∇ Đọc Bài Này
|
Mới đây Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Phó Đức Phương trách nhiệm đã đến tận đêm biểu diễn nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn do ca sĩ Khánh Ly từ hải ngoại về trình diễn để đòi tiền bản quyền tác giả mà Trung tâm này được pháp luật cho phép. Mặc Lâm phỏng vấn nhạc sĩ Phó Đức Phương để tìm hiểu thêm sự việc xảy ra.
Đại diện cho 3.000 tác giả
Mặc Lâm: Thưa nhạc sĩ Phó Đức Phương, được biết ông đang là giám đốc trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm hạc Việt Nam, xin ông cho biết vai trò của trung tâm này và hoạt động của nó ra sao?
NS Phó Đức Phương: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là một tổ chức quản lý tập thể phi chính phủ, phi lợi nhuận. Giống như cơ cấu mô hình của tất cả các tổ chức quản lý tập thể khác trên thế giới. Nó hoạt động theo những qui định của luật pháp về quyền tác giả và với sự ủy nhiệm của tất cả các tác giả.
Cụ thể là được sự ủy nhiệm của các tác giả và của những sở hữu quyền. Trung tâm này đang là đại diện cho 3 nghìn tác giả trong nước. Họ có hợp đồng ủy thác cho chúng tôi để chúng tôi đại diện cho lợi ích của họ, lợi ích theo quyền của luật pháp để yêu cầu những người sử dụng âm nhạc của họ phải trả tiền khi sử dụng các tác phẩm của họ ở trên tất cả mọi lĩnh vực. Đấy là ở trong nước. Chưa kể là với tư cách là thành viên của CISAT, chữ viết tắt của Liên minh quốc tế các nhà soạn nhạc và lời. Trung tâm đã ký 55 hợp đồng song phương với các tổ chức quyền âm nhạc tương ứng trên thế giới và có hiệu lực điều chỉnh trên 150 quốc gia. Cùng với 55 hợp đồng song phương với các tổ chức lớn, chính trên thế giới đó, trung tâm đồng thời cũng đại diện cho 3 triệu tác giả trên thế giới. Vậy thì trách nhiệm của chúng tôi về mặt pháp lý là hoàn toàn đầy đủ. Khi chúng tôi thành lập trung tâm này thì đã được bộ Nội vụ xem xét và cho phép.
Trung tâm này đang là đại diện cho 3 nghìn tác giả trong nước. Họ có hợp đồng ủy thác cho chúng tôi để chúng tôi đại diện cho lợi ích của họ, lợi ích theo quyền của luật pháp.
-NS Phó Đức Phương
Mặc Lâm: Trong lần nhạc sĩ tới đêm biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly tại Hà Nội yêu cầu thanh toán tiền tác quyền đã bị bầu show từ chối và cho là trung tâm không có đủ chứng minh về người thừa hưởng các sáng tác âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Sự thật việc này ra sao?
NS Phó Đức Phương: Tổ chức biểu diễn chương trình Khánh Ly họ nói chúng tôi chưa đủ 5 chữ ký ủy nhiệm của gia đình Trịnh Công Sơn, ủy thác cho chúng tôi bảo vệ những sản phẩm của anh Sơn. Thật ra chúng tôi có ngay nhưng chúng tôi không kịp đúng lúc mà ngăn chặn việc họ sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà chưa xin phép. Chúng tôi đã có giấy tờ hợp lệ. Hiện nay chúng tôi đã có 3 chữ ký trong tay rồi. Tình hình bất chợt mà. Họ hỏi như thế thì mình không đủ văn bản có chữ ký của 5 người. Năm người còn lại đã có bản ủy nhiệm cho chị Trịnh Vĩnh Trinh và anh Tịnh là thay mặt gia đình như là hàng thừa kế thứ hai. Họ cố ý trì hoãn, cố tìm ra lý do để bào chữa cho cái việc đang sử dụng tác phẩm của anh Sơn mà không xin phép.
Mặc Lâm: Trong vụ đòi hỏi tiền tác quyền, người mà Trung tâm của Nhạc sĩ đại diện đòi hỏi là ai, Khánh Ly hay trung tâm tổ chức Đồng Dao thưa ông?
NS Phó Đức Phương: Thật ra phải hiểu cho đúng các qui định cơ bản của luật quyền tác giả. Trong luật có nói rằng người sử dụng tác phẩm của các tác giả thì phải xin phép, phải trả tiền. Đấy là trong điều 20 của luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Ta phải hiểu rằng người sử dụng tác phẩm là ai. Đương nhiên chỉ có hai người sử dụng. Đó là người tổ chức biểu diễn để dùng các tác phẩm của các tác giả để trình diễn và người hát biểu diễn cái bài đó cũng là đang sử dụng các tác phẩm của các tác giả. Vậy thì theo đúng luật sở hữu trí tuệ thì ca sĩ cũng là người đang sử dụng các tác phẩm. Thế nhưng trong nhiều năm nay để qui gọn về một mối thì chúng tôi mặc nhiên coi những người sử dụng tác phẩm là chính những người tổ chức biểu diễn. Và người tổ chức biểu diễn ấy là người đại diện luôn cho ca sĩ. Cụ thể trong trường hợp này là ca sĩ Khánh Ly.
Ai chịu trách nhiệm?
Mặc Lâm: Xin ngắt lời nhạc sĩ ở chỗ này chút xíu: nếu tính cả hai bên vừa người tổ chức biểu diễn và người trình diễn bài hát ấy, có phải chăng là tiền tác quyền này được tính thành hai lần một lúc, thưa nhạc sĩ?
NS Phó Đức Phương: Không ạ. Trong ý nghĩa thì hiểu như vậy nhưng tôi chỉ qui gọn về một mối. Tôi chỉ yêu cầu người tổ chức biểu diễn đến làm hợp đồng để trả tiền cho tác phẩm chứ không yêu cầu ca sĩ phải đến. Vậy thì người tổ chức biểu diễn từ trong đầu phải biết là mình đại diện luôn cho ca sĩ. Bài toán về vấn đề thù lao thì người tổ chức biểu diễn phải hiểu rằng là phải thay mặt cho người hát, người diễn để thực hiện cái nghĩa vụ cho tác giả. Khi đọc luật ra có rất nhiều luật sư, rất nhiều người bình luận thì đều hiểu rằng là người sử dụng tác phẩm là ai, trong đó có ca sĩ. Ca sĩ làm gì đây? Ca sĩ cũng chính là người sử dụng tác phẩm.
Cho nên trong vấn đề này chúng tôi cũng muốn đưa đến cho các ca sĩ một thái độ cũng như hiểu biết về luật pháp. Tôi đang cố gắng tuyên truyền để cho các người biểu diễn, cụ thể là các ca sĩ phải có trách nhiệm nhắc nhở người tổ chức biểu diển là các anh đã xin phép tác giả chưa, các anh đã làm nghĩa vũ luật pháp chưa? Bởi vì nếu chưa làm việc xin phép tác giả, chưa làm những điều mà luật pháp đã qui định thì có nghĩa là anh chưa có quyền sử dụng các tác phẩm trong chương trình đó.
Nếu người biểu diễn có tinh thần luật pháp và có đạo đức thấy người tổ chức này không chịu xin phép tác giả thì không bao giờ hát. Có nhiều người trách chị Khánh Ly ở chỗ đó. Chắc chắn sau đêm diễn ở Hà Nội thì chị Khánh Ly thừa biết có chuyện lình xình như thế nào xảy ra. Vậy mà chị không hỏi một câu nào với người tổ chức rằng là anh phải đi xin phép người ta đi hay nếu anh chưa xin phép thì tôi không hát đâu.
Là người có ý thức luật pháp và kể cả là có trách nhiệm, nhất là chị Khánh Ly vẫn từng nói là rất thân, rất gần gũi, rất yêu quí... gì đó với anh Sơn. Vậy mà cứ hát cả một đêm những bài của anh Sơn mà không áy náy gì về việc ban tổ chức chưa xin phép về quyền tác phẩm của anh Sơn. Đấy cũng là một sai sót của chị Khánh Ly. Tôi nghĩ như vậy và nhiều người cũng nhắc đến điều này.
Mặc Lâm: Hình như vai trò của trung tâm do ông trách nhiệm không được nhà nước quan tâm lắm đến nỗi chính ông phải tự tìm đến đòi tiền tác quyền một cách khá nguy hiểm như vậy. Tôi nói nguy hiểm cả nghĩa đen là sẽ bị hành hung và nghĩa bóng là tai tiếng có thể đè lên tên tuổi của ông…
Cứ hát cả một đêm những bài của anh Sơn mà không áy náy gì về việc ban tổ chức chưa xin phép về quyền tác phẩm của anh Sơn. Đấy cũng là một sai sót của chị Khánh Ly.
-NS Phó Đức Phương
NS Phó Đức Phương: Tôi nói thật là tôi cũng thấy hơi buồn phiền một chút. Cơ quan nhà nước cho rằng đây là mối quan hệ dân sự nên không chịu can thiệp vào trong việc này. Chúng tôi có đặt vấn đề nhưng họ chưa sốt sắng trong việc này. Vậy thì với tư cách là mình biết mình hành động đúng luật pháp thì mình phải làm chi tiết.
Tại sao phải có việc này? Có một chương trình Khánh Ly trong tháng 5 cũng ở Hà Nội. Lúc bấy giờ ban tổ chức của cái show Khánh Ly đó thì vô cùng nghiêm túc. Họ đến với chúng tôi để thảo luận và chi trả hợp đồng và chi trả tiền rất là nghiêm túc. Sau hai tháng thì ban tổ chức mới này lập tức có một thái độ khác hẳn, rất tiêu cực, không tự giác, không nghiêm túc trong việc thực hiện qui định luật pháp này.
Tôi phải ngăn chặn tích cực để cho những người tổ chức biểu diễn mà trước hết là những người tổ chức buổi biểu diễn của Khánh Ly trước đây hai tháng họ đỡ suy bì. Và họ thấy họ đóng tiền như thế là đúng, là chuẩn. Trung tâm không để thiên lệch về phía nào. Cách đây hai tháng show diễn của Khánh Ly trả tiền rất đầy đủ thì không lẽ show diễn này lại tìm mọi cách để trốn tránh, thoái thác nghĩa vụ luật pháp về quyền tác giả hay sao. Do vậy tôi phải làm khẩn trương, kiên quyết. Tôi nghĩ rằng nếu mình làm đúng thì không có gì ngại ngần hết.
Đương nhiên là tôi không làm việc này “đơn thương độc mã”. Tôi đi với các cán bộ của trung tâm. Có một văn phòng đại diện trung tâm tại Đà Nẵng. Có hai cán bộ ở Đà Nẵng đi cùng với tôi. Hơn thế nữa, trước đó tôi đã chuẩn bị thông báo với 5,7 nhà báo đi cùng để chứng kiến việc này. Tất cả những chuyện gì, sự việc xảy ra ở đấy thì sẽ có ống kính, máy quay và tất cả các phương tiện của các nhà báo ghi chép lại hết. Trong tình huống như vậy thì phía tổ chức biểu diễn không dám manh động, không dám làm làm việc gì quá đáng. Kể cả có scandal lớn xảy ra, có xô xát hay tôi có ngã ra ở đấy thì việc đấu tranh của tôi lại càng mạnh mẽ bởi vì như vậy sẽ đánh động toàn bộ hệ thống nhà nước. Nhất là các cơ quan có liên quan đến việc này phải xem lại tại sao lại để xảy ra tình trạng rối ren như thế này.
Mặc Lâm: Câu chuyện bên lề về vụ lùm xùm này tuy có nhiều nơi đồng tình nhưng dư luận ở một phía khác cho rằng Trung tâm sở dĩ làm mạnh làm căng vì tiền hoa hồng khi đòi được rất cao… Nhạc sĩ có chia sẻ gì trước những ý kiến này thưa ông?
NS Phó Đức Phương: Cái cách họ lý luận như thế nó quá là... nếu gọi là thiếu hiểu biết thì cũng đúng hoặc là cố ý để đưa ra những lời bình luận như vậy. Anh thừa biết là làm sao một hoạt động mà không có những chi phí. Họ phải có hành chánh phí hay phí hoạt động chứ. Chúng tôi trích lại số tiền của tác giả mà tác giả đã đồng ý rồi và việc phải trích bao nhiêu phần trăm thì tất cả các thành viên đều phải biết. Chúng tôi báo cáo với tổ chức quốc tế biết là chúng tôi giữ lại chừng này phần trăm để tổ chức quốc tế xem có được không. Tổ chức quốc tế tức là liên minh các nhà soạn nhạc và lời quốc tế (CISAT) thì họ hiểu rằng trong giai đoạn đầu, việc giữ lại tỉ lệ phần trăm như vậy để hoạt động là hợp lý. Quốc tế họ thông minh lắm, họ biết. Việc này thì đương nhiên phải giữ lại chứ. Giữ lại để hoạt động, để nuôi bộ máy chứ. Thuê nhà, thuê cửa, trả lương, hội nghị, hội thảo, công văn giấy tờ... Tóm lại phải có phần trăm của chi phí đó chứ.
Mặc Lâm: Một lần nữa xin cám ơn nhạc sĩ Phó Đức Phương về buổi mạn đàm ngày hôm nay
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét