Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Tranh chấp trên Biển Đông: Trung Quốc có chịu thực thi phán quyết của tòa?

BienDong.Net: Tình huống Philippines bị "xử ép” chắc ít xảy ra nhưng tình huống Trung Quốc không chịu thi hành phán quyết rất có thể sẽ xảy ra. Vậy nếu Trung Quốc không thực hiện, Trung Quốc sẽ chịu hậu quả gì?
BDN xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn TS Trần Công Trục do báo quốc nội Infonet thực hiện.
Sự kiện Scarborough là một ví dụ gần nhất về sự bất chấp luật pháp quốc tế và lời hứa. Ảnh: Tiền Phong

Thưa ông, nếu tòa án trọng tài phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, việc thực thi sẽ như thế nào, thưa ông?
Căn cứ vào nội dung vụ kiện, tình chất thủ tục Philippines kiện, căn cứ vào Công ước Luật biển LHQ tôi cho rằng Tòa án trọng tài sẽ có phán quyết có lợi cho Philippines. Đấy mới đúng với chân lý, với Công ước, đúng với nguyện vọng của cộng đồng khu vực và thế giới.
Theo tôi nghĩ, khi có phán quyết của tòa trọng tài, chưa nói đến chuyện Trung Quốc có thực thi hay không? Điều này còn phải xem xét. Nhưng việc đó không chỉ có lợi cho Philippines mà còn có lợi cho khu vực và thế giới trên nhiều lĩnh vực trong sinh hoạt quốc tế.
Cái lợi hơn nữa đó là Công ước Luật biển 1982, rõ ràng thiết chế của nó mà loài người đã dày công vun đắp gần 10 năm thảo luận, bàn bạc và đã được ký và có hiệu lực. Phán quyết này bảo vệ cho thiết chế được thực hiện một cách mạnh mẽ. Đấy mới là chân lý, là sự đúng đắn của thế giới văn minh và giá trị pháp lý rất cao của Công ước Luật biển.
Nhân loại không thể ủng hộ những điều vô lý của Trung Quốc, không thể ủng hộ điều đi ngược lại với luật lệ và chân lý mà cả cộng đồng quốc tế, tham gia và thừa nhận, không thể ủng hộ thứ chính trị cương quyền đi ngược lại với nền văn minh nhân loại.
Quay trở lại ví dụ mà Mark Valencia đưa ra là nói đến Mỹ và Nicaragua, khi đó phán quyết của Tòa án bất lợi cho Mỹ và Mỹ không thực hiện, thưa ông?
Đây có thể là một kịch bản nhưng thời điểm đó vai trò vị trí của Mỹ cũng khác với Trung Quốc bây giờ.
Trung Quốc hiện nay đang cố vươn mình trỗi dậy để thực hiên “giấc mộng vàng”. Tuy vậy, mặc dù Trung Quốc đang đạt nhiều thành tựu về tiềm lực kinh tế, hiện đứng thứ 2 thế giới về thu nhập quốc dân. Nhưng sức mạnh không chỉ thể hiện bằng Thu nhập quốc dân mà nó bằng tố chất, nội hàm khác nữa. Vai trò Trung Quốc hiện nay đang lên rất mạnh nhưng so với Hoa Kỳ thời điểm đó là chưa đủ mạnh.
Hơn nữa, về mặt quân sự, Trung Quốc so với các nước Đông Nam Á thì rất mạnh, nhưng so với nhiều nước khác trên thế giới cũng chưa phải là mạnh. Bên cạnh đó, tình hình chính trị xã hội Trung Quốc cũng còn có nhiều vấn đề bất ổn. Điều quan trọng hơn cả là những yêu sách của Trung Quốc đã ngày càng bộc lộ sự vô lý, bị cộng đồng quốc tế, khu vực lên án, chứ không còn có thể dễ dàng đánh lận con đen; cho dù có thể còn có một thế lực nào đó, vì những động cơ, mục đích riêng, khiến họ ủng hoặc làm ngơ để Trung Quốc tha hồ làm mưa làm gió.
Bởi thế cho nên, khả năng Trung Quốc không thi hành phán quyết của Tòa án cũng có thể xảy ra. Việc Trung Quốc khước từ không ra hầu tòa cũng đã là điều bất lợi cho họ trong con mắt của dư luận. Nếu khi phán quyết có hiệu lực mà Trung Quốc lại không thực thì càng đẩy Trung Quốc vào tình thế bất lợi nhiều hơn. Hiện nay, tôi nghĩ Trung Quốc đang đứng trước hoàn cảnh rất bất lợi đó!
Học giả Mark Valencia
Vậy phương án làm hài lòng tất cả các bên, ông nghĩ sao?
Còn một phương án mà tác giả Mark Valencia đưa ra theo hướng trung dung như thừa nhận một phần quyền lợi của Trung Quốc và yêu cầu các nước phải chia sẻ. Tôi cho rằng, không có khả năng này xảy ra. Bởi vì phải phân biệt rõ, vụ kiện này không phải kiện về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Yếu tố về chủ quyền lịch sử, danh nghĩa lịch sử không thể đem vào vụ kiện này được.
Philippines không phải kiện về phân định lãnh thổ mà kiện về giải thích và áp dụng Công ước Luật biển. Việc thừa nhận cái gọi là danh nghĩa lịch sử, bằng chứng lịch sử không ăn nhập gì với nội dung vụ kiện. Không thể thừa nhận cái vùng không phải của Trung Quốc có phần Trung Quốc để cho Trung Quốc nhảy vào xí phần. Điều này các nước liên quan khó có thể chấp nhận.
Theo tôi, những thẩm phán thành viên hội đồng là những chuyên gia nổi tiếng về luật biển, họ không thể ngây thơ khi đưa ra phán quyết kiểu như thế. Điều này là vô lý và chính bản thân họ cũng sẽ không thể chấp nhận được. Vì thế, phương án trung dung là khó xảy ra.
Ông có thể nói rõ hơn vì sao phương án này khó xảy ra không?
Đương nhiên, căn cứ vào Công ước Luật biển, những yêu sách nước ven biển, theo đúng tiêu chuẩn Công ước có thể tạo ra vùng chồng lấn mà các bên liên quan ngồi đàm phán để hoạch định ranh giới cụ thể. Còn đường yêu sách hình lưỡi bò không dựa vào căn cứ nào mà chỉ dựa vào cái gọi là danh nghĩa lịch sử, chứng cứ lịch sử là những điều hết sức mơ hồ, khó chấp nhận.
Mặt khác, nói đường lưỡi bò không phụ thuộc vào Công ước Luật biển thì càng ngây thơ hơn.
Thứ nhất, nếu nói rằng những yêu sách có trước khi Công ước ra đời vẫn còn giá trị thì phải chăng những nước Châu Mỹ La - tinh họ vẫn có quyền tiếp tục giữ yêu sách Lãnh hải 200 hải lý? (Lãnh hải theo Công ước Luật biển 1982 12 hải lý tính từ đường cơ sở - PV). Sự thật không tồn tại những yêu sach vô lý này.
Lý do thứ 2, trước năm 2009 tất cả bản đồ, tài liệu của Trung Quốc đều thể hiện đường “lưỡi bò”, nhưng chỉ là những quan điểm không chính thức. Đến năm 2009, Trung Quốc mới công bố chính thức yêu sách này và thời điểm ra đời tài liệu chính thức nay rõ ràng không phải có trước Công ước Luật Biển của LHQ 1982. bản đồ này tại Liên hợp quốc.
Lý do thứ ba, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc theo lý giải của Trung Quốc thì không phải chỉ là vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo trong Biển Đông, mà đây là thể hiện yêu sách đối với các “vùng biển liền kề”, “vùng biển liên quan” (mặc dù những thuật ngữ này không hề có trong Công ước Luật Biển năm 1982.). Và như vậy, yêu sách đường biên giới “lưỡi bò” chỉ có thể được hiểu đây là yêu sách về phạm vi các vùng biển và thềm lục địa có liên quan chủ yếu đến việc gải thích và áp dụng Công ước Luật Biển 1982.
Rõ ràng Trung Quốc chẳng vận dụng điều gì trong Công ước mà chỉ là sự giải thích và vận dụng sai trái các quy định của Công ước Luật Biển 1982 để biện minh cho yêu sách phi lý của mình.
BDN

Không có nhận xét nào: