Pages

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Báo chí trong dòng chảy bất tận của cuộc sống

“Nhà báo là người chấm ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại”. Người viết câu ấy là một nhà báo đã từng có mặt ở những vùng nóng bỏng nhất trên hành tinh. Những “vùng đất chết chóc” Trung Đông: Iraq, Afganistan, Pakistan… và nay là Lybia, Yemen… Nỗi đau đang thấm đẫm trên “vùng đất chết chóc” nhưng vì sứ mệnh cao cả của báo chí, nhiều nhà báo vẫn đang dấn thân vào. Những ngòi bút ấy hiểu rất rõ rằng: “viết một bài báo dở, bạn có thể mất việc, viết một bài báo hay, bạn có thể mất mạng”.

Thế nhưng, đâu chỉ nơi “vùng đất chết chóc” ấy mới có nỗi đau. Ở khắp nơi trên trái đất này, nỗi đau của con người chẳng có lúc nào vơi. Mà nước mắt con người đều cùng có vị mặn, máu con người đều cùng màu đỏ! Ấy vậy mà, nguyên nhân làm cho nước mắt phải rơi, máu phải chảy, thì thiên hình vạn trạng, làm sao kể xiết. Và có lẽ người Việt Nam là người hiểu rõ vấn đề đó hơn ai hết trên trái đất này. Đơn giản chỉ vì họ sống trên một đất nước đã từng chịu đựng nỗi đau chiến tranh kéo dài non nửa thế kỷ! Vết thương của chiến tranh chống phát xít, chống thực dân, chống đế quốc chưa kịp hàn gắn thì ngay lập tức phải tiếp tục cầm súng chiến đấu chống bọn bành trướng phương Bắc cận kề.


Cuộc chiến đấu cận kề về thời gian cũng như về không gian ấy cũng là cuộc chiến đấu đầu tiên và triền miên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc này kể từ thời Bà Trưng Bà Triệu cho đến Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung. Trong cuộc chiến không cân sức đó phải luôn lưu giữ khí phách của một Trần Bình Trọng hiên ngang trước kẻ thù “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”! Khí phách đó lưu chảy trong huyết quản của mỗi người Việt Nam.

Phải như vậy vì đó là sự quy định nghiệt ngã về vị trí địa-chính trị của đất nước nằm bên bờ Biển Đông luôn trong thế “trứng chọi đá” với một nước khổng lồ mà những nhà cầm quyền từ Tần Hán cho đến Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh tiếp đến Mao, Đặng, chưa bao giờ từ bỏ mộng bành trướng về phương Nam mà Việt Nam thì như một cục xương mắc giữa họng, không cho họ nuốt trôi Đông Nam Á! Vì thế cái lưỡi bò của họ thè ra thèm thuồng muốn liếm trọn cái “Vịnh Ba Tư thứ hai”, như tờ báo Hoàn Cầu của họ thú nhận, nhằm thỏa mãn cơn khát năng lượng của một nước đang tích lũy tư bản theo màu sắc Trung Quốc để trở thành siêu cường với bất cứ giá nào.

Trong vị thế đó, từ bao đời ông cha ta thường xuyên răn dạy tinh thần cảnh giác trong mọi ứng xử với “thiên triều”, biết tiến, biết thoái, biết nhu, biết cương nhưng luôn giữ khí phách kiên cường, không bao giờ khuất phục. Điều răn ấy được tạc vào hình hài của đất nước bằng những truyền thuyết, những huyền thoại. Chẳng hạn như 99 ngọn núi ở vùng trung du được giải thích là tượng trưng cho 99 con voi và một tượng trưng cho con voi bị chém cụt đầu do quay về hướng Bắc! Hoặc câu chuyện được ghi vào sử sách về câu đối Đằng giang tự cổ huyết do hồng! (Sông Bạch Đằng từ xưa đỏ vì máu) của sứ thần Giang Văn Minh đáp lại thái độ ngạo mạn của Sùng Trinh, vua nhà Minh trong Đồng trụ chí kim đài dĩ lục! (Cột đồng xưa giờ đã rêu xanh)! Cọc gỗ Bạch Đằng vẫn mãi mãi trụ vững trong khí phách Việt Nam tự bao đời.

Nên nhớ rằng, tuy có nhiều giải pháp và sách lược để duy trì mối quan hệ với đế chế Trung Hoa qua các triều đại, kể cả cử người đóng vai thay thế, nhưng về nguyên tắc thì không một vị vua Việt Nam nào chịu sang triều phục các hoàng đế Trung Hoa cả. Chẳng những thế, rời bỏ ngai vàng để lên núi Yên Tử dựng chùa, nghiền ngẫm về đạo Phật, mở ra một trường phái Thiền Trúc Lâm, Trần Nhân Tông vẫn không quên chuyện cảnh giác với kẻ thù. Vì thế mà trong Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh, Ngô Thời Nhiệm đã có lời bình thâm thúy về chuyện này như sau: “Người ta thấy Điều Ngự đệ nhất tổ đến ở chùa Hoa Yên thì bảo Ngài xuất gia, ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công trong mối vô sự; nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an âm. Cái ý ấy là không tiện nói ra, sợ người ta dao động, cho nên nhắm được núi Yên Tử là núi cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, dựng nên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô Lượng Đại Thế Chí Bồ Tát...”. Đang có nhiều bàn thảo về điều này, song ở đây, điều cốt yếu mang tính thời sự lại ở thông điệp của ông cha gửi cho hậu thế: ý thức thường trực cảnh giác là một đòi hỏi sống còn của dân tộc. Ông cha ta đã có đôi mắt xuyên suốt lịch sử.

Thì đây, tuy chẳng hay ho gì, song vẫn buộc phải gợi lên những điều mà báo chí Trung Quốc mới đây đưa tin: “Ông Đặng năm đó đã nói một câu: trẻ con không nghe lời phải đét đít. Sau đó 10 vạn đại quân điều tới biên cương. Còn bây giờ thì sao? Trẻ con không những không nghe lời mà còn hoàn toàn không thèm để mắt tới người lớn. Ngang nhiên nói, tiến hành bầu cử quốc dân trên các đảo bãi xâm chiếm phi pháp tại Biển Đông, còn gào thét đó là công việc nội bộ của quốc gia, nói là, phải dùng vũ lực bảo vệ chủ quyền thần thánh không thể xâm phạm của đất nước mình. Điều đó chẳng phải là chống lại trời thì là cái gì. Liệu không thể đét đít chăng? Không cho bài học, từ nay trở đi liệu có ổn không? Không đánh bây giờ thì đợi đến khi nào?”. *

Cũng là nhà báo đó thôi. Ở đây chúng cũng chấm ngòi bút của chúng vào “nỗi đau của nhân loại” đấy chứ. Chỉ có điều, đó là nỗi đau về những con người bị đầu độc bởi chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang ngậm máu phun người, ngông cuồng tự phong cho mình quyền “bình định thiên hạ”. Những ngòi bút ấy chắc không biết rằng, những ai có lương tri trên thế giới, trong đó có người Trung Quốc, đều không quên: kẻ xua 10 vạn quân xâm lược Việt Nam năm 1979 cũng chính là kẻ mười năm sau đó đã hạ lệnh cho xe tăng nghiến nát những thanh niên ưu tú Trung Quốc đấu tranh đòi tự do dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn, gây nên một trong những sự kiện thảm khốc và ô nhục nhất trong lịch sử Trung Quốc, một nỗi đau lớn của dân tộc Trung Hoa!

Những người có lương tri trên thế giới, trong đó tất nhiên là có người Trung Quốc vẫn còn lưu giữ trong tim mình hình ảnh "Người biểu tình vô danh", đứng chặn một đoàn xe tăng tại Bắc Kinh trong hơn nửa giờ ngày 5 tháng 6 năm 1989 do nhà báo Jeff Widener (Associated Press) chụp:

Nếu nói tư tưởng một khi thâm nhập được vào quần chúng sẽ trở thành một lực lượng vật chất, thì tấm hình này đang nói về hai “lực lượngvật chất” ấy đang đối diện nhau.

Người thanh niên Trung Quốc mặc áo trắng đứng đơn độc trước đoàn xe tăng cũng do những người Trung Quốc cầm lái [chắc cũng là thanh niên] đang sẵn sàng nghiến nát mình! Con người được gọi là “vô danh” đó đi vào lịch sử như một anh hùng, đại diện cho một khát vọng cao cả ngàn đời của con người, khát vọng dân chủ và tự do, đang thách thức một “lực lượng vật chất” sẵn sàng nghiến nát khát vọng cao cả ấy. Bốn chiếc xe tăng, không hiểu thuộc bình đoàn 27 hay 38 được điều từ vùng “viễn biên” hay “vùng sâu, vùng xa” nào đó về Băc Kinh với sứ mệnh dẹp tan bọn phản động, chắc cũng sẽ “đi vào lịch sử”, nhưng theo một hướng khác.

Rồi từ một tấm hình khác, cũng do một nhà báo chụp nói về Triệu Tử Dương dùng loa để nói với các sinh viên vào ngày 19 tháng 5 năm 1989. Đằng sau ông (người thứ hai từ bên phải, mặc áo đen) là Ôn Gia Bảo. Đây là lần xuất hiện cuối cùng của Triệu Tử Dương trước công chúng Sau đó ông bị quản thúc tại gia đến khi chết:

Cho đến nay, tại Trung Quốc, những tấm hình này vẫn đang bị ca3Q. Sự kiện Thiên An Môn vẫn là điều cấm kỵ với báo chí nước này, báo chí phải dành cho những trang viết như vừa dẫn ở trên. Thế nhưng, trong trái tim chính trực và nóng bỏng khát vọng tự do của những người Trung Quốc chân chính, những người vẫn cháy bỏng trong tâm hồn mình hình tượng bất tử của Khuất Nguyên trên dòng sông Mịch La thuở nào trong lịch sử văn hóa Trung Hoa thì khát vọng về công lý, về tự do dân chủ vẫn là ngọn lửa không bao giờ tắt.

Vừa rồi, vào ngày 5.6.2011, trên các trang mạng đã tràn ngập hình ảnh và bình luận về sự kiện Thiên An Môn. Tại Hồng Kông, hàng ngàn người đốt đuốc để “canh giữ ngọn lửa Thiên An Môn”. Và trong trái tim của loài người, ngọn lửa ấy chẳng bao giờ tắt. Hình ảnh dưới đây là một trong những ví dụ: Một đài kỷ niệm đã được dựng lên tại thành phố Wrocław ở Ba Lan với hình ảnh một chiếc xe đạp bị phá hỏng và một vệt xích xe tăng – biểu tượng của những cuộc phản kháng trên quảng trường Thiên An Môn:

Liệu những hình ảnh vừa gợi ra có nói lên tư tưởng không? Và nếu có thì bằng cách nào để tư tưởng thâm nhập được vào quần chúng?

Có nhiều cách, nhiều kênh để thâm nhập, nhưng có lẽ báo chí là cách cập nhật nhất, rộng rãi nhất và cũng tiện lợi nhất để thực hiện điều đó. Kênh báo chí truyền thông là kênh thông tin trực tiếp nhất đưa những tư tưởng lớn, những tình cảm lớn đến tận hang cùng ngõ hẻm. Báo chí vốn đã có chức năng và lợi thế khó có gì so sánh được, chức năng và lợi thế đó lại tăng lên bội phần với công nghệ thông tin, kỹ thuật truyền tin của thế kỷ XXI. Báo chí đã làm cho một tư tưởng lớn trong đầu óc của một người đến được với nhiều người, chuyển thành sức mạnh “tức nước vỡ bờ” trong hành động của quần chúng nhân dân.

Thế nhưng, đừng quên một sự thật oái oăm mà bức ảnh “người biểu tình vô danh” ở trên đã chuyển tải: những thanh niên Trung Quốc lái những chiếc xe tăng kia chẳng nhẽ lại không có “tư tưởng” sao?

Có chứ. Họ cũng được “giáo dục” kỹ là đằng khác để nhằm thực hiện lời thề bảo vệ những cái mà vì chúng mà họ tồn tại. Họ làm sao biết được những sự thật khủng khiếp về những tội ác đã được gây nên trên đất nước họ. Xin chỉ trích ra đây vài mẩu tin trong cuốn sách Mao Trạch Đông – Ngàn năm công tội do đại tá Tân Tử Lăng, một nhà nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện Quân sự cấp cao Trung Quốc mà Thông Tấn Xã Việt Nam đã xuất bản: Theo số liệu chính thức do Bộ Chính trị Trung Quốc giải mật tháng 9-2005, sau 4 năm Mao phát động “cao trào xã hội chủ nghĩa ở nông thôn” có tới 37,55 triệu người chết đói. Cuộc Cách mạng văn hóa kéo dài 10 năm đã lấy thêm sinh mạng của gần 20 triệu người dân Trung Quốc. Cũng theo tài liệu “giải mật” này, những năm ấy Tín Dương có hơn một triệu người chết đói. Trịnh Đại Quân, một cán bộ Ban Công tác nông thôn huyện Sùng Khánh kể rằng, một đội sản xuất có 82 hộ, chỉ trong một năm, từ tháng 12-1959 đến 11-1960 có 48 bé gái 7 tuổi trở xuống bị người lớn làm thịt, chiếm 90% số bé gái cùng độ tuổi. Trịnh Đại Quân kể: người ta phát hiện ra vụ ăn thịt trẻ em đầu tiên do toán điều tra nhìn thấy “một làn khói mỏng tỏa ra từ mái nhà bần nông Mạc Nhị Oa”. Họ bao vây, vu hồi, rồi đồng loạt nhảy vào: “Nhà Nhị Oa tám nhân khẩu, đã chết đói hai, nhưng chỉ còn lại năm. Bé gái Thụ Tài đang bị luộc trong nồi. Trong lúc tổ tuần tra tìm dây trói can phạm, Nhị Oa và mấy đứa con lao vào cướp thịt Thụ Tài nhai ngấu nghiến”. Nạn ăn thịt trẻ con sau đó còn lan ra: “Kẻ nhẫn tâm thì ăn thịt con ngay tại nhà mình. Kẻ mềm yếu hơn thì gạt nước mắt đổi con với hàng xóm…”

Thế đấy! Đây chính là người Trung Quốc nói ra, đâu phải của “những lực lượng thù địch” muốn bôi nhọ đất nước vĩ đại của Khuất Nguyên, của Lỗ Tấn!

Chao ôi, chẳng phải chính Lỗ Tấn đã từng lên án cái thứ “văn hóa ăn thịt người” trong Nhật ký người điên với nhân vật Ngụy Liên Thù in trong tập Gào thét đó sao? Chẳng phải vì muốn thức tỉnh người Trung Quốc mà nhà đại văn hào ấy đã phải chấm ngòi bút vào máu của mình để viết ra những tác phẩm bất hủ đó sao? Đừng quên rằng tác giả của A Q chính truyện trước khi bắt tay vào viết tác phẩm bất tử nhằm phê phán cái “quốc dân tính” lạc hậu này là một nhà báo với những chính luận vang dội một thời trên văn đàn. Dám đoan chắc rằng, người thanh niên đơn độc đứng hiên ngang trước đoàn xe tăng sẵn sàng nghiến nát kia đã từng đọc Lỗ Tấn, từng nuôi trong tim mình khát vọng của Lỗ Tấn, từng đọc những bài chính luận nảy lửa được lưu giữ trong những tuyển tập tác phẩm của đại văn hào Lỗ Tấn. Bởi vậy, cho dù phải nói đến sức mạnh của những “tư tưởng” mù quáng tượng trưng bởi những chiếc xe tăng ghê rợn kia thì rút cuộc thì vẫn phải nói về sức mạnh khôn lường của báo chí ở cái hướng thuận với bước tiến của lịch sử, cho dù lực lượng cản trở bước tiến của lịch sử vẫn đang hoành hành.

Ai đó đã gợi lên một ý thật đẹp: báo chí “là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực lại chảy trở về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí”**. “Dòng thác đầy sinh khí” ấy cuộn chảy trong mạch sống của xã hội, tiếp nhận được sức mạnh từ mạch sống ấy, góp phần nâng cao thêm, phát huy lên, rồi lại chuyển tải sức mạnh ấy đến từng con người, từng gia đình, từng cộng đồng.

Bởi lẽ báo chí là một chỉ báo sống động về đời sống tinh thần của xã hội. Hiểu được như vậy để có đủ căn cứ mà tin thêm vào sức mạnh của báo chí khi “báo chí sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ”**. như vậy để những người đang chiến đấu trên trận địa báo chí dám trải lòng mình ra để tiếp nhận nghị lực và sức mạnh từ nguồn mạch cuộc sống của đông đảo quần chúng nhân dân, để mỗi nhà báo có thể “là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình”**.

Sức mạnh của báo chí chỉ có thể có khi, cùng với việc thực hiện chức năng chuyển tải những thông điệp từ trên xuống, phải biết cách chuyển tải những thông tin phản hồi từ dưới lên. Mà chuyển tải những thông tin phản hồi từ dưới lên là trách nhiệm xã hội quan trọng nhất của báo chí. Báo chí thường xuyên gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tâm trạng quần chúng, những bức xúc, băn khoăn, những khát khao, kỳ vọng, những buồn vui, phẫn nộ của những “con người bé nhỏ” đang lầm lũi, nhẫn nại và kiên cường trong cuộc mưu sinh cho mình, gia đình mình và góp phần thúc đẩy xã hội đi tới. Không làm được nhiệm vụ tạo nên một luồng chảy sống động của thông tin phản hồi từ cuộc sống "bên dưới", từ "phần chìm của tảng băng", báo chí sẽ tự đánh mất vai trò thật sự của mình.

Trong Những người khốn khổ, Victor Hugo có viết một câu bất hủ: “Hãy nhìn vào dân chúng, bạn sẽ tìm thấy chân lý”. Quả thật, phải tìm chân lý từ trong nguồn mạch bất tận ấy, của dòng sông cuộc sống.

Dòng sông ấy vẫn tuôn chảy không ngừng… Nương theo địa hình, có lúc tưởng như sông chảy ngược. Nhưng không, sông vẫn xuôi về biển cả. Tốc độ dòng sông được quyết định ở sức cuộn chảy từ bên dưới.

Ở những đoạn nước xoáy, nơi những khúc sông rẽ ngoặt, sức cuộn chảy từ bên dưới đẩy những bèo bọt rác rưởi dồn lên, dạt vào hai bên bờ để dòng sông xuôi về biển lớn, vươn tới cái đích ở phía chân trời! Báo chí phải tắm mình vào dòng sông ấy mới có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Hịch Tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo được khắc ghi trên phù điêu mới dựng tại công viên Bạch Đằng (Nha Trang). Trúc Nam Sơn.

T. L.

Nguồn BoXitVN.

Không có nhận xét nào: