Kính gửi Đồng bào kính yêu và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
Năm 17 tuổi tôi thoát ly gia đình làm nhân viên Ty Giáo dục kháng chiến tỉnh Bến Tre, 19 tuổi vào bộ đôi Cụ Hồ, có tên Vệ quốc đoàn, nghĩa là đoàn giữ nước. Trên con đường ấy, tôi trở thành đảng viên cộng sản, “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Hồ Chí Minh). Tư tưởng “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” đã củng cố niềm tin cho tôi suốt đời. Mang niềm tin ấy, tôi đã xem mọi sai lầm của Đảng, chỉ là do ấu trĩ, rồi sẽ vượt qua trên bước trưởng thành.
Năm 2009, trong tâm trạng vô cùng bức xúc, tôi viết bài “Đổi mới Đảng, tránh nguy cơ sụp đổ”, nhấn mạnh hai hiểm họa trước Tổ quốc: giặc ngoại xâm và giặc nội xâm. Từ đó cho đến Đại hội 11, rất nhiều cán bộ đảng viên, có cả nguyên ủy viên Bộ Chính trị, rất đông đảo trí thức trong và ngoài nước góp nhiều ý kiến sâu sắc để đổi mới toàn diện, đổi mới chính trị tương ứng với đổi mới kinh tế, đổi mới kinh tế không bị kiềm hãm bởi ý thức hệ. Tiếc thay, Đại Hội 11 không tiếp thu xác đáng. Những người góp ý trung thực, thẳng thắn, bị nghi ngờ là có dụng ý xấu, thậm chí là phản động, chống đường lối của Đảng.
Nay, giặc ngoại xâm lăm le ngoài ngõ, láo xược lấn lướt gấp bội phần năm 2009. Thời báo Hoàn Cầu, tiếng nói chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: “Phải sẵn sàng hai kế hoạch: Thương lượng với Việt Nam về giải pháp hòa bình; hoặc đánh trả bằng chính trị, kinh tế, thậm chí cả quân sự”. Báo điện tử Trung Quốc Binh khí đại toàn kêu gọi: “Hãy giết bọn giặc Việt Nam làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa!”. Hơn nửa thế kỷ trước, cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã nhận định: “Bắc kinh từ lâu có âm mưu bành trướng về hướng Đông Nam Á, xâm chiếm nước ta”. Tháng 9 năm 1975, trong chuyến sang Trung Quốc, ông đã nói thẳng với Trung Quốc phải trả lại Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếc thay, chúng ta đã vội quên những điều ấy!
Giặc tham nhũng cũng lớn lên rất nhanh, từ một vài “con sâu” đã sinh sôi cả “bầy sâu” (Thường trực Bộ Chính trị Trương Tấn Sang). Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, tham nhũng là “kẻ thù của nhân dân” là do ”không dân chủ”, cho nên “muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ”.
Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy hai thứ giặc ngoại xâm và tham nhũng luôn luôn đồng hành cùng nhau, câu kết với nhau.
Mặc dù, lần này Chính phủ Việt Nam phản ứng cuộc gây hấn của Bắc Kinh có mạnh mẽ hơn trước, tuy nhiên, chưa có sự thay đổi về bản chất, tức là chưa có tiền đề để Đảng với Dân một ý chí. Thật đau lòng và hổ thẹn xiết bao khi phải chứng kiến lực lượng cảnh sát săn đuổi, tóm cổ, kéo lê những sinh viên như Phan Nguyên như bắt con thú hoang, chỉ vì dám đi biểu tình chống người bạn vàng Trung Quốc xâm lược!
Nhân dân đã bắt đầu căm giận. Làn sóng ngầm đang hình thành. Hãy nghe tiếng nói khách quan nhất của André Menras – Hồ Cương Quyết, một người Pháp tha thiết yêu chính nghĩa Việt Nam, tự nguyện trở thành người Việt Nam, từng bị chính quyền Sài Gòn bỏ tù vì đấu tranh cho Việt Nam, nay đã căm phẫn kêu lên: “Nói ngắn gọn, họ chỉ có thể là bọn xâm lược Việt Nam và những tay sai. Họ sử dụng từ ngữ dối trá, họ đúng là bọn phản động, chống minh bạch, sợ sự thật, sợ nhân dân, vì họ chỉ biết cái túi và cái ghế tạm thời của họ”. Phải nói như vậy chắc rằng ông ấy đau lòng lắm, và tôi cũng rất đau lòng lại phải nói ra đây!
Tổ quốc đang cần một Hội nghị Diên Hồng thời đại nhưng chưa được tổ chức. Trong nỗi niềm “quốc gia hưng vong”, học người xưa, tôi mạnh dạn viết Bản điều trần này, dù chắc chắn chưa đạt được chữ Trí, xin được coi đây là một tiếng nói trong triệu triệu tấm lòng của con dân nước Việt.
THỜI ĐẠI CHÚNG TA ĐANG SỐNG
Hơn hai trăm năm qua, dù trải qua nhiều khúc khuỷu, nhân loại vẫn tiến bước theo xu thế xóa bỏ độc tài, thực hiện Tự do, Dân chủ, Nhân quyền. Theo S. P. Huntington, sự sụp đổ phe xã hội chủ nghĩa gồm Liên Xô và các nước Đông Âu vào cuối thập kỷ 80 là đợt dân chủ hóa thứ 3 của nhân loại. Ông qua đời năm 2008, không được chứng kiến Mùa Xuân Nhân dân khởi đầu từ Bắc Phi, là đợt dân chủ hóa thứ 4, để góp thêm nhận định: Những chế độ độc tài tưởng như rất vững mạnh vẫn có thể đổ nhào khi nhân dân bừng tỉnh!
Do thiếu thông tin, những người cộng sản Việt Nam không biết rằng chủ nghĩa tư bản hoang dã mà Marx, Engels quan sát đầu thế kỷ 19 đã thay đổi đến mức có học giả cho rằng nó gần như không còn là nó nữa. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đã đưa nhân loại vào nền văn minh hậu công nghiệp, với nền kinh tế tri thức, người lao động có tri thức khoa học công nghệ cao hơn người quản lý công ty. Những cải cách liên tục của chủ nghĩa tư bản đã biến công nhân từ người làm thuê thành người có cổ phần và là người tiêu dùng; xã hội đạt tới sự cân bằng giữa phát triển với bình đẳng; những nhà nước phúc lợi ra đời. làm cho những thân phận cơ nhỡ nhất cũng sống được, khiến các nhà nghiên cứu xô viết phải kinh ngạc kêu lên “Nhân dân nước họ được hưởng nhiều xã hội chủ nghĩa hơn ở Liên xô!”. Sau cơn choáng, nhiều đảng viên cộng sản Việt Nam ở cấp cao cũng đã nhìn nhận rằng nguyên nhân sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa là do nhân dân và cả đảng viên chán ghét chế độ thiếu tự do, dân chủ, đưa tới quan liêu, tham nhũng, kiềm hãm phát triển. Sau khi thay đổi thể chế, các nước Đông Âu đã đạt được tốc độ phát triển nhanh gấp hằng chục lần thời xã hội chủ nghĩa.
Thế giới chỉ còn 5 nước do Đảng Cộng sản cầm quyền, ba nước đổi mới kinh tế là Trung Quốc, Việt Nam, Lào đã phát triển khá nhanh, nhưng nay đã bắt đầu lộ ra sự không tương thích giữa cơ sở kinh tế với chế độ chính trị, tiêu cực nảy sinh ngày càng lớn. Cu Ba và Bắc Triều Tiên kiên trì mô hình xã hội chủ nghĩa xô viết, cho nên vẫn tiếp tục nghèo đói. Gần đây lãnh tụ Fidel đã phải kêu lên “Mô hình Cuba không còn thích hợp nữa” và họ cũng đã bắt đầu cho tư nhân hóa nền kinh tế.
Thế giới diễn biến phức tạp, nhưng không phải là không thể lường trước, nếu như nắm vững quy luật, xu thế của thời đại, là Tự do, Dân chủ, Nhân quyền. Đấu tranh sắc tộc, mâu thuẫn tôn giáo vẫn còn, nhưng cái gọi là “đấu tranh giai cấp” đã nhường chỗ cho những đòi hỏi nhân quyền, như biểu tình, đình công. Qua dự thảo văn kiện Đại hội 11, và cuộc giao lưu trực tuyến mới đây, thấy các nhà tuyên giáo cao cấp của Đảng không hiểu điều này, coi biểu tình là hình thức bạo động quá khích!
Theo quan điểm dân chủ, nhân quyền, thì khái niệm độc lập, chủ quyền phải được xác định sau câu hỏi: “Người dân ở quốc gia nào đó đã có được một thể chế dân chủ, để người dân thực sự nắm được chủ quyền hay chưa?”. Đó là cơ sở lý luận để các nước dân chủ yểm trợ lực lượng nổi dậy gần đây. Hồ Chí Minh cũng đã có quan điểm như vậy khi ông nói: “Nếu nước được độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì.”
Sự xuất hiện một siêu cường Trung Quốc đang là mối lo của thế giới. Bởi vì lịch sử đã chứng minh rằng một quốc gia hùng mạnh nằm trong tay bọn cầm đầu độc tài thì tất yếu chúng sẽ gây chiến tranh. Bắc kinh đã vứt bỏ chiến lược “Thao quang dưỡng hối” (che ánh sáng, nuôi bóng tối) của Đặng Tiểu Bình, đang khua vang binh khí, lên giọng bá quyền. Thế giới lo một thì Việt Nam phải lo mười, bởi vì Bắc Kinh bên ngoài thì đưa “16 chữ vàng” phỉnh phờ lãnh đạo Việt Nam, bên trong không ngớt tuyên truyền kích động chủ nghĩa Đại Hán, lớn tiếng hò hét: “Kẻ cản đường phát triển của Trung quốc về phía Nam chính là tiểu bá Việt Nam, đang xâm chiếm biển đảo của Trung Quốc”.
TRUNG QUỐC CÓ ĐÁNG SỢ HAY KHÔNG?
Sau Mao, Đặng Tiểu Bình tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đưa ra thuyết “mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn bắt được chuột”, thực chất là đưa Trung Quốc vào con đường phát triển tư bản hoang dã, nhưng vẫn giữ mô hình chính trị xô viết kiểu Stalin, bỏ hình thức độc tài cá nhân kiểu Mao, giữ chế độ độc tài một Đảng, tên gọi là Cộng sản, nhưng vứt hẳn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa cộng sản như “sứ mệnh lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tham mưu…”. Tuy kinh tế phát triển nhanh chóng, nhưng trong nước công nhân và nông dân bị bần cùng, còn bên ngoài thì thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, câu kết với các thế lực cầm quyền độc tài tham nhũng ở Á, Phi, Mỹ La tinh, hòng vơ vét tài nguyên, xuất siêu hàng tiêu dùng rẻ tiền giá trị thấp, bán công nghệ lạc hậu, đưa lao động giản đơn định cư lâu dài khắp các nước. Việt Nam là một trong những nạn nhân của các mục tiêu thực dân ấy.
Từ năm 2009, thấy Mỹ sa lầy ở Iraq, Afganistan, lại lâm vào khủng hoảng kinh tế, thành con nợ lớn của Bắc Kinh, chúng nghĩ rằng thời cơ giành vị trí chúa tể khu vực đã tới. Chúng dùng ngay phép thử: Cho tàu hải quân vây sát tàu Impeccable của hải quân Mỹ. Mỹ phản ứng ôn hòa, chúng tin rằng đã nắm được thóp, ba tháng sau lấn thêm, cho tàu ngầm làm đứt cáp thiết bị định vị của tàu hải quân Mỹ. Mỹ vẫn cho rằng tàu Trung quốc không cố ý. Bắc Kinh càng tin chắc rằng Mỹ đã quá yếu nên phải nhún nhường, chúng liền cho Bộ Ngoại giao ra tuyên bố đòi các tàu hải quân Mỹ phải xin phép trước khi đi vào khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
Dằn mặt được Mỹ, Bắc Kinh liền thực hiện mưu đồ bành trướng xuống phương Nam mà cái gai phải nhổ là Việt Nam. Chúng cho tàu hải quân đâm chìm tàu ngư dân ta, bắt ngư dân nộp tiền chuộc, khiến nhiều chủ tàu tán gia bại sản, chúng ra lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển của ta, để ngư dân của chúng tràn vào.
Nhiều năm nay dư luận cho rằng Việt Nam quá nhu nhược trước sự áp chế của Trung Quốc mà nguyên nhân chỉ vì lãnh đạo Việt Nam ở trong thế kẹt. Từ tháng 10 năm 2010, sau khi ngọai trưởng Mỹ H. Clinton tuyên bố tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ có quyền lợi và trách nhiệm đối với an ninh Biển Đông thì Việt Nam và các nước trong vùng mới bắt đầu có tiếng nói tự tin hơn. Tuy nhiên so với cách ứng xử của một số quốc gia khác như Nhật, Philippines, Hàn Quốc… thì chúng ta vẫn còn quá nhu nhược, thiếu minh bạch, và nguy hiểm nhất là gây ra khoảng cách ngày càng xa giữa nhân dân với Đảng, Chính phủ.
Vậy hãy xem gót chân Achille của con ngoáo ộp Trung Quốc là đâu, để xác định rằng chúng có đáng sợ hay không.
1- Điểm yếu nhất của anh to xác Trung Hoa chính là chế độ độc tài khiến hắn mang sẵn trong cơ thể chứng bệnh nan y. Theo xu thế thời đại, sự sụp đổ của các chế độ độc tài chỉ là vấn đề thời gian. Mỗi năm Trung Quốc phải chống đỡ hằng trăm ngàn cuộc biểu tình và bạo động của nông dân mất đất nghèo đói. Nhân dân các vùng Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương chỉ chờ dịp Bắc Kinh bị lôi vào cuộc chiến với bên ngoài sẽ vùng lên đòi tự do. Tháng 5-2011, hàng ngàn người Mông Cổ biểu tình làm rung chuyển Tích Lâm và các huyện gần đấy. Nhiều vụ đánh bom liên tục xảy ra ở các tỉnh Giang Tây, Sơn Đông, Thành Đô, Hắc Long Giang, Thiểm Tây, thành phố Phúc Châu… Nhiểu cuộc biểu tình gây ra đụng độ giữa dân chúng và cảnh sát ở Quảng Châu, Hồ Bắc, Hà Nam, Quảng Đông, Tây Tạng, Lan Châu, Liêu Ninh, Bắc Kinh, Thượng Hải…
Nhiều nguồn tin cho rằng, bọn cầm quyền Bắc Kinh gây hấn với Viêt Nam vừa qua còn có mục đích kích động chủ nghĩa Đại Hán làm giảm áp lực chống đối ở trong nước. Tuy nhiên, chúng không lường được là gây chiến sẽ tạo thời cơ cho sự nổi dậy của quần chúng đang sục sôi chờ cơ hội.
2- Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay chủ yếu dựa vào sản xuất hàng tiêu dùng, sử dụng lao động giản đơn, có giá trị thấp, giá nhân công rẻ, xuất khẩu ra toàn thế giới. Riêng Việt Nam hàng năm nhập siêu loại hàng này của họ khoảng 12 tỉ USD.
Gây chiến với Việt Nam, chúng nhằm chiếm trọn Biển Đông. Điều ấy xâm phạm lợi ích và an ninh toàn khu vực Đông Nam Á và cả Châu Á - Thái Bình Dương. Chẳng những Việt Nam bị nhốt, không có lối ra mà cả khu vực cũng bị nhốt. Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng thao túng thế giới chà đạp lên luật pháp quốc tế. Phản ứng tối thiểu đầu tiên của khu vực, rồi loan ra toàn thế giới sẽ là tẩy chay hàng Trung Quốc. Hậu quả sẽ là đánh sập nền kinh tế xuất khẩu của cái “công xưởng thế giới” Trung Quốc, sẽ gây thất nghiệp đối với hàng triệu lao động giản đơn nghèo đói, sẵn sàng nổi loạn. Vấn đề kinh tế nhanh chóng trở thành chính trị có thể làm sụp đổ chế độ.
3- Nền kinh tế của chúng đang rất khát năng lượng. Đường vận chuyển dầu từ Trung Đông về Trung Quốc phải qua eo biển Malacca, qua Biển Đông. Nếu chiến tranh nổ ra, các đối thủ của Bắc Kinh sẽ không quá khó tìm cách triệt phá con đường tiếp vận mạch máu năng lượng nuôi sống nền công nghiệp có thiết bị lạc hậu tiêu hao năng lượng lớn thứ 2 thế giới. Khi đó lực lượng đặc công biển của Việt Nam sẽ có dịp trổ tài biến những tàu chiến Trung Quốc thành những quan tài thủy táng.
4- Nửa thế kỷ qua, với chính sách hiếu chiến, tham lam, Trung Quốc biến mình thành kẻ thù của nhiều nước – Liên Xô (nay là Nga), Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, mới đây là Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia… Điều quan trọng là chế độ độc tài Bắc Kinh trong vị thế bị bao vây giữa các quốc gia dân chủ, đang là những tấm gương soi cho nhân dân Trung Quốc so sánh, căm giận và thêm khao khát tự do… Nếu tấn công Việt Nam, chúng nó không chỉ gặp lưỡng đầu mà sẽ là thập đầu thọ địch! Toàn khu vực, toàn thế giới sẽ bùng lên một phong trào ủng hộ và bảo vệ Việt Nam như những năm xưa.
Có lẽ bọn lãnh đạo Bắc Kinh không đến nỗi quá ngu muội không nhận ra những chỗ yếu đó, cho nên chúng chưa vội ra tay. Đừng sợ chúng, nhưng cũng đừng ảo tưởng vào thiện chí của chúng. Chúng sẽ ra tay khi tự cho rằng đã hóa giải được những “yếu huyệt” kể trên và ViệtNam chưa xử lý được những điểm yếu của mình. Chúng ta cần có ngay những quyết sách dũng cảm, sáng suốt để chạy đua với thời gian, trở thành vô địch trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Được như vậy, Bắc Kinh không còn dám khinh nhờn, đành phải chấp nhận Trung – Việt hòa bình, hữu nghị, và khi đó, “16 chữ vàng” mới có cơ may được thực hiện một cách bình đẳng.
ĐỂ VIỆT NAM TRỞ THÀNH “MỘT NHÂN VẬT QUAN TRỌNG CỦA THẾ GIỚI”!
Vấn đề là chúng ta có thể hiện được mình là một quốc gia đáng được trân trọng bảo vệ trước nhân loại tiến bộ ngày nay như đã từng được vinh danh là ”lương tâm nhân loại” như xưa kia hay không? Lịch sử đã ghi nhận công lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, Đảng chưa nhận ra đúng nguyên nhân cốt lõi đưa tới thắng lợi chính là tinh thần yêu nước của dân tộc. Lịch sử cũng đã ghi nhận nhiều sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam do những chính sách xuất phát từ ý thức hệ, gây tác hại nghiêm trọng, kiềm hãm phát triển, để lại nhiều di hại, trong đó có hai hiểm họa là giặc ngoại xâm và giặc nội xâm! Ý thức hệ đã trói buộc Đổi mới với những khẩu hiệu chống diễn biến hòa bình, chống tự diễn biến, hòng tiếp tục duy trì tình trạng mà đồng chí Nguyễn Văn An đã sáng suốt chỉ tên là “lỗi hệ thống”. Những người bảo thủ không biết rằng chính Marx, Engels sau 25 năm công bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đến năm 1873 đã viết: “Những biện pháp cách mạng nêu cuối Chương 2, nếu ngày nay viết lại thì về nhiều mặt phải viết khác đi. Bởi vì nền đại công nghiệp đã có những tiến bộ hết sức lớn trong 25 năm qua” và “Chương 4: có những nhận định đã cũ rồi, vì tình hình chính trị đã hoàn toàn thay đổi” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nhà XB Sự Thật, Hà Nội, 1974, trang 8, 9). Từ năm 1866 trở đi hai ông chủ trương không tiếp tục xây dựng Đảng Cộng sản, mà bắt đầu xây dựng Đảng Xã hội dân chủ. Nhiều Đảng Cộng sản châu Âu theo chủ trương này đã đổi mới triệt để (Thụy Điển, Na Uy, v.v.) được nhân dân tin theo, xây dựng thành công dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Chẳng lẽ chúng ta không chịu tiếp thu bài học “tự diễn biến” vô cùng sáng suốt của Marx, Engel? Đã quá muộn để chúng ta quyết định chia tay với Marx, Engels cộng sản, và mạnh dạn đi theo Marx, Engels xã hội dân chủ!
Giáo sư Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương góp ý văn kiện Đại Hội 11: “Nên bỏ cụm từ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta vì nó đã khốn khổ”. Đúng vậy, không chỉ nhân dân ta vì nó đã khốn khổ mà hằng ngàn đảng viên cộng sản chết oan vì nó trong cải cách ruộng đất; bị tù tội vì nó trong những vụ chống xét lại; những trí thức, văn nghệ sĩ ưu tú nhất vì nó mà bị hành hạ trong vụ Nhân văn Giai phẩm. Hằng triệu người vì nó, bỏ xứ di cư vào Nam; rồi hằng triệu người khác vì nó bỏ nước chạy ra nước ngoài. Nhân dân ta khát vọng Độc lập Tự do, chứ không hề khát vọng chủ nghĩa xã hội. Những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh khi chuẩn bị khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và Đồng khởi ở miền Nam năm 1960 đều không có từ xã hội chủ nghĩa. Và điều mong ước cuối cùng của Cụ Hồ cũng là “Một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Nhiều nhà bình luận về sự kiện Trung Quốc gây hấn với ta mới đây, như Ernest Bower, giám đốc chương trình Đông Nam Á (của CSIS) trả lời phóng viên Hoài Hương của VOA đã cho rằng: “Nhưng dù sao họ cũng là hai nước cộng sản anh em” (!). Ông Richard Pearson, nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Việt Nam và Biển Đông, nhận định: “Sự cởi mở của chính quyền Obama đối với Việt Nam đã đạt tới ranh giới buộc phải chấp nhận trong xã hội dân sự và những giá trị Mỹ. Giờ đây đã đến lúc Hà Nội phải thực hiện hành động tiếp theo.” Mặc dù Philippines không bị Trung Quốc đe dọa láo xược như đối với Việt Nam, nhưng ngoại trưởng Clinton nhiều lần lên tiếng: Chúng tôi muốn nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc bảo vệ Philippines”. Ông Greg Autry, đồng tác giả quyển Thần chết Trung Quốc, cho rằng Việt Nam cần thoát khỏi sự ràng buộc làm đồng minh thể chế với Trung Quốc, để có được một vị thế mới trong lòng nhân loại: “Nếu Việt Nam có thể thay đổi chế độ chính trị một cách đáng tin cậy thì Việt Nam gần hơn với Hoa Kỳ và Châu Âu, và có thể lúc đó Hà Nội lại đi bước trước Bắc Kinh trong việc trở thành một nhân vât quan trọng trên thế giới”.
Trước họa xâm lăng nhãn tiền, lịch sử đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam sáng suốt đứng hẳn với dân tộc, không vấn vương ý thức hệ lỗi thời, chọn những giải pháp cứu nước tốt nhất. Xin chỉ nêu ra dưới đây những điều thật cấp thiết.
MỘT CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ ĐÚNG NHƯ LỜI HỨA CỦA CỤ HỒ
Bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 không chỉ là lời hứa mà đúng ra phải gọi là Lời thề của Cụ Hồ trước quốc dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Nhân dân Việt Nam nhất tề hưởng ứng và trung thành với Lời thề ấy suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh. Hai câu mở đầu trích từ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Pháp đã chứng minh dứt khoát rằng Cụ Hồ đã chọn cho nhân dân mình nền Tự do Dân chủ từ tư tưởng của các bậc khai sáng vĩ đại của Pháp và phương Tây thế kỷ 18. Trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Marx, Lenin không có khái niệm “dân chủ xã hội chủ nghĩa” và “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Phải nói đó là những ngụy ngôn, nhằm hồi sinh cho một khái niệm đã chết. Cái mà Lenin gọi là “dân chủ gấp triệu lần hơn” chính là nền chuyên chính vô sản, bản chất “dân chủ triệu lần” của nó được biện hộ rằng nó đại diện cho một xã hội trải qua cải tạo giai cấp triệt để chỉ còn duy nhất một giai cấp công nhân.
Ngoài việc tự tay soạn bản Tuyên ngôn Độc lập đúng tầm thời đại, Hồ Chí Minh còn có nhiều danh ngôn về tự do dân chủ trong hằng trăm bài viết. Nếu nhìn vào hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay và nhận xét một cách trung thực thì chẳng có gì giống với những điều Hồ Chí Minh đã nói, đã hứa hẹn, đã thề bồi! Có người cho rằng lý tưởng cao đẹp từ cách mạng Tháng Tám đã bị phản bội! Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận xét đó. Hồ Chí Minh nhiều lần công khai trả lời rằng mình chỉ xem chủ nghĩa Marx, Lenin là một phương tiện để giành độc lập dân tộc, chứ không phải là mục đích. Ông đã có nhiều hành động chứng tỏ điều ấy, cho nên đã bị Stalin trù dập và bị Trần Phú, Hà Huy Tập… công kích gay gắt. Ông không thể đưa con thuyền cách mạng Viêt Nam cặp bến dân chủ, điều đó phải xét tới trách nhiệm của các thế lực hiếu chiến Pháp, Mỹ, buộc ông phải tìm liên minh với phe xã hội chủ nghĩa.
Trước họa xâm lăng hiện nay, lão anh hùng Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng cần thực hiện dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội để tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Phải thẳng thắn thưa rằng, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, với thể chế toàn trị xã hội chủ nghĩa thì không thể nào làm được điều mong ước dân chủ tốt đẹp ấy!
Vậy nền dân chủ mà nhân loại đòi hỏi là gì? Dân chủ là thể chế hóa quyền tự do của nhân dân. Điều 1 Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Pháp viết: “Mọi người sinh ra sống tự do và bình đẳng về các quyền…”; Điều 4: “Tự do bao gồm quyền có thể làm mọi điều không gây hại cho người khác…”. Để giới hạn những điều không gây hại cho người khác, J. J. Rousseau cho rằng cần có “Khế ước xã hội”, hạn chế cái tự do thiên nhiên, quy định những điều được làm trong quyền tự do dân sự. Trong trạng thái dân sự, con người có quyền tự do tinh thần, và “tuân theo quy tắc do mình tự đặt ra”. Thể chế dân chủ, nhà nước pháp quyền là định hình của Tự do.
Để có một nhà nước dân chủ, thực sự của dân, do dân, vì dân, phải thực hiện cuộc bầu cử có đủ các yếu tố:
ü Bình đẳng, tức là không phân biệt giai cấp, gái trai, chủng tộc;
ü Phổ thông tức là mọi người dân đã trưởng thành đều có quyền ứng cử, bầu cử;
ü Tự do, tức là tôn trọng mọi quan điểm chính trị khác nhau;
ü Cạnh tranh, tức là công khai cương lĩnh tranh cử để người dân chọn lựa; và theo định kỳ mấy năm bầu lại một lần.
Nhà nước dân chủ là nhà nước pháp quyền, chứ không phải “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, một sản phẩm của TBT Đỗ Mười ra đời 29 tháng 11 năm 1991 nhằm duy trì ý thức hệ với nội dung “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VỚI TAM QUYỀN PHÂN LẬP
Sau 18 năm thực hiện “tam quyền được phân công và phối hợp” của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiến sĩ Hồ Bá Thâm dù hết sức e dè vẫn phải nói: “Kéo dài ngày càng trầm trọng tệ tham nhũng, cửa quyền, quan liêu, lãng phí hiện nay trong hệ thống chính trị và trong xã hội ta, càng thấy thiếu sót lớn trong một cơ chế thiếu giám sát và kiềm chế quyền lực tệ hại như thế nào. Đó là chỗ hổng và yếu kém nhất trong cơ chế tam quyền của nhà nước, phải được khắc phục sớm”.
Tuy nhiên văn kiện Đại hội 11 vẫn viết na ná như cũ, chỉ thêm “cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền đó”. Vấn đề không phải là “kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện” mà là ba quyền phân lập, để quyền lực này kiềm chế, giám sát quyền lực kia, chống sự lạm quyền. Chính phủ phải bị kiểm soát bởi luật pháp thì mới không là cấp trên, là cha mẹ của dân, mới thành tâm làm đầy tớ của dân. Một thể chế không hạn chế được quyền lực thì bao nhiên cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng vô hiệu. Chỉ một tập đoàn kinh tế như Vinashin chứ không phải cơ quan quyền lực nhà nước, thế mà qua 11 cuộc thanh tra cấp nhà nước vẫn không thể phát hiện được là nó dã thâm thủng ngót trăm ngàn tỉ đồng, và sắp sụp đổ!
Cả ba quyền của Nhà nước Việt Nam đều yếu kém, nhưng có lẽ tệ nhất là quyền tư pháp, nó không dám nói một lời nào trước những bộ luật vi hiến rất nghiêm trọng, tước mất mọi quyền tự do của nhân dân, nó sợ quan chức ở tất cả các cấp, nó luôn chờ ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng trước khi mở phiên tòa!
2500 năm trước nhà hiền triết Platon đã có lời răn: “Tôi nhìn thấy sự sụp đổ nhanh chóng của nhà nước ở nơi nào pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền lực của một ai đó. Còn nơi nào pháp luật đứng trên nhà cầm quyền và các nhà cầm quyền chỉ là nô lệ cho pháp luật thì ở đó có sự cứu thoát cho nhà nước”.
Chấp nhận tam quyền phân lập không chỉ nhân dân được lợi mà chính là sự cứu rỗi cho Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ hội thoát khỏi vũng bùn tham nhũng ô nhục đang gây đau nhức lương tâm của hàng triệu đảng viên chân chính và công nhân, nông dân nghèo khổ.
TỰ DO, NHÂN QUYỀN ĐÚNG NỘI DUNG CỦA CÁC CÔNG ƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC
Hiến pháp 1992 ghi nhận đủ mọi quyền tự do, nhân quyền nhưng các bộ luật vô hiệu hóa tất cả! Có hai lý lẽ bào chữa cho sự đánh tráo khái niệm này là: Vì đảm bảo an ninh; vì truyền thống văn hóa.
Chỉ cần nhắc lại ý kiến Marx, Engels 160 năm trước trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng đủ thấy lập luận trên là sai trái, thậm chí là phản động: “Những thành quả hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất hẹp hòi phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa” (sách đã dẫn, trang 50). Hội nghị nhân quyền ở Vienna 1993 nhắc nhở: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Cộng đồng quốc tế phải xử lý các quyền con người theo phạm vi toàn cầu một cách công bằng và bình đẳng và được coi trọng như nhau”, và “Trong khi công cuộc phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho việc hưởng thụ mọi quyền con người, không viện dẫn sự kém phát triển để biện minh cho việc cắt xén các quyền con người đã được quốc tế thừa nhận”. Chính vì không chịu làm như thế cho nên các tổ chức quốc tế và Bộ Ngoại giao Mỹ luôn luôn xếp Việt Nam thuộc những quốc gia tồi tệ nhất trong việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền.
Công ước quốc về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện từ năm 1982, nay đã qua 29 năm lẽ nào cứ khất lần mãi?
QUYỀN TỰ DO CHÍNH TRỊ
Lời nói đầu ICCPR viết:
“Chỉ có thể đạt được lý tưởng của con người tự do được tận hưởng tự do về dân sự và chính trị, không bị sợ hãi và thiếu thốn nếu tạo được những điều kiện để mỗi người có thể hưởng các quyền dân sự và chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của mình”.
Và Điều 2: “Mỗi quốc gia thành viên của Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình, các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, CHÍNH KIẾN (tôi nhấn mạnh) hoặc mọi quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc và xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc các điều kiện khác”.
Hàng chục năm qua, những người nói lên chính kiến khác của mình, tức là khác với chủ nghĩa Marx-Lenin hoặc khác với đường lối chính trị của Đảng đã bị bắt, bị tù, nhưng không gọi là tù chính trị mà là tội phạm luật hình!
Gần một thế kỷ trước lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Đức Rosa Luxemburg đã nói “Tự do không phải dành riêng cho đảng viên của một Đảng, dù Đảng ấy đông đảo đến đâu đi nữa. Tự do luôn luôn phải là tự do của những người bất đồng chính kiến”.
QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
Điều 19 của ICCPR:
“1-Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào.
“2- Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bảng viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ.
“3- Việc thực hiện những điều quy định tại Khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên những hạn chế này phải được pháp luật quy định là cần thiết để:
a/ Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác;
b/ Bảo vệ an ninh quốc gia, hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”( Điều 19 ).
Quyền tự do ngôn luận đã được các Hiến pháp nước ta từ 1945 đến 1992 ghi nhận, nhưng chỉ được thực hiện những năm 1945-1955. Các Luật báo chí sau này chỉ công nhận quyền tự do ngôn luận của tập thể, cắt bỏ hầu hết quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân. Khi bị chỉ trích thì vin vào việc phải “bảo vệ an ninh quốc gia” chưa thể thực hiện cho mỗi người. Chẳng những thế, Luật hình sự Việt Nam đã chế biến nội dung điều 19 của ICCPR thành nội dung Điều 88, với mức án phạt nhiều năm tù!
Trong khi đó, Tổng thống Obama, sau khi đắc cử đã tuyên bố với báo chí rằng: “Một chính phủ lấn lướt báo chí, một chính quyền không bị đối mặt với hệ thống truyền thông cương trực và mạnh mẽ, đó không phải là sự lựa chọn của nước Mỹ!”. Ông Obama liên tục bị hệ thống truyền thông Mỹ công kích, thế nhưng cho đến nay chưa có ứng cử viên nào sáng giá hơn ông trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2012.
Chúng ta đều biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì đòi quyền tự do báo chí cho nhân dân Việt Nam từ năm 1919 khi đưa Bản yêu sách tới Hội nghị Versailles. Từ đó về sau Cụ liên tục nhắc lại đòi hỏi này: “Mãi tới bây giờ vẫn chưa có một người Việt Nam nào được cho phép xuất bản một tờ báo. Tôi muốn nói về những tờ báo về chính trị, kinh tế, hay văn học của người dân lập ra như chúng ta từng thấy ở châu Âu, hoặc các nước châu Á khác, chứ không phải tờ báo do chính quyền thành lập” (1921-1926).
Sau Cách mạng tháng Tám, trong tình hình chính trị phức tạp, ngày 21 tháng 3 năm 1946, Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã ký sắc lệnh “Cho phép báo chí xuất bản không phải xin phép mà chỉ cần thông báo cho nhà chức trách biết.” Cũng cần nhắc lại rằng năm 1938, báo Dân chúng của Đảng Cộng sản (ở số 43 Đường Hamelin, nay là Lê Thị Hồng Gấm Q1, TP HCM) xuất bản không xin phép và được Chính quyền thực dân Pháp chấp nhận, sự kiện này mở đầu cho quyền tự do báo chí ở nước Việt Nam thuộc địa. Chẳng lẽ sau hơn 60 năm cách mạng, quyền tự do ngôn luân, tự do báo chí, bị lùi lại so với chế độ thực dân Pháp?! Chẳng lẽ thực dân Pháp không sợ ngôn luận của Đảng và nhân dân Việt Nam công kích chúng, mà ngày nay Đảng lại sợ ngôn luận tự do của chính nhân dân mình?
QUYỀN TỰ DO HỘI HỌP, LẬP HỘI
Hiện nay, Việt Nam có hơn 300 hội đoàn hoạt động trong phạm vi cả nước và khoảng 2000 hội đoàn hoạt động trong nội bộ các tỉnh thành. Trung bình mỗi người có chân trong hơn 2 hộị đoàn. Các đoàn thể lớn như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, ở cấp Trung ương đều do Ủy viên Trung ương Đảng làm chủ tịch. Ở các cấp dưới thì do Ủy viên Thường vụ Đảng làm chủ tịch. Các đoàn thể này và cả các đoàn thể nhỏ hơn như Hội Cựu chiến binh, Hội Nhà báo, Hội Nhà văn, Hội Khoa học Kỹ thuật… đều ăn lương Nhà nước. Các đoàn thể là cánh tay nối dài của Đảng. Các hội đoàn kể trên, dù hội viên không tín nhiệm cũng cứ phải vào, không ai được phép đứng ra lập một hộị đoàn thứ hai, dù xin tự nguyện hoạt động không ăn lương Nhà nước.
Các hội đoàn đều có trường huấn luyện cán bộ. Công đoàn có trường đại học và nhiều trường cấp tỉnh thành. Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của tất cả các đoàn thể đều rất kém, thường bị chỉ trích là “hành chính hóa” các hoạt động. Ví dụ như Công đoàn, mấy năm nay đã có hằng ngàn cuộc đình công tự phát, tức là công nhân đình công không có chỉ đạo của Công đoàn (như vậy bị coi là không hợp pháp!). Có những cuộc đình công từ 5.000 đến 10.000 công nhân tham gia. Năm 2010 có 424 vụ đình công, quý 1 năm 2011 có 220 vụ đình công. Trước tính trạng đó, những người soạn thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động, đã đề nghị cho phép thành lập “đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn”. Trong cuộc họp do Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức để góp ý Dự thảo này, các cán bộ công đoàn đã phê phán rất mạnh mẽ đề nghị nói trên với hai lý do:
1- Sự hiện diện của một tổ chức không phải là công đoàn mà làm thay chức năng của công đoàn, tạo tiền lệ hết sức nguy hiểm, nếu không nói là cổ xúy và thừa nhận “đa nguyên công đoàn”.
2- Nhiều đại biểu cho rằng đây là một bước lùi: Bởi phần lớn các cuộc đình công đã qua là đình công về quyền chứ không phải đình công vì lợi ích (!) Do đó nếu không điều chỉnh kịp thời thì sẽ còn tiếp tục có những cuộc đình công không tuân theo quy định của pháp luật.
Ở các quốc gia dân chủ người ta sẽ khó hiểu câu chuyện kể trên. Đã bao nhiêu năm tổ chức Công đoàn không làm được trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho công nhân, nay chỉ vì để chữa cháy mà người ta đề ra biện pháp tạm thời cho công nhân bấu víu khi chưa lập được công đoàn thì lại quy chụp một tội tày đình, có thể đi tù! Người công nhân đi làm chỉ mong có lương, có phụ cấp, thậm chí vài nghìn đồng cho bữa ăn giữa ca, ai cũng thấy vậy, họ đâu có đòi làm vương làm tướng gì để có thể chịu rủi ro mất việc?
Quyền tự do hội họp, và lập hội như trên thì rõ ràng là điều Cụ Hồ đòi từ năm 1919 đến nay người Việt Nam vẫn chưa có.
CẦN CÓ MỘT XÃ HỘI CÔNG DÂN!
Thực hiện những điều kể trên là tạo điều kiện để tái lập xã hội công dân (cũng gọi là xã hội dân sự) đã bị mất đi từ khi thiết lập thể chế xã hôi chủ nghĩa toàn trị. Người ta coi nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội công dân là ba chân kiềng của chế độ dân chủ. Vì sao?
Khái niệm xã hội công dân (cũng gọi là xã hội dân sự) có từ thời thượng cổ, nó đáp ứng sự cần thiết của người dân tự nguyện liên kết với nhau ngoài chính trị, ngoài nhà nước, bảo vệ những lợi ích, những giá trị sống, vừa xây dựng vừa chống lại xu hướng độc tài, quan liêu của nhà nước.
Nhà nước luôn luôn có xu hướng lạm quyền. Ở các nước dân chủ, vẫn còn những tiêu cực, các Đảng ra tranh cử đôi khi đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của dân. Nhà nước không xử lý thỏa đáng các vấn đề như thuế má, phúc lợi xã hội, can thiệp bằng chiến tranh với bên ngoài… Trong chế độ dân chủ, mỗi người dân có lợi ích và xu hướng khác nhau, họ tìm đến nhau thành những nhóm, những hội, rồi những nhóm những hội này tìm sự đồng thuận với những nhóm những hội khác. Xã hội công dân đấu tranh ôn hòa bảo vệ tự do của con người trong xã hội hiện đại. Nhà nước pháp quyền điều tiết sự khác nhau giữa các nhóm, các hội bằng pháp luật, khi cần thì điều chỉnh pháp luật trên cơ sở của một chế độ mọi quyền lực thuộc vế nhân dân.
Ở các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết thì trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội đều bị chính trị hóa. Mọi quyền sở hữu, về tư liệu sản xuất, cả sở hữu sức lao dộng của mình cũng không còn, tất cả đều là của tập thể. Xã hội công dân bị buộc phải nhường chỗ cho xã hội toàn trị. Cuộc dân chủ hóa ở Liên xô và Đông Âu là quá trình hình thành và lớn lên của xã hội công dân, đưa tới sức mạnh chuyển quyền lực chính trị từ nhà nước chuyên chính sang nhân dân.
Việt Nam ta đến nay vẫn chưa có một xã hội công dân đúng nghĩa.
Cuộc Đổi mới chính trị quá chậm so với đổi mới kinh tế, sau 25 năm vẫn chưa có một nhà nước thực sự dân chủ, các quyền tự do dân sự và chính trị không được thực hiện, do đó chưa hình thành một xã hôi công dân. Tình hình đó làm tích tụ dông bão rất nguy hiểm đối với Đảng cầm quyền và có thể làm tiêu hao sinh lực của dân tộc, trước giặc ngoại xâm.
XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA HIỆN ĐẠI
Tổ tiên chúng ta đã để lại một đất nước nghìn năm văn hiến mà cốt lõi là tư tưởng nhân văn cao cả “Thương người như thể thương thân”. Hơn một trăm năm qua, chúng ta cũng có nhiều thành công trong việc Việt Nam hóa những tinh hoa văn hóa của nhân loại, đặc biệt là từ văn hóa Pháp và phương Tây. Vào thời xây dựng chủ nghĩa xã hội chúng ta du nhập tư tưởng “người với người là bạn”, “mình vì mọi người, mọi người vì mình” rất đẹp, nhưng không làm được bao nhiêu, đến nay thì không còn gì.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa Việt Nam đang lâm vào bất ổn, nổi bật là đạo đức xã hội xuống cấp, dối trá, lừa đảo, bạo lực đang thay cho trung thực, minh bạch, nhân hậu.
Chúng tôi cho rằng sự đảo điên nhân tình bắt nguồn từ sự đảo điên của thể chế: Nói quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân, nhưng nhân dân không có quyền gì cả; nói cán bộ đảng viên là đầy tớ của nhân dân, nhưng thực tế họ như là cha mẹ nhân dân; nói công nhân là giai cấp lãnh đạo, nhưng thực tế họ làm tăng ca, tăng kíp vẫn lương không đủ ăn, đi biểu tình thì bị coi là bất hợp pháp… Cuộc sống đẩy con người phải phản ứng, nhưng không được luật pháp bảo vệ, hướng dẫn sự phản ứng bằng hành động ôn hòa, khiến nảy sinh những manh động mất lý trí, rồi sự lặp đi lặp lại tình trạng ấy của số đông lâu ngày trở thành một nếp văn hóa tiêu cực.
Chế độ xã hội chủ nghĩa áp đặt quan điểm chính trị lên sinh hoạt văn hóa, đặt ý thức hệ lên trên đạo đức truyền thống, lấy chủ nghĩa Marx, Lenin làm chân lý độc tôn, đề cao tuyệt đối chủ nghĩa tập thể, đồng nhất chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa vị kỷ, buộc văn học, nghệ thuật phải minh họa đường lối chính trị, phục vụ chính trị. Đó là những nguyên nhân làm cho văn hóa thui chột và méo mó.
Phải để cho văn hóa phát triển tự nhiên trong cuộc sống tự do dân chủ, lao động sáng tạo, giữ lại cái đẹp của dân mình và du nhập cái tinh hoa của người, nước ngoài, sàng lọc và thải loại những gì không phù hợp với thể trạng tinh thần của người Việt Nam trong cuộc sống luôn luôn đổi mới.
CẢI CÁCH GIÁO DỤC
Giáo dục Việt Nam cũng đang bị khủng hoảng hàng nửa thế kỷ vẫn không tìm thấy lối ra. Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn”. Câu nói ấy cho ta hiểu là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đã đem tới sự mất gốc đó. Cụ giáo sư đáng kính Hoàng Tụy đã bỏ ra bao tâm trí để “Giáo dục, xin cho tôi nói thẳng”. Cụ đã nói thẳng và nói với kiến thức sâu sắc của một vị giáo sư, với kinh nghiệm cả đời. Về nguyên nhân từ thể chế thì tuy Cụ đã có cách nói khéo léo, mềm mỏng, vậy mà cũng bị thổi còi. Tôi nghĩ, giáo dục cũng giống như văn hóa, đã bị kiềm hãm bởi ý thức hệ, không thoát ra khỏi ràng buộc của chính trị của triết lý giáo dục cộng sản. Điều này thể hiện cả trong biên soạn sách giáo khoa, trong phương pháp giảng dạy, trong cung cách đào tạo và sử dụng người thầy…
Ngày nay người ta đòi hỏi giáo dục trước hết là đào tạo ra con người tự do, con người dám khác với những người khác dù đó là vĩ nhân, con người luôn luôn đầy ắp ý kiến phản biện. Triết lý giáo dục đó hoàn toàn trái với triết lý tôn thờ chân lý độc tôn, chân lý vĩnh cửu, không chấp nhận diễn biến hòa bình, không cho phép tự diễn biến; Lãnh tụ vĩ đại, Đảng quang vinh đã bao cấp đủ mọi chân lý lớn nhất, hãy cứ thế mà làm theo. Triết lý giáo dục chính thống như thế phải đẻ ra sách giáo khoa dành 30-40% cho các nội dung phục vụ chính trị; dành cho vô số sách tham khảo bài văn mẫu, bài giải toán mẫu. Phương pháp dạy cứ là thầy đọc, trò chép. Luận văn tốt nghiệp, luận án tiến sĩ là những sao chép, xào lại.
Giáo sư Pierre Darriulat đã tóm tắt bài viết của đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuốn sách của giáo sư Hoàng Tụy thành 4 câu súc tích: Chúng ta phải dừng lại việc nói một đằng làm một nẻo; chúng ta phải khôi phục phẩm giá cho giới trí thức và học giả; chúng ta phải có kế hoạch rõ ràng cho nghiên cứu và giáo dục cho tương lai; chúng ta phải chấm dứt nạn chảy máu chất xám. Tôi xin bổ sung một ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt: “Chúng ta phải khôi phục lại tính chất phi chính trị của nhà trường để ở đấy học sinh không còn phải nói dối”.
XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Chúng ta bắt đầu đổi mới từ kinh tế và đã đạt được thành tựu trong những năm đầu khá ngoạn mục, khiến nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài hy vọng sự xuất hiện con rồng con hổ Việt Nam trong tương lai không xa. Tiếc thay, những thế lực bảo thủ (trong đó có cả giả vờ bảo thủ, kỳ thực là tìm cách duy trì môi trường để tham nhũng!) đề cao cái tính từ xã hội chủ nghĩa, làm biến dạng nền kinh tế thị trường, mỗi lần gây ra đổ vỡ thì bào chữa bằng lập luận “chúng ta sáng tạo con đường kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa chưa từng có tiền lệ!”. Dự thảo văn kiện Đại hội 11 là một bước lùi so với Đại hội 10, khi người ta đưa thêm “Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”. Mãi đến trước ngày bế mạc mới có quyết định bỏ điều sai trái này, nhưng vẫn giữ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” dù cho nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu của đất nước khuyên nên bỏ.
Nếu nói trên quan điểm về kinh tế thì có thể lý giải sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa là: Nền kinh tế tư nhân đã đánh bại nền kinh tế nhà nước! Nền kinh tế sở hữu tư nhân đã đánh bại nền kinh tế công hữu. Nhìn ra thế giới sẽ thấy, nước nào đi vào con đường xã hội chủ nghĩa thì nghèo đói; nước nào đi vào kinh tế thị trường thì dân giàu, nước mạnh. Nhìn lại nước ta, kinh tế nhà nước hủy hoại không biết bao nhiêu vốn liếng. của nhân dân ky cóp. Cái đuôi xã hội chủ nghĩa đã làm biến dạng kinh tế thị trường nước ta gây nhiều hậu quả: Kinh tế Việt Nam bắt đầu lâm vào khủng hoảng trước khủng hoảng của thế giới một năm, từ 2008 lạm phát đã tăng lên 20%, chỉ số ICOR từ 5 lên 6, 9, nhập siêu tăng, và có nhiều biểu hiện lọt vào vòng tay Trung Quốc.
Kinh tế Việt Nam năm 2011, được nhiều cơ quan thẩm định quốc tế gọi là “đã rơi tới đáy”. Nguy hiểm nhất là lệ thuộc Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu 2011 nhập siêu từ Trung Quốc 4 tỉ USD, 5% hàng tiêu dùng, 55% nguyên, phụ liệu, 25% thiết bị loại kỹ thuật lạc hậu rẻ tiền. Có 41 dự án trọng điểm quốc gia do 30 công ty Trung Quốc thắng thầu. Có đến 90% các dự án trọng điểm về điện, dầu khí, viễn thông, cơ khí, hóa chất và 100% dự án khai khoáng đều do các công ty Trung Quốc trúng thầu! Ôi gỡ sao cho khỏi tình trạng lệ thuộc đây! Có người cho rằng nếu chống lại sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc coi chừng sẽ gây ra thiệt hại về phía Việt Nam. Không! Chúng ta không bao giờ chống sự hợp tác kinh tế bình đẳng với Trung Quốc. Chúng chỉ nên xem lại những sơ hở đang làm cho nước ta nhận thiết bị lỗi thời, mua rác rưởi của họ thải loại, tạo điều kiện để họ đưa lao động giản đơn vào sinh cơ lập nghiệp khắp nơi, lấy vợ đẻ con, lẫn trong đó chắc chắn có những âm binh, gián điệp vô cùng nguy hiểm!
Hãy vì lợi ích của nhân dân và Tổ Quốc cắt bỏ cái đuôi”xã hội chủ nghĩa” cho cơ chế thị trường lành mạnh. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không coi kinh tế nhà nước là chủ đạo, không ưu đãi, giải cứu những công ty nhà nước thua lỗ.
Phải đặt thời hạn để giảm dần và chấm dứt mô hình phát triển kinh tế theo chiều rộng là: khai thác lao động giá rẻ, giá trị thấp; khai thác tài nguyên xuất thô; đầu tư thiết bị lỗi thời dùng nhiều lao động cơ bắp, tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu; sử dụng lãng phí đất đai; gây ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chỉ có thể thực hiện được khi có một thể chế dân chủ và thoát khỏ vòng tay o ép của Trung Quốc.
AI LÀ BẠN CHÍ THIẾT CỦA VIỆT NAM?
Chúng ta đã có nhiều thành công khi tuyên bố Việt Nam là bạn của tất cả các nước. Một thành công quan trọng nữa là trở thành đối tác chiến lược với Mỹ, kẻ thù cũ. Tuy nhiên cũng có bạn thân và bạn sơ. Hơn 20 năm nay nêu hỏi cả năm châu xem ho nghĩ rằng ai là bạn thiết cốt của Việt Nam thì sẽ dễ dàng nhận được câu trả lời: Trung Quốc!
Người Pháp có câu, hãy nói bạn thân của anh là ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào! Chà, đến đây chúng ta sẽ thấy cái khó cho mình trên bàn cờ khu vực và thế giới hôm nay. Một lần nữa lại muốn so sánh ta với Nhật Bản và cả nước Đức nữa. Ngay sau khi bại trận hai nước này kịp hiểu nguyên nhân bại trận của nước họ, và nhìn nhận đúng bản chất kẻ thù của mình và lập tức đổi thù ra bạn, mà còn là bạn thiết cốt nữa! Hơn nữa thế kỷ đã qua, thực tế đã xác nhận hai nước Đức, Nhật hoàn toàn đúng trong việc chon bạn, nhờ đó mà trở thành giàu mạnh nhất nhì thế giới.
Rất tiếc chúng ta không hiểu kẻ thù cũ của mình cũng không biết kẻ thù mới của mình. Mỹ sai lầm vì cho rằng đánh ta là đánh vào tiền đồn cộng sản, không ngờ rằng khi đó người Việt Nam kể cả đảng viên không hề nghĩ mình chiến đấu vì chủ nghĩa cộng sản mà chỉ vì Tổ Quốc bị xâm lược. Sau khi bị thua, Mỹ mau chóng hiểu ra vấn đề và muốn làm lành với ta. Nhưng chúng ta lại không hiểu, nên cứ tiếp tục thù dai. Ta không hiểu Mỹ, còn có nguyên nhân là vì chưa dám cởi bỏ ý thức hệ, sợ bị mất quyền lãnh đạo. Trong khi đó, cũng vì ý thức hệ, chúng ta vấp một lầm lẫn nguy hiểm là đổi kẻ thù bành trướng tàn bạo thành bạn chí thiết, còn hơn cả chí thiết, vì là đổng chí “16 chữ vàng” và “bốn tốt”.
Cái thế của đất nước đòi hỏi Đảng Cộng sản thực hiện lời hứa của mình “không có lợi ích nào ngoài lợi ích của nhân dân và Tổ quốc”. Vì lợi ích nhân dân và Tổ quốc, Đảng cần nhanh chóng và triệt để đổi mới, đổi mới toàn diện, thực hiện những yêu cầu đã kể ở trên, để có thể trở thành bạn thân thiết của thế giới dân chủ và có thể trở thành đồng minh chiến lược với Mỹ. Có thể sẽ có ý kiến cho rằng: Bất cứ nước nào cũng lấy lợi ích của họ làm cơ sở khi cam kết với đồng minh, và khi có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ thì họ vẫn có thể vứt bỏ đồng minh để tự cứu. Điều đó không sai, mỗi quốc gia phải tự vươn lên hùng mạnh, bằng đường lối khôn ngoan và dũng cảm của mình, không bao giờ được ỷ lại bên ngoài. Không ai muốn làm bạn với kẻ yếu, lại không có kế sách để mạnh lên và không có gì để trao qua đổi lại. Có thể lại có ý kiến: Trung Quốc có nhiều thế mạnh để mặc cả, thương lượng với Mỹ hơn ta? Không đúng! Vì trong cuộc đấu tranh này chúng ta có chính nghĩa, chúng ta được luật pháp quốc tế bảo trợ, lợi ích của chúng ta phù hợp với lợi ích của các quốc gia trong khu vực và cả thế giới. Nước ta có vị trí cực kỳ quan trọng trong giao thương hàng hải, đặc biệt còn có vịnh Cam Ranh ở vị thế chiến lược để làm chủ cả Biển Đông. Nếu dân chủ hóa thành công thì cán cân thế và lực hoàn toàn nghiêng về chúng ta trong cuộc đấu tranh ngoại giao, mở rộng bè bạn, giao kết đồng minh.
Tổ quốc đang kêu gọi: Tất cả để cứu nước! Tất cả để chiến thắng!
Viết trong những ngày sôi sục cả tim gan.
Tống Văn Công.
Nguồn BoxitVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét