Pages

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Đường lối nào, nhân sự nào?

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP GETTY
Image captionDàn lãnh đạo Đại hội 12 sẽ như thế nào?
Đầu tháng 10/2015 vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Trung ương 12, một sinh hoạt được đánh giá là quan trọng, then chốt của Đảng.
Hội nghị sẽ chuẩn bị cho vấn đề nhân sự lãnh đạo Việt Nam trong 10 năm tới, sẽ ra mắt trong Đại hội Đảng lần thứ 12 vào năm 2016.
Như dư luận hay nói, hiện nay trong Đảng đang tồn tại các “đảng trong đảng”. Cụ thể như “đảng hướng về Mỹ” do ông Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, “đảng hướng về Trung Quốc” do ông Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, sau cùng là “đảng trung lập” do các ủy viên Trung ương trung lập, họ đứng ngoài các cuộc tranh chấp về đường lối của 2 “đảng nhỏ” kia.

Với cơ chế lãnh đạo tập thể, việc một cá nhân nào đó đủ sức khuynh loát toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương [để sắp xếp nhân sự] sẽ rất khó xảy ra. Có thể thấy rõ trong quá khứ, ông Lê Đức Thọ dù được coi là “siêu quyền lực” nhưng cũng không làm được, và bây giờ cũng thế.

Bối cảnh Việt Nam hiện nay

Bối cảnh đất nước sẽ quyết định đường lối, đường lối quyết định nhân sự. Có hai sự kiện và một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến bối cảnh Việt Nam 10 năm tới.
Đầu tiên là việc Trung Quốc-Tập Cận Bình đã chính thức tuyên bố, ngay ở nước Mỹ, là Hoàng Sa-Trường Sa là của Trung Quốc.
Đây có thể nói là nước cờ “vỗ mặt tướng” vào Việt Nam nói chung và uy thế lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam nói riêng.
Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn Hoàng Sa và phần lớn khu vực quần đảo Trường Sa. Việc tiếp theo họ chiếm tiếp các đảo khác do Việt Nam còn kiểm soát là điều có thể xảy ra bất kỳ lúc nào để hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền nói trên.
Một khi để điều này xảy ra mà không có phản ứng hiệu quả và hợp lý, vị trí lãnh đạo đất nước của Đảng CSVN chắc chắn sẽ càng không ổn trong suy nghĩ của quần chúng.
Sự kiện thứ hai là việc Việt Nam gia nhập vào TPP. Dù có nhiều quốc gia khác tham gia, nhưng Mỹ vẫn là quốc gia áp đặt đa số luật chơi trong TPP.
Trước đây, ông Vũ Văn Ninh, một quan chức cao cấp của chính phủ Việt Nam, đã nói việc tham gia vào TPP sẽ tạo ra áp lực tác động vào thay đổi trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam. Điều này cho thấy áp lực cải cách thể chế để phù hợp với những gì Mỹ đòi hỏi là tất yếu.
Chắc chắn những thay đổi khi thực thi sẽ ảnh hưởng nhiều đến những điểm nhạy cảm chính trị của Đảng CSVN, như vấn đề công đoàn độc lập, các tổ chức dân sự độc lập, tổ chức bộ máy chính quyền , cải cách luật pháp theo hướng dân chủ pháp trị…Do đó, sự kiện này dĩ nhiên phải ảnh hưởng vào đường lối của đảng trong thập niên tới
Một yếu tố khác là ngân sách quốc gia hiện nay đã hụt hơi trong tình hình đất nước đã tụt hậu so với các quốc gia lân cận mà đảng cũng phải cắn răng thừa nhận với quần chúng. Áp lực vỡ nợ đã không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu trong thực tế.
Việc Bộ Tài chính vừa qua phải “vay nóng” ngân hàng nhà nước 30 ngàn tỷ, hay như vay 1 ngân hàng thương mại vài tỉ USD để dùng vào chi thường xuyên là 1 chỉ dấu quan trọng cho thấy ngân sách quốc gia đang trống rỗng.
Tiền đi chợ ăn tiêu hàng ngày còn thiếu, nói gì đến tiền chi cho các hoạt động tuyên truyền tư tưởng để củng cố hình ảnh của đảng trong quần chúng cùng với hàng loạt ban ngành đoàn thể phụ thuộc Đảng đang vận hành mà không tạo ra các giá trị lợi ích thiết thực.
Trong bối cảnh đó, với những sự kiện và yếu tố mang đến những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng, Hội nghị Trung ương 12 khai mạc để bàn thảo đường lối và nhân sự.
Đường lối nào để giải quyết các nguy cơ trên, và nhân sự nào có thể triển khai hiệu quả đường lối được chọn để Đảng củng cố vai trò lãnh đạo là điều kiện quan trọng. Muốn bình xét nhân sự của Đảng sắp tới, nhất thiết phải đứng từ góc nhìn này, chứ không phải nhìn rằng ông A bà B của phe phái nào đó có thể lên xuống.

Đường lối nào và nhân sự nào?

Image copyrightBBC World Service
Image captionThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang được đồn đoán đang nhắm tới vị trí tổng bí thư
1/ “Thoát Trung nhưng giữ Đảng”
Trong bối cảnh Trung Quốc thẳng thắn tuyên bố như trên, thì quan điểm củng cố đường lối thân Trung Quốc như lâu nay là vấn đề mà các ủy viên Trung ương phải mang ra mổ xẻ, và nó sẽ bất lợi cho các nhân sự nằm trong nhóm thân Trung Quốc khi nhóm này đề cử nhân sự cho Đại Hội 12 sắp đến.
Cần thấy là trong suốt 1 năm qua, việc “ thân Mỹ” thì chưa bàn đến, nhưng thấy rõ là đường lối “thoát Trung nhưng giữ Đảng” đã được triển khai và hô hào rõ rệt. Nên việc một nhân sự nào đó được đề cử vào 4 vị trí hàng đầu mà có nhiều quan hệ sâu xa với Trung Quốc quá thì khả năng được chọn sẽ rất thấp.
Chúng ta có thể thấy rõ qua việc sau “cơn bệnh phổi”, đại tướng Phùng Quang Thanh, 1 người có nhiều quyền lực được coi là “thân Trung Quốc”, đã bị tước quyền một cách êm thắm trong sự ngầm thỏa hiệp của các phe nhóm.
Do đó, sẽ có ít nhất 3 nhân sự trong Bộ Chính Trị hiện nay không thể tái nhiệm, đó là những người mà ai cũng biết rõ thuộc “nhóm thân Trung Quốc”
2/ Ngân sách
Đảng CSVN, trong quá khứ, khi dân trí còn thấp, mạng xã hội chưa phát triển, còn được xếp vào các nước có thu nhập thấp, đã dễ dàng vay nợ và huy động tài trợ mang đi chi tiêu lãng phí, tham nhũng… nên áp lực ngân sách khi đó không phải là vấn đề đáng lo ngại với Đảng. Tuy nhiên tình hình hiện nay đã khác.
Với sự ra đi của ông Nguyễn Bá Thanh, và đến nay cũng chưa có nhân sự nào ngồi vào ghế Trưởng Ban Nội chính Trung ương thay cho ông Thanh, cho thấy Đảng đã thất bại trong việc chống tham nhũng, xa hoa, lãng phí…. Đây là 1 nguy cơ lớn cho sự tồn tại của Đảng, nó áp lực Đảng phải đổi mới.
Dù chưa biết Đảng sẽ đổi mới như thế nào, nhưng tư duy quản lý kiểu cũ, theo lối mòn là điều không phù hợp nữa.
Những con người theo tư duy giáo điều, bảo thủ sẽ không còn phù hợp với phương thức giữ Đảng trong tình hình mới sẽ phải ra đi. Bài toán cắt giảm nhân sự-chi phí cho ban bệ đoàn thể, tượng đài, tuyên truyền Mác Lê… sẽ phải thực thi nhưng vẫn phải đảm bảo sự tồn tại và lãnh đạo của Đảng là bài toán phải giải.
Điều này chúng ta có thể qua kết quả Đại hội Đảng bộ của Thành ủy TP HCM, ông Lê Thanh Hải - một nhân sự lãnh đạo nằm trong nhóm lãnh đạo tư duy cũ, đã không được tái nhiệm.
Sự kiện này, nói về công, là một chỉ dấu cho thấy xu hướng mới – phương thức lãnh đạo mới đang thắng thế. Nói về tư, là một chỉ dấu cho thấy ông Võ Văn Thưởng, 1 ứng cử viên sáng giá cho chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, người được quần chúng coi là thuộc “nhóm có tư duy cải cách” , đã thành công trong việc ổn định nhân sự lãnh đạo TP HCM, nhằm thực thi những chương trình cải cách nhằm đưa thành phố này trở thành nơi tiên phong về đổi mới.
3/ Mỹ và TPP
Image copyrightEvan Vucci AP
Image captionTổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Hoa Kỳ
Sự kiện Việt Nam gia nhập vào TPP cũng là một tác động đáng kể vào Đảng lúc này. Mỹ và TPP là những thực thể đề cao các giá trị đa nguyên dân chủ, áp dụng các phương thức quản lý logic và khoa học, đòi hỏi những hành lang pháp lý dân chủ pháp trị chuẩn mực.
Bộ máy cầm quyền Việt Nam trong tương lai sắp đến, nếu muốn đáp ứng các tiêu chí này thì sẽ phải có những con người tương ứng, nếu không thì Việt Nam “sẽ thua trên sân nhà” là điều hiển nhiên.
Vấn đề này sẽ ảnh hưởng mạnh vào lựa chọn nhân sự, những nhân sự nhiều quyền lực trong các cơ quan an ninh quốc phòng sẽ khó được lựa chọn vào nhóm quyền lực tối cao.
Những tư duy độc đoán mang tính điều lệnh và quân phiệt sẽ không thể áp dụng cho các chính sách mà TPP và Mỹ đòi hỏi, do đó, có thể loại trừ việc Ban Chấp hành Trung ương sẽ bầu chọn các vị tướng công an hay quân đội vào 2 vị trí như tổng bí thư hay thủ tướng.
Đó là nói về công, nói về tư, thì ông Nguyễn Tấn Dũng, người được coi là đang nhắm đến chiếc ghế Tổng Bí thư Đảng, sẽ không lựa chọn cho ông 1 vị thủ tướng mà ông không tin cậy để thực thi đường lối mới của ông.
Thủ tướng Việt Nam trong tương lai phải là người tuyệt đối trung thành với ông Dũng. Ông Dũng sẽ không muốn kịch bản giữa ông ta và ông Nguyễn Phú Trọng sẽ lại lặp lại một lần nữa sau này giữa ông Dũng ( khi đó là Tổng Bí thư) và vị thủ tướng mới.
Như thế xét về công và tư, ghế thủ tướng không thể để cho một nhân vật quân phiệt ngồi vào. Một điều nữa dư luận cần chú ý là các cuộc cách mạng hoa lài, cam bưởi… gì đó đều bắt nguồn từ sự nổi giận của quần chúng với các nhân vật cầm quyền tối cao xuất thân là tướng tá với tư duy hành xử quân phiệt.
Đảng dĩ nhiên thấy điều này, và Đảng cũng cần quang vinh muôn năm nên sẽ tránh đi vào các vết xe đổ.
Cũng cần nhớ trước đây ông Lê Đức Thọ, một nhân vật nắm chặt cả quân đội và công an, với cách hành xử quân phiệt, dù quyền lực và ảnh hưởng khi đó rất lớn trong đảng, cũng đã không thể ngồi lên vị trí Tổng Bí thư dù rất muốn, đó là một ví dụ rõ rệt để chúng ta hiểu thêm.
4/Trung Quốc
Ngoài các vấn đề như đã nêu, còn có một yếu tố ảnh hưởng vào đường lối và nhân sự của Việt Nam là Trung Quốc. Dù mất một số con bài quan trọng trên bàn cờ Việt Nam nhưng dĩ nhiên Trung Quốc không bỏ cuộc.
Việc phá rối để Đảng CSVN không thể thực thi các đường lối trung hạn và bố trí nhân sự nhằm giải quyết các khó khăn như đã nêu là điều Trung Quốc tất phải làm. Một Việt Nam suy yếu để dễ lấn chiếm với những lãnh đạo kém tư duy tiến bộ là điều mà Trung Quốc muốn thấy.
Đó là điều chúng ta cần lưu ý. Thành thử ra dù dư luận đánh giá ông Nguyễn Tấn Dũng đang ở thế thượng phong lâu nay nhưng đã không thể kết thúc trận đấu vào Hội nghị Trung ương 12 vừa qua là điều không khó để hiểu.
Các yếu tố trên chính là những vấn đề mà Hội nghị Trung ương 12 vừa qua phải ứng phó và xử lý.
Với trình độ dân trí ngày càng nâng cao, quan hệ quốc tế thời kỳ hội nhập đa dạng đòi hỏi phải tuân thủ luật chơi chung, sự bành trướng của Trung Quốc đã lộ rõ. Tất cả yếu tố trên đòi hỏi Đảng CSVN phải thay đổi tư duy và lối mòn lâu nay.
Giữ được sự lãnh đạo của Đảng và không đưa đất nước vào bế tắc là bài toán khó cho Đảng trong tình hình mới. Các kỳ hội nghị trung ương tới trước Đại hội Đảng 12 phải giải quyết bài toán này chứ không phải phe nào thua hay thắng, vì dù phe nào thắng mà không đưa ra được đường lối và nhân sự có khả năng xử lý tốt các nguy cơ trên cũng chỉ làm Đảng sớm sụp đổ.
Đảng CSVN đã có nhiều quyết sách sai lầm trong quá khứ nhưng đất nước và dân tộc phải trả giá, mong là lần này Ban Chấp hành Trung ương có quyết định sáng suốt và đúng đắn, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước và dân tộc trong khúc ngoặt quan trọng này.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của riêng tác giả, hiện đang sống tại TP HCM.

Không có nhận xét nào: