Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011
Trung Quốc tăng cường sức ép trên Việt Nam sau khi Hà Nội tỏ thái độ hòa dịu trên vấn đề Biển Đông
Biểu tình tại Hà Nội ngày 05/06/2011
Reuters
Trọng Nghĩa
Ngày 28/06/2011, Trung Quốc đã kêu gọi Việt Nam thực hiện đầy đủ thỏa thuận trên vấn đề Biển Đông mà hai bên vừa đạt được. Theo giới quan sát, tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc mang ý nghĩa là một hành động gây sức ép của Bắc Kinh trên Hà Nội sau khi Việt Nam tỏ dấu hiệu hòa hoãn.
Trong một cuộc họp báo chiều hôm qua tại Bắc Kinh, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại rằng nhân chuyến viếng thăm của đặc sứ Việt Nam Hồ Xuân Sơn, ngày 25/06, hai bên đã thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán và tránh những động thái có thể làm vấn đề trầm trọng hay phức tạp thêm.
Theo đại diện Trung Quốc, cả hai nước đều « phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và cam kết sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước ».
Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng thúc giục Việt Nam thực hiện các cam kết trong thỏa thuận : « Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ cùng với chúng tôi thực hiện đầy đủ sự nhất trí đã có được những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Nam (Biển Đông).”
Đối với giới quan sát, lời thúc giục của Bắc Kinh là một hành động gây sức ép mới, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Việt Nam đã có những dấu hiệu bị coi là nhún nhường, cho dù đã liên tiếp bị Trung Quốc bức bách ngay tại vùng biển vốn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình trong thời gian gần đây.
Một trong những điểm mà Trung Quốc muốn Việt Nam thực hiện là đẩy mạnh các cuộc đàm phán song phương với họ để giải quyết tranh chấp, một điều mà bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh trong những ngày qua không ngừng nêu bật khi cực lực chỉ trích ý định của Mỹ muốn can dự vào hồ sơ Biển Đông.
Báo chí Trung Quốc đã đồng loạt nhấn mạnh đến sự kiện là nhân chuyến công du vừa qua của thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều « phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam ».
Theo nhà báo Mỹ David Brown, nguyên là một nhà ngoại giao, việc Việt Nam tham gia vào các cuộc ‘’đàm phán song phương’’ với Trung Quốc, ‘’có vẻ như là một bước lùi’’ sau hàng tháng trời nhấn mạnh rằng mọi cuộc thương thuyết nên được tiến hành trong khuôn khổ ASEAN. Theo ông Brown, động thái này có thể làm cho công luận Việt Nam thêm bất bình.
Một điểm khác mà Bắc Kinh muốn chính quyền Việt Nam thực hiện là ngăn cản các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở trong nước (mà chính quyền Việt Nam đã hạn chế đến mức tối đa) cũng như ở ngoài nước, vốn không tốt cho hình ảnh của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra vào hôm nay là áp lực của Trung Quốc lúc này liệu có hữu hiệu hay không, khi mà trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố thiện chí, nhưng ngay sau đó lại có những hành động hù dọa Hà Nội.
Thí dụ gần đây nhất là vụ tàu Viking II bị tàu cá Trung Quốc sách nhiễu, chỉ vài ngày sau phát biểu hữu hảo của bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại cuộc Đối thoại an ninh Shangri La ở Singapore vào thượng tuần tháng sáu.
Tham vọng của Bắc Kinh trước sau như một. Tân Hoa Xã vào hôm qua đã lại nêu bật rằng Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Biển Đông và những vùng biển xung quanh.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc cũng không ngần ngại nhắc lại sự kiện mà họ cho là vào năm 1958, Bắc Kinh đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Đông thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc và chính cố Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao của mình gửi tới đồng nhiệm Trung Quốc khi đó.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét