Ngô Nhân Dụng / Nguoiviet
Mọi người Việt Nam đều muốn những tranh chấp với Trung Quốc trong vùng Biển Ðông phải được đưa ra quốc tế, không thể chỉ nói chuyện riêng giữa hai bên.Trong thực tế, rất nhiều nước vì quyền lợi riêng của họ, đã can dự vào vùng biển này. Trung Quốc đang có thêm nhiều đối thủ, và mất bớt bạn bè, nếu họ đã có.
Chính Bắc Kinh đã gây nên tình trạng này. Năm 2010, họ đi ngược lại khẩu quyết “Thao quang dưỡng hối” của Ðặng Tiểu Bình. Họ tuyên bố vùng Ðường Chín Ðoạn, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc loại quyền lợi cốt lõi. Trước đây chỉ có Ðài Loan và Tây Tạng được xếp trong loại này. Chủ trương như vậy không khác gì coi cả vùng biển Ðông Nam Á thuộc vào Trung Quốc, như Tây Tạng, Ðài Loan. Trung Quốc đã bày tỏ những thái độ hung hăng nhiều lần hơn trước. Họ đã cấm xuất cảng sang Nhật một nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất ngành điện tử, gọi là “đất hiếm,” mà Trung Quốc là nước sản xuất nhiều nhất, gần như độc quyền.
Không những Nhật mà Mỹ và Nam Hàn, Ấn Ðộ cũng phải lo ngại tìm cách giảm bớt tình trạng lệ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu từ Trung Hoa. Bắc Kinh lại cho người biểu tình phản đối việc Nhật Bản bắt giam một thuyền trưởng xâm phạm vùng đảo Senkaku, mà người Trung Hoa gọi là Ðiếu Ngư Ðài. Trước kia họ không có những hành động gây căm thù mạnh mẽ như vậy. Người thuyền trưởng được tự do, mà ai cũng biết thế nào cũng được trả về. Nhưng người ta lo sợ không biết Bắc Kinh sẽ còn muốn gì khác.
Trung Quốc lại tạo thêm tình trạng căng thẳng với Ấn Ðộ. Họ đưa quân sang giúp Pakistan xây dựng những căn cứ chiến lược ở vùng Kashmir, mà nước Pakistan đang chiếm đóng trong cuộc tranh chấp kéo dài hơn nửa thế kỷ với Ấn Ðộ. Trung Quốc cũng xây dựng những quân cảng cho Miến Ðiện và Pakistan; cả hai đều nhòm ngó vào vùng biển của Ấn Ðộ, ở hai phía Ðông và Tây. Hải quân Trung Quốc sẽ được phép sử dụng các hải cảng này khi cần thiết. Trung Quốc cũng nhắc lại Ấn Ðộ phải trả cho họ vùng đất thuộc tiểu bang Arunachal Pradesh giáp giới hai nước. Trung Quốc vẫn coi vùng này thuộc quyền của họ, mà họ gọi là Nam Tây Tạng; một lý do họ nêu lên là trong đó có sinh quán của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma. Một cuộc tranh chấp âm ỉ nửa thế kỷ đã được hâm nóng lại, không do một nguyên nhân trực tiếp nào.
Những hành động gây hấn cụ thể và trắng trợn nhất là đối với Việt Nam. Tầu đánh cá của nước ta bị tấn công, các ngư dân bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Ðến năm 2011, Trung Quốc còn đi cắt dây cáp của các con tầu do Petro Việt Nam thuê thăm dò đáy biển. Phi Luật Tân cũng bị đe dọa khi khai thác dầu khí trong vùng biển của mình. Nhưng tại quốc gia nhỏ bé với dưới 7 triệu dân là nước Lào, Trung Quốc cũng đụng chạm khiến chính phủ Lào phải phản đối. Lợi dụng chương trình viện trợ phát triển, Trung Quốc đã đòi được đưa sang Lào 300,000 công nhân và sau này sẽ khó đuổi đi. Người Trung Hoa tới thị xã Boten gần biên giới để xây dựng trạm đầu tiên trên tuyến đường sắt nối các nước Ðông Nam Á và Trung Quốc. Họ đã biến Boten thành một thị trấn Tầu, mở khách sạn, mở mang du lịch, mở casino làm băng hoại xã hội chung quanh. Khi chính phủ Lào bị dân chúng biểu tình phản đối đã phải đóng cửa casino, đuổi bớt người Trung Hoa về nước, Trung Quốc đã trừng phạt bằng cách ngưng viện trợ, không xây một cây cầu băng qua sông Mekong đã đồng ý giúp. Tại Campuchia, Trung Quốc vẫn mua chuộc bằng tiền bạc, họ xây tặng một dinh thủ tướng mới. Ông Hunsen vui vẻ đồng ý, nhưng khi xây dựng xong ông ta không dùng.
Các hành động của Trung Quốc khiến thế giới phải đặt câu hỏi về tham vọng lâu dài của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ðặc biệt là các nước lớn, như Mỹ, Ấn Ðộ và Nhật Bản.
Một bản báo cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết trong một thập niên vừa qua, Trung Quốc đã thay đổi quân đội hoàn toàn. Từ một quân đội hoàn toàn trên bộ, nhắm vào việc bảo vệ vùng bờ biển, họ biến thành một guồng máy chiến tranh hướng ra ngoài. Tăng cường hải quân, phi đạn chống tầu thủy, phi đạn bắn xa trên 1,500 cây số và các hỏa tiễn liên lục địa, vệ tinh nhân tạo, phi cơ tàng hình, và các vũ khí điện tử tinh vi mới.
Người ta phải nhắc lại trong quá khứ Trung Quốc đã từng tiến quân sang các nước láng giềng theo châm ngôn “Tiên hạ thủ vi cường.” Năm 1950 họ đưa hàng triệu “chí nguyện quân” sang Hàn Quốc khi quân Mỹ và Liên Hiệp Quốc phản công sắp tiêu diệt chế độ cộng sản ở Bắc Hàn. Trung Quốc đã tấn công Ấn Ðộ trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Năm 1974 đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; năm 1979 tấn công các tỉnh biên giới Bắc Việt; năm 1988 hải quân của họ lại tấn công các đảo ở Trường Sa giết thêm 80 chiến binh Việt Nam.
Trước lịch sử đó, tự nhiên, các nước chung quanh phải lo đề phòng. Mối bang giao đang phát triển mạnh nhất ở Á Châu là giữa Ấn Ðộ và Nhật Bản; các nước khác cũng liên kết với nhau, và kết thân với Mỹ.
Nhật Bản đang theo một bản Hiến Pháp hòa bình do Mỹ lập ra sau Thế Chiến Thứ Hai, cho nên trên nguyên tắc không có quân đội mà chỉ có một “đạo quân tự vệ.” Ngày Chủ Nhật 16 Tháng Mười vừa qua, trong một cuộc duyệt binh tại căn cứ không lực Hyakuri, Thủ Tướng Nhật Yoshihito Noda đã báo động, “Tình trạng an ninh bao trùm đất nước chúng ta càng ngày càng nhiễu nhương vì những hành động leo thang của Trung Quốc trên mặt biển và sự bành trướng quân lực của họ.” Ông vạch ra mối lo lớn nhất của Nhật là sự phát triển quân sự của Trung Quốc được che giấu chứ không minh bạch như ngân sách quốc phòng công khai của các nước tự do dân chủ.
Thứ Sáu tuần trước, Ngoại Trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã thăm Indonesia, cùng với Ngoại Trưởng Marty Natalegawa ký kết những hiệp ước hợp tác. Cả hai kêu gọi tăng cường an ninh vùng biển Ðông Nam Á để đáp lại với sự bành trướng của nước Trung Hoa. Năm ngoái, dưới thời một vị thủ tướng khác cùng đảng, Nhật Bản đã công bố một bản sách lược quốc phòng, kêu gọi chuyển hướng từ chủ trương thụ động sang tích cực hơn. Sách lược này cũng coi Trung Quốc là đối tượng, thay thế vai trò nước Nga từ thời chiến tranh lạnh. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, đứng hàng thứ nhì sau nước Mỹ, đã tăng thêm 13% trong 12 tháng tới; trong khi ngân sách quân sự của Nhật đã giảm ngân sách liên tục trong suốt mười năm qua.
Chúng ta biết rằng nếu cần tái vũ trang thì Nhật Bản sẽ không phải chờ đợi lâu. Guồng máy sản xuất công nghiệp của Nhật dư khả năng để tăng cường quân lực. Với GDP trên 5 ngàn tỷ Mỹ kim, lợi tức theo đầu người ở Nhật hiện vẫn lớn bằng gần 10 lần dân chúng Trung Quốc. Mặc dù chỉ có nhiệm vụ phòng thủ, Hải quân Nhật hiện nay vẫn lớn mạnh nhất Á Châu.
Ðối với Ấn Ðộ, quan hệ với Trung Quốc chưa bao giờ thân thiện, cho tới khi hai nước mở mang việc giao thương để cùng lo phát triển kinh tế. Sau mười năm, hiện nay Trung Quốc là bạn hàng buôn bán lớn nhất của Ấn Ðộ. Hải quân Ấn Ðộ hiện đứng hàng thứ 5 trên thế giới. Trung Quốc mới khai trương một hàng không mẫu hạm còn Ấn Ðộ đã có một chiếc mẫu hạm từ lâu, và tới năm 2020 sẽ thêm 3 mẫu hạm khác. Trong tuần trước, Ấn Ðộ đã quyết định đưa giàn hỏa tiền BrahMos tới tiểu bang Arunachal Pradesh vùng Ðông Bắc, nơi Trung Quốc vẫn coi thuộc về họ. Trước đây, chỉ có ba giàn BrahMos ở phía Tây, vùng biên giới Pakistan. Ấn Ðộ và Nga đã đồng ý sẽ bán loại hỏa tiễn này cho Việt Nam. Tên gọi hỏa tiễn cộng tác chế tạo ghép tên hai con sông lớn của hai nước, Brahmaputra và Moskva.
Trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Á Châu, Ấn Ðộ phải phản ứng, đã tăng cường các cuộc thao diễn hải quân với các nước Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Năm 2005, Ấn Ðộ đã tham dự các cuộc họp Thượng Ðỉnh Á Ðông mặc dù họ ở phía Nam Châu Á; và năm 2008 đã ký các thỏa ước tự do mậu dịch với các nước ASEAN. Úc, Nam Hàn cũng tham dự vào các diễn đàn này vì quyền lợi thiết thực.
Cuối cùng, Trung Quốc sẽ không phải chỉ lo về các nước Ðông Nam Á và lực lượng hải quân của Mỹ, mà trước hết phải đối đầu với Nhật Bản và Ấn Ðộ. Nếu có một cuộc chạy đua vũ trang ở Á Châu, thì hai quốc gia này sẽ chạy rất nhanh. Mà nguyên nhân chính là do thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong mấy năm qua. Ðộng cơ của giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể nằm trong nội tình Trung Quốc. Sau khi từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin, họ cần một nền tảng tinh thần mới để tác động người dân lục địa; và họ chọn chính sách đề cao chủng tộc. Hơn nữa, khi được khích động như thế, người ta có thể quên những cảnh bất công trong xã hội, nạn tham nhũng, và cảnh mất tự do dưới một chế độ độc tài chuyên chế. Với quá khứ chịu nhục nhã suốt từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, người dân Trung Hoa rất dễ bị khích động với lòng yêu nước và tự hào về nền văn minh Trung Hoa cổ truyền.
Tham vọng bành trướng của Trung Quốc có thể so sánh với tinh thần dân Nhật sau thời Minh Trị. Ở Nhật, nó đã đưa tới một chế độ quân phiệt và chủ trương xâm lăng các nước chung quanh. Nhưng Trung Quốc hiện nay sống trong một thế giới khác nước Nhật vào đầu thế kỷ 20. Một trăm năm trước, Nhật Bản là quốc gia duy nhất đã vươn lên theo kịp nhờ học hỏi các kỹ thuật các nước Tây phương. Ngày nay, khi Trung Quốc vươn lên, họ đã đi bước sau, còn lo đuổi sao cho kịp mức phát triển của Nam Hàn, Ðài Loan, Nhật Bản. Trong lúc đó, chính sách ngoại giao của Bắc Kinh chỉ khiến cho các nước Á Châu phải tìm đường kết thân với nhau, và ai cũng trông cậy vào Mỹ trong lúc đề phòng Trung Quốc. Trung Quốc thay đổi kinh tế theo đường lối tư bản đã thay đổi bản đồ địa lý chính trị trong vùng Á Ðông. Nhưng thái độ hung hăng của họ trong mấy năm qua hoàn toàn gây thiệt hại cho chính họ. Khi chính phủ một nước nhỏ như Lào mà cũng đứng lên phản đối chính sách “viện trợ” của nước láng giềng vĩ đại; khi ông Hunsen lẳng lặng xây dinh khác để ở; thì chúng ta hiểu Bắc Kinh không nên theo đuổi chính sách “bá quyền.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét