Pages

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Vụ án Đỗ Đăng Dư: công an đã nhổ vào mặt hệ thống pháp luật như thế nào?

Cho đến giờ, tất cả các báo viết về vụ án Đỗ Đăng Dư đều giống hệt nhau: Đỗ Đăng Dư chết vì bạn tù đánh! Câu chuyện Đỗ Đăng Dư xem như hạ màn (!) và công an Hà Nội giờ đẩy dư luận theo hướng “khẩn trương điều tra một cách khách quan để kết luận chính xác nhất về vụ việc, xử lý nghiêm đối với hành vi “Cố ý gây thương tích” của Vũ Văn Bình” (người bị qui kết đánh chết Đỗ Đăng Dư).
Vấn đề không phải chỗ đó và không chỉ chỗ đó. Vấn đề là công an đã nhổ vào mặt hệ thống pháp luật như thế nào. Công an đã thách thức toàn bộ giá trị pháp chế “nhà nước XHCN” như thế nào. Và công an chà đạp như thế nào giá trị nhân bản của “nhà nước pháp quyền” trong đó “công lý, công bằng dựa trên sự công nhận và tiếp nhận hoàn toàn giá trị tối thượng của nhân cách con người, được bảo đảm bởi các thể chế làm khuôn khổ của trật tự tự do, dân chủ và quyền con người, an toàn cho các công dân” (Tạp chí Cộng sản 16-10-2014)…

Vụ Đỗ Đăng Dư, được báo Tuổi Trẻ (11-10-2015), tường thuật như sau:
“Vụ việc xảy ra vào sáng 5-8-2015. Vào ngày này, công an huyện Chương Mỹ bắt quả tang Đỗ Đăng Dư có hành vi “trộm cắp tài sản” đối với một người hàng xóm. Quá trình điều tra, Dư khai nhận ngoài vụ trộm cắp tài sản này, từ cuối năm 2014 đến thời điểm bị bắt, Dư đã gây ra 4 vụ trộm cắp khác. Bản thân Dư cũng nghiện game, thường xuyên bỏ nhà đi chơi, gia đình không quản lý được và đã kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn đối với Dư.
Từ các căn cứ trên, cơ quan cảnh sát điều tra, công an huyện Chương Mỹ đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Dư để điều tra vụ án và phòng ngừa chung. Ngày 7-8, cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 2 tháng đối với Dư. Các quyết định này đã được viện KSND huyện Chương Mỹ phê chuẩn”.
Ở đây, bằng việc “điều tra cả trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ tại trại tạm giam vì để can phạm đánh lẫn nhau mà không kịp thời phát hiện, dẫn đến hậu quả đáng tiếc” (Tiền Phong 11-10-2015) là có thể xoa tay phủi đi cái mấu chốt vấn đề: công an Hà Nội đã hoàn toàn sai ra sao khi tạm giam Đỗ Đăng Dư, một thiếu niên 17 tuổi “hư hỏng” can tội trộm vặt?
Theo Đ.303, khoản 2 – BLTTHS (Bộ luật tố tụng hình sự): “Người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật này, nhưng chỉ trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”. Với số tiền trộm 2 triệu đồng, có thể đưa Đỗ Đăng Dư vào nhóm tội phạm “nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”?
Ngoài ra, theo TTLT số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2001 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG LÀ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN, thì:
Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối tượng phạm tội vị thành niên phải tuân thủ theo các điều: Đ.91 – Cấm đi khỏi nơi cư trú; Đ.92 – Bảo lãnh; hoặc Đ.93 – Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Nói cách khác, công an không nhất thiết phải bắt tạm giam một trường hợp vị thành niên phạm tội nhẹ như Đỗ Đăng Dư.
Còn nữa, như những gì các báo chính thống viết, không có bất kỳ thông tin nào cho thấy trong quá trình điều tra một đối tượng vị thành niên như Đỗ Đăng Dư, có sự tham gia của luật sư hoặc người đại diện pháp luật (cha hoặc mẹ). Mà chiếu TTLT số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH, việc tham gia tố tụng của người bào chữa theo quy định tại Khoản 2 Điều 57, Điều 58 và Điều 305 BLTTHS, thì:
1. BắT BUộC phải có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Mọi trường hợp không có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên là VI PHạM NGHIÊM TRọNG THủ TụC Tố TụNG, trừ trường hợp họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa. Người bào chữa có thể là: luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân.
2. Khi giao quyết định tạm giữ hoặc quyết định khởi tố bị can, cơ quan ra quyết định phải thông báo cho người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ về quyền có người bào chữa.
3. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa theo quy định của pháp luật hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
4. Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa, trừ trường hợp người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối.
5. Trường hợp bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa thì phải lập biên bản lưu trong hồ sơ vụ án.
6. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện quyền tiếp xúc, gặp gỡ với bị can, bị cáo là người chưa thành niên theo quy định của pháp luật.
Chưa hết, theo TTLT 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2001 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG LÀ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN, thì:
Điều 5. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội: Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra, cơ quan tiến hành tố tụng cần thực hiện đúng nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 69 BLHS (Bộ luật hình sự). Đặc biệt cần xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 69-Khoản 2 BLHS, giao họ cho gia đình, cơ quan hoặc tổ chức giám sát, giáo dục nhằm giúp họ tự sửa chữa lỗi lầm và tái hòa nhập cộng đồng.
Mà Điều 69 Khoản 2 BLHS quy định: Người chưa thành niên phạm tội có thể được MIễN TRÁCH NHIệM HÌNH Sự, nếu người đó phạm tội ÍT NGHIÊM TRọNG hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, CÓ NHIềU TÌNH TIếT GIảM NHẹ VÀ ĐƯợC GIA ĐÌNH HOặC CƠ QUAN, Tổ CHứC NHậN GIÁM SÁT, GIÁO DụC.

Chiếu theo những điều luật nằm trong hệ thống pháp quyền nhà nước VN nói trên thì Đỗ Đăng Dư không chỉ không nên bị bắt tạm giam mà còn có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, kết cục sự việc đã vượt quá xa những gì mà ông Hồ Chí Minh từng nói, bởi sự vi phạm của chính những người thừa hành pháp luật: “Một xã hội có trật tự kỷ cương, một nhà nước mạnh, có hiệu lực nhất thiết không để một giờ, một phút thiếu pháp luật, coi thường pháp luật” (Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh). “Một phút thiếu pháp luật” đó, hậu quả cuối cùng, không chỉ dẫn đến cái chết của Đỗ Đăng Dư mà nó còn như một cú đấm nện thẳng vào mặt hệ thống pháp chế quốc gia. Nó là một thách thức đầy ngạo mạn giữa hành pháp và lập pháp. Nó thể hiện một thái độ kiêu căng “quyền” trong “pháp” chứ không phải “pháp” định chế “quyền” và “quyền” phải tuân thủ và phải luôn trong khuôn khổ của “pháp”.
….
TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH (Thông tư liên tịch; Viện kiểm sát tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ công an; Bộ tư pháp; Bộ lao động thương binh xã hội)
….
Bài viết được sự hỗ trợ pháp lý của luật sư Võ Phước Hoàng. Chân thành cám ơn luật sư.

Không có nhận xét nào: