Pages

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

'Không tỏ thái độ, TQ sẽ lấn tới'

Một đại biểu Quốc hội Việt Nam nói với BBC rằng theo ông Việt Nam cần "rút kinh nghiệm" sau việc báo chí nhà nước "không đưa tin kịp thời" về những cuộc biểu tình của người dân chống Trung Quốc mấy tuần qua.

Trả lời Quốc Phương của BBC Việt ngữ, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên của Quốc hội, cũng cho rằng "Việt Nam, các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, không tỏ thái độ thì Trung Quốc chắc là sẽ lấn tới".

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Suốt từ hôm 5 tháng Sáu tới nay, ở cả Hà Nội lẫn TP Hồ Chí Minh đã diễn ra các cuộc biểu tình của thanh niên, trí thức và nhiều giới xã hội, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để phản đối các hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Chúng tôi thấy đây là những cuộc biểu tình ôn hòa của những người trong nước và đặc biệt ở Hà Nội, gần như Chủ Nhật nào cũng có các cuộc biểu tình như vậy. Đồng bào trong nước, theo tôi đánh giá, theo dõi cuộc biểu tình ấy với sự ủng hộ, với sự thiện cảm. Cũng có những người có điều kiện tham gia và cũng có những người không có điều kiện tham gia.

Hành động không thích đáng

BBC: Theo Giáo sư, phản ứng vừa qua của Chính phủ Việt Nam cũng như của giới truyền thông trước các diễn biến được cho là gây căng thẳng của Trung Quốc, đã đủ mạnh mẽ và kịp thời chưa?

Và việc các báo không đưa tin kịp thời, tôi cho cũng là một việc rất phải đáng rút kinh nghiệm.
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi hiểu, về phía chính phủ, do quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và cũng do những phương sách đối ngoại, để đảm bảo vừa giữ được chủ quyền lãnh thổ, vừa tránh gây thêm căng thẳng, nên trong ứng xử, cũng không thể nào ủng hộ các cuộc biểu tình một cách rõ ràng được. Tuy nhiên, trong lúc thi hành công vụ cũng đã diễn ra một số hành động không thích đáng, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và tôi cho những hành động đó cần phải được chấm dứt.

Còn về truyền thông trong nước, thì lần này truyền thông cũng có đưa tin dựa trên một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, nhưng tôi cho rằng lời lẽ ở trong bản tin đó là không thích đáng. Và việc các báo không đưa tin kịp thời, tôi cho cũng là một việc rất phải đáng rút kinh nghiệm. Vì trong lòng, các nhà báo cũng như người dân Việt Nam tôi tin là đều hết sức phẫn nộ trước những hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nhưng vì những lý do tế nhị nào đó mà các báo ngại đưa tin, hoặc chưa đưa tin một cách thực sự đúng mức. Điều này có thể làm cho người nước ngoài hiểu lầm về thái độ của người dân Việt Nam đối với những hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc.

BBC:Liệu một thỏa thuận ngoại giao trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tuần qua của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và các quan chức đảng, chính quyền phía Trung Quốc, theo đó có sự nhất trí về việc điều chỉnh định hướng dư luận quần chúng, có sẽ dẫn tới việc làm chấm dứt các cuộc biểu tình, tuần hành chống Trung Quốc của người dân Việt Nam ở trong nước, như đã thấy trong bốn tuần qua?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tôi rất hoan nghênh những thỏa thuận giữa Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn với các ông Đới Bỉnh Quốc, và tôi cho là hai nước cần tiếp tục đàm phán để giải quyết các vấn đề hòa bình ở trong quan hệ giữa hai nước, nhất là trên Biển Đông. Tuy nhiên, có một điều thực tế cho thấy là nhà cầm quyền Trung Quốc thường là “nói một đằng, làm một nẻo”, cho nên người dân của mình vẫn phải tiếp tục theo dõi.

Ít người tham gia

BBC: Các cuộc biểu tình ở trong nước bốn tuần qua có vẻ có ít người tham gia, Giáo sư có nghĩ như vậy không và tại sao lại có ít người tham gia như vậy?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra cũng có lần đã lên tới cả nghìn người, nhưng vài lần khác thì nó chỉ có độ khoảng vài trăm, hoặc có cuộc xấp xỉ một trăm, như tôi theo dõi. Việc không có đông người lắm cũng có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân trước hết là không được sự ủng hộ của Chính quyền. Thậm chí nhiều trường đại học còn có công văn, hoặc có email đưa ra, nói rằng không đồng ý cho sinh viên tham gia biểu tình. Và thậm chí có trường nói là sẽ có hình thức kỷ luật sinh viên. Tôi cho những việc làm như thế đã làm hạn chế số lượng người tham gia.



Một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra ở Việt Nam thời gian qua



Nhưng tôi cho rằng đó là do tình hình như ở hiện nay thôi, còn nếu tình hình căng thẳng hơn nữa thì tôi chắc là không có gì có thể ngăn cản được người ta thể hiện thái độ của mình.

BBC: Nhìn lại các hành vi gần nhất của Trung Quốc mới đây, từ việc cắt cáp tàu Bình Minh 2 cho tới các hoạt động phô trương hải quân, tăng cường hải giám..., bên cạnh các phát ngôn khác khẳng định chủ quyền của TQ trên Biển Đông, xâu chuỗi lại, theo Giáo sư, Trung Quốc thực sự có chủ ý gì?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tham vọng của Trung Quốc đối với các đảo của Việt Nam, như các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, như đã rõ, thì đã có từ lâu rồi. Năm 1974, Trung Quốc đã đưa quân đánh các lực lượng của chế độ cũ bảo vệ quần đảo Hoàng Sa ấy với một lực lượng rất áp đảo và chiếm quần đảo Hoàng Sa từ bấy đến giờ.

Nhưng trong hành động khiêu khích của Trung Quốc lần này, thì nó nhằm mấy mục đích như sau. Trước hết là biến vùng thuộc lãnh hải Việt Nam, thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành một vùng tranh chấp. Tức là một vùng vốn không phải là tranh chấp, nhưng vì các hành động này, thì thế giới coi đây như là vùng tranh chấp. Và thứ hai là để áp đặt đường “lưỡi bò” vốn rất vô lý của Trung Quốc. Và hành động của Trung Quốc cũng là nhằm thử phản ứng của Việt Nam, các nước trong khu vực cũng như của các nước khác trên thế giới.

Nếu như Việt Nam, các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, nhất là các cường quốc, mà không tỏ thái độ thì Trung Quốc chắc là sẽ lấn tới.

Một bước xoa dịu

BBC: Liệu thỏa thuận vừa mới đây nhất trong cuộc tiếp thứ trưởng Hồ Xuân Sơn chỉ là một bước đi có tính chất xoa dịu, câu giờ của phía Trung Quốc, và lấy gì làm chắc rằng, sau đó một thời gian, Trung Quốc lại sẽ không lặp lại kịch bản thôn tính hoặc đe dọa thôn tính lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Nhìn chung các diễn biến xảy ra theo chiều hướng “căng rồi chùng, căng rồi chùng” và đặc biệt người Trung Quốc có sách lược rất rõ trong câu chuyện này. Nhưng tương lai diễn biến như thế nào sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Trung Quốc, mà nó phụ thuộc vào thái độ của Việt Nam, của các nước trong khu vực và của các cường quốc ở trên thế giới.

Nếu tất cả các bên đều phản đối hành động bá quyền của Trung Quốc, thì chắc chắn người Trung Quốc cũng phải lùi bước. Vì theo tôi, nếu họ gây ra căng thẳng và chiến tranh ở đây, thì họ có thể thắng cục bộ, nhưng về chiến lược họ sẽ thất bại.
Nếu tất cả các bên đều phản đối hành động bá quyền của Trung Quốc, thì chắc chắn người Trung Quốc cũng phải lùi bước. Vì theo tôi, nếu họ gây ra căng thẳng và chiến tranh ở đây, thì họ có thể thắng cục bộ, nhưng về chiến lược họ sẽ thất bại.

‘Nước nhỏ nhưng mạnh’

BBC: Liệu đây chính là thời điểm để Việt Nam tìm cho mình một đồng minh chiến lược thực sự, đặc biệt về mặt an ninh, quân sự, quốc phòng, để giúp bảo đảm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết, muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc, thì bản thân Việt Nam phải mạnh. Việt Nam phải có một đường lối phát triển kinh tế, đường lối quốc phòng, tập hợp được nhân dân để có thể xây dựng được đất nước mạnh. Một nước tuy nhỏ, nhưng mạnh, thì không ai có thể dễ dàng làm gì được. Nước nhỏ mà mạnh thì các nước khác trên thế giới có thể bày tỏ sự nể, trọng. Người ta cũng dễ giúp đỡ hơn. Và muốn có một xã hội mạnh như vậy thì nhân dân cần tin vào lãnh đạo, nhưng đồng thời lãnh đạo cũng phải tin vào nhân dân. Phải kết nối thành một khối thì mới có được sức mạnh.

Điểm thứ hai, Việt Nam là một nước nằm trong khu vực Đông Nam Á, cần phải đoàn kết chặt chẽ với các nước Đông Nam Á, để tất cả tạo thành một ý chí thống nhất nào đấy, thì đó cũng là một sức mạnh đáng nể trọng.

Thứ ba, Việt Nam cần thi hành chính sách đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, tranh thủ sự đồng tình cao nhất của các nước trên thế giới, để nhờ đó tăng thêm sức mạnh, bảo vệ độc lập chủ quyền.

BBC: Liệu căng thẳng Biển Đông cũng làm người Việt Nam giảm đi sự chú ý tới một số khó khăn kinh tế, xã hội ở trong nước, mà tân Chính phủ sắp thành lập tới đây sẽ phải tìm lời giải đáp, thưa Giáo sư?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng việc căng thẳng trên Biển Đông vừa rồi không phải do Việt Nam chủ động gây ra, nên khó có thể nói là ai đó ở VN chủ động gây ra sự căng thẳng ấy để lôi kéo sự quan tâm của người trong nước quên đi những khó khăn, vấp váp về kinh tế hiện nay. Tôi không nghĩ như vậy. Nhưng ở Việt Nam, chuyện nào cũng ra chuyện nấy, chuyện những khó khăn, vấp váp, yếu kém về kinh tế cũng cần phải khắc phục. Mà nếu không khắc phục được thì đất nước không thể mạnh được và chắc chắn đấy là những điều người dân và lãnh đạo cũng phải quan tâm đến.

Còn ở Việt Nam, mỗi khi có một sự đe dọa nào đó đối với nền độc lập và chủ quyền lãnh thổ, thì người dân đều đoàn kết một lòng để bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình và đó là một đặc điểm của Việt Nam. Cho nên những phản ứng sôi nổi của người dân, đặc biệt của giới trẻ vừa qua, không có gì là lạ.

Không có nhận xét nào: