Pages

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Phản ứng từ nước ngoài về phiên tòa Trương Duy Nhất

Gia Minh, biên tập viên RFA

 
ngoai-toa---truong-duy-nhat-305.jpg
Bên ngoài Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng tại 374 đường Núi Thành Quận Hải Châu Đà Nẵng nơi diễn ra phiên tòa sơ thẩm xử nhà báo, blogger Trương Duy Nhất sáng hôm 4 tháng 3 năm 2014.
Courtesy TNCG
Bản án 2 năm tù giam dành cho chủ trang blog “Một góc nhìn khác” - Trương Duy Nhất, tiếp tục gây quan ngại về tình hình trấn áp tiếng nói đối lập không chỉ cho những người viết blog trong nước; mà cả những người Việt đang ở tại nước ngoài.

Phản ứng

Mặc dù đang sinh sống hay có mặt tại nước ngoài, những người như ông Phạm Ngọc Cương từ Canada hay blogger Người Buôn Gió ở Đức trong thời gian qua tỏ ra hết sức quan tâm đến vụ bắt giữ và đưa blogger Trương Duy Nhất ra xét xử.
Blogger Người Buôn gió tại Đức có bài viết cho rằng “vụ án Trương Duy Nhất là một vụ án tiêu biểu về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam bị đàn áp dưới con mắt quốc tế”.

Blogger này cũng đưa ra nhận định về hai mức án đối với ông Trương Duy Nhất. Một là dưới 2 năm và hai là từ 3 năm trở lên theo khung hình phạt từ 2 đến 7 năm qui định đối với những ai bị cho là vi phạm khoản 2, điều 258 Bộ Luật Hình sự.
Nguyên văn theo blogger Người Buôn Gió thì “nếu ngày mai phiên tòa kêu mức án dưới 2 năm, tức dưới khung hình phạt thì còn là một điều khiến dư luận chưa nghiêng về phía hoài nghi có thế lực nào đang cố đẩy Việt Nam xa khỏi sự hòa nhập quốc tế. Còn từ 3 năm trở lên. Thì đó là sự cay đắng. Sự kêu gọi ‘thay đổi’ trong bài viết đầu năm của thủ tướng không hề còn lại dấu ấn nào. Việt Nam không thay đổi gì hết về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, Việt Nam sẽ thụt lùi và cô lập với thế giới.”
Sau khi nghe mức án hai năm tuyên với blogger Trương Duy Nhất, blogger Người Buôn Gió từ Đức đưa ra ý kiến:
“Nhận định của tôi về vụ án Trương Duy Nhất của nhà nước Việt Nam mang tính rất đặc trưng về quyền tự do ngôn luận vì anh Trương Duy Nhất không như những người khác bị kết tội về chính trị tham gia các tổ  chức, đảng phái; còn anh Trương Duy Nhất viết bài độc lập một mình, qua các bài viết anh thể hiện những quan điểm, cái nhìn của bản thân.
Ngay trong bản cáo trạng đó, nếu chúng ta gạt bỏ những câu chữ rườm rà đi, chúng ta thấy rõ ràng đây là một người bị kết tội vì nói lên những quan điểm, cái nhìn của họ. Họ căn cứ, có thông tin, có phân tích và đưa ra kết luận của họ. Như vậy việc xử như thế là đụng chạm đến và trấn áp quyền tự do ngôn luận!”
Tại Canada, nhóm bốn người trong đó có ông Phạm Ngọc Cương trước khi phiên xử blogger Trương Duy Nhất diễn ra đã có thư khẩn gửi cho ông chánh án tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Thư này được viết theo gợi ý từ nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Canada là ông Vũ Trần Phương.
Bức thư nhắc lại 3 điểm: thứ nhất là thắc mắc rằng đó có phải là phiên xử công khai hay xử kín, hai điểm tiếp theo là đề nghị được cấp giấy mời tham dự tòa cũng như cho phép một luật sư nhân quyền của Liên hiệp quốc tham gia quá trình tố tụng tại tòa. Tiếp đến thư nêu ra 5 ý kiến đề nghị ông chánh án tòa án thành phố Đà Nẵng tham khảo.
Đến sau khi phiên xử kết thúc, ông Phạm Ngọc Cương cho biết nhóm của ông không nhận được trả lời từ phía ông chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng.
000_Hkg9564658.jpg
Blogger Trương Duy Nhất tại phiên tòa ở Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng số 374 đường Núi Thành Quận Hải Châu Đà Nẵng sáng hôm 4 tháng 3 năm 2014.
Và sau khi nghe mức án hai năm tuyên cho blogger Trương Duy Nhất về những bài viết đăng trên blog ‘Một góc nhìn khác’, ông Phạm Ngọc Cương có phản ứng như sau:
“Theo tôi nghĩ vụ xử anh Trương Duy Nhất là một vụ xử hoàn toàn phi lý. Tôi nghĩ, thứ nhất phải gạt bỏ điều đó ra khỏi luật pháp của Việt Nam; thứ hai nếu cố tình đem điều đó ra xử công dân, ép họ vào những điều như vậy thì chỉ làm xấu bộ mặt của Việt Nam và lại càng làm cho lòng dân không yên. Người ta còn cảm thấy không tin tưởng vào thể chế đó.”

Động thái của nhà cầm quyền

Theo blogger Người Buôn Gió, dù mức án đã tuyên là 2 năm tính từ ngày bắt giam ông Trương Duy Nhất, nhưng có thể ông này sẽ được cho về trước thời hạn:
“Từ trước đến giờ, những vụ xử về nói xấu, tuyên truyền, xuyên tạc Nhà nước thì thường mức án rất cao. Nhưng khi họ đưa ra xử vào thời điểm như thế này, theo tôi cân nhắc không xử quá 2 năm.
Từ căn cứ đó tôi thấy vì họ đã bắt anh Nhất rồi; giờ mà thả hay xử nhẹ dưới khung hình phạt đưa ra thì họ cũng ngại, cho nên họ phải xử ở mức 2 năm. Tuy nhiên tôi nghĩ, anh Nhất sẽ không đi tù trọn 2 năm.”
Ngay sau khi có bản án đối với blogger Trương Duy Nhất, đại sứ quán Hoa Kỳ ra thông báo bày tỏ quan ngại và kêu gọi chính quyền Việt nam phải trả tự do cho ông Trương Duy Nhất cũng như tất cả các tù nhân chính trị.
Đối với chất vấn đề tù nhân lương tâm tại Việt Nam, các cấp lãnh đạo Việt Nam lâu nay đều trả lời là tại Việt Nam không có tù nhân lương tâm mà chỉ là những tù hình sự vi phạm pháp luật Việt Nam. Ông Phạm Ngọc Cương có phản bác đối với lập luận đó:
“Tôi nghĩ rằng đó là một sự ngụy biện; tức các chuẩn mực của con người là chuẩn mực chung. Chẳng hạn những năm 30 của thế kỷ trước, không có ai khẳng định mang chủ nghĩa cộng sản về Việt Nam là một sự ngược đời cả.
Không ai nghĩ rằng mang chủ nghĩa cộng sản về Việt Nam là không hợp lý với tình hình của một nước nông nghiệp như vậy, vì chủ nghĩđó dành cho một nước hậu công nghiệp.
Thế nhưng Việt nam vẫn có chủ nghĩa cộng sản, đúng không? Cuối cùng cũng đi theo con đường chủ nghĩa cộng sản bao nhiêu năm nay!
Thành ra nếu bây giờ những người cộng sản Việt Nam mà không nhận thức ra được thực tế ‘qui luật phát triển là một, nhân quyền là một, quyền của con người và khả năng lãnh đạo, khả năng quản lý quốc gia là một cung cách thôi.
Đó là thành tựu chung của loài người để tiếp thu và phát triển’, thì đó là một sự ngụy biện.”

Hình thức đấu tranh

Theo nhận định thì cứ sau những đợt xử án về tội danh tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, điều 79 âm mưu lật đổ chính quyền, hay xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân theo điều 258… số lượng người nhận thấy sự bất hợp lý của những điều khoản đó chiếu theo Hiến pháp Việt Nam cũng như các chuẩn mực quốc tế ngày càng đông thêm như ý kiến của blogger Người Buôn Gió sau đây:
“Tôi thấy càng ngày càng có nhiều người nhận thức ra điều luật 258 và những điều luật khác về tội tuyên truyền, lật đổ là những điều luật phi lý, và người ta đang đòi dẹp bỏ. Và số lượng người muốn bác bỏ, loại bỏ điều đó thì ngày càng nhiều hơn.”
Ông Phạm Ngọc Cương thì cho rằng mọi người Việt trong và ngoài nước cần lên tiếng và tiếp tục công việc đang làm cho một đất nước phát triển, tự do và dân chủ:
“Cá nhân tôi không muốn chuyện của người Việt cứ phải mang ra cho người nước ngoài, nhờ người nước ngoài can thiệp; và nhờ các tổ chức quốc tế, chính quyền các nước dân chủ lên tiếng can thiệp và gây sức ép với nhà cầm quyền Việt Nam.
Theo cá nhân tôi thì nhà cầm quyền Việt Nam nên biết cách hiểu phương án đối thoại với quần chúng và chấp nhận sự bất đồng về quan điểm, nhưng mục đích chung là để phát triển đất nước cho tốt đẹp lên.
Tôi nghĩ rằng trong tình hình hiện nay, xã hội Việt Nam đang phát triển thành một xã hội dân sự rất đúng xu hướng chung phát triển của nhân loại một cách tự phát. Tất cả các tổ chức đã ra đời, tất cả các tiếng nói đã bắt đầu lên tiếng và lên tiếng ngày càng mạnh mẽ.
Mỗi người đều làm tối đa khả năng của mình, người nào nghĩ đang làm tốt nhất cho Việt Nam thì cứ nên như vậy mà làm, thì sẽ có ngày đất nước Việt Nam có dân chủ, và sẽ có ngày mà những bản án như tòa án vừa kết tội anh Trương Duy Nhất phải mang ra xem xét lại và thấy anh Nhất vô tội, anh Nhất là người hoàn toàn có công với đất nước, có công với sự phát triển.”
Ông Phạm Ngọc Cương cho rằng nhà cầm quyền quyền Hà Nội sợ mất quyền lợi của họ nên vẫn chưa lắng nghe dân. Còn theo blogger Người Buôn Gió thì để bảo vệ quyền lợi đó cả hệ thống thi hành luật pháp cố vận dụng, giải thích tùy tiện các điều khoản luật sao có lợi cho họ nhất.










Không có nhận xét nào: