Pages

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Lăng Ba Vi Bộ?

Trong khi Biển Đông liên tục mấy năm gần đây bị tàu Trung Quốc vào lấn biển, hà hiếp ngư dân, nhà nước VN vẫn liên tục nhẫn nhịn… cho tới khi các tàu dầu bị cắt dây cáp mới la làng. Có phải bởi vì sợ các công ty dầu quốc tế bỏ chạy?

Nhưng ngay cả khi chính phủ VN bắt đầu sử dụng ngôn ngữ cứng rắn, như lời của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Nha Trang, hay lời Tướng Nguyễn Chí Vịnh, hay ngôn ngữ sôi sục của nhiều báo trong nước gần đây… cách phản ứng vẫn thấy như đang ở hai dòng nước: đàn áp dữ dội những cuộc biểu tình ở Sài Gòn, và kềm chế biểu tình ở Hà Nội.

Và rồi đột ngột, như là sắp có một Hiệp Ước Biển Đông, sau khi Thứ Trưởng Ngoaị Giao Hồ Xuân Sơn tới Bắc Kinh để chuyển lời của các lãnh đạọ VN, và trong đó có lờic ho biết sẽ kết thân đối tác chiến lược… nhưng không nói cụ thể là sẽ chia ranh giới biển ra sao. hay là nói tới những nhượng bộ nào khác.

Có phải chính phủ Việt Nam đang lái xe kiểu “đánh võng” trên xa lộ đầy những hiểm nghèo của các xe vận tải khổng lồ? Hay nóí theo kiểu xưa, đó là kiểu lăng ba vi bộ, lạng qua lạng lại nhằm làm hoa mắt đồng bào, để xoa dịu lòng yêu nước đang sôi sục, mà sẽ bí mật có hiệp ước mới đang soạn?

Thế giới đều thấy rõ trò xử thế hung hãn của Trung Quốc, và đều thấy rõ nhà nước VN đã lặng lẽ để cho Trung Quốc lấn quá sâu vào việc ảnh hưởng nội tình chính trị, kinh tế VN.

Như dường dân cả nước đểu nóng ruột, chỉ trừ Đảng CSVN. Ngay như chàng rể Thượng Nghị Sĩ Jim Webb từ thủ đô Mỹ cũng vận động để hôm Thứ Hai 27-6-2011, Thượng viện Liên bang Hoa Kỳ đã thống nhất chấp thuận một nghị quyết lên án Trung Quốc đã hù dọa các nước láng giềng ở Biển Đông.

Nghị quyết do TNS Jim Webb, chủ tịch tiểu ban Đối Ngoại Thượng viện Đặc Trách Đông Á Thái Bình Dương, đưa ra để đáp ứng việc từ TQ gây hấn trong vùng biển các nước láng giềng.

Điều ngạc nhiên cần thấy rằng, trong khi Trung Quốc nói rằng bản công hàm của Thủ Tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng 1958 là sự công nhận chủ quyền Biển Đông của TQ, thì VN vẫn im lặng, không chịu giảỉ thích gì cho đồng bào. Thậm chí, trên dư luận quốc tế, nhà nước VN chỉ nói về Trường Sa, mà không nhắc gì tới chủ quyền trên vùng đảo Hoàng Sa, nơi Hải Quân TQ đã tấn công Hải Quân Nam VN để lấy đảo… Có vẻ như sự lặng lẽ nàỳ mang một bí mật gì giữa Hà Nội và Bắc Kinh?

Cần chú ý rằng, hầu hết các học giả quốc tế đều bênh vực lập trường của VN, đều cho rằng TQ giành Biển Đông sai trái.

Cụ thể, bản tin đài VOA cho thấy học giả quốc tế cũng thắc mắc như sau, trích:

“Hội thảo về An ninh Hàng Hải ở Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington đã kết thúc hôm thứ Ba, 21 tháng Sáu….

Hầu hết những người phát biểu, ngoại trừ các đại diện của Trung Quốc, đều cho rằng những lập luận được dùng làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn diện tích Biển Đông, không có tính thuyết phục….

Có mặt trong cử tọa, Tiến sĩ Trần Đình Hoành, luật sư tư vấn trong các lĩnh vực đầu tư và di trú hành nghề ở Hoa Kỳ, bầy tỏ quan ngại về số phận của hàng ngàn ngư phủ Việt Nam, trong hai năm qua đã bị Trung Quốc bắt giữ và sách nhiễu. Ông kêu gọi Bắc Kinh hãy nghiêm túc xét việc hủy bỏ lệnh cấm đánh bắt cá mà nước này đã đơn phương áp đặt, từ tháng Năm cho tới tháng Tám năm nay.

Tiến sĩ Hoành: “Chúng ta phải hủy bỏ lệnh cấm đánh bắt cá, không thể ban hành lệnh cấm đó để cho hàng trăm, hàng ngàn ngư dân không có khả năng kiếm sống trong 3 tháng trời. Họ đã bị bắt giữ, và liên tục bị quấy nhiễu trong suốt mấy năm qua.”

Tiến sĩ Hoành cho rằng không thể nói tới một giải pháp lâu dài trong khi nhiều người bị tác động hàng ngày vì chính sách của Trung Quốc.

Tiến sĩ Hoành: “Muốn đạt một giải pháp hòa bình, lệnh cấm đánh bắt cá phải bị hủy bỏ, bởi vì nó tác động đến quá nhiều người, khi nhiều người bị tác động như thế, thì quý vị phải hiểu là nó sẽ ãnh hưởng tới tư duy và chính sách của chính phủ. Chính phủ Việt Nam không thể khoanh tay đứng yên, không làm gì cả.”

Tiến sĩ Hoành nhắc tới cuộc chiến giữa Trung Quốc với hải quân Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974: “Năm 1974, một cuộc chiến đã xảy ra giữa Trung Quốc và quân đội miền Nam Việt Nam, khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa, lúc đó Việt Nam còn bị chia đôi. Cuộc chiến đó khẳng định rõ rệt một điều, đó là Việt Nam chưa bao giờ nhượng lại quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc. Tôi muốn công khai nêu lên tại diễn đàn này sự kiện đó, bởi vì chúng ta chưa ai nhắc tới nó, và tôi muốn bảo đảm chúng ta hiểu rõ vấn đề.”

Giáo Sư Carl Thayer, thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia, xác nhận rằng hồi năm 1974, khi Trung Quốc chiếm phần phía nam quần đảo Hoàng Sa, Hà nội đã không lên tiếng phản đối…”(hết trích)

Không phải là các nhà trí thức trong nước không thấy kiểu dị thường của nhà nước VN. Những cuộc biểu tình liên tục những ngày Chủ Nhật vừa qua, và rồi bản “Tuyên Cáo Về Việc Nhà Cầm Quyền Trung Quốc Liên Tục Có Những Hành Động Gây Hấn Xâm Phạm Nghiêm Trọng Chủ Quyền Và Toàn Vẹn Lãnh Thổ Việt Nam Trên Biển Đông” của các vị nhân sĩ, đều có những ngôn ngữ sôi sục, muốn đánh thức toàn dân (và đánh thức cả Đảng CSVN) về cơ nguy ngàn năm từ phương Bắc.

Nhưng giải pháp nào để cứu nước? Nhà báo lão thành Tống Văn Công (cựu cựu tổng biên tập báo Lao Động các năm 1989-1994) kêu gọi giải pháp quyết liệt hơn, qua bản văn nhan đề “Bản điều trần cứu nước.”

Trong đó, nhà báo Tống Văn Công nói rằng Tổ quốc đang cần một Hội nghị Diên Hồng thời đại, và kêu gọi quyết liệt thực hiện Tự do, Dân chủ, Nhân quyền.

Cụ thể, nhà báo họ Tống viết:

“…Trước họa xâm lăng hiện nay, lão anh hùng Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng cần thực hiện dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội để tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Phải thẳng thắn thưa rằng, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, với thể chế toàn trị xã hội chủ nghĩa thì không thể nào làm được điều mong ước dân chủ tốt đẹp ấy…

Nhà nước dân chủ là nhà nước pháp quyền, chứ không phải “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”…

Chấp nhận tam quyền phân lập không chỉ nhân dân được lợi mà chính là sự cứu rỗi cho Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ hội thoát khỏi vũng bùn tham nhũng ô nhục đang gây đau nhức lương tâm của hàng triệu đảng viên chân chính và công nhân, nông dân nghèo khổ…” (hết trích)

Bản Điều Trần nói cụ thể thêm về nhu cầu phải thực hiện “Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện từ năm 1982, nay đã qua 29 năm lẽ nào cứ khất lần mãi?” trong đó có các Quyền Tự Do Chính Trị, Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Hội Họp, Tự Do Lập Hội, thực hiện Xã Hội Công Dân (còn goị là Xã Hội Dân Sự), xây dựng Kinh Tế Thị Trường…

Nhà nước VN trả lờøi thế nào về lời sôi sục tim gan này? Sẽ đàn áp, hay im lặng? Hay là tiếp tục sang Bắc kinh để lăng ba vi bộ, bất kể mọi ước nguyện của dân mình?

Nguồn Báo Tổ Quốc.

Không có nhận xét nào: