời bắt buộc phóng viên, nhà báo phải có sự đồng ý của CSGT mới được ghi hình.
Tuy nhiên, trong cùng ngày, một đại diện của Cục CSGT đường bộ, đường sắt, Thiếu tá Phạm Quang Huy, cũng được dẫn lời nói cách hiểu trên là "sai nội dung của văn bản".
"Văn bản 1042 nhằm mục đích xử lý hành vi giả danh nhà báo, chứ không quy định cấm phóng viên, báo chí tác nghiệp," ông Huy nói.
"Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đối với CSGT phải đề cao tinh thần cảnh giác với các đối tượng xấu cố tình lăng mạ, chửi bới CSGT hoặc đe dọa, hành hung rồi cán bộ, chiến sỹ nào không giữ, kìm nén được là quay phim chụp ảnh để đe dọa, tống tiến chứ không có ý gì khác."

Không có nhận xét nào: