Pages

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Tòa tối cao 'đang xét lại' bản án Lê Văn Mạnh

Image copyrightOther
Image captionBà Nguyễn Thị Việt, mẹ của Lê Văn Mạnh, cảm ơn cộng đồng giúp lên tiếng cho vụ việc của con mình.
Đại diện Thanh tra Tòa tối cao tiếp mẹ tử tù Lê Văn Mạnh nhưng đề nghị bà liên hệ với tòa Thanh Hóa về những yêu cầu liên quan tới bản án của con mình.
Truyền thông trong nước cho biết tham dự buổi làm việc vào hôm 26/10 còn có đại diện UBND huyện Yên Định, Ban tiếp Công dân và Phòng An ninh xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Ông Hồ Sỹ Hưng, Trưởng phòng tiếp công dân thuộc Ban Thanh tra TAND tối cao, được dẫn lời nói “đã liên hệ với Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa và được biết TAND tỉnh Thanh Hóa chưa ra quyết định thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh, do đó chưa có sơ sở để xem xét hoãn thi hành án.”

Phát biểu này dường như mâu thuẫn với thông báo mà Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa đã ký vào ngày 16/10/2015 gửi ông Lê Văn Chính và bà Nguyễn Thị Việt (Cha mẹ của Lê Văn Mạnh) về việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh để gia đình làm đơn nhận tử thi đưa về an táng.
Các luật sư đại diện cho Lê Văn Mạnh nói rằng vào ngày 14/10/2015 Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định số 02/QD – CA đối với Lê Văn Mạnh và bị cáo phải chấp hành án tử hình vào ngày 26/10/2015.
Tại buổi làm việc kể trên, mẹ của Lê Văn Mạnh được thông báo rằng "TAND tối cao đang xem xét theo quy định của pháp luật về đề nghị xem xét lại bản án."
“Đối với yêu cầu của gia đình về việc đề nghị cung cấp quyết định thi hành án và cho phép luật sư tham gia trong quá trình xem xét lại vụ án, đại diện TAND tối cao đề nghị gia đình trở về địa phương và liên hệ với TAND tỉnh Thanh Hóa để được trả lời cụ thể,” báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Vào hôm 23/10, luật sư Trần Vũ Hải cho biết phòng tiếp dân của Toà án nhân dân tối cao không chịu nhận đơn đề nghị hoãn thi hành án tử hình vào ngày 26/10/2015 đối với Lê Văn Mạnh.

'Thú tội do bị tra tấn'

Image copyrightOther
Trên mạng xuất hiện video bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của Lê Văn Mạnh, cảm ơn “cộng đồng” giúp lên tiếng cho vụ việc của con mình bởi nếu không "con tôi đã bị bắn oan, tôi bị mất con và cháu tôi bị mất cha."
Trên mạng cũng xuất hiện ảnh được mô tả là người mặc thường phục dùng vũ lực đưa em trai của Lê Văn Mạnh về đồn công an khi đang cầm biểu ngữ kêu oan cho anh mình tại Hà Nội.
Ủy ban Luật gia Quốc tế (International Commission of Jurists - ICJ) vừa gửi thư tới Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang kêu gọi ngưng ngay kế hoạch tử hình phạm nhân Lê Văn Mạnh và cho mở cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc nói ông Mạnh đã bị cảnh sát tra tấn bắt nhận tội.
"Việc xử tử Lê Văn Mạnh sẽ là sự bác bỏ quyền được sống và tạo thành sự vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, và việc đó phải được dừng lại ngay lập tức," ông Kingsley Abbott, cố vấn pháp lý quốc tế của ICJ nói.
"Hơn nữa, lời nhận tội của Lê Văn Mạnh, được cho là thú tội do bị tra tấn, đã được dùng làm chứng cứ trong phiên xử cho thấy một cách rõ ràng rằng tiến trình tố tụng không hề phù hợp với luật pháp, tiêu chuẩn quốc tế, và chỉ riêng điều đó đã đủ là lý do để Lê Văn Mạnh phải được hoãn thi hành án tử hình vĩnh viễn," ông Abbott nói thêm.
Vụ Lê Văn Mạnh đã thu hút sự chú ý ở cả trong nước lẫn quốc tế.
Hôm 25/10, Đặc ủy Nhân quyền và Hỗ trợ nhân đạo của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Christoph Strässe từ Berlin đã “đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam hoãn thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh và tiến hành xét xử lại vụ án".
"Hành vi phạm tội của Lê Văn Mạnh là không rõ ràng và phải được thẩm tra lại bằng một quá trình điều tra, xét xử công bằng,” ông Strässe nói.
Trước đó, một loạt các luật sư Việt Nam đã ký đơn gửi Chủ tịch Trương Tấn Sang và các cơ quan liên quan kiến nghị hoãn thi hành án tử hình với tử tù Lê Văn Mạnh để "tránh hàm oan người vô tội".
Ông Lê Văn Mạnh hồi 2005 đã bị kết tội giết người, hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản. Ông đã nhận tội, nhưng sau đó phản cung và nói ông bị cảnh sát tra tấn dã man.
Qua ba lần xét xử, Tòa án Tối cao đã giữ nguyên án tử hình trong phiên tòa ngày 25/11/2008.

Không có nhận xét nào: