Trước hết, xin giải thích cái tựa. Thì, các bạn biết rồi đấy, tôi làm nghề đo lường mà lại. Mà là “đo lường giáo dục” cơ đấy, tức là đo mấy cái khái niệm (tiếng Anh là “construct”, mà cố GS Dương Thiệu Tống đã dịch là “khái niệm tạo lập”, nhưng mà nghe nó trúc trắc quá, nên tôi tạm gọi là “khái niệm”) vốn là những cái mà mấy nhà lý thuyết bày đặt nghĩ ra theo kiểu thừa giấy vẽ voi, chứ không tồn tại dưới dạng vật lý (physical existence).
Ví dụ như “thông minh” – nó là cái gì, nhỏ to lớn bé ra sao, chẳng có ai thấy bao giờ cả, nhưng ai cũng có quyền nói, “thằng bé đó thông minh lắm”, hoặc “con bé đó hơi chậm chạp” (ý nói kém thông minh, cái này hồi bé là tôi hay bị người khác nói lắm!)
Khi nói rằng ai đó thông minh hoặc kém thông minh, tức là đã thừa nhận sự tồn tại của cái gọi là “thông minh”, dù không nhìn thấy. Cũng như ai cũng biết là có tồn tại một thứ gọi là tình yêu, dù không ai chỉ ra được nó là cái gì. Nhưng trong cái nghề đo lường của tôi thì người ta cứ khăng khăng rằng cái gì (được xem là) tồn tại thì ắt phải đo được, còn nếu không đo được thì xem như nó không tồn tại!
Bây giờ đến “dzụ” yêu nước. Lý do hôm nay tôi nhắc đến chuyện yêu nước là do gần đây lùm xùm vụ tàu Bình Minh 2, rồi đến vụ ngày 5/6 khi một số người có đủ trẻ già lớn bé tình cờ đi bộ ngang đại sứ quán TQ ở Hà Nội và lãnh sự quán TQ ở TP HCM trong trật tự …. Cũng phải thú thật, trong cái ngày ấy tôi cũng rất muốn đi bộ ngang LSQ TQ nhưng … không dám, vả lại ngày ấy tôi cũng có giờ dạy từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa, nên cũng chẳng có thì giờ mà đi.
Sau buổi ấy, đọc báo chí, “mạng miếc” tôi mới hay là trong số người đi bộ đó có kha khá nhiều người mình biết; mới thấy rằng mình cũng … hèn thật! Chỉ là ôn hòa biểu lộ công khai quan điểm và tình cảm của mình đối với đất nước và phản đối sự gây hấn của người hàng xóm “lớn xác, xấu tính” kia thôi, mà cũng không dám (dù sao cũng có lý do để bào chữa: hôm ấy tôi cũng mắc đi dạy cơ mà?)
Rồi nghĩ ngợi lan man, phải chăng mình không yêu nước, hay ít ra là không yêu bằng người khác? Nưng tôi vẫn luôn tin là mình yêu nước lắm cơ mà. Vậy tại sao tôi không dám đi bộ ngang lãnh sự quán TQ vào ngày hôm ấy nhỉ?
Và chợt nhớ ra một câu hỏi có thật mà tôi đã có dịp trao đổi trực tiếp với một GS người Úc cách đây cả chục năm, một chuyên gia đo lường trước đây giảng dạy tại ĐH Melbourne (giờ có lẽ đã về hưu, GS Patrick Griffin ấy, ở VN chắc có nhiều người biết), câu hỏi mà tôi đã đưa lên làm tựa entry này.
Chuyện như sau: lúc ấy GS Griffin đang giúp VN xây dựng công cụ đánh giá giáo viên (trong đề án phát triển giáo viên tiểu học, sử dụng vốn vay của WB, hình như thế). Và trong các chuẩn do nhà nước ta đưa ra để đánh giá giáo viên thì yêu cầu đầu tiên là phải yêu nước – tất nhiên là yêu nước xã hội chủ nghĩa! Mà hễ đã là chuẩn đánh giá, thì tất nhiên là phải đo! Vì không đo, thì làm sao biết được người này yêu nước hơn người khác?
Vấn đề ở đây là: đo lòng yêu nước thì đo cái gì mới được chứ?
GS Griffin đã đặt ra câu hỏi ấy cho tất cả những người dự buổi trình bày của ông hôm ấy. Đặt một cách nghiêm túc, và người nghe buộc phải đi đến 1 trong 2 lựa chọn: một là tìm ra được biểu hiện của lòng yêu nước và tìm cách đo nó, hai là bỏ nó ra khỏi danh sách những chuẩn mực cần thiết đối với một giáo viên.
Bị ép phải trả lời, tôi nhớ các thành viên của buổi thảo luận đã đưa những ví dụ về biểu hiện đo được – chú ý nhé, phải là biểu hiện đo, đếm được – của lòng yêu nước như sau:
- Chăm chỉ tham dự các buổi họp và học tập chính trị ở cơ quan (ai hay vắng thì kém yêu nước hơn những người đi đầy đủ)
- Chăm phát biểu trong các buổi học chính trị
- Tham gia mọi phong trào do nhà nước (cụ thể là cơ quan đang làm việc) phát động …
Thực ra, khi đưa những biểu hiện này ra thì chính những người phát biểu cũng thấy rằng chúng vẫn còn … linh tinh lắm! Vì ai cũng biết, có thề đi họp, đi học chính trị nhưng đầu nghĩ việc khác, tay làm việc khác (tôi là chuyên môn chấm bài vào những lúc họp); cũng có thể phát biểu “xoen xoét” nhưng bụng chẳng tin gì cả; và có thể tham gia phong trào chẳng qua là do … sợ chính quyền mà thôi, chứ có tin yêu, tự nguyện đóng góp gì đâu. Nhưng dù sao thì đó đúng là những biểu hiện nhìn thấy và đo đếm được, theo đúng yêu cầu của GS Griffin.
Thế mới thấy, biểu hiện lòng yêu nước (chân chính) ra bên ngoài là một việc làm quá khó! Và nếu khó đo như thế, thì như GS Griffin đã nói trong cuộc thảo luận đó, thôi đừng có đưa nó ra thành chuẩn làm gì! Còn nếu thấy nó quan trọng, thì bằng mọi giá phải tìm được biểu hiện nào đo được, rồi đo nó!
Lẩn thẩn, tôi liên hệ những gì GS Griffin nói với sự kiện tàu Bình Minh 2, và tự hỏi: biết đâu TQ thử làm mấy chuyện ấy để “nắn gân” VN, xem thử dân ta có yêu nước không, có dám phản đối những việc làm ngang nhiên của họ không. Và họ sẽ tìm một biểu hiện nào đấy để đo lòng yêu nước của chúng ta, rồi sẽ chọn thái độ ứng xử tiếp theo.
Theo tôi, số lượng “người đi bộ đi ngang qua ĐSQ/LSQ TQ vào ngày 5/6″ rõ ràng là một biểu hiện đo được. Cũng như độ nóng trên mạng về vụ “đi bộ” này. Vậy thì số người đi bộ hôm ấy rõ ràng phải là càng đông càng tốt, và mạng càng nóng thì càng tốt.
Nhưng … việc “đi bộ” hôm ấy dường như không được khuyến khích. Thậm chí có nơi, ban giám hiệu trường đại học còn ra thông báo hăm he, dọa đuổi những sv nào “đi bộ ngang qua LSQ/ĐSQ TQ vào ngày 5/6″ nữa kia.
Vậy, nếu ai cũng im re, nằm nhà, giống như tôi hôm ấy (nói cho đúng, tôi đâu có nằm nhà, mà đi dạy học đó chớ, không tin các bạn cứ hỏi các học viên của tôi ắt sẽ rõ!), thì TQ sẽ hiểu sao về lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của người Việt (và nhà nước VN, đảng lãnh đạo của dân tộc VN) nhỉ?
Thế nhưng, hình như các đoàn viên, đảng viên vv, những con người ưu tú, tầng lớp lãnh đạo hiện tại và tương lai của đất nước, dường như chẳng có mấy ai chịu “đi bộ” vào ngày ấy. Well, có lẽ là cũng có (?), nhưng trong số những người thuộc thành phần ưu tú mà tôi biết, chẳng có ai biểu hiện lòng yêu nước ra theo kiểu đi bộ như thế cả.
Mà ngay cả báo chí “lề phải” cũng chẳng thấy nói gì mấy (à, thì cũng có, nhưng mà … hình như vẫn “ôn hòa”, mềm mỏng, thậm chí “nương nhẹ” lắm. Nương nhẹ với “cái cướp”, tôi hình dung mẹ tôi sẽ nói như thế, nếu bà còn sống.)
Vậy mà theo tôi biết, thì tất cả các đảng viên, đoàn viên ấy chắc chắn phải yêu nước hơn tôi rất nhiều. Chứ gì nữa, họ được đảng giáo dục kỹ lưỡng đến thế còn gì.
Nhưng yêu nước mà không biểu hiện ra chút nào như thế, thì làm sao người khác biết được nhỉ? Rồi lỡ TQ nó hiểu lầm là VN ta … rất hài lòng với mối quan hệ 16 chữ vàng hiện nay, và không hề than phiền gì về những hành động kia, thì sao nhỉ?
Hừm … Khó quá, tôi không thể nào nghĩ ra được.
À thôi đúng rồi: thì họ biểu hiện đúng bằng những điều đã nêu ở trên đấy, còn gì nữa: đi họp, học chính trị (về sự quan trọng của đấu tranh bằng ngoại giao, chắc thế), tham gia mọi phong trào do nhà nước tổ chức vv (còn cái gì không phải do nhà nước tổ chức, vd như vụ đi bộ kia, thì chắc chắn không tham gia).
Chỉ có thế thôi, mà nghĩ mãi không ra!
Vũ Thị Phương Anh
07-06-2011
Theo BlogAnhVu
PS: Chuyện đo lòng yêu nước này không phải tầm phào đâu nhé; trước đây trên thế giới cũng đã có hẳn một nghiên cứu “xuyên quốc gia” về vấn đề này rồi đấy. Bạn nào không tin thì cứ google với cụm từ này “how to measure patriotism” là ra ngay thôi! Đây, nó ở đây này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét