Pages

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

"Mỹ phải rút lui trước khi đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông"

Giới chuyên gia an ninh nhận định nếu Washington triển khai tuần tra 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông, nguy cơ đối đầu quân sự giữa Mỹ - Trung là khó tránh khỏi và khả năng Mỹ sẽ phải rút lui trước. 

Trong vài ngày tới, Mỹ có kế hoạch điều tàu chiến hoặc máy bay quân sự tới tuần tra 12 hải lý gần 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, hành động này có thể mở ra một mặt trận đối đầu mới đầy căng thẳng giữa hai nước. 


Theo Reuters, giới chuyên gia an ninh nhận định Washington nên duy trì thường xuyên và hiệu quả chương trình tuần tra nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải không chỉ ở vùng biển Đông Nam Á, nơi Bắc Kinh đang ngang nhiên xâm chiếm mà còn những vùng biển ở xa hơn.


Nếu Mỹ tiến hành tuần tra 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, nguy cơ đối đầu quân sự giữa Washington - Bắc Kinh là khó tránh khỏi. 

Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc sẽ có những biện pháp ngăn chặn kế hoạch của Mỹ. Và hành động này sẽ tạo ra những căng thẳng cả về mặt chính trị và quân sự giữa hai nước. Cụ thể, hải quân Trung Quốc có thể ngăn cản hoặc vây hãm hoạt động của các tàu thuyền Mỹ làm nhiệm vụ tuần tra, và nguy cơ dẫn tới đối đầu quân sự. 


Chuyên gia an ninh Zhang Baohui tại Đại học Lingnan Hong Kong nhận định “leo thang căng thẳng” là điều khó tránh khỏi khi mà Trung Quốc sẽ đưa ra những hành động phản ứng nhằm ngăn chặn kế hoạch tuần tra của Mỹ. 


Thay vì bảo vệ quyền từ do hàng hải, ông Zhang cho rằng Bắc Kinh sẽ nhìn nhận hành động của Mỹ dưới góc độ là một trong những địch thủ nguy hiểm nhất gây ảnh hưởng tới nền an ninh nước này. 


Cũng theo ông Zhang, việc Trung Quốc chưa từng chính thức công bố khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép trên Biển Đông là vũng lãnh hải quốc gia, do đó, hành động của Mỹ sẽ bị coi là hấp tấp, vội vàng. 


Cựu quan chức hải quân Australia, ông Sam Bateman có chung quan điểm cho rằng khi Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố chính thức, hành động của Washington sẽ bị coi là "làm quá" trước cái gọi là kiềm chế Trung Quốc bành trướng Biển Đông. 


“Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ là mối lo ngại có thật và khả năng quân đội Mỹ sẽ phải rút lui trước. Tôi cũng không chắc, cuộc chơi của Mỹ - Trung sẽ diễn ra như thế nào”, ông Bateman nhận định.

Trung Quốc lập vùng cấm


Mặc dù kế hoạch tiến tuần tra gần các tiền đồn mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông đã được đưa ra thảo luận suốt nhiều tháng trời kể từ năm 2012 tại Mỹ, nhưng do quyết định cuối cùng chưa được công bố, đã khiến các chuyên gia an ninh và cựu quan chức hải quân trong khu vực châu Á cho rằng chính phủ Mỹ đã phớt lờ vấn đề này lâu nay.


Khả năng Trung Quốc dùng các tiền đồn trên Biển Đông để bảo vệ lực lượng tàu ngầm tại đảo Hải Nam. 

Cũng theo các chuyên gia, những quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Australia sẽ không chọn con đường thách thức trực tiếp Trung Quốc mặc dù hai quốc gia này đều bày tỏ mối quan ngại trước hành động bành trướng của Bắc Kinh trên tuyến đường biển thương mại quan trọng trong khu vực. 


"Hành động này sẽ không chỉ diễn ra một lần duy nhất. Hải quân Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên trên Biển Đông”, Reuters dẫn lời chuyên gia về lĩnh vực Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, ông Ian Storey. 


Chính quyền của Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố Mỹ sẽ thử thách những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông sau nhiều tháng Quốc hội và quân đội Mỹ thúc giục. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ không đưa ra thời gian cụ thể tiến hành hoạt động tuần tra. 


“Tôi cho rằng chúng tôi đã nói rõ mục đích của việc làm này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner phát biểu hồi đầu tuần. 


Trái lại, trong tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên nhấn mạnh Bắc Kinh "sẽ không cho phép bất cứ quốc gia nào vi phạm không phận và lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc trên Biển Đông dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không”. 


Song chuyên gia an ninh Bonnie Glaser tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Washington nhận định sứ mệnh của Mỹ dường như sẽ được thực hiện một cách thường xuyên và hải quân Mỹ muốn chắc chắn khu vực Biển Đông không bị phong tỏa. Cũng theo bà Glaser, Trung Quốc nên thận trọng trước hành động ngăn chặn Mỹ tiến hành tuần tra dù trong quá khứ hai bên từng xảy ra va chạm. 


Trong khi đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, ông Myles Caggins đã từ chối đưa ra lời bình luận về việc chương trình tuần tra Biển Đông của Mỹ chỉ mang tính biểu tượng hơn là hành động thực tế. Theo ông Caggins, quan điểm của chính quyền Mỹ được thể hiện rõ nét nhất qua tuyên bố của Tổng thống Obama trong cuộc họp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ở Washington hồi tháng trước rằng: “Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu thuyền, máy bay tới bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép”. 


Mặc dù, ông Tập nhấn mạnh các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông không phục vụ mục đích quân sự. Nhưng chính giới phân tích Trung Quốc từng thừa nhận các công trình trái phép này đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam cũng như mở rộng phạm vi hoạt động cho các tàu dân sự. Trong khi đó, lực lượng tàu ngầm ở đảo Hải Nam sẽ sớm được trang bị các loại vũ khí hạt nhân và là đại diện nòng cốt cho năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc để tiến tới năng lực tấn công thứ hai. 


Theo Reuters, nếu xảy ra xung đột, các tiền đồn trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ dễ dàng bị tấn công. Nhưng trong thời gian tới, những cơ sở này lại là nền tảng để Bắc Kinh mở rộng hoạt động dân sự như đánh bắt cá và khai thác dầu mỏ cũng như tiến hành tuần tra quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng một đường băng và 2 đường băng còn lại sắp đang trong quá trình xây dựng. 


Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới./MINH THU (lược dịch)

Không có nhận xét nào: