Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Để ‘hội nhập’ TPP, không chỉ ban hành Luật lập hội mà còn phải sửa cả Luật công đoàn

Cho tới nay, mặc dù chưa có tuyên bố chính thức nào từ phía nhà nước Việt Nam, song đại đa số dư luận xã hội trong và ngoài nước đều biết nhà nước này đã phải chấp nhận công đoàn độc lập, để đổi lấy việc gia nhập Hiệp định TPP.
Về khung pháp lý, có hai luật liên quan mật thiết đến quyền tự do nghiệp đoàn (freedom of association), là Luật lập hội và Luật công đoàn.
Theo Công ước số 87 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), quyền tự do công đoàn là quyền cơ bản của người lao động. Quyền này là một trong những yếu tố thể hiện nền dân chủ và sự phát triển của một quốc gia. Tôn trọng nguyên tắc tự do công đoàn là việc làm hàng đầu, để các mối quan hệ trong hoạt động nghề nghiệp được vận hành tốt, và để cho nền dân chủ của một quốc gia được phát huy tích cực.

Trong khi ‘Luật về hội’ vẫn đang bị Quốc hội CSVN trì hoãn ban hành, nhà cầm quyền đang đứng trước đòi hỏi phải sửa ngay Luật công đoàn.
Sau khi TPP kết thúc đàm phán, Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng đã cam kết “Chúng tôi tuân thủ các điều khoản của Tổ chức Lao động quốc tế, mà Việt Nam là thành viên. Chúng tôi sẵn lòng đáp ứng được vấn đề lao động này”.
Nếu làm đúng theo cam kết trên, sửa luật cũng là sửa cả hệ thống chính trị.
Các cụm từ sẽ phải lược bỏ ở điều 1, Luật công đoàn 2012 là: ‘tổ chức chính trị - dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa’.
So với quy định về quyền tự do công đoàn, Luật công đoàn Việt Nam vẫn chưa đảm bảo quyền tham gia thành lập và gia nhập công đoàn của người lao động.
Tại điều 1 của Luật công đoàn 2012, mặc dù nhà nước Việt Nam thừa nhận quyền tự do công đoàn của tất cả mọi người. Song nhà nước này lại không chấp nhận chế độ đa nguyên công đoàn, mà bắt buộc người lao động chỉ có thể tham gia vào một công đoàn duy nhất, trong hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Tuy thế, vấn đề giờ đây không còn là nhà nước Việt Nam muốn hay không trong việc thực thi quyền tự do nghiệp đoàn của người lao động, mà mọi thứ đã được gắn chặt với các quy định của TPP.
Theo http://insidetrade.com/, trong bài viết có tên “U.S.-Vietnam 'Consistency Plan' Links Tariff Benefits To Labor Compliance”, Việt Nam đã đồng ý với Mỹ về kế hoạch thực hiện các bước để đáp ứng những đòi hỏi của chương về lao động trong TPP. Mỹ sẽ gắn điều kiện dỡ bỏ thuế quan đối với việc thực hiện cam kết về lao động của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiến hành các bước để cải thiện “quyền tự do nghiệp đoàn”, khi TPP có hiệu lực. Việt Nam có khoảng thời gian là 5 năm để thực hiện cam kết. Cam kết này cho phép người lao động được thành lập công đoàn, mà không bị buộc phải liên kết với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi của pháp luật Việt Nam cho phép các công đoàn “độc lập”, có thể hoạt động sau khi đăng ký với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Một quy định khác gọi là “cross-affiliation” (tạm dịch là “liên kết chéo”), cho phép các công đoàn độc lập địa phương tại các nhà máy trong cùng một lĩnh vực có thể  liên kết với nhau, hoặc có thể tạo thành một liên đoàn lao động cấp rộng lớn hơn với công đoàn các ngành khác.
Sau giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, Mỹ sẽ có hai năm để đánh giá xem liệu Việt Nam đã tuân thủ các nghĩa vụ về liên kết chéo này hay không. Trong thời gian hai năm đó, nếu Mỹ thấy Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ, họ sẽ thông báo, tham vấn, và sau đó có quyền đơn phương đình chỉ việc dỡ bỏ thuế quan (đối với những loại thuế chưa thực hiện vào thời điểm đó).
 Lê Dung / SBTN

Không có nhận xét nào: