Phi Khanh (tienve) - Yêu nước, đó là một động từ mang chính khí, một trạng từ mang tư tưởng lớn, một tính từ được đặt ở những nơi thiêng liêng nhất và là một khái niệm mang hơi thở, sinh khí của thế hệ, của quốc gia... Nhưng, nếu yêu nước phải chịu dùi cui và lời đe dọa thì vấn đề trở nên rối mù về định nghĩa. Có lẽ cũng nên bàn thêm về chuyện này!
Từ thông báo cấm tham gia biểu tình ngày 5 tháng 6 năm 2011
Riêng giới sinh viên, đặc biệt là sinh viên trường Đại học công nghiệp TP.HCM, nơi có lượng sinh viên tham gia biểu tình nhiều nhất tại cuộc biểu tình vừa qua ở thành phố này, có lẽ không ai quên được mấy tờ thông báo của ông “thừa lệnh hiệu trưởng” (hoặc thay lời gì gì đó, bởi chữ nghĩa nhập nhằng, hai chữ T/L nói sao, hiểu sao cũng xong) Đặng Công Tráng đã ký cùng với hai giả thiết được đặt ra cho ông: Đặng Công Tráng là người thuộc phái thân Trung Quốc; Đặng Công Tráng và “bề trên” là người yêu nước một cách giảo hoạt, nước đôi.
Nhóm cho rằng Đặng Công Tráng cùng “bề trên” (đã ra lệnh) là kẻ thuộc phái thân Trung Quốc thì dễ hiểu rồi. Dù sao cũng đường đường là một trí thức, một trưởng phòng tổ chức, rồi đằng “bề trên” thì hiệu trưởng đại học, hay nói đúng hơn là một lãnh đạo của một tập thể trí thức mà lại ra thông báo cấm sinh viên của mình tham gia biểu tình chống Trung Quốc trong lúc tàu của nước này đến gây hấn, cắt cáp, bắn ngư dân, bắt ngư dân, lăm le xâm lược...
Nếu có sinh viên nào bày tỏ lòng yêu nước thì đuổi học... thì cho dù nghĩ cách nào cũng cho ra kết luận thuyết phục nhất là thuộc phái thân Trung Quốc, thậm chí là một Lê Chiêu Thống thời hiện đại...
Nhưng, lạ ở chỗ có một luồng dư luận khác, chiếm số lượng cũng không ít lại cho rằng Đặng Công Tráng và (...) là người yêu nước một cách giảo hoạt, nước đôi. Tất cả mọi thông báo và kể cả hoạt động biểu tình chiếm số lượng đông đúc của sinh viên đại học khoa học tự nhiên đều nằm trong dự tính của ông ta.
Con số đông này có lập luận khá vững, và cũng khá thuyết phục rằng ông Tráng và (...) đã có động thái bật đèn xanh cho sinh viên đi biểu tình vì đã từng thăm dò và biết đằng nào thì sinh viên cũng sẽ tham gia biểu tình rất đông. Nhưng thay vì ngầm lên lớp, răn đe bằng miệng với tất cả sinh viên như các trường khác và biệt phái người chen lẫn vào đoàn biểu tình để điểm mặt sinh viên, sau này về kỷ luật thì ông Tráng và (...) lại chọn cách “lách luật” bằng kiểu dán thông báo.
Rõ ràng một thông báo gắt máu, đanh thép như thế đủ chứng minh trước ngành công an, trước cấp trên là ông Tráng và (...) vô can, đã kiên quyết chống biểu tình, triệt để cấm sinh viên trường mình đi biểu tình.
Và hệ quả là sinh viên trường ông Tráng quản lý có lượng tham gia biểu tình đông nhất, không có sinh viên nào bị kỷ luật sau cuộc biểu tình ngày 5 tháng 6 ở Sài Gòn.
Cho đến thời điểm này, sau khi cuộc biểu tình diễn ra gần một tuần, câu hỏi và thắc mắc nổi bật vẫn là: Liệu hai luồng dư luận trên, đâu là chính xác? Và nếu một trong hai luồng dư luận trên chính xác thì nó nói lên điều gì?
Lại nhớ đến ba loại trí thức
Thật ra, chuyện ông Tráng (và nhiều ông trưởng phòng, hiệu trưởng khác ở Việt Nam) có chơi đòn giả, ra thông báo giả hay ra đòn thật, chơi thông báo thật thì cũng chẳng nói lên được điều gì sáng sủa ngoài việc nhắc nhớ đến ba loại trí thức căn bản đã ngự trị ở Việt Nam mấy chục năm nay: Trí thức hèn nhát; Trí thức cây sậy; Trí thức tỉnh thức.
Nếu chia thêm nhóm nhỏ thì có trong nhóm Trí thức cây sậy lại có thêm loại trí thức toàn tri hay chơi trò phủ đầu và ngôn ngữ đao to búa lớn, dạng trí thức này tồn tại khá nhiều trong các cơ quan chỉ điểm và tuyên truyền.
Giả sử như chuyện ông Tráng và (...) ra thông báo là hợp với ý chí, dự tính và tình cảm của ông, ông không chơi đòn lừa nào cả thì không cần bàn cãi gì thêm, ông thuộc nhóm trí thức hèn nhát, loại này chỉ lo cho chén cơm, manh áo, vinh thân phì da, không màng gì đến chuyện cộng đồng, thế hệ hay quốc thể/quốc sự... Cộng thêm tính sợ sệt quyền lực và xu phụ kẻ mạnh, o ép kẻ thuộc cấp - một kiểu người vô cảm có chữ nghĩa và làm công nhân chữ nghĩa trong môi trường đại học, không hơn không kém!
Loại này chiếm tỉ lệ khá lớn trong trí thức Việt Nam. Nó là nguyên nhân chính của sự băng hoại nguyên khí quốc gia.
Trường hợp khác, ông Tráng và (...) đã chơi đòn lừa ngành an ninh, đã bật đèn xanh cho sinh viên tham gia biểu tình và dán bản thông báo cấm nhằm tạo ra bằng cớ để sau này lỡ bên công an mời qua làm việc dễ bề trả lời, “chối tội”... Thì lại rơi vào tường hợp thứ nhì: Ông Tráng và (...) là loại trí thức cây sậy.
Ở loại này, nét dễ nhận biết nhất của nó là tính giảo hoạt, thực dụng và trọng hiệu quả. Nghĩa là trong trường hợp nếu cuộc biểu tình bị dập tắt, công cuộc đấu tranh của lớp trí thức trẻ thất bại, thì ông Tráng và (...) vẫn có đường để chối tội, để tiếp tục hưởng ân mưa móc của bề trên bởi trước đó đã có động thái thể hiện sự trung thành của mình (trong trường hợp này là thông báo cấm biểu tình). Và cách tính toàn này rất thâm độc, bởi một khi lớp trẻ thất bại, họ sẽ “được” kỷ luật và trừng trị gắt máu theo kịch bản đã dàn dựng.
Ngược lại, nếu lớp trí thức trẻ thành công (ở đây cụ thể là đấu tranh nhân quyền, dân chủ và kêu gọi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chống sự xâm lấn của Trung Cộng) dẫn đến một sự thay đổi, một cuộc cách mạng thì nhóm trí thức cây sậy này vẫn có cơ hội hưởng lợi bởi lúc đó họ sẽ vác đơn đi khai báo công trạng, kể công... để tiếp tục vinh thân phì da.
Chung qui, cả hai loại trí thức này đều không cần cho một quốc gia, sự thực dụng, hèn nhát và giảo hoạt của họ chỉ làm cho đất nước ngày một thêm băng hoại, dân khí ngày một bị triệt tiêu và dân trí mỗi ngày thêm lụn bại, tiêu vong.
Một quốc gia hưng thịnh luôn và rất cần những trí thức tỉnh thức, cần chính khí của kẻ sĩ, cần lòng yêu nước nồng nàn, nhiệt huyết với dân tộc, tính xả thân hy sinh cho cộng đồng, dân tộc và vượt thoát mọi ràng buộc quyền lực, mọi tư lợi nhỏ nhen, cần tinh thần vô úy (không sợ hãi) của họ. Thậm chí cần cả sự nổi giận cần thiết của một trí thức như họ ở những thời điểm đất nước lâm nguy, kẻ ngoại xâm lấn chiếm bờ cõi.
Rất tiếc, loại trí thức tỉnh thức quá hiếm hoi ở Việt Nam!
Cái đói, dùi cui và lời đe dọa...
Cũng nên nhắc đến những ngày tem phiếu sau 1975 kéo dài đến những năm giữa thập niên 1980, đó là thời đoạn cả dân tộc rơi vào cảnh bầy đàn dắt díu, giành giật nhau từng mẩu thịt, ký bắp, lạng đậu, lít dầu.
Chính cái đói, sự thiếu thốn và nỗi thống khổ, nhục nhã đứng xếp hàng chờ đợi sự ban phát cái ăn của bà lương thực, chính nỗi sợ hãi vì đã lỡ có đầu óc làm kinh tế, biết nuôi thêm con heo, con gà để bán mà phải lo lắng, sợ sệt ông thuế vụ đến phạt, tịch thu...
Thậm chí bán heo phải chọn canh khuya, không ai để ý, xúc heo vào rọ, bỏ tro vào mồm cho nó khỏi kêu, khỏi đánh động, chờ bảy đáp chở heo ra khỏi xóm, sáng hôm sau không thấy công an, thuế vụ đến nhà mới yên tâm là mình “thoát nạn”... Đã làm cho con người trở nên đói khổ, lo sợ và hèn nhát, mất hết dũng khí của một con người cho dù là trí thức hay phàm phu.
Sự mất dần, vắng bóng những trí thức tỉnh thức và hàng loạt các loại trí thức thuộc hạng tầm thường, mưu đồ tư lợi, hèn kém ra đời cũng là điều dễ hiểu sau một giai đoạn lịch sử mà dân tộc luôn đối diện với cái đói, sự bất công và sợ hãi.
Vào lúc hữu sự, những trí thức tỉnh thức đứng ra kêu gọi biểu tình, kêu gọi những hoạt động phản đối kẻ xâm lăng lại bị dùi cui và lời đe dọa của công an, của cấp trên cũng như của thầy giáo... Tất cả những hiện tượng này đều phát biểu một não trạng đã bị tổn thương lâu dài của dân tộc.
Nó cho thấy một vệt nối của sợ hãi trên nhiều tầng bậc (người cấp xã sợ cấp huyện, cấp huyện sợ cấp tỉnh, cấp tỉnh sợ cấp trung ương, cấp trung ương lại sợ một trung ương khác mạnh hơn đang uy hiếp mình...) từ một ngàn năm nô lệ đến hơn một trăm năm đô hộ và cho đến mấy chục năm phụ thuộc ý thức hệ. Tất cả những thứ này đều là “thuốc độc” có nguy cơ gây diệt vong cho dân tộc.
Những đòi hỏi cấp thiết
Và, trong bối cảnh hiện nay, tình hình biển đảo càng lúc càng nóng lên, tàu Trung Quốc càng lúc càng tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam để gây hấn (cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02, gần đây nhất là cắt cáp của tàu Viking 2), xâm chiếm các đường biên lãnh thổ, đào các cột mốc biên giới... Hơn bao giờ hết, đất nước cần những cái đầu tỉnh thức và những lồng ngực căng tràn nhiệt huyết yêu nước.
Điều này muốn có, muốn thực hiện được, không ai ngoài những trí thức tỉnh thức và thế hệ trí thức trẻ. Chính kinh nghiệm, sự chín chắn về tư tưởng của lớp trí thức cao niên cộng với bầu nhiệt huyết của thế hệ trí thức trẻ sẽ làm nên sức mạnh bảo toàn quốc gia, bảo toàn dân tộc để đi đến tương lai phát triển, văn minh nhân loại.
Hơn bao giờ hết, đất nước cần những hoạt động cụ thể, sáng suốt và quả cảm của những con người yêu quê hương, yêu đất nước, yêu dân tộc!
Phi Khanh (tienve)
tienve.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét