Sáng ngày 26/10, TAND TP.Hà Nội đã xét xử 6 quan chức Tổng công ty đường sắt Việt Nam trong vụ Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) nhận hối lộ 11 tỷ đồng từ Công ty tư vấn Nhật Bản Transport Consulting Corporation (JTC).
Các phóng viên không được vào phòng xử mà theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi dành riêng cho báo chí.
Sáu bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Phạm Hải Bằng (46 tuổi), nguyên phó giám đốc RPMU, thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Nguyễn Nam Thái -nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU, Trần Văn Lục - nguyên giám đốc RPMU, Trần Quốc Đông - nguyên giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Nguyễn Văn Hiếu - nguyên giám đốc RPMU và Phạm Quang Duy - nguyên phó giám đốc RPMU.
Trong đó, bốn bị cáo vừa bị bắt tạm giam hôm 23/10.
Tuổi Trẻ tường thuật, bị cáo Phạm Hải Bằng (phó giám đốc RPMU) trả lời ông không nhớ nhận tiền bao nhiêu lần, nhưng tổng số tiền nhận khoảng 11 tỷ đồng. Ông đã chi tiêu khoảng năm tỷ, và sử dụng tiền để “lập hồ sơ quy hoạch chung một số ga lớn, thiết kế chi tiết tổng thể, liên quan đến nhiều ban ngành, nhiều tổ chức, thẩm định rất nhiều chuyên ngành, chi phí hội họp cho các đại biểu”.
Ông Bằng trả lời không chủ động đặt vấn đề để phía Nhật chuyển tiền.
Một lời khai của thành viên nhà thầu Nhật JTC được công bố tại tòa và báo Tuổi Trẻ ghi lại:
“Tại dự án này, trước khi bước vào đàm phán hợp đồng, ông Bằng đã yêu cầu Liên danh JKT ký hợp đồng với nhà thầu phụ, Bằng sẽ là người trung gian. Bằng nhận tiền dưới danh nghĩa là tiền giới thiệu nhà thầu phụ cho tôi."
"Tôi nghĩ chẳng phải ông Bằng đang làm béo bụng cá nhân ông ấy hay sao. Tôi cho rằng nếu từ chối yêu cầu đưa hối lộ, ông Bằng là người có quyền cao đến mức như vậy thì đừng nói đến việc tham gia đàm phán hợp đồng, có thể không thỏa thuận được các điều khoản về giá trị hợp đồng hay các điều kiện của hợp đồng ký kết, hoặc hợp đồng sẽ bị kéo dài."
Trao đổi với BBC từ Sài Gòn, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Việt Nam bình luận về việc chi tiền được các bị cáo khai tại tòa.
“Lời khai đó nói đến các hoạt động bình thường của một cơ quan, tổ chức. Nếu họ đưa tiền vào các hoạt động đó thì họ phải chứng minh, chứ không thể lấy tiền tham nhũng mà chi lung tung được. Chi như vậy vì lợi ích của họ, vì công việc của họ, các khoản này khác nhau."
"Các khoản chi này trong bộ máy nhà nước bao giờ cũng có các kinh phí này rồi, chứ không phải lấy tiền tham nhũng mà chi được. Họ nói vậy là quanh co.”
"Tiêu cực xây dựng hạ tầng từ 10 -30%"
Khi được hỏi những vụ án tham nhũng như dự án đường sắt này và vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ năm 2009 với đại lộ Đông Tây sẽ ảnh hưởng ra sao tới đầu tư Nhật vào Việt Nam, luật sư Thuận cho biết:
“Đại sứ Nhật Bản, kể cả công luận bên Nhật cũng đã lên tiếng rồi. Nếu Việt Nam không trừ khử được tham nhũng thì họ sẽ ngừng lại, thậm chí là cắt giảm vốn ODA, vì đó là tiền thuế của nhân dân Nhật chứ không phải tiền gì của ai. Người Nhật qua đây lại rót tiền vào tham nhũng thì người ta không hài lòng.”
Theo luật sư Thuận:
“Những sự việc cụ thể thì tôi không biết. Nhưng dư luận, báo chí và kể cả tại diễn đàn quốc hội thì người ta thường nói các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thì tiền tiêu cực lên từ 10 -30%. Đó là thói quen ăn vào khoản tiền đầu tư và rất khó kiểm soát. Vốn ODA cũng không loại trừ trường hợp này.”
Vụ án được dư luận biết tới vào tháng 3/2014, khi báo Yomiuri Shimbun của Nhật tường thuật lãnh đạo của JTC, ông Tamio Kakinuma, 65 tuổi, thừa nhận với các công tố viên đã chi 80 triệu Yên Nhật cho các quan chức đường sắt Hà Nội.
Sau đó, vào tháng 7/2014, nhật báo Asahi Shimbun của Nhật cho biết một thông báo từ văn phòng công tố cho biết hai quan chức của JTC là Wada và Ikeda đã chi trả khoảng 69,9 triệu Yên (tương đương 690.360 USD) bằng tiền mặt cho công ty đường sắt Việt Nam từ tháng 12/2009 đến tháng 2/2014.
Khi được hỏi vấn đề tham nhũng trong các dự án ODA sẽ gây hại ra sao đến các công trình công cộng và nền kinh tế tại Việt Nam, luật sư Thuận bình luận:
“Hãy nhìn trên tổng thể. Nợ xấu, nợ nước ngoài. Con số của Bộ kế hoạch đầu tư là nợ xấu lên 68,7%, còn Bộ Tài Chính thì nói 59%. Đặc biệt là trong ngân sách không có tiền nữa, chỉ còn 46.000 tỷ thôi."
"Như vậy rõ ràng giờ là phải đi vay tiền để tiêu, vay tiền để trả nợ. Như vậy đống nợ ngày càng lớn lên. Theo bộ trưởng kế hoạch đầu tư thì không có tiền để đầu tư nữa, vậy sau này lấy tiền gì mà trả nợ? Cho nên nền kinh tế và ngân sách đang ở giai đoạn cạn kiệt, đó là báo động lớn."
Phiên tòa xử sáu quan chức đường sắt dự kiến diễn ra trong hai ngày 26 -27/10.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét